Ghi nhớ thời điểm cần thăm khám sàn chậu sau sinh, ngăn ngừa són tiểu - són phân - Bệnh viện Hùng Vương

Ghi nhớ thời điểm cần thăm khám sàn chậu sau sinh, ngăn ngừa són tiểu - són phân - Bệnh viện Hùng Vương

Ghi nhớ thời điểm cần thăm khám sàn chậu sau sinh, ngăn ngừa són tiểu - són phân - Bệnh viện Hùng Vương

Ghi nhớ thời điểm cần thăm khám sàn chậu sau sinh, ngăn ngừa són tiểu - són phân - Bệnh viện Hùng Vương

Ghi nhớ thời điểm cần thăm khám sàn chậu sau sinh, ngăn ngừa són tiểu - són phân - Bệnh viện Hùng Vương
Ghi nhớ thời điểm cần thăm khám sàn chậu sau sinh, ngăn ngừa són tiểu - són phân - Bệnh viện Hùng Vương

Ghi nhớ thời điểm cần thăm khám sàn chậu sau sinh, ngăn ngừa són tiểu - són phân

     Sàn chậu thay đổi ra sao trong các giai đoạn của người phụ nữ?

     Thưa BS, vai trò của sàn chậu đối với sức khỏe người phụ nữ là gì ạ? Sàn chậu thay đổi như thế nào khi trải qua những giai đoạn quan trọng của các chị em ạ?

     PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang -  Trưởng khoa Sanh Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Trên người phụ nữ, khung xương đỡ toàn bộ các cơ quan trong cơ thể là xương chậu. Phần trung tâm của xương chậu có 1 lỗ rất to, được tạo thành bởi 2 khung của cánh chậu. Lỗ này được che đậy, nâng đỡ bởi 3 lớp cơ quan trọng cùng với các lớp phủ bên ngoài là da… tạo thành sàn chậu.

     Về cấu trúc cơ bản, sàn chậu cho phép 3 đường tự nhiên đi xuyên qua nó. Thứ nhất là đường tiết niệu (đường đi tiểu), thứ hai là đường ruột (để loại thể các chất bã của tiêu hóa), thứ ba là âm đạo (nơi em bé sinh ra và giúp các chị em thực hiện chức năng tình dục). Sàn chậu có vai trò giúp cho các hoạt động liên quan đến hệ tiết niệu, hệ bài tiết và cả hệ sinh dục, được phối hợp nhịp nhàng - hài hòa, thậm chí chúng ta có thể điều khiển tùy theo mỗi lúc hoạt động với chức năng riêng. Sự thay đổi của sàn chậu bắt đầu từ lúc chịu áp lực, tương tác rất lớn lên cấu trúc. Đó là giai đoạn người phụ nữ quyết định thay đổi thân phận thiếu nữ và lên thiên chức cao hơn - làm mẹ. Sàn chậu thay đổi đỉnh điểm nhất là lúc sinh đẻ. Khi đó, âm đạo sẽ kiêm thêm trọng trách là làm con đường cho em bé có thể ra bên ngoài. Sự giãn nở của ống âm đạo sẽ dẫn đến cấu trúc của sàn chậu thay đổi rất nhiều. Nếu không may gặp nhiều trở ngại, sàn chậu có thể bị tổn thương (rách, đứt…) trong lúc sinh đẻ. Do đó, chính những lần sinh đẻ của người phụ nữ sẽ làm cấu trúc sàn chậu thay đổi.

     Thời điểm thứ 2 sàn chậu có thể thay đổi là giai đoạn chuyển từ trung niên sang mãn kinh. Các mô liên kết như collagen… chịu sự tác động của nội tiết tố estrogen, nhưng ở độ tuổi này không còn nội tiết ở 2 buồng trứng, sàn chậu sẽ trở nên yếu, nhão cùng với tổn thương do năm tháng trước đó để lại (những cuộc sinh nở đầy khó khăn…) càng làm cho sàn chậu thay đổi. Tất cả những yếu tố này sẽ đưa đến rối loạn, làm người phụ nữ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các bệnh lý sàn chậu gấp 4 lần nam giới.

 

PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang  - Trưởng khoa Sanh và ThS.BS Trần Thị Bảo Châu - Phó Trưởng khoa Khám bệnh A

Bệnh viện Hùng Vương trong chương trình tư vấn về các rối loạn, bệnh lý sàn chậu thường gặp khi mang thai, sinh em bé

     Những vấn đề, bệnh lý sàn chậu nào có thể xảy ra trong thai kỳ?

     Đặc biệt là giai đoạn mang thai, sinh nở sẽ tác động ra sao đến sàn chậu? Các vấn đề, bệnh lý nào có thể xảy ra trên sàn chậu ngay từ trong thai kỳ đến sau sanh, thưa BS?

     ThS.BS Trần Thị Bảo Châu - Phó Trưởng khoa Khám bệnh A Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Phụ nữ thực hiện thiên chức làm mẹ thiêng liêng, tuy nhiên có sự thay đổi trên cơ thể mà không ai phủ nhận được, từ vóc dáng đến tâm sinh lý trong quá trình mang thai, đặc biệt là sự thay đổi của sàn chậu. Trong thai kỳ, thay đổi cân nặng, nội tiết, các vấn đề táo bón hoặc tổn thương sàn chậu (trong quá trình rặn sinh làm giãn nở gây rách cơ gân sàn chậu) kèm những sợi thần kinh dẫn đến rối loạn bệnh lý về sàn chậu thường gặp như tiểu són, tiểu không kiểm soát, són hơi, són phân… Về sau này có thể đưa đến sa sinh dục. Vấn đề thường gặp từ 3 tháng giữa đến 3 tháng đầu sau sinh đó là tiểu không kiểm soát. Nếu không chủ động thăm khám, tư vấn, tập sàn chậu thì sau 5 năm 90% phụ nữ sẽ trở thành bệnh mạn tính tiểu không kiểm soát, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

 

ThS.BS Trần Thị Bảo Châu - Phó Trưởng khoa Khám bệnh A Bệnh viện Hùng Vương

 

     Ngoài mang thai còn nguyên nhân nào dẫn đến bệnh lý sàn chậu?

     Nguyên nhân dẫn nào đến các vấn đề bệnh lý ở sàn chậu sau sanh, thưa BS? Tỷ lệ, tần suất và độ tuổi gặp các bệnh lý này ở phụ nữ sau sanh ra sao ạ?

     PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trả lời: Các tổng kết cho thấy, tỷ lệ tổn thương sàn chậu ở nhiều mức độ khác nhau rất thay đổi. Tỷ lệ ghi nhận thấp nhất là 2%, nhưng có nhóm dân số tỷ lệ này lên đến 30%. Các tổn hại có thể dẫn đến rối loạn đi tiểu, thường gặp nhất là tiểu không kiểm soát (dân gian hay gọi là són tiểu) và mức độ nặng nhất là khi tăng áp lực trong bụng lên (hắt xì hơi, cười) cũng đã gây ra són tiểu. Chỉ riêng câu chuyện này đã gây nên rối loạn sinh hoạt, dẫn đến mất tự tin ở người phụ nữ. Bên cạnh đó, tổn hại đường tiêu hóa dẫn đến són phân… và ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục, giảm cảm xúc cũng như dẫn đến rối loạn gây đau, khó chịu khi giao hợp.

      Sàn chậu sẽ thay đổi trong lúc mang thai do chịu áp lực, do nội tiết (làm sàn chậu giãn ra, mềm hơn), do tổn thương khi quá trình sinh. Bên cạnh đó vẫn có những nhóm nguyên nhân (đơn độc hoặc đa phần là kết hợp) làm tình trạng này gặp nhiều hơn, thậm chí là phục hồi khó khăn hơn mặc dù cuộc sinh nở đã trôi qua. Trong đó, điển hình là nhóm những người phụ nữ có công việc tăng áp lực trong bụng (làm việc nặng) cũng làm tăng nguy cơ tổn thương, rối loạn sàn chậu. Đặc biệt, sinh đẻ cùng với làm việc nặng sẽ càng tổn hại lớn hơn.

     Song song đó, người mắc bệnh đường hô hấp mạn tính, bệnh liên quan đến phế quản (ho) hoặc người có chế độ, thói quen ăn uống không cân đối cũng dẫn đến tình trạng đi tiêu khó khăn (táo bón) càng làm gia tăng nguy cơ. Bởi táo bón đã là một rối loạn sàn chậu. Sau đó, chính táo bón quay trở lại góp phần làm tăng thêm mức độ nặng nề của sàn chậu.

     Vì vậy, yếu tố rất quan trọng mà ngày nay chúng ta cần đề cập dần đó là sự quan tâm, chăm sóc, tập luyện để việc tổn hại sàn chậu ở những lý do khác nhau về mức thấp nhất và có giải pháp phục để hồi sau tổn hại sinh lý sau sinh.

PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang -  Trưởng khoa Sanh Bệnh viện Hùng Vương

 

     Ai cần thăm khám sàn chậu sau sinh?

    Những ai có nguy cơ mắc các bệnh lý sàn chậu sau sanh nói trên, thưa BS? Việc sinh thường, sinh mổ có phải là yếu tố tác động dẫn đến bệnh lý sàn chậu như nhiều người lo ngại?

     ThS.BS Trần Thị Bảo Châu trả lời: Nhóm người có nguy cơ mắc các vấn đề sàn chậu đã được PGS Khánh Trang đề cập ở trên. Trong đó, đối tượng đặc biệt là phụ nữ mang thai, bởi những nguy cơ này càng gia tăng vì những thay đổi (nội tiết, trọng lượng…). Do đó, phụ nữ mang thai cần phải khám Niệu, Sàn chậu để đánh giá những rối loạn từ đó có dự phòng và điều trị sớm. Nhất là:

- Người phụ nữ sinh con lần 2, lần 3 (đặc biệt là lần 3 trở đi)

- Quá trình mang thai tăng cân quá nhiều (trung bình, mỗi tháng chúng ta có thể tăng 1-2kg, nếu tăng mức 3kg trở lên/tháng được xem là tăng cân nhiều)

- Cân nặng em bé cao hơn bình thường

- Sinh khó, sinh giúp, cần hỗ trợ của sinh kềm, sinh con to hoặc trong quá trình sinh - thăm khám bác sĩ nói có sự sang chấn, hoặc có bất kỳ sự thay đổi nào trên cơ thể về đường hậu môn-trực tràng-niệu… càng phải đi khám sớm và dự phòng kịp thời.

     Vốn dĩ phụ nữ mang thai đã làm tăng nguy cơ gặp các bệnh lý sàn chậu, không cần là sinh mổ, sinh thường hay sinh đường âm đạo. Bởi vì lý do dẫn đến các bệnh lý sàn chậu là sự tăng áp lực trong ổ bụng, thay đổi nội tiết (làm căng giãn gân cơ và dây chằng sàn chậu), táo bón. Do đó, không phải sinh mổ là hạn chế được các nguy cơ này.

     Không phải tất cả phụ nữ mang thai, sinh đẻ đều chắc chắn bị bệnh lý sàn chậu

     Điều gì sẽ xảy ra nếu các bệnh lý sàn chậu này không được phát hiện và điều trị kịp thời ạ?

     PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trả lời: Dù bất kỳ bệnh lý nào, khi đã bắt đầu có rối loạn thì can thiệp sẽ tốt hơn khi mắc bệnh và khi mắc bệnh thì nhẹ can thiệp sẽ dễ hơn nặng. Đỉnh cao nhất là làm sao để không mắc bệnh.

     Khi người phụ nữ mang thai đã có sự thay đổi về nội tiết, gia tăng gánh nặng áp lực vùng bụng, tăng áp lực lên sàn chậu. Nghĩa là lúc này sàn chậu đã bắt đầu chịu lực, có các tổn thương. Khi còn mang thai, sinh đẻ chắc chắn sẽ tổn hại sàn chậu.

     Tuy nhiên, cần biết rằng, không phải tất cả người phụ nữ khi mang thai và sinh đẻ đều bị bệnh lý sàn chậu. Tỷ lệ dù có cao cũng chỉ đến 30-40%. Tất cả những người còn lại sau khi sinh sau sẽ phục hồi chức năng sinh hoạt. Nhưng ngược lại, có những người không mang thai nhưng cuộc sống mưu sinh phải làm những công việc nặng, gia tăng áp lực trong bụng mỗi ngày tích lũy dần gây ra tổn thương sàn chậu. Rối loạn thường gặp nhất trong sàn chậu là rối loạn đi tiểu ( tiểu không kiểm soát). Trong quá trình tổn hại sẽ có nhiều cấp độ. Nhẹ nhất là khi mắc tiểu, chúng ta gắng sức (ví dụ như hoạt động leo cầu thang…) thì có thể són nước tiểu (rỉ nước tiểu không mong muốn), tình trạng này gọi là tiểu không kiểm soát do gắng sức. Nếu không điều trị tiếp tục có những nguyên nhân tổn hại vùng sàn chậu sẽ đưa đến mức độ nặng - tiểu không kiểm soát khi không gắng sức. Lúc này, chỉ cần cười, hắt xì cũng sẽ làm són tiểu, gây nhiều bất tiện, ảnh hưởng tâm lý người phụ nữ (thu mình, tự ti…), hay còn gọi là tổn hại về thực thể dẫn đến tổn hại tâm lý. Vòng xoắn này tiếp diễn sẽ rất nặng nề.

     Sau sinh bao lâu nên thăm khám, kiểm tra sàn chậu?

     - Vậy đâu là các dấu hiệu nhận biết bệnh lý sàn chậu sau sanh sớm nhất, thưa BS? Các triệu chứng này dễ nhầm lẫn với các tình trạng nào và làm sao để phân biệt?

     PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trả lời: Thực tế không chỉ bệnh lý sàn chậu mà các vấn đề rối loạn khác cũng gây ra rối loạn đi tiểu, ví dụ như nhiễm trùng đường tiểu, viêm đường tiểu (phụ nữ dễ gặp hơn nam giới vì cấu trúc đường tiểu ngắn). Đặc biệt nếu người đó bị tổn hại sàn chậu mức độ nhẹ và cả viêm đường tiểu thì rất dễ nhầm lẫn với thể trung bình hoặc nặng hơn.

     Điều này chỉ có thể phát hiện được là nhờ nhận biết của người bệnh (sinh hoạt trở nên bất thường, trước đây mắc tiểu có thể nhịn được nhưng giờ thì không và nếu không đi kịp thời có thể tiểu không kiểm soát hoặc són tiểu; cảm giác nặng trì vùng hạ vị - dân gian gọi là vùng bụng dưới; hoặc những liên quan đến đường tiêu hóa - đi tiêu khó hơn, đi tiêu không kiểm soát).

     Tuy nhiên, đi tiêu không kiểm soát cũng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa như viêm đường ruột cấp tính. Nhất là nếu mắc cả hai sẽ làm tình trạng dường như tăng nặng hơn, nhưng khi điều trị vấn đề cấp tính thì mức độ rối loạn đi tiêu cũng giảm xuống.

     Do đó, điều quan trọng để phát hiện sớm là thăm khám. Nếu phụ nữ sinh bình thường không có vấn đề trở ngại nào trong quá trình này thì khoảng 4 tuần sau sinh trở lại thăm khám. Nếu phụ nữ có vấn đề trong khi sinh (sinh khó…) thì khoảng 1-2 tuần sau sinh trở lại thăm khám.

     Thông qua đó, các bác sĩ sẽ kiểm tra, phát hiện các vấn đề liên quan đến tổn hại sàn chậu, thậm chí là phương thức test - thử nghiệm nhằm chẩn đoán sớm hơn cho người có bệnh lý về sàn chậu, từ đó có những tư vấn kịp thời.

     Chương trình Radar Sản Phụ Khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào 19h thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng. Chương trình đã thực hiện 4 chủ đề:

- Bệnh viện Hùng Vương đồng hành trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe chị em phụ nữ

- Trữ trứng - giải pháp mới cho phụ nữ hiện đại

- Viêm âm đạo và những điều cần biết

- Bệnh lý sàn chậu sau sinh - Dự phòng và điều trị

     Kỳ 5 sẽ phát sóng vào lúc 19h, thứ 4, ngày 17/4/2024 với chủ đề "Viêm gan siêu vi B và thai kỳ: Những điều nên làm để sinh con khỏe mạnh" trên AloBacsi và Bệnh viện Hùng Vương. Mời bạn đọc đón xem

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác