Xương đòn trẻ sơ sinh cùng với các loại xương khác như xương cánh tay, cẳng tay, đùi là xương thường bị gãy liên quan đến quá trình sanh, trong đó gãy xương đòn chiếm tỷ lệ 0,2 - 3,5% tổng số các ca sinh. Gãy xương ở trẻ sơ sinh thường là chấn thương có thể phục hồi hoàn toàn.
YẾU TỐ NGUY CƠ
Các nghiên cứu trong và ngoài nước đã chỉ ra một số yếu tố nguy cơ tiềm ẩn có thể đưa đến gãy xương đòn như:
- Yếu tố do thai: Thai có cân nặng từ 3.800 gram, cấu trúc xương có khiếm khuyết bẩm sinh.
- Yếu tố do mẹ: Mẹ lớn tuổi, béo phì, đái tháo đường, khung chậu có kích thước giới hạn.
- Các yếu tố trong quá trình sinh: Chuyển dạ kéo dài, kiểu thế ngôi thai không thuận.
CÁC TRIỆU CHỨNG NGHI NGỜ
Gãy xương đòn ở trẻ sơ sinh hiếm khi có triệu chứng rõ rệt, do trẻ sơ sinh không nhạy với cảm giác đau như người lớn nên đa số các trường hợp được phát hiện tình cờ khi được chụp X-quang ngực vì lý do khác. Các dấu hiệu có thể gặp như:
- Giới hạn vận động của tay, đặc biệt là tay bên gãy xương, trẻ sẽ quấy khóc khi cử động.
- Vùng da nơi gãy có thể sưng nhẹ hoặc bầm.
- Vai bên xương gãy có thể thấp hơn bên đối diện.
- Chụp X-quang để chẩn đoán xác định.
ĐIỀU TRỊ
Hầu hết các trường hợp gãy xương đòn ở trẻ sơ sinh thường đơn giản và sẽ tự lành mà không cần phẫu thuật.
- Băng đai vai: Dùng băng thun co giãn cố định tay tổn thương trước ngực, tay bên lành để cử động tự do. Luôn giữ da sạch và khô trước khi băng cố định.
- Chăm sóc tại nhà: Cần đảm bảo trẻ không bị động tác mạnh làm ảnh hưởng đến vết gãy trong những ngày đầu. Hầu hết, xương sẽ lành lại sau 10 - 14 ngày.
- Khi xương lành chỗ gãy có thể gồ lên tuy nhiên khi trẻ lớn vùng này sẽ dần về bình thường và không ảnh hưởng đến vận động của trẻ sau này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Awang MS, Abdul Razak AH, Che Ahmad A, Mohd Rus R. Neonatal Clavicle Fracture: A Review of Fourteen Cases in East Coast Peninsular Malaysia. The International Medical Journal of Malaysia. 2017;16(2):79-83
- Choi HA, Lee YK, Ko SY, Shin SM. Neonatal clavicle fracture in cesarean delivery: incidence and risk factors. J Matern Fetal Neonatal Med. 2017 Jul;30(14):1689-1692.
- Ahn ES, Jung MS, Lee YK, Ko SY, Shin SM, Hahn MH. Neonatal clavicular fracture: recent 10 year study. Pediatr Int. 2015;57(1):60-3.
- Kaplan B, Rabinerson D, Avrech OM, Carmi N, Steinberg DM, Merlob P. Fracture of the clavicle in the newborn following normal labor and delivery. Int J Gynaecol Obstet. 1998;63(1):15-20. doi:10.1016/s0020-7292(98)00127-1
Bài viết khác
- Lạc nội mạc tử cung tiếp cận trên phương diện cấp cứu (02-01-2025)
- Viêm tuyến vú ở phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ (02-01-2025)
- Chuyển dạ sanh non những điều cần biết (02-01-2025)
- Bệnh lý ung thư cổ tử cung (02-01-2025)
- Mẹ bầu chủ động phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ (02-01-2025)