Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư điều trị hoá chất - Bệnh viện Hùng Vương

Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư điều trị hoá chất - Bệnh viện Hùng Vương

Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư điều trị hoá chất - Bệnh viện Hùng Vương

Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư điều trị hoá chất - Bệnh viện Hùng Vương

Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư điều trị hoá chất - Bệnh viện Hùng Vương
Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư điều trị hoá chất - Bệnh viện Hùng Vương

Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư điều trị hoá chất

     Hoá trị là một trong ba phương pháp chính điều trị ung thư. Các hoá chất điều trị có nhiều tác dụng phụ góp phần gây suy giảm tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân. Suy giảm dinh dưỡng làm tăng độc tính của thuốc, giảm hiệu quả điều trị và kéo dài thời gian nằm viện. Vậy chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân ung thư trong quá trình hoá trị cần chú ý gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

     1. Nguyên tắc chung

     Bệnh nhân ung thư giai đoạn hoá trị có nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cao hơn người bình thường. Một chế độ dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ các nhóm chất là điều cần thiết.

     Nhóm protein có nhiều trong cá, thịt, hải sản, trứng, các loại đậu, hạt,… dùng để tạo nên các hợp chất quan trọng và xây dựng cấu trúc cơ thể. Protein cần được cung cấp đủ hằng ngày. Nên ưu tiên ăn cá và các loại thịt trắng hơn là thịt đỏ. Các loại đậu, hạt, nấm, bông cải xanh,… là nguồn protein thực vật nên được bổ sung hằng ngày, đặc biệt phù hợp cho bệnh nhân ăn chay.

     Nhóm tinh bột từ gạo, khoai, bắp,... nên được sử dụng với lượng vừa phải. Ưu tiên các loại ngũ cốc thô, chưa qua xay xát kỹ như gạo lứt, yến mạch… Tuy nhiên, trong các trường hợp như viêm loét miệng, tiêu chảy,... nên hạn chế sử dụng ngũ cốc thô.

     Nhóm chất béo có mặt trong các loại cá béo, dầu mỡ… nên được sử dụng ở lượng vừa đủ. Các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá thu,... là nguồn cung cấp omega-3 quý giá, cần thiết cho bệnh nhân ung thư, nên được sử dụng thường xuyên, ít nhất 3 lần/tuần.

     Rau xanh cung cấp vitamin và chất xơ cho cơ thể. Một số loại rau còn chứa các chất chống oxy hóa, các chất chống ung thư. Bệnh nhân ung thư nên ăn ít nhất 300g rau xanh hằng ngày. Nên ăn đa dạng các loại rau để có được dinh dưỡng đầy đủ và cân đối.  

     Để đảm bảo cung cấp đủ và cân đối thực phẩm, bệnh nhân ung thư có thể áp dụng nguyên tắc Dĩa thức ăn dinh dưỡng. Trong đó, rau củ quả chiếm ½ dĩa, thức ăn giàu đạm chiếm ¼ dĩa, tinh bột chiếm ¼ dĩa.

     Bệnh nhân ung thư là đối tượng có nguy cơ suy dinh dưỡng. Bên cạnh 3 bữa ăn chính đầy đủ các nhóm chất, bệnh nhân nên ăn thêm 2-3 cử phụ một ngày. Cử phụ nên dùng có thể là sữa, trứng gà, trái cây hoặc các loại bánh. Sữa là nguồn cung cấp Canxi tốt nhất trong các loại thực phẩm và là bữa ăn thay thế tiện lợi, dễ tìm trong trường hợp nôn mửa nhiều, ăn uống kém. Bệnh nhân ung thư nên uống ít nhất 300ml sữa/ngày.

     Nước đóng vai trò quan trọng đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn hóa trị. Cung cấp đủ nước giúp giảm độc tính của thuốc, giúp dự phòng và điều trị mất nước ở bệnh nhân tiêu chảy, nôn ói nhiều. Vì vậy, người bệnh nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.

     2. Chế độ dinh dưỡng khi bệnh nhân buồn nôn, nôn ói nhiều

     Buồn nôn, nôn ói là một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất trong quá trình hoá trị. Nôn nhiều làm bệnh nhân ăn uống kém và mất nước.

     Trong trường hợp này, nên chia chế độ ăn thành nhiều cử nhỏ trong ngày. Ưu tiên chọn những thức ăn khô như bánh mì giòn, bánh quy, ngũ cốc... Tránh ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, nặng mùi. Nên uống đủ nước, mỗi lần một lượng nhỏ, xa bữa ăn. Nên uống nước ấm. Tránh nằm ngay sau ăn, nên nằm nghiêng trái.

     3. Chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân bị viêm loét miệng

     Bệnh nhân hoá trị có thể bị viêm loét miệng từ nhẹ đến nặng, làm ảnh hưởng đến việc ăn uống qua đường miệng.

     Để làm giảm tình trạng này, nên chế biến thức ăn dưới dạng mềm, nhuyễn. Ưu tiên thức ăn lạnh, tránh thức ăn chua, cay, mặn, nóng để giảm kích ứng niêm mạc miệng.

     Bên cạnh đó, cần vệ sinh răng miệng thường xuyên, đặc biệt sau mỗi lần ăn uống.

     4. Chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân bị thiếu máu

     Sau mỗi đợt hoá trị, bệnh nhân có thể bị giảm các tế bào hồng cầu gây thiếu máu. Bệnh nhân thiếu máu dễ bị hoa mắt, chóng mặt, đau đầu.

     Chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân thiếu máu cần cung cấp đủ đạm, sắt và vitamin. Những thực phẩm chứa nhiều đạm và sắt như: thịt bò, sò huyết, huyết, gan, tim,... Ngoài ra nên dùng các loại rau màu xanh đậm, trái cây giàu vitamin C như cam, chanh, bưởi, ớt chuông,…

     5. Chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân bị giảm bạch cầu hạt

     Giảm bạch cầu hạt sau hóa trị là một trong những tác dụng phụ thường gặp, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng trên bệnh nhân ung thư. Tình trạng này được phát hiện thông qua xét nghiệm máu, được bác sĩ thông báo cho bệnh nhân.

     Chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân bị giảm bạch cầu hạt cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh nhiễm trùng đường tiêu hoá.

     Nguyên tắc chung là Ăn chín -  Uống sôi. Thức ăn nên được ăn ngay sau khi nấu, không để quá 2 giờ. Bệnh nhân chỉ nên uống sữa tiệt trùng, không uống sữa thanh trùng. Nên sử dụng nước đã đun sôi hoặc nước đóng chai. Không nên uống nước hứng trực tiếp từ vòi. Trái cây cần được rửa thật kỹ, gọt vỏ trước khi ăn.

     6. Một số lưu ý khác

     Bên cạnh việc ăn uống, chế độ sinh hoạt cũng cần được chú ý. Ngoài thời gian nghỉ ngơi tại giường, bệnh nhân nên vận động nhẹ nhàng, đi bộ hoặc tập yoga. Một giấc ngủ sâu trên 8 tiếng, sau khi tập thiền hoặc nghe nhạc không lời, sẽ giúp giảm căng thẳng, phục hồi sức khoẻ. Dinh dưỡng không chỉ quan trọng trong thời gian nằm viện. Sau đợt điều trị, bệnh nhân cần được bổ sung dinh dưỡng bằng chế độ giàu năng lượng và dưỡng chất, để tăng cường phục hồi sức khỏe, chuẩn bị cho đợt điều trị tiếp theo.

Người viết: BS. Nguyễn Hồ Đan Nguyên

Khoa Dinh dưỡng tiết chế - Quý 1/2024

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác