1. Các phương pháp nào giúp chẩn đoán nhau cài răng lược?
Nhau tiền đạo có thể phát hiện qua siêu âm. Vậy còn với nhau cài răng lược thì sao, thưa BS? Siêu âm trong thai kỳ có nhiều loại (siêu âm dopper, siêu âm qua thành bụng, siêu âm qua ngả âm đạo, siêu âm 2D-3D-4D…), loại nào giúp việc chẩn đoán nhau cài răng lược tối ưu nhất ạ?
BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương - Trưởng khoa Sản Bệnh, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Đối với nhau tiền đạo sẽ chẩn đoán bằng siêu âm và nhau cài răng lược cũng chẩn đoán bằng lâm sàng (chẩn đoán hình ảnh).
Đầu tiên, siêu âm đầu dò bụng sẽ cho vị trí của bánh nhau. Nếu cần thiết bác sĩ sẽ siêu âm đầu dò âm đạo để quan sát rõ hơn vị trí của bánh nhau. Đồng thời, có thể phổ Dopper để xem sự phân bố mạch máu của bánh nhau xâm lấn vào trong cổ tử cung đến mức độ nào.
Tuy nhiên một số tình huống như bánh nhau ở mặt sau khó khăn và siêu âm chưa thể trả lời được, cần có thêm thông tin, khi đó sẽ áp dụng thêm biện pháp chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá mức độ xâm lấn của bánh nhau. MRI cũng được công nhận hoàn toàn an toàn cho bà mẹ và thai nhi.
Siêu âm ngả âm đạo hoàn toàn không đau, chỉ hơi khó chịu và có cảm giác ngại ngùng. Biện pháp này rất an toàn cho em bé.
2. Thời điểm nào nên tầm soát nhau cài răng lược?
Thời điểm nào là tốt nhất để tầm soát nhau cài răng lược, thưa BS? Có phải tất cả mọi phụ nữ mang thai đều cần tầm soát nhau cài răng lược?
BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Các thai phụ đều được siêu âm thường quy về hình thái và kiểm tra vị trí bánh nhau ở tuần lễ từ 18 - 22 tuần.
Nếu thời điểm này ghi nhận nhau bám ở vị trí bất thường hoặc nghi ngờ nhau bám ở vị trí xâm lấm cài răng lược thì những lần siêu âm sau các bác sĩ đều chú ý để làm rõ thêm chẩn đoán này.
Ở thời điểm từ 28 - 32 tuần, siêu âm nhắc lại sẽ giúp cung cấp thêm thông tin. Nếu cần thiết sẽ hướng dẫn cho thai phụ chụp cộng hưởng từ.
3. Làm gì khi có chẩn đoán nhau tiền đạo, nhau cài răng lược?
Mẹ được chẩn đoán nhau tiền đạo, nhau cài răng lược sẽ được điều trị như thế nào?
- Cụ thể, khi có nhau tiền đạo, trong các bước tiếp theo, mẹ sẽ được theo dõi thai kỳ ra sao?
- Khi có nhau cài răng lược, các bước theo dõi và xử trí tiếp theo sẽ như thế nào ạ?
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Nhau tiền đạo hay nhau cài răng lược đều bị mất máu rất nhiều khi sanh thường, thậm chí sanh mổ chủ động. Đây là những tình huống nguy hiểm trong lúc can thiệp của sản khoa.
Nếu là nhau tiền đạo, phải theo dõi vị trí thấp nhất của bánh nhau với lỗ trong của cổ tử cung để xem là nhau bám mép hay bán trung tâm hay nhau bám thấp, tùy theo mức độ sẽ có hướng xử lý khác nhau.
Nhau tiền đạo có nguy cơ chảy máu ở bất kỳ thời điểm nào. Khi phát hiện nhau tiền đạo bác sĩ sẽ tư vấn cho thai phụ về nguy cơ chảy máu, dặn dò thai phụ khi chảy máu phải đến được cơ sở có đủ phương tiện để xử lý.
Thai phụ không đến những bệnh viện không có phòng mổ vì có khả năng phải mổ cấp cứu, cũng như không đến bệnh viện thiếu ngân hàng máu vì có thể cần truyền máu…
Mẹ bầu phải lựa chọn cơ sở y tế có đủ điều kiện, không nên sanh tại nhà hoặc sanh tại bệnh viện bất kỳ, bệnh viện đã sanh trước đó, vì việc chảy máu có thể nguy hiểm đến sinh mạng của cả mẹ và bé.
Hiện nay, các bệnh viện tuyến tỉnh đều tổ chức với mô hình bệnh viện Sản Nhi. Chỉ TPHCM có bệnh viện Nhi riêng và bệnh viện Sản riêng. Ở những bệnh viện này, sẽ có đầu đủ ngân hàng máu, quy trình quản lý về nhau tiền đạo, phẫu thuật viên được huấn luyện, đào tạo xử lý khi mổ hoặc can thiệp các trường hợp nhau tiền đạo theo chuẩn quốc gia.
Trong quá trình khám thai, bác sĩ sẽ tư vấn thời điểm có thể dùng các thuốc giúp phổi thai nhi được trưởng thành hơn (kích thích trưởng thành phổi thai). Tất nhiên có chỉ định, chống chỉ định nhưng bác sĩ sẽ cố gắng sắp xếp để có liệu pháp hỗ trợ phổi thai nhi.
Một số trường hợp không may mắn, thai phụ có thể vừa bị nhau tiền đạo (nhau bám bất thường), vừa bị đái tháo đường thai kỳ. Đái tháo đường thai kỳ không ổn định sẽ là chống chỉ định với các thuốc kích thích trưởng thành phổi. Trường hợp này cần đến bệnh viện để được quản lý đái tháo đường tốt, dùng thuốc kích thích trưởng thành phổi tại bệnh viện và có sự theo dõi của bác sĩ.
Bên cạnh đó, phải kiểm tra xem người mẹ có thuộc nhóm máu hiếm không, cần đặt nguồn máu dự phòng hay không để khi sanh được an toàn hơn cho mẹ và bé.
Một số ít trường hợp chảy máu khi em bé còn non tháng, chưa đủ trưởng thành thì khi sanh ra sẽ được hỗ trợ từ các bác sĩ Nhi Sơ sinh, có máy thở, lồng ấp,… để giúp bé có cơ hội sống nhiều hơn.
Nhau cài răng lược có thể phải cắt tử cung ngay sau khi sanh em bé và vấn đề này vẫn còn phổ biến ở nhiều quốc gia. Ngay cả Việt Nam cũng có nhiều bệnh viện phải cắt tử cung ngay sau khi mổ sanh em bé, để bảo vệ sinh mạng của mẹ vì nhau chảy máu rất nhiều, không cầm máu được.
Tuy nhiên, ở những bệnh viện lớn như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, một số bệnh viện tuyến trung ương ở miền Trung hoặc miền Bắc,… đã phát triển kỹ thuật để có thể bảo tồn tử cung cho người phụ nữ trong trường hợp nhau cài răng lược, kể cả thể nặng (xuyên hết lớp cơ tử cung) với tỷ lệ thành công cao, hơn 90%.
Đối với các bệnh viện Sản Nhi của tỉnh, khoa Nhi sẽ từ sơ sinh cho đến em bé lớn. Riêng TPHCM, các bệnh viện tuyến trung ương, các bệnh viện chuyên về Sản như Bệnh viện Hùng Vương,… đặc thù sẽ có khoa Sơ sinh chuyên biệt, tập trung chuyên sâu, có kinh nghiệm nuôi em bé non tháng, chăm sóc các em bé từ sau sanh đến 1 tháng.
Vì vậy, các mẹ cứ yên tâm, bé sẽ được xử lý kịp thời. Để thai phụ sanh an toàn, không nguy hiểm do nguy cơ mất máu nhiều và giữ được tử cung là hạnh phúc của đội ngũ y bác sĩ.
Bài viết khác
- Các hình thức thanh toán (22-06-2023)
- Hướng dẫn tra cứu hóa đơn điện tử (20-12-2024)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số 21: Ngừa thai khẩn cấp và tránh thai hằng ngày - Như thế nào là đúng? (17-12-2024)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)