Hướng dẫn sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày - Bệnh viện Hùng Vương

Hướng dẫn sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày - Bệnh viện Hùng Vương

Hướng dẫn sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày - Bệnh viện Hùng Vương

Hướng dẫn sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày - Bệnh viện Hùng Vương

Hướng dẫn sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày - Bệnh viện Hùng Vương
Hướng dẫn sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày - Bệnh viện Hùng Vương

Hướng dẫn sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày

1. Thuốc tránh thai hằng ngày là gì?

- Thuốc tránh thai hằng ngày là dạng viên uống thường phối hợp 2 loại hormone sinh dục nữ là estrogen và progestin. Tuy nhiên cũng có loại thuốc tránh thai hàng ngày chỉ chứa progestin, phù hợp cho một số đối tượng đặc biệt.

- Tác dụng của thuốc tránh thai hàng ngày:

  • Ức chế sự rụng trứng;
  • Làm dày lớp màng nhầy cổ tử cung giúp ngăn chặn sự xâm nhập của tinh trùng;
  • Làm mỏng niêm mạc tử cung ngăn cản trứng làm tổ.

2. Ưu điểm và nhược điểm của thuốc tránh thai hằng ngày:

- Ưu điểm:

  • Chu kỳ kinh trở nên đều đặn hơn, làm giảm các cơn đau bụng kinh;
  • Làm giảm các triệu chứng hội chứng tiền kinh nguyệt;
  • Làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng hoặc ung thư nội mạc tử cung;
  • Làm giảm mụn trứng cá, giảm nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt.
  • Ngay khi ngừng thuốc, người phụ nữ sẽ có khả năng thụ thai.

- Nhược điểm:

  • Gây ra các tác dụng phụ tạm thời lúc đầu như đau đầu, buồn nôn, căng tức ngực, thay đổi cân nặng và thay đổi tâm trạng;
  • Chảy máu đột ngột và lấm tấm, thường gặp trong vài tháng đầu tiên sử dụng thuốc.

3. Nên uống thuốc tránh thai hàng ngày như thế nào để có hiệu quả tốt nhất?

  • Tỷ lệ ngừa thai của thuốc tránh thai hàng ngày đạt đến 99% nếu được sử dụng đúng cách.
  • Viên đầu tiên của vỉ thuốc nên được uống vào ngày đầu của chu kỳ kinh (ngày đầu tiên có kinh).
  • Khi hết vỉ thuốc, uống tiếp viên đầu tiên của vỉ tiếp theo vào ngày hôm sau dù đang còn kinh (đối với vỉ 28 viên) hoặc nghỉ 7 ngày rồi dùng tiếp vỉ sau (đối với vỉ 21 viên).
  • Uống mỗi ngày 1 viên, tốt nhất nên uống vào 1 giờ cố định trong ngày để dễ nhớ (có thể dùng báo thức, nhắc nhở trên điện thoại hoặc giấy note ở tủ lạnh để chú ý).
  • Uống thuốc theo chiều mũi tên của vỉ thuốc.

4. Nên làm gì nếu quên uống thuốc hoặc gặp tình trạng nôn, tiêu chảy khi dùng thuốc?

- Nếu bị nôn ói trong vòng 3 giờ sau khi uống thuốc:

  • Uống ngay 1 viên và sau đó uống tiếp tục 1 viên vào giờ bình thường;
  • Nếu tiếp tục bị nôn ói, sử dụng biện pháp tránh thai khác (bao cao su) cho đến khi uống thuốc trong 7 ngày mà không còn bị nôn.

- Nếu bị tiêu chảy: Sử dụng thuốc như bình thường và dùng thêm biện pháp tránh thai khác (bao cao su) cho đến khi hết tiêu chảy và 2 ngày sau khi hồi phục.

- Nếu trễ hoặc quên uống 1 viên thuốc (trong 48 giờ so với viên đã uống trước đó):

  • Uống ngay 1 viên khi nhớ ra
  • Tiếp tục uống các viên còn lại như thường lệ (đồng nghĩa có thể uống 2 viên trong cùng 1 ngày)
  • Nên sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp nếu quên thuốc vào những ngày đầu của vỉ thuốc

- Nếu quên từ 2 viên trở lên (trên 48 tiếng so với viên trước đó): liên hệ với nhân viên y tế để được hướng dẫn cụ thể.

- Đối với thuốc ngừa thai chỉ chứa Progestin:

  • Nếu uống trễ hơn 3 tiếng so với thường lệ hoặc nôn, tiêu chảy trong 3 giờ sau khi dùng thuốc:  uống ngay 1 viên khi nhớ ra kèm theo biện pháp tránh thai dự phòng (bao cao su) cho đến khi uống thuốc đúng giờ trong 2 ngày liên tiếp.
  • Trường hợp quên từ 2 viên trở lên phải bắt đầu lại vỉ mới.

5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày:

  • Nếu đang điều trị bệnh hoặc sử dụng các loại thuốc khác, cần gặp bác sĩ để được tư vấn sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp, vì một số nhóm thuốc gây ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc tránh thai hàng ngày dạng phối hợp.
  • Phụ nữ đang cho con bú có nhu cầu sử dụng thuốc ngừa thai hàng ngày cần gặp bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn sử dụng thuốc ngừa thai hàng ngày phù hợp.

Tài liệu tham khảo

1. Bệnh viện Hùng Vương. Hướng dẫn điều trị sản phụ khoa 2020 tập 2. Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2020.

2. Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh – Bộ môn Dược lâm sàng. Dược lâm sàng và điều trị (Giáo trình giảng dạy Đại học). Nhà xuất bản Y học, 2020.

3. https://www.uptodate.com/contents/hormonal-methods-of-birth-control-beyond-the-basics

4. https://www.webmd.com/sex/birth-control/how-to-take-birth-control-pills

5. https://www.nhs.uk/conditions/contraception/combined-contraceptive-pill/

ThS. DS. Đoàn Thị Ngọc Hân, DS. Trần Thu Hòa Phụng

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác