1. Thuốc đặt phụ khoa là gì?
- Thuốc phụ khoa dạng đặt là dạng thuốc phổ biến, được sử dụng bên trong âm đạo.
- Thuốc đặt phụ khoa có những đặc điểm chảy lỏng ở nhiệt độ cơ thể, đa số thuốc cho tác dụng tại chổ nên tránh được một số tác dụng phụ như nôn, buồn nôn, kích ứng dạ dày khi dùng đường uống.
- Hiện nay, viên đặt phụ khoa đa dạng về kích cỡ và hình dạng, trong đó, phổ biến nhất có thể kể đến viên đạn, viên nang trứng, viên nén.
2. Thuốc đặt phụ khoa được chỉ định trong trường hợp nào?
Thuốc đặt phụ khoa có rất nhiều loại, mỗi loại được chỉ định cho các tình trạng, bệnh lý khác nhau:
- Thuốc đặt chứa nội tiết tố (hormone): Chỉ định trong điều trị các rối loạn liên quan đến thiếu hụt nội tiết tố: tiền mãn kinh, mãn kinh, hỗ trợ hoàng thể, doạ sẩy thai,...
- Thuốc đặt có chứa kháng sinh, kháng nấm (Một thành phần hoặc phối hợp nhiều thành phần): Chỉ định trong điều trị viêm nhiễm âm đạo do vi khuẩn, nấm,…
- Thuốc đặt chứa lợi khuẩn: Chỉ định trong điều trị viêm âm đạo do loạn khuẩn âm đạo.
- Thuốc đặt có tác dụng giữ ẩm, tránh thai,...
3. Cách sử dụng thuốc đặt phụ khoa?
Bước 1: Chuẩn bị
- Rửa sạch và làm khô tay và vùng âm hộ.
- Chuẩn bị dụng cụ đặt thuốc (nếu có).
- Lấy thuốc ra khỏi vỏ ngoài. Lắp thuốc vào dụng cụ đặt thuốc (nếu có).
- Đối với viên nén, làm ẩm viên thuốc bằng cách nhúng nhanh vào nước trước khi đặt.
Bước 2: Đặt thuốc
- Dùng ngón tay hoặc dụng cụ đặt thuốc nhẹ nhàng đẩy viên thuốc vào sâu trong âm đạo trong tư thế thoải mái nhất:
- Tư thế đứng: 2 chân rộng bằng vai, 1 chân đặt lên ghế hoặc bục cao hơn chân kia.
- Tư thế nằm: nằm ngửa, cong 2 đầu gối, dạng chân rộng bằng vai. So với tư thế đứng, tư thế nằm giúp hạn chế việc rò rỉ thuốc và phù hợp để người chăm sóc, nhân viên y tế đặt thuốc cho bệnh nhân.
Bước 3: Kết thúc
- Bỏ dụng cụ đặt thuốc (loại sử dụng 1 lần), vỏ thuốc, các vật liệu đã sử dụng khác vào thùng rác.
- Rửa sạch tay và dụng cụ đặt thuốc (loại tái sử dụng).
Tư thế đứng đặt thuốc
Tư thế nằm đặt thuốc
4. Tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc đặt phụ khoa?
Khi sử dụng thuốc đặt phụ khoa, bệnh nhân có thể gặp một vài tác dụng phụ như:
- Nóng rát vùng âm đạo thoáng qua.
- Đau bụng dưới thoáng qua.
- Dị ứng với các biểu hiện: ngứa rát, sưng đau âm hộ, âm đạo kéo dài, không thuyên giảm. Cách xử lý: ngưng thuốc và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và tư vấn.
5. Nên làm gì khi sử dụng thuốc đặt phụ khoa?
- Tuân thủ thời gian điều trị. Chỉ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Trong chu kỳ kinh nguyệt, nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
- Tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ hoặc trường hợp đã hoàn thành liệu trình đặt thuốc mà tình trạng vẫn chưa được cải thiện.
- Ngưng thuốc và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và tư vấn khi có biểu hiện của dị ứng thuốc: ngứa rát, sưng đau âm hộ, âm đạo kéo dài, không thuyên giảm.
6. Những lưu ý cần tránh khi đang điều trị bằng thuốc đặt phụ khoa?
- Không nên tự ý mua thuốc để sử dụng.
- Tránh đi vệ sinh, vận động, đi lại nhiều sau khi đặt thuốc.
Trong trường hợp điều trị viêm nhiễm đường sinh dục:
- Không nên quan hệ tình dục trong quá trình điều trị.
- Không nên đặt thuốc trong thời kỳ kinh nguyệt.
- Không nên sử dụng thuốc đặt trong thời gian dài mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Tài liệu tham khảo
- https://www.safemedication.com/how-to-use-medication/vaginal-tablets-suppositories-and-creams
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/322908#using-vaginal-suppositories
- https://www.healthline.com/health/general-use/how-to-use-vaginal-suppositories
- https://www.uptodate.com/contents/vaginal-dryness-beyond-the-basics
Người viết: ThS. DS. Đoàn Thị Ngọc Hân, DS. Phan Phước Vinh
Khoa Dược - quý 1/2024
Bài viết khác
- Radar Sản Phụ khoa kỳ 13: U nang buồng trứng - Khi nào cần điều trị? (04-09-2024)
- Thời hạn sử dụng, hiệu quả ngừa thai và những trường hợp chống chỉ định của dụng cụ tử cung (04-09-2024)
- Đặt vòng tránh thai có ảnh hưởng đến cân nặng, khả năng tiết sữa? (04-09-2024)
- Dụng cụ tử cung: Khi vòng tránh thai không chỉ có tác dụng ngừa thai (13-08-2024)
- RADAR SẢN PHỤ KHOA – KỲ 12: “Dụng cụ tử cung và những tiến bộ mới” (06-08-2024)