DINH DƯỠNG CHO BÀ MẸ NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ
Sau khi sinh, người mẹ cần cho con bú sớm (trong vòng 1 giờ đầu sau sinh), cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn. Trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM), nhất là trong 6 tháng đầu tiên sau khi sinh, chế độ dinh dưỡng của bà mẹ cần đảm bảo cho người mẹ tiết đủ sữa với chất lượng tốt để NCBSM và duy trì tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của chính mình.
1. Nguyên tắc chung
- Chế độ ăn nhiều hơn về số lượng (đủ nhu cầu) và đảm bảo tính đa dạng thực phẩm (có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm/ bữa chính). Thức ăn dễ tiêu hóa, giàu chất dinh dưỡng.
- Khẩu phần cả ngày của bà mẹ cho con bú nên chia làm nhiều bữa trong ngày (3-6 bữa/ngày).
- Uống đủ nước: 2,5 - 3 lít nước/ ngày (từ 12 đến 15 cốc nước).
2. Nhu cầu khuyến nghị
Nhu cầu cụ thể của bà mẹ cho con bú tùy theo tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ trước và trong thời kỳ mang thai, cụ thể:
- Nhóm các bà mẹ trước khi mang thai và trong thai kỳ có chế độ dinh dưỡng tốt, đạt mức tăng cân từ 9 - 12kg: Cần ăn nhiều hơn để đảm bảo năng lượng tăng thêm 500 kcal/ ngày (tương đương 3 bát cơm và thức ăn hợp lý) và đạt mức 2260 kcal/ ngày đối với người lao động nhẹ và 2550 kcal/ngày đối với người lao động trung bình.
- Nhóm các bà mẹ thời kỳ chưa mang thai và thời kỳ mang thai có chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, có mức tăng cân ít hơn 9kg: Cần phải cố gắng ăn nhiều và đa dạng hơn các loại thực phẩm khác nhau, để đảm bảo năng lượng tăng thêm 675 kcal/ ngày.
Protein: Lượng chất đạm cần được cung cấp đầy đủ trong quá trình cho con bú theo khuyến cáo cho người Việt Nam: thêm 19g/ ngày so với nhu cầu bình thường, nâng tổng số lên 78g/ngày. Lượng protein động vật nên đạt ≥ 35% protein tổng số. Nên lựa chọn các thực phẩm có protein chất lượng (thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ). Số lượng thực phẩm có thể ước tính là 100g thịt/cá cung cấp khoảng 20g protein, 100g đậu phụ cung cấp khoảng 10g protein, 6,5 đơn vị sữa/ngày (uống sữa hoặc ăn các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai). Nên ăn cá ít nhất 3 lần/tuần.
Chất béo: Lượng chất béo ăn vào cần cung cấp 30-35% năng lượng khẩu phần. Khuyến khích sử dụng các chất béo có nhiều các acid béo không no chuỗi dài đa nối đôi như n3, n6, EPA, DHA (có nhiều một số loại dầu thực vật, dầu cá, một số loại cá mỡ). Lượng chất béo này rất quan trọng cho sự phát triển tối ưu trí não và thị lực của bé.
Vitamin và khoáng chất:
- Các vitamin và khoáng chất rất cần bổ sung cho người mẹ nuôi con bú. Ngoài việc bổ sung bằng các thực phẩm tự nhiên trong bữa ăn hàng ngày cần đủ rau xanh (≥ 400g trái cây, rau củ/ ngày) và đủ chất xơ để tránh táo bón.
- Bà mẹ cho con bú cần được bổ sung 1 liều vitamin A 200.000 đơn vị trong vòng 1 tháng sau khi sinh để đảm bảo cung cấp vitamin A cho trẻ qua sữa. Trong trường hợp cần thiết, người mẹ cần tuân thủ chỉ định của thầy thuốc về bổ sung các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là sắt, kẽm, vitamin D và canxi.
- Ngoài ra mẹ cần có nhiều thời gian dành cho giấc ngủ, tránh căng thẳng và cho trẻ bú thường xuyên để kích thích tạo sữa.
3. Những điều cần tránh khi cho con bú mẹ
- Không nên ăn uống kiêng khem quá mức (ăn ít rau, không chú ý uống nước, quá nhiều gia vị cay, mặn…).
- Không ăn các thức ăn dễ ôi thiu hoặc nghi ngờ ôi thiu vì dễ gây ngộ độc.
- Hạn chế ăn các thức ăn có nhiều gia vị (hành, tỏi, ớt..), không uống rượu, cà phê và hút thuốc lá.
- Tránh lao động quá mức.
- Tránh lo lắng, buồn phiền, bực tức, giận dữ.
- Khi cho con bú nếu cần dùng thuốc phải hỏi ý kiến thầy thuốc, không nên tự ý dùng thuốc vì có thể nguy hại cho con và có thể làm cạn nguồn sữa mẹ.
- Các bà mẹ cho con bú sẽ giảm cân tốt hơn so với các bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ do mỡ tích lũy trong thời gian mang thai sẽ được chuyển hóa thành sữa cho con bú. Do đó các bà mẹ không ăn kiêng trong giai đoạn này vì người mẹ sẽ cần có bữa ăn đa dạng, nhiều năng lượng hơn bình thường để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình và tạo đủ sữa cho con. Vào giai đoạn này, muốn giảm cân, bà mẹ chỉ cần có chế độ dinh dưỡng cân bằng và tập thể dục đều đặn mỗi ngày, đồng thời giảm bớt lượng đường và không nên sử dụng đồ uống có cồn.
BS. Lê Phạm Anh Vy - Khoa Dinh dưỡng Tiết chế
Cập nhật: 03/3/2023
Bài viết khác
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)
- Các hình thức thanh toán (22-06-2023)
- Hướng dẫn tra cứu hóa đơn điện tử (20-12-2024)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số 21: Ngừa thai khẩn cấp và tránh thai hằng ngày - Như thế nào là đúng? (17-12-2024)