Điều trị tốt viêm gan B trong thai kỳ, 99% trẻ sinh ra khỏe mạnh, không lây bệnh từ mẹ - Bệnh viện Hùng Vương

Điều trị tốt viêm gan B trong thai kỳ, 99% trẻ sinh ra khỏe mạnh, không lây bệnh từ mẹ - Bệnh viện Hùng Vương

Điều trị tốt viêm gan B trong thai kỳ, 99% trẻ sinh ra khỏe mạnh, không lây bệnh từ mẹ - Bệnh viện Hùng Vương

Điều trị tốt viêm gan B trong thai kỳ, 99% trẻ sinh ra khỏe mạnh, không lây bệnh từ mẹ - Bệnh viện Hùng Vương

Điều trị tốt viêm gan B trong thai kỳ, 99% trẻ sinh ra khỏe mạnh, không lây bệnh từ mẹ - Bệnh viện Hùng Vương
Điều trị tốt viêm gan B trong thai kỳ, 99% trẻ sinh ra khỏe mạnh, không lây bệnh từ mẹ - Bệnh viện Hùng Vương

Điều trị tốt viêm gan B trong thai kỳ, 99% trẻ sinh ra khỏe mạnh, không lây bệnh từ mẹ

     Điều trị, kiểm soát tốt viêm gan B trên người mẹ cùng với việc theo dõi, thực hiện các phác đồ - liệu trình tiêm vắc xin, huyết thanh đầy đủ trên bé yêu sẽ mang lại kết quả rất tích cực: 99,9% thai phụ trải qua kỳ sinh nở tốt, và trên 99% trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, không bị lây bệnh từ mẹ. Đây là thông tin được TS.BS Phan Thị Hằng - Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương và BS.CK2 Đặng Ngọc Yến Dung - Trưởng khoa Khám bệnh B, Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ.

     Chủ động tiếp cận các giải pháp điều trị trước khi mang thai

     Người phụ nữ phát hiện viêm gan B trước khi mang thai sẽ được điều trị như thế nào? Tải lượng virus ở ngưỡng nào thì có thể mang thai an toàn, thưa BS?

     TS.BS Phan Thị Hằng trả lời: Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị viêm gan siêu vi B cấp tính nhưng có thuốc điều trị hiệu quả viêm gan siêu vi B mạn tính. Trong giai đoạn phát triển cấp tính, người phụ nữ nên được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa về nhiễm để điều trị và sử dụng các liệu pháp hỗ trợ sớm nhất có thể, giúp cơ thể vượt qua cơn cấp tính. Trường hợp nhiễm viêm gan siêu vi B mạn trước khi có thai, nên tiếp cận các giải pháp điều trị càng sớm càng tốt để giảm tải lượng virus, từ đó giảm nguy cơ lây nhiễm cho bé trong thời gian mang thai. Thông thường, khi bị nhiễm viêm gan siêu vi B, các bác sĩ thường cho bệnh nhân làm một số xét nghiệm. Xét nghiệm thường gặp là xem định lượng virus, mà từ chuyên môn gọi là tải lượng virus, là bao nhiêu. Tải lượng là khối lượng virus có trong máu theo đơn vị mililit. Trong thời gian mang thai, tải lượng virus dưới 200.000 đơn vị/ml, khả năng lây nhiễm cho bé thấp hơn nhiều so với nhóm trên 200.000 đơn vị.

     Theo cơ sở dữ liệu của Bệnh viện Hùng Vương, trong 100 thai phụ bị viêm gam siêu vi B, có khoảng 25 thai phụ có tải lượng virus trên 200.000 đơn vị/ml, chiếm tỷ lệ 25%. Do đó, nếu dự kiến có thai và đã xác định được tải lượng virus, hãy điều trị càng sớm càng tốt. Phụ nữ mang thai sẽ được bệnh viện cho làm xét nghiệm tầm soát để xem có bị viêm gan siêu vi B. Nếu kết quả cho thấy có nhiễm viêm gan siêu vi B, tiếp theo cần làm xét nghiệm tải lượng virus. Tải lượng virus trên 200.000 đơn vị/ml, thai phụ sẽ được khuyến cáo đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để các bác sĩ chuyên khoa nhiễm điều trị từ tuần 28 đến tuần 32 của thai kỳ, duy trì điều trị thuốc đến khi sinh.

     Với phương thức tiếp cận và điều trị như vậy, tất cả thai phụ đến khám tại Bệnh viện Hùng Vương đều được sàng lọc, phát hiện sớm nếu có biểu hiện viêm gan siêu vi B và có chính sách hỗ trợ điều trị sớm nhất có thể. Đến khi thai phụ sinh con sẽ có những biện pháp phòng ngừa cho bé sơ sinh.

 

TS.BS Phan Thị Hằng - Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương 

     Kiểm soát nguy cơ lây truyền viêm gan siêu vi B từ mẹ sang con

     Trong quá trình mang thai, người phụ nữ sẽ được theo dõi, kiểm soát ra sao để ngăn chặn việc lây truyền từ mẹ sang con?

     TS.BS Phan Thị Hằng trả lời: Như đã chia sẻ, việc ngăn chặn hoàn toàn có thể được các bác sĩ hỗ trợ bằng cách sử dụng thuốc. Thai phụ có tải lượng virus trên 200.000 đơn vị/ml sẽ được dùng thuốc tenofovir với liều 300mg, mỗi ngày 1 viên liên tục cho đến lúc sinh. Giải pháp này giúp thai phụ có tải lượng virus cao hạn chế khả năng lây nhiễm. Điều này không có nghĩa là tất cả thai phụ xác định có viêm gan siêu vi B bất chấp tải lượng virus là bao nhiêu đều điều trị được. Mặc dù thuốc tenofovir đã được chứng minh là an toàn trong quá trình mang thai nhưng chỉ khuyến cáo sử dụng cho những phụ nữ có tải lượng virus cao, từ 200.000 đơn vị/ml trở lên.

     Những đơn vị không xét nghiệm được tải lượng virus có thể xét nghiệm HbeAg. HbeAg là một loại kháng nguyên cho thấy khả năng lây nhiễm virus còn tồn tại rất cao nếu cơ thể người mẹ có HbeAg dương tính. Những bà mẹ có HbeAg cũng được khuyến cáo sử dụng thuốc dự phòng, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho bé. Việc sử dụng thuốc phải có chọn lọc.

     Thuốc điều trị dự phòng lây truyền viêm gan B an toàn cho thai kỳ

     Các thuốc điều trị viêm gan B có ảnh hưởng đến thai nhi không?

     BS.CK2 Đặng Ngọc Yến Dung trả lời: Rất nhiều nghiên cứu chứng minh được nồng độ HBV trong máu của người mẹ cao, từ 200.000 đơn vị/ml trở lên, làm tăng nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Do đó, khoa học đã đưa vào khuyến cáo sử dụng thuốc điều trị dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Thuốc này an toàn trong thai kỳ, được sử dụng từ tuần 28 đến tuần 32 của thai kỳ đối với những thai phụ có tải lượng virus cao. Những thai phụ được điều trị dự phòng bằng thuốc kèm với dự phòng miễn dịch (em bé được tiêm vắc xin và tiêm globulin miễn dịch kháng viêm gan siêu vi B) có thể hạ thấp tỷ lệ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con xuống dưới 1%.

     Việc khám và điều trị ở 2 chuyên khoa khác nhau khiến nhiều mẹ bầu lo lắng các loại thuốc trong thời gian mang thai và thuốc điều trị dự phòng lây truyền viêm gan B có thể tương tác với nhau, ảnh hưởng đến sức khỏe. BS nghĩ sao về quan điểm này?

     BS.CK2 Đặng Ngọc Yến Dung trả lời: Nếu đang trong giai đoạn mang thai và cần điều trị, đó là sự phối hợp giữa chuyên khoa sản và chuyên khoa nhiễm. Bà mẹ khám thai định kỳ tại bệnh viện sản, sau đó khám và theo dõi ở chuyên khoa nhiễm để được điều trị dự phòng trong những tình huống cần thiết phải điều trị dự phòng.

     Người ta thấy rằng những phụ nữ đang bị viêm gan siêu vi B mà lại mang thai thì cần có sự phối hợp giữa 2 chuyên khoa. Bà mẹ sẽ được khám và đánh giá toàn diện về tuổi thai, tình trạng bệnh gan, đang uống thuốc điều trị viêm gan gì. Nếu người mẹ đang uống thuốc những thuốc không phải tenofovir, người mẹ phải được chuyển sang điều trị tiếp tục bằng tenofovir.

     Tình huống người mẹ bị viêm gan B nhưng lâm sàng ổn định, men gan đã trở về bình thường, HbeAg âm tính, có thể ngưng điều trị nhưng phải được theo dõi sát bởi chuyên khoa nhiễm để tránh các đợt bùng phát viêm gan, làm tổn hại tế bào gan. Khi ngừng điều trị, có trường hợp nồng độ siêu vi trong máu người mẹ tăng lên. Khi đó cần phải điều trị dự phòng bằng thuốc để giúp giảm nguy cơ lây truyền viêm gan siêu vi B từ mẹ sang con.

 

 

     Phụ nữ bị viêm gan B vẫn có thể sinh con khỏe mạnh

     Tại Bệnh viện Hùng Vương, tỷ lệ người mẹ nhiễm viêm gan B sinh con khỏe mạnh là bao nhiêu? Nhờ BS chia sẻ thêm về thông tin này hoặc minh chứng bằng 1 hoặc vài trường hợp cụ thể để tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho các mẹ bầu đang điều trị căn bệnh này.

     TS.BS Phan Thị Hằng trả lời: 99,9% thai phụ viêm gan siêu vi B trải qua sinh nở có kết quả tốt cho mẹ và bé, nếu được thăm khám, theo dõi, sử dụng thuốc phòng ngừa lây truyền mẹ - con và bé cũng được sử dụng những loại thuốc, tiêm ngừa vắc xinß hay kháng huyết thanh ngay trong vòng 12 giờ sau sinh. Đây là những khuyến cáo, cập nhật từ Tổ chức Y tế Thế giới.

     Ngay tại Bệnh viện Hùng Vương, chúng tôi đã có rất nhiều mẹ sinh con bình thường. Tuy nhiên, như đã đề cập, vẫn có 1% tình huống mẹ bị viêm gan tối cấp. Trong năm 2023 và những năm trước đó, tại Bệnh viện Hùng Vương, trung bình mỗi năm chỉ có 1 - 3 trường hợp chuyển biến thành thể viêm gan tối cấp. Đây là những tình huống bị động và sản phụ nhập viện trong tình trạng viêm gan tối cấp chuyển biến nặng. Lúc này đã gần với những giai đoạn chuyển dạ hoặc tiến triển tiếp tục sau khi sinh. Sự phá hủy tế bào gan, suy gan, suy đa cơ quan dẫn đến những kết cục đau lòng ở người mẹ.

     Đối với bé, nếu có những chế độ theo dõi, chăm sóc tốt, trên 99% bé hoàn toàn khỏe mạnh và có kết quả không bị viêm gan siêu vi B sau thời gian tiêm ngừa những liều tiếp theo để bổ sung. Phác đồ thông thường là tiêm huyết thanh viêm gan và có 1 liều viêm gan sau khi sinh 12 giờ. Sau sinh 2 tháng, 3 tháng và 4 tháng, những bé có mẹ bị viêm gan siêu vi B vẫn phải tiếp tục tiêm ngừa. Với liệu trình này, khả năng bé từ 9 - 12 tháng không bị nhiễm viêm gan giảm xuống, tỷ lệ còn 1%.

     Bộ Y tế đặt mục tiêu năm 2030, trẻ dưới 5 tuổi mắc viêm gan siêu vi B giảm dưới 0,1%

     Hiện nay nước ta đã áp dụng những chiến lược - giải pháp nào trong việc bảo vệ mẹ và bé trước bệnh lây truyền này, thưa BS?

     BS.CK2 Đặng Ngọc Yến Dung trả lời: Hiện nay, Việt Nam đang có kế hoạch hành động quốc gia, tiến đến loại trừ 3 bệnh lây truyền từ mẹ sang con, bao gồm: HIV, viêm gan siêu vi B và bệnh giang mai.

     Bộ Y tế đã có những quyết định để thực hiện chiến lược này. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, đạt 95% tỷ lệ phụ nữ mang thai, có khám thai ít nhất 1 lần trong thai kỳ; ít nhất 95% phụ nữ được sàng lọc viêm gan siêu vi B trong thai kỳ và tối thiểu 95 % tỷ lệ phụ nữ bị viêm gan siêu vi B được điều trị. Những chiến lược này nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi mắc viêm gan siêu vi B giảm dưới 0,1%.

     Mẹ bị viêm gan B, trẻ cần tiêm huyết thanh và vắc xin ngừa bệnh trong vòng 12h sau sinh

     Trẻ được sinh ra từ người mẹ mắc viêm gan B, liệu trình tiêm huyết thanh và vắc xin phòng ngừa viêm gan B như thế nào (bao gồm cả lúc mới sinh và liệu trình tiêm nhắc lại khi trẻ lớn), thưa BS?

     - Vì sao cần cả huyết thanh lẫn vắc xin? Trong trường hợp chỉ được tiêm huyết thanh thì khả năng bảo vệ được bao nhiêu ạ?

     - Thời điểm nào trẻ cần được làm các xét nghiệm để xác định tình trạng viêm gan B - đáp ứng kháng thể và đó là những xét nghiệm gì, thưa BS?

     TS.BS Phan Thị Hằng trả lời: Đối với những trẻ sinh ra bởi người mẹ mắc viêm gan siêu vi B, trong vòng 12 giờ đầu sau sinh, bé phải được tiêm 2 loại vắc xin. Đầu tiên là tiêm kháng huyết thanh viêm gan, giúp hỗ trợ bổ sung kháng thể, bảo vệ cơ thể của bé, phòng ngừa khả năng nhiễm viêm gan từ virus qua đường máu của mẹ.

     Loại thứ hai là vắc xin phòng ngừa viêm gan siêu vi B, được tiêm trong vòng 12 giờ đầu sau sinh. Sau đó, bé tiếp tục chích vắc xin viêm gan siêu vi B ở tháng thứ 2, tháng thứ 3 và tháng thứ 4 sau sinh.

     Sau khi hoàn tất quá trình theo dõi, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm để kiểm tra viêm gan siêu vi B cho bé vào thời điểm 9 - 12 tháng. Giai đoạn này, bác sĩ làm xét nghiệm HBsAg và tìm kháng thể sau khi tiêm đủ vắc xin, cơ thể bé có bị nhiễm viêm gan siêu vi B hay không. Bởi vì, trong nghiên cứu cho thấy, có 1% bé bị nhiễm viêm gan siêu vi B sau tiêm vắc xin, chưa được loại trừ tuyệt đối.

     Ngoài ra, sau tiêm vắc xin ở tháng thứ 4, khi bé được 6 tháng tuổi, sẽ được thử lại HBsAg và kháng thể để kiểm tra viêm gan siêu vi B.

     Các loại vắc xin này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bé, đến nay chưa có nghiên cứu nào cho thấy sự ảnh hưởng của vắc xin lên quá trình tăng trưởng của con. Thông thường, giai đoạn 9 - 12 tháng hoặc 6 tháng sau sinh sẽ cho bé xét nghiệm lại, nếu bị viêm gan, bắt buộc tiếp tục theo dõi. Trường hợp bé không bị viêm gan và không có kháng thể, sẽ được tiêm bổ sung ít nhất một liều hoặc 1 - 3 liều vắc xin ngừa viêm gan, tăng khả năng giúp cơ thể đáp ứng miễn dịch. Bởi vì, có một số trường hợp sau chích vắc xin, cơ thể không đáp ứng tạo ra kháng thể (kháng thể dưới 10ml). Sau một đợt chích, bé sẽ được kiểm tra lại về đáp ứng miễn dịch. Tuy nhiên, hơn 90% bé sau khi chích 1 liều vắc xin đã đáp ứng được kháng thể, sau khi chích 3 liều, cơ thể bé chính thức có kháng thể, hiếm gặp trường hợp không đáp ứng với việc chích vắc xin và không tạo ra kháng thể. Những kháng thể này đủ để bảo vệ cho bé suốt đời.

 

 

     Phụ nữ mắc viêm gan siêu vi B cần chú ý gì khi mang thai IVF?

     Phụ nữ nhiễm viêm gan siêu vi B, mang thai IVF, cần chú ý những vấn đề nào xuyên suốt thai kỳ, thưa BS? Việc điều trị - theo dõi có khác với các thai phụ mang thai tự nhiên? 

     BS.CK2 Đặng Ngọc Yến Dung trả lời: Các bà mẹ mang thai IVF có rất nhiều tình huống xảy ra. Thứ nhất, phụ nữ khi chưa mang thai đã biết bị viêm gan siêu vi B và chuẩn bị làm IVF. Trường hợp này, người phụ nữ cần được thăm khám bởi bác sĩ khoa nhiễm và đảm bảo tình trạng bệnh gan ổn định, tải lượng siêu vi dưới ngưỡng phát hiện, nhằm đảm bảo sức khỏe tốt nhất khi bắt đầu tiến hành vào thực hiện chu trình IVF.

     Thứ hai, trong quá trình thực hiện IVF, người mẹ sẽ được xét nghiệm sàng lọc phát hiện viêm gan siêu vi B. Trường hợp này sẽ kết hợp chuyên khoa sản để quản lý thai kỳ đối với mẹ và chuyên khoa nhiễm, thực hiện khám và đánh giá toàn diện, tình trạng viêm gan siêu vi B của mẹ đang nằm ở giai đoạn nào để có phương án điều trị phù hợp.

     Nếu trong giai đoạn chưa cần điều trị cho bản thân, người mẹ sẽ được điều trị dự phòng việc lây truyền viêm gan siêu vi B từ mẹ sang con. Trong trường hợp này, mẹ sẽ được điều trị tự phòng ở thời điểm mang thai từ 24 - 28 tuần, xuyên suốt đến cuối thai kỳ.

     Chân thành cảm ơn Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em từ Công ty Ajinomoto Việt Nam đã đồng hành cùng Bệnh viện Hùng Vương và AloBacsi trong chương trình này!

     Chương trình Radar Sản Phụ Khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào 19h thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng. Chương trình đã thực hiện 4 chủ đề:

- Bệnh viện Hùng Vương đồng hành trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe chị em phụ nữ

- Trữ trứng - giải pháp mới cho phụ nữ hiện đại

- Viêm âm đạo và những điều cần biết

- Bệnh lý sàn chậu sau sinh - Dự phòng và điều trị

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác