1. Double test là gì?
Double test là xét nghiệm kiểm tra và định lượng nồng độ β-hCG tự do và PAPP-A trong máu của phụ nữ mang thai, kết hợp với siêu âm độ mờ da gáy, tuổi mẹ, tuổi thai nhi… để đánh giá nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể ở thai nhi như hội chứng Down, Edwards (Trisomy 18) và Patau (Trisomy 13).
2. Xét nghiệm sàng lọc Double test thực hiện khi nào?
Bộ Y tế khuyến cáo tất cả phụ nữ khi mang thai đều nên thực hiện xét nghiệm Double test để sàng lọc trước sinh, đặc biệt phải kể đến những thai phụ nằm trong nhóm nguy cơ cao gồm:
- Mang thai ở độ tuổi 35 trở lên
- Tiền sử sảy thai, thai lưu
- Từng sinh con mắc dị tật bẩm sinh
- Người bị nhiễm virus trong quá trình mang thai
- Người có kết quả siêu âm độ mờ da gáy nguy cơ cao
3. Khoảng thời gian thực hiện xét nghiệm Double test?
Thời điểm tốt nhất để thực hiện Double test là vào tuổi thai tuần 11 → 13 tuần 6 ngày Xét nghiệm này an toàn cho cả mẹ và bé nên các thai phụ có thể yên tâm thực hiện.
4. Cách thực hiện xét nghiệm Double test.
Trước khi tiến hành xét nghiệm, thai phụ không cần nhịn ăn uống.
Thai phụ được siêu âm hình thái học 3 tháng đầu thai nhi, bao gồm đô độ mờ da gáy thai nhi.
Thai phụ cần khai đầy đủ thông tin cần thiết để nhập lên phiếu yêu cầu xét nghiệm như ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối cùng, số ngày vòng kinh, chu kỳ kinh nguyệt có đều không, ngày siêu âm thai gần nhất, tuần thai, số lượng thai, kích thước thai nhi (chiều dài đầu – mông), độ mờ da gáy thai nhi NT…
Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành lấy máu ở tĩnh mạch tay của thai phụ để làm xét nghiệm và trả kết quả sau khoảng 7-10 ngày.
5. Kết quả xét nghiệm Double test:
Nồng độ β-hCG tự do (mU/mL) và PAPP-A (mU/mL) sẽ được định lượng bằng cách sử dụng một phần mềm sàng lọc trước sinh chuyên dụng để tính toán hiệu chỉnh theo tuổi mẹ (tính theo năm), tuổi thai (tính theo tuần + ngày), cân nặng của mẹ (kg), chủng tộc, tuổi thai, chiều dài đầu mông, độ mờ da gáy… thành một đơn vị đa trung bình MoM (multiple of median).
Giá trị ngưỡng thấp và cao của các thông số để đánh giá nguy cơ dị tật bẩm sinh thai nhi là:
- β-hCG tự do < 0,4 hoặc > 2,5 MoM
- PAPP-A < 0,4 MoM
Dựa vào giá trị trung bình đó bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán mức độ nguy cơ mắc các hội chứng dị tật của thai nhi cao hay thấp.
Double test là một phương pháp sàng lọc thường quy, nhưng Double test không phải là một xét nghiệm chẩn đoán. Với độ chính xác khoảng 80-90%, kết quả sàng lọc chỉ kết luận thai nhi có nguy cơ cao hay thấp với các hội chứng mà chưa kết luận được cụ thể thai nhi có bị mắc dị tật bẩm sinh hay không.
Bởi vậy, khi có kết quả sàng lọc Double test có nguy cơ cao, mẹ bầu cần thực hiện thêm những phương pháp sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán khác như phương pháp sàng lọc trước sinh không xâm lấn (NIPT) ) hoặc chọc ối (xâm lấn) sẽ có độ chính xác cao đến 99,9% để đánh giá một cách chính xác tình trạng sức khỏe của thai nhi.
Bài viết khác
- Lịch khám thai và lưu ý trong sinh hoạt khi mẹ bầu dọa sinh non (20-01-2025)
- Điều trị dự phòng sanh non có ưu và nhược điểm gì? (20-01-2025)
- Dấu hiệu cảnh báo dọa sinh non: Mẹ bầu cần biết ngay (20-01-2025)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số 23: Dọa sanh non - Mẹ bầu đừng vội hoảng hốt (20-01-2025)
- Chi phí điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm chỉ bằng 1% so với giai đoạn cuối (20-01-2025)