Enoxaparin trong thai kỳ - Bệnh viện Hùng Vương

Enoxaparin trong thai kỳ - Bệnh viện Hùng Vương

Enoxaparin trong thai kỳ - Bệnh viện Hùng Vương

Enoxaparin trong thai kỳ - Bệnh viện Hùng Vương

Enoxaparin trong thai kỳ - Bệnh viện Hùng Vương
Enoxaparin trong thai kỳ - Bệnh viện Hùng Vương

Enoxaparin trong thai kỳ

     1. Enoxaparin là thuốc gì?

     Enoxaparin là thuốc chống đông máu thuộc nhóm heparin phân tử lượng thấp. Thuốc thường được sử dụng để phòng ngừa và điều trị các rối loạn đông máu như huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi. Trong thời kỳ mang thai, nguy cơ hình thành cục máu đông tăng lên do những thay đổi sinh lý trong cơ thể người mẹ. Enoxaparin được coi là lựa chọn an toàn và hiệu quả trong việc quản lý nguy cơ huyết khối ở phụ nữ mang thai.

     2. Huyết khối tĩnh mạch và thai kỳ:

     Sự hình thành huyết khối tĩnh mạch là do sự phối hợp của 3 yếu tố: ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch, rối loạn quá trình đông máu gây tăng đông và tổn thương thành mạch. Các thay đổi sinh lý và giải phẫu trong thai kỳ làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch bao gồm tăng đông máu, tăng ứ trệ tĩnh mạch, giảm lưu lượng tĩnh mạch, đè ép tĩnh mạch chủ dưới và tĩnh mạch chậu do sự lớn lên của tử cung và giảm khả năng vận động của sản phụ. Thai kỳ cũng làm tăng đông và làm thay đổi nồng độ của các yếu tố đông máu.

     Nguy cơ huyết khối tĩnh mạch xuất hiện từ đầu thai kỳ và tăng lên vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nguy cơ huyết khối tĩnh mạch trong giai đoạn hậu sản cao hơn trong thai kỳ, đặc biệt trong tuần đầu giai đoạn hậu sản.

  • Tiền sử bị huyết khối: đây là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất, nguy cơ huyết khối tĩnh mạch tái phát trong thai kỳ tăng 3 – 4 lần. 15-25% các trường hợp huyết khối tĩnh trong thai kỳ là do tái phát.
  • Bệnh lý tăng đông mắc phải hoặc di truyền (hội chứng kháng phospholipid, đồng hợp tử yếu tố V Leiden, …): chiếm 20-25% các trường hợp huyết khối tĩnh mạch trong thai kỳ và giai đoạn hậu sản.
  • Các yếu tố nguy cơ khác: bệnh tim, bệnh lý hemoglobin, tăng huyết áp, tiền sản giật, hội chứng thận hư, lupus ban đỏ hệ thống, mổ lấy thai, băng huyết sau sinh, nghén nặng, truyền máu, thai lưu, nhiễm trùng hậu sản, hỗ trợ sinh sản, đa thai, sinh non, tuổi > 35, béo phì (BMI >30 kg/m2), hút thuốc lá (> 10 điếu/ngày), bất động thời gian dài, ...

 

     

 

     Thai phụ mắc hội chứng antiphospholipid hoặc có tiền sử sảy thai liên quan đến huyết khối, enoxaparin không chỉ giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông mà còn có thể cải thiện đáng kể kết cục của thai kỳ. Hội chứng antiphospholipid là một rối loạn tự miễn dịch gây tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, có thể dẫn đến suy nhau thai, thai chết lưu hoặc sảy thai liên tiếp. Việc sử dụng enoxaparin trong các trường hợp này giúp duy trì lưu thông máu tốt đến nhau thai, cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cho thai nhi, từ đó giảm nguy cơ các biến chứng như tiền sản giật, sinh non hoặc suy tuần hoàn nhau thai. Ngoài ra, enoxaparin cũng hỗ trợ việc ổn định thai kỳ ở những phụ nữ đã từng gặp khó khăn trong việc duy trì thai kỳ thành công, tăng cơ hội sinh con khỏe mạnh.

     3. Sử dụng Enoxaparin trong thai kỳ:

     Enoxaparin an toàn cho phụ nữ mang thai và cho con bú vì thuốc không qua nhau thai và bài tiết qua sữa mẹ với lượng rất nhỏ. Thuốc có khả năng dung nạp tốt, nguy cơ gây giảm tiểu cầu do heparin tương đối thấp (< 1% so với heparin chưa phân đoạn với tỷ lệ < 5%). Enoxaparin vượt trội hơn trong việc giảm các biến chứng huyết khối, xuất huyết nặng và tử vong so với heparin chưa phân đoạn. Enoxaparin được ưu tiên cho bệnh nhân có GFR > 30 ml/phút trong thời gian mang thai. Phụ nữ mắc hội chứng kháng phospholipid hoặc có từ 02 bệnh trở lên về tăng đông máu được khuyến cáo sử dụng thuốc lâu dài.

     Enoxaparin phải được sử dụng theo chỉ định của Bác sĩ và hướng dẫn của nhân viên y tế. Nếu gặp phản ứng có hại nào trong quá trình dùng thuốc (xuất huyết, chảy máu cảm, …), cần phải dừng thuốc ngay và đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

     Tài liệu tham khảo:

  1. QĐ số 3908/QĐ-BYT về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn điều trị dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch”, 2023
  2. Hướng dẫn điều trị sản phụ khoa 2024 – Bệnh viện Hùng Vương
  3. Dược thư quốc gia Việt Nam 2022 – Chuyên luận Enoxaparin natri
  4. Royal College of Obstetricians and Gynaecologists (RCOG). (2015). Reducing the Risk of Venous Thromboembolism during Pregnancy and the Puerperium. Green-top Guideline No. 37a.
  5. Brigg's Drugs in Pregnancy and Lactation: A Reference Guide to Fetal and Neonatal Risk, 12th, 2021
  6. Bates, S. M., Greer, I. A., Middeldorp, S., Veenstra, D. L., Prabulos, A. M., & Vandvik, P. O. (2012). VTE, thrombophilia, antithrombotic therapy, and pregnancy: antithrombotic therapy and prevention of thrombosis: American College of Chest Physicians Evidence-Based Clinical Practice Guidelines. Chest, 141(2), e691S-e736S.
Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác