Giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh chị em thiếu hụt những chất gì? - Bệnh viện Hùng Vương

Giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh chị em thiếu hụt những chất gì? - Bệnh viện Hùng Vương

Giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh chị em thiếu hụt những chất gì? - Bệnh viện Hùng Vương

Giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh chị em thiếu hụt những chất gì? - Bệnh viện Hùng Vương

Giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh chị em thiếu hụt những chất gì? - Bệnh viện Hùng Vương
Giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh chị em thiếu hụt những chất gì? - Bệnh viện Hùng Vương

Giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh chị em thiếu hụt những chất gì?

     Thiếu hụt nội tiết sinh sản tăng nguy cơ tiểu đường giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh

     Các quý cô khi bước vào giai đoạn này, nên xây dựng chế độ dinh dưỡng, thực đơn mỗi ngày/ mỗi tuần như thế nào? Những nguyên tắc trọng điểm cần nhớ gồm những gì, thưa BS?

     PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc bệnh viện Hùng Vương trả lời: Nguyên nhân gây rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh là do thiếu hụt nội tiết sinh sản, bao gồm là estrogen và progesterone. Điều này gây ảnh hưởng đến chuyển hóa, cụ thể là đề kháng với insulin, gia tăng nguy cơ bệnh tiểu đường trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh.

     Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng đến rối loạn chuyển hóa mỡ, tăng cholesterol, tăng triglyceride, tăng lipid máu, cũng xuất hiện trong giai đoạn này. Do đó, ở giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, chị em nên hạn chế ăn nhiều chất đường, tinh bột, các loại thực phẩm ngọt như bánh, kẹo, chè, nước ngọt.

     Có thể thỉnh thoảng sử dụng với một lượng nhỏ, nếu sử dụng hàng ngày sẽ tăng nguy cơ tiểu đường, đặc biệt, đối với những người có tiền căn gia đình bị tiểu đường. Ví dụ, cha mẹ, ông bà bị tiểu đường, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng cao nếu không tuân thủ.

     Những người phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ, nếu không có chế độ dinh dưỡng phù hợp trong giai đoạn này, vấn đề tiểu đường tái lại sẽ gia tăng. Do đặc thù là người châu Á, thực phẩm chính là gạo, cơm. Tuy nhiên, thành phần tinh bột trong loạt thực phẩm này rất cao, nếu ăn nhiều tinh bột sẽ tăng nguy cơ tiểu đường. Vì vậy, khi bước vào tuổi 40, chế độ ăn của chị em nên hạn chế đường, hạn chế tinh bột.

     Ngoài ra, giai đoạn này còn gặp vấn đề rối loạn chuyển hóa mỡ, do đó, các loại thức ăn có nhiều mỡ, đồ chiên xào, các loại fast food sẽ làm tăng rối loạn chuyển hóa mỡ trong cơ thể, gia tăng các chất béo không cần thiết, tăng các chất béo trong cơ thể, dẫn tới xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Do đó, trong giai đoạn này, nên cẩn thận với các loại đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, đồ chiên xào,…

     Trong một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, chị em nên uống nhiều nước, đặc biệt, trong những ngày nắng nóng như thời gian gần đây, cần ít nhất 2-3 lít nước mỗi ngày, ăn nhiều rau, trái cây sẽ giúp cơ thể điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp. Điều này không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh, còn giúp chị em phụ nữ giữ gìn vóc dáng khi bước vào giai đoạn này.

 

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương

     2. Ăn uống chỉ cung cấp khoảng 50% canxi và vitamin D giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh

     Mật độ xương bắt đầu giảm ở phụ nữ ở tuổi tứ tuần trở đi và càng trầm trọng trong suốt thời kỳ mãn kinh. Xin hỏi BS, để làm chậm quá trình này, các chị em phụ nữ cần tăng cường bổ sung các dưỡng chất nào, liều lượng bao nhiêu?

     BS.CK2 Võ Thị Mỹ Hạnh - Trưởng khoa Khám bệnh A, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Sau tuổi 40, khả năng tạo xương bị giảm đi, nhưng tình trạng loãng xương lại diễn ra liên tục. Việc estrogen suy giảm làm giảm sự kết nối giữa canxi và protein của khung xương.

     Ăn uống đóng vai trò quan trọng, những thực phẩm được khuyến cáo cho chị em sử dụng trong giai đoạn này là những thực phẩm giàu canxi như sữa hoặc các thực phẩm từ sữa, các loại tôm, cua, cá, ngao, sò, ốc, hến,… Các loại thực phẩm này sẽ dễ cung cấp canxi cho chị em.

     Ngoài ra, nên tránh các thực phẩm làm giảm sự gắn kết canxi như rượu, các loại thức ăn tạo oxalat sẽ làm giảm hấp thu canxi như rau chân vịt.

     Việc vận động cũng được khuyến khích trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, ví dụ như tập thể dục 30 phút mỗi ngày, môn tập thể dục sẽ tùy thuộc vào cơ thể của người phụ nữ.

     Chế độ ăn uống chỉ cung cấp khoảng 50% lượng canxi và vitamin D. Trong giai đoạn này, hàm lượng canxi cần cung cấp mỗi ngày là khoảng 1000 - 1200 mg canxi và vitamin D là 800 – 1000 IU/ngày. Do đó, chị em có thể cung cấp thêm bằng hình thức sử dụng thêm thuốc.

     Đối với phụ nữ có thai, thường được khuyến cáo cung cấp đầy đủ canxi để có một lượng canxi tốt trong bào thai. Đây cũng là biện pháp phòng ngừa vấn đề giảm canxi sau này.

 

BS.CK2 Võ Thị Mỹ Hạnh - Trưởng khoa Khám bệnh A, Bệnh viện Hùng Vương

     3. Bổ sung estrogen, progesteron theo chỉ định của bác sĩ

     Khi mãn kinh, buồng trứng chấm dứt hoạt động (ngừng rụng trứng), cơ thể phụ nữ dần dần tạo ra càng lúc càng ít nội tiết tố estrogen, progesteron. Liệu có cách nào để bù đắp lại sự thiếu hụt này, thưa BS?

     PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh là vấn đề sinh lý, việc chấp nhận là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, trong các trường hợp thiếu hụt estrogen và progesteron gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chị em, lúc này cần bổ sung thêm estrogen và progesteron.

     Cửa sổ an toàn và chỉ định để bổ sung là khi những rối loạn trong giai đoạn này làm ảnh hưởng nặng đến chất lượng cuộc sống, không áp dụng cho tất cả chị em phụ nữ. Khi có chỉ định bổ sung, bác sĩ sẽ lựa chọn estrogen và progesteron mang lại hiệu quả và an toàn cho từng người, hay nói cách khác là cá thể hóa từng người để có chỉ định sử dụng nội tiết mãn kinh, bù đắp estrogen và progesteron được hiệu quả và an toàn.

     Trong đó, estrogen sẽ được cung cấp bằng việc uống hoặc thoa da. Thời điểm này, progesteron bổ sung bằng đường uống mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, có rất nhiều sản phẩm progestin khác nhau, trong thành phần progestin có loại làm tăng nguy cơ ung thư vú và có loại giảm nguy cơ ung thư vú. Do đó, bác sĩ sẽ lựa chọn sản phẩm phù hợp với từng người để đưa ra phác đồ bổ sung hiệu quả, an toàn.

     4. Thực phẩm nào giàu isoflavones và phytosterols tốt cho nội tiết phụ nữ?

     - Isoflavones và phytosterols được biết đến với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, nội tiết phụ nữ. Xin hỏi BS, những thực phẩm nào giàu 2 dưỡng chất này ạ? Nên ăn sao cho đúng để hấp thu tối đa, tận dụng tốt nhất cho sức khỏe, thưa BS?

     PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Isoflavones và phytosterols có trong các loại thực phẩm chức năng, nằm trong nhóm phương pháp điều trị không sử dụng nội tiết mãn kinh. Chị em sẽ được chỉ định sử dụng thành phần này để điều trị rối loạn giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh mức độ nhẹ.

     Phương pháp này vẫn mang lại hiệu quả, bởi vì, isoflavones và phytosterols là tiền thân của estrogen, khi đưa vào cơ thể sẽ biến thành estrogen thông qua quá trình chuyển hóa. Như vậy, sẽ giúp giảm việc thiếu hụt estrogen.

     Trong thực phẩm có đậu nành hoặc mầm đậu nành chứa nhiều thành phần phytoestrogen, isoflavone. Tuy nhiên, những chất này bị phân hủy rất nhanh do nhiệt độ cao, do đó, nhiều người cho rằng, khi bước vào tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh, uống nhiều sữa đậu nành, ăn nhiều đậu phụ sẽ giúp bù đắp tình trạng thiếu hụt estrogen là không hoàn toàn đúng.

     Bởi vì, sữa đậu nành nếu mua ở ngoài sẽ có hàm lượng phytoestrogen, isoflavone rất thấp. Bên cạnh đó, khi đun sôi quá nhiều, các chất này sẽ bị phân hủy. Vì vậy, nếu chị em muốn sử dụng đậu nành để bù lại tình trạng thiếu hụt estrogen, chị em phải tự nấu để nồng độ giữ được nhiều.

     Đặc biệt, khi nấu sữa đậu nành, nên sử dụng nước đun sôi để nguội để xay đậu nành, sau đó, đun vừa sôi thì ngưng, nếu không tiền chất estrogen sẽ bị biến đổi. Như vậy, những sản phẩm đó sẽ giúp bổ sung một phần estrogen trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh.

     Tuy nhiên, không phải tất cả chị em phụ nữ bị thiếu hụt estrogen sử dụng đậu nành đều tốt. Bởi vì, những phụ nữ có các bệnh lý đi kèm như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung là các bệnh lý lệ thuộc vào estrogen. Nếu sử dụng estrogen hoặc tiền thân estrogen quá nhiều, chị em đã vô tình đẩy tình trạng bệnh nặng hơn. Vì vậy, nên cẩn thận nếu mắc các bệnh lý này.

     5. Tập luyện và uống trà thư giãn trước khi ngủ có thể cải thiện mất ngủ

     Mất ngủ cũng là một trong những tình trạng thường gặp khi vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Nên ăn/uống gì để dễ ngủ hơn, thưa BS?

     - Các giải pháp dân gian như trà hoa cúc, trà atiso, trà tim sen… có giúp các chị em ngủ ngon hơn và nếu có thì nên sử dụng sao cho đúng (ngày uống mấy lần, nên uống trước khi ngủ bao lâu…)?

     BS.CK2 Võ Thị Mỹ Hạnh trả lời: Tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh, việc có một giấc ngủ chất lượng rất khó, ngủ chập chờn, ngủ thức dậy và không ngủ lại được, có thể ảnh hưởng đến công việc của ngày hôm sau. Nhiều chị em băn khoăn việc mất ngủ thường xuyên trong giai đoạn này, có nên uống thuốc ngủ hay không.

     Đối với các triệu chứng này, bác sĩ thường khuyến cáo về việc tập luyện ở chị em. Có thể tập thể dục, tập yoga, tập dưỡng sinh hoặc các động tác nhẹ nhàng trước khi đi ngủ.

     Không nên ăn no trước khi đi ngủ, hoặc sử dụng các loại trà như trà tim sen, trà atiso hoặc các loại trà hoa cúc và nên sử dụng trước khi ngủ 1 tiếng đồng hồ giúp thư giãn tinh thần.

     Vấn đề quan trọng là việc mất ngủ do ảnh hưởng của vấn đề giảm nội tiết trong cơ thể.

     Lời khuyên của bác sĩ trong giai đoạn này chỉ hỗ trợ thêm, nếu thực hiện một thời gian không có khả năng cải thiện mất ngủ, chị em nên đến gặp bác sĩ, đánh giá mức độ nặng hay trung bình để sử dụng thêm các loại thuốc mạnh hơn như hormon thay thế giúp giấc ngủ tốt hơn.

 

Hai vị chuyên gia của Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ các kiến thức về thiếu hụt dinh dưỡng trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh

     6. Chuẩn bị tinh thần, kiến thức để đón nhận giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh

     Có cách nào để phòng ngừa các rối loạn tiền mãn kinh - mãn kinh không thưa BS? Cuối cùng, nhờ BS đúc kết lại, để các quý cô vượt qua giai đoạn được xem là “cơn sóng ngầm” của cuộc đời, cần ghi nhớ những thông điệp gì?

     PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Do đây là giai đoạn sinh lý nên việc phòng ngừa là chị em phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận một cách tích cực. Khi phụ nữ có các biểu hiện khác với cuộc sống hàng ngày, nên đến gặp bác sĩ sớm để giải quyết một cách hiệu quả và an toàn đối với những rối loạn đó.

     Chị em không nên chịu đựng các vấn đề gặp phải trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, bởi vì, qua các nghiên cứu trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, có mức sống cao, hơn 60% phụ nữ bỏ qua các triệu chứng của giai đoạn này và 75% phụ nữ cần điều trị nhưng họ không thực hiện.

     Vì vậy, chị em phụ nữ nên có sự chuẩn bị về mặt tinh thần, các kiến thức cần thiết để đón nhận giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh một cách chủ động. Khi có rối loạn xảy ra, nên đến gặp bác sĩ sớm để được điều chỉnh hiệu quả và an toàn.

Chương trình Radar Sản Phụ Khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào 19h thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng. Chương trình đã thực hiện 5 chủ đề:

- Bệnh viện Hùng Vương đồng hành trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe chị em phụ nữ

- Trữ trứng - giải pháp mới cho phụ nữ hiện đại

- Viêm âm đạo và những điều cần biết

- Bệnh lý sàn chậu sau sinh - Dự phòng và điều trị

- Viêm gan siêu vi B và thai kỳ: những điều nên làm để sinh con khỏe mạnh

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác