THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM VỚI TRỨNG HIẾN
Trước đây khi phương pháp hỗ trợ sinh sản chưa phát triển thì những người phụ nữ mãn kinh sớm có nguyện vọng có con là không tưởng, trừ phi phải xin con nuôi. Hiện nay với sự phát triển mạnh mẻ của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, những người phụ nữ này có thể mang thai trong chính cơ thể mình với trứng xin từ người khác.
I. TẠI SAO PHẢI XIN TRỨNG?
Ở một nười phụ nữ có buồng trứng bình thường, mỗi chu kỳ buồng trứng sẽ có một vài trứng trưởng thành, rụng trứng, có cơ hội gặp tinh trùng và có khả năng phát triển thành phôi và làm tổ trong tử cung của người phụ nữ. Ở một số trường hợp, dự trữ buồng trứng cạn kiệt không còn trứng hoặc còn một ít nang chất lượng không tốt nên không thể tạo thành phôi. Ngoài nguyên nhân do lớn tuổi, số lượng và chất lượng trứng giảm tự nhiên theo tuổi, còn có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm dự trữ buồng trứng sớm:
- Suy buồng trứng sớm nguyên phát: suy buồng trứng không có nguyên nhân. Biểu hiện của suy buồng trứng nguyên phát là mất kinh sớm.
- Suy buồng trứng thứ phát: xảy ra sau phẫu thuật bóc nang buồng trứng hoặc cắt một buồng trứng, hóa trị hoặc xạ trị ung thư. Mô lành buồng trứng bị phá hủy, dẫn đến giảm số lượng trứng.
Nếu những phụ nữ trong trường hợp này muốn mang thai thì phải xin trứng của người phụ nữ có dự trữ buồng trứng bình thường để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng của chồng người nhận trứng. Khi đó sẽ chuyển phôi này vào tử cung người nhận để mang thai.
II. TIÊU CHUẨN NGƯỜI CHO TRỨNG
Theo qui định của pháp luật về "Sinh con theo phương pháp khoa học", người cho trứng phải thoả các điều kiện sau:
- tuổi 18-35
- không có quan hệ huyết thống với chồng người nhận
- đã có gia đình và có ít nhất 1 con bình thường khoẻ mạnh
- con nhỏ nhất lớn hơn 12 tháng
- chưa từng cho trứng
- không mắc bệnh lý nội khoa, bệnh lây lan qua đường tình dục, bệnh lý di truyền
- không nhiễm HIV, viêm gan siêu vi B, giang mai
- chức năng buồng trứng bình thường dựa vào xét nghiệm và siêu âm
- không có tiền căn phẫu thuật trên buồng trứng, tử cung
- không có bệnh lý tại buồng trứng, vú
- không đang cho con bú
III. QUI TRÌNH XIN CHO TRỨNG
- xác nhận có cần thiết phải thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với trứng hiến hay không.
- khảo sát người cho có đủ điều kiện hiến trứng hay không
- tư vấn cho vợ chồng người cho, vợ chồng người nhận qui trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với trứng hiến, qui định của pháp luật và ký xác nhận đồng ý
- thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm; người hiến trứng sẽ được dùng thuốc kích thích buồng trứng cho đến khi trứng trưởng thành, vào ngày chọc hút trứng của người cho, người chồng của người nhận cũng sẽ được lấy tinh trùng để tạo thành phôi. Phôi này sẽ được chuyển vào tử cung người nhận.
IV. MỘT SỐ BIẾN CHỨNG CÓ THỂ XÀY RA
Hiện nay, các phác đồ kích thích buồng trứng dành cho người cho trứng khá an toàn, ít biến chứng. Tỉ lệ biến chứng xảy ra cho người cho trứng rất hiếm (<0,1%). Bên cạnh đó, người cho trứng sẽ được theo dõi sát sau thủ thuật chọc hút trứng. Vì vậy, các biến chứng nếu có xảy ra thường sẽ được phát hiện và điều trị sớm. Một số biến chứng có thể xảy ra:
- Xoắn buồng trứng: là tình trạng dây treo buồng trứng bị xoắn, khiến máu đến nuôi buồng trứng giảm. Triệu chứng: đau bụng dữ dội vùng bụng dưới bên trái hoặc bên phải, đau từng cơn, kèm nôn ói, tiêu chảy. Điều trị: nội soi tháo xoắn buồng trứng.
- Xuất huyết buồng trứng: là tình trạng chảy máu ở buồng trứng. Triệu chứng: đau bụng, có thể đau lan lên vai, mệt mỏi, xanh xao, chóng mặt. Điều trị: dùng thuốc cầm máu, nếu điều trị nội thất bại, cần nội soi cầm máu buồng trứng
- Xuất huyết bàng quang: là tình trạng chảy máu ở bàng quang. Triệu chứng: tiểu đỏ. Điều trị: uống nhiều nước, thuốc cầm máu. Trường hợp nặng: súc rửa bàng quang.
- Quá kích buồng trứng: là tình trạng hai buồng trứng to, có dịch ở ổ bụng, màng phổi,... Triệu chứng: nôn ói, đau bụng, khó thở, bí tiểu. Điều trị: uống nhiều nước, bù dịch, chọc hút địch ổ bụng,...
V. QUAN ĐIỂM SAI LẦM
Một số phụ nữ sợ cho trứng sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này do "hết trứng". Đây là một cách nghĩ không đúng. Mỗi người phụ nữ có khoảng 2 triệu nang trứng từ lúc sinh ra, đến lúc dậy thì bắt đầu hành kinh thì buồng trứng còn khoảng 300.000 đến 400.000 trứng có thể sử dụng, vào mỗi chu kỳ kinh sẽ có khoảng 50-100 nang trứng được chiêu mộ vào quá trình phát triển, cạnh tranh nhau hấp thụ FSH để trưởng thành và rụng trứng và cơ thể thường chỉ tiết một lượng FSH vừa đủ để chọn lọc một trứng trong một chu kỳ; các nang còn lại không có đủ FSH để trưởng thành sẽ bị thoái hoá. Những nang không được chiêu mộ trong chu kỳ này sẽ không chịu kích thích của FSH, và sẽ chở tới những chu kỳ kế tiếp. Nếu không thụ thai, sẽ lặp lại chu trình trên cho đến khi sử dụng hết trứng dự trữ tại buồng trứng và người phụ nữ sẽ bước vào giai đoạn mãn kinh. Khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm sẽ sử dụng thuốc FSH để kich thích nhiều nang được chiêu mộ cùng phát triển thay vì bị thái hoá của chu kỳ đó, chứ không ảnh hưởng đến những nang trứng của những chu kỳ sau. Do đó, nếu không sử dụng thì những nang trứng đó cũng bi mất đi cũng như không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này của người hiến trứng.
Bài viết khác
- Lạc nội mạc tử cung tiếp cận trên phương diện cấp cứu (02-01-2025)
- Gãy xương đòn ở trẻ sơ sinh (02-01-2025)
- Viêm tuyến vú ở phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ (02-01-2025)
- Chuyển dạ sanh non những điều cần biết (02-01-2025)
- Bệnh lý ung thư cổ tử cung (02-01-2025)