UNG THƯ VÚ
1. Ung thư vú là gì?
Ung thư vú là tăng sinh số lượng tế bào của vú quá mức kiểm soát của cơ thể tạo thành khối u và cho di căn xa.
Khối u (còn gọi là bướu) có thể lành tính hoặc ác tính.
Khối u ác tính (còn gọi là ung thư): do không bị kìm hãm nên những tế bào bất thường này có thể lan xa ra khỏi khối u đến những cơ quan khác của cơ thể.
2. Ung thư vú di căn như thế nào?
Ung thư vú có thể di căn (lan xa) vì tế bào ung thư đi vào trong mạch máu hay mạch bạch huyết, từ đó chúng được vận chuyển đến những cơ quan khác của cơ thể. (vd: hạch, gan, phổi, xương…).
Trong trường hợp ung thư vú, tế bào ung thư đi vào mạch bạch huyết để vào hạch lân cận của vú:
- Hạch vùng nách
- Hạch trên xương đòn
- Hạch vú trong (vùng giữa ngực)
Nếu tế bào ung thư xuất hiện ở hạch vùng nách, hạch trên xương đòn.. thì khả năng có thể có di căn xa. Nhưng không phải tất cả ung thư vú có hạch di căn đều di căn xa.
3. Trường hợp nào dễ bị ung thư vú?
Có người thân bị ung thư vú (mẹ, chị em gái, con gái, dì, bác, bà…)
Bản thân có ung thư vú 1 bên
Tăng sản không điển hình của vú
Mang gen đột biến BRCA1, BRCA2
Xạ trị vào thành ngực trước 30 tuổi
Có kinh sớm trước 12 tuổi
Mãn kinh trễ sau 55 tuổi
Dùng thuốc nội tiết điều trị sau mãn kinh liên tục trên 5 năm
Chế độ ăn: Uống rượu nhiều hơn 1 ly/ngày, dư cân hoặc béo phì
Không sinh con
Không cho bú sữa mẹ
Thuốc ngừa thai dùng > 10 năm tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú
4. Tầm soát ung thư vú là gì?
Tầm soát là phát hiện ung thư giai đoạn sớm ở những phụ nữ không có biểu hiện gì của ung thư vú, từ đó giúp làm giảm tử vong do ung thư vú, giảm chi phí điều trị, tăng chất lượng cuộc sống và thời gian sống kéo dài.
5. Tôi làm gì để phát hiện sớm ung thư vú?
Tự kiểm tra vú: ít tốn kém, nhưng phải làm thường xuyên, khó khăn nếu cấu trúc mô vú không đều (sờ vào có cảm giác nhiều cục ở vú). Tìm những dấu hiệu sau:
- Núm vú bị tụt vào (trước đó không có)
- Tiết dịch ở núm vú
- Vết loét da tại núm vú và quanh núm vú lâu lành
- Sờ thấy cục, mảng ở vú
- Thay đổi bề mặt da (da nổi sần lên như da cam)….
Việc tự khám vú là quan trọng nhưng không thay thế được khám vú định kì
Khám vú định kì:
- Từ 25 - 40 tuổi: ít nhất mỗi năm 1 lần gồm khám và siêu âm vú, chụp nhũ ảnh khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Từ 40 trở lên: mỗi năm 1-2 lần gồm khám và siêu âm, và chụp thêm nhũ ảnh mỗi 1 - 2 năm.
6. Ung thư vú có thể điều trị khỏi bệnh không?
Có, nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.
7. Ung thư vú có thuốc ngừa chưa?
Hiện tại chưa có thuốc chủng ngừa ung thư vú
8. Tôi làm gì để giảm khả năng mắc bệnh ung thư vú?
Hạn chế rượu
Tập thể dục thường xuyên
Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu béo phì (duy trì chỉ số BMI < 25)
Nếu bạn có yếu tố nguy cơ cao ung thư vú (đột biến gen BRCA1, BRCA2, ung thư vú tại chỗ (ống tuyến hay tiểu thùy): bác sĩ có thể tư vấn bạn kế hoạch theo dõi định kì thích hợp, dùng thuốc uống hay các phẫu thuật như cắt buồng trứng ...
(Trích nguồn: Breast Cancer – American Cancer Society: www.cancer.org)
Bài viết khác
- Thông báo áp dụng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mới năm 2025 (30-12-2024)
- Giá thuốc chủng ngừa dịch vụ (24-10-2023)
- Lớp tiền sản (23-05-2017)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)