Khi nào là tiền mãn kinh, mãn kinh và những nguy cơ khi mãn kinh sớm, mãn kinh muộn? - Bệnh viện Hùng Vương

Khi nào là tiền mãn kinh, mãn kinh và những nguy cơ khi mãn kinh sớm, mãn kinh muộn? - Bệnh viện Hùng Vương

Khi nào là tiền mãn kinh, mãn kinh và những nguy cơ khi mãn kinh sớm, mãn kinh muộn? - Bệnh viện Hùng Vương

Khi nào là tiền mãn kinh, mãn kinh và những nguy cơ khi mãn kinh sớm, mãn kinh muộn? - Bệnh viện Hùng Vương

Khi nào là tiền mãn kinh, mãn kinh và những nguy cơ khi mãn kinh sớm, mãn kinh muộn? - Bệnh viện Hùng Vương
Khi nào là tiền mãn kinh, mãn kinh và những nguy cơ khi mãn kinh sớm, mãn kinh muộn? - Bệnh viện Hùng Vương

Khi nào là tiền mãn kinh, mãn kinh và những nguy cơ khi mãn kinh sớm, mãn kinh muộn?

    Suy giảm nội tiết tố nữ từ 40 tuổi

     Thưa BS, phụ nữ bao nhiêu tuổi thì bước vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh? Những điều gì sẽ thay đổi khi các chị em đặt chân vào ngưỡng này ạ?

     PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Theo thống kê của thế giới, tuổi mãn kinh thật sự của người phụ nữ khoảng 50 - 52 tuổi. Đối với phụ nữ Việt Nam, giai đoạn này diễn ra ở 49 - 51 tuổi. Người phụ nữ được xem là mãn kinh khi 12 tháng hoàn toàn không có kinh. Tiền mãn kinh xuất hiện sớm hơn, khi người phụ nữ bước vào tuổi tứ tuần. Tức là từ 40 tuổi trở đi, phụ nữ bước vào độ tuổi rối loàn tiền mãn kinh, mãn kinh. Từ 40 tuổi trở đi, chức năng của buồng trứng bắt đầu suy giảm.

     Mỗi người phụ nữ bình thường có 2 buồng trứng, có nhiệm vụ rất quan trọng. Nhiệm vụ thứ nhất là tiết ra các nội tiết tố sinh dục nữ để làm cho cơ thể người phụ nữ có dáng vẻ bên ngoài khác với người đàn ông, cũng như có những đặc trưng riêng của người phụ nữ. Nhiệm vụ thứ hai của buồng trứng là tạo ra trứng để người phụ nữ có thể thực hiện thiên chức làm mẹ.

     Chức năng tạo ra các nội tiết tố sinh dục nữ sẽ giảm dần khi 40 tuổi, để đến khoảng 49 - 50 tuổi thì ngừng hẳn. Từ 35 tuổi, chức năng tạo ra trứng bắt đầu giảm và đến hơn 40 tuổi, chức năng này đã giảm đi rất nhiều. Chính vì vậy, theo khuyến cáo, người phụ nữ nên sinh con trước 35 tuổi. Sau 35 tuổi, nguy cơ vô sinh, nguy cơ sảy thai rất cao, vì chức năng tạo trứng của buồng trứng giảm cả về số lượng lẫn chất lượng

 

 

     Các vấn đề xảy ra khi đến tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh

     Người phụ nữ có cảm nhận được sự thay đổi trong cơ thể của họ hay không? Và những thay đổi đó là gì, thưa BS?

     BS.CK2 Võ Thị Mỹ Hạnh trả lời: Như BS Diễm Tuyết có nói, giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh là một giai đoạn sinh lý bình thường của người phụ nữ. Khi bước vào giai đoạn này, người phụ nữ sẽ trải qua một số triệu chứng:

- Rối loạn kinh nguyệt: Có thể một tháng có kinh 2, 3 lần hoặc vài tháng mới có kinh 1 lần; lượng kinh nhiều, ít thất thường.

- Rối loạn vận mạch: Bắt đầu có những cơn bốc hỏa hoặc các triệu chứng ảnh hưởng đến tâm sinh lý, thần kinh. Người phụ nữ có thể cáu giận, khó ngủ, bồn chồn trong người, thay đổi tính tình. Dần dần, người phụ nữ sẽ thấy nhức mỏi, đau nhức xương khớp.

- Rối loạn niệu sinh dục: Són tiểu, khô âm đạo,...

     Tóm lại, trong giai đoạn này, người phụ nữ có những biến đổi về kinh nguyệt, rối loạn vận mạch, rối loạn niệu sinh dục, hay quên hoặc những triệu chứng làm ảnh hưởng đến cuộc sống. Đó là những triệu chứng về rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh.

     Chuẩn bị tinh thần để giải quyết những rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh

     Ở trên, chúng ta đã đề cập đến những vấn đề xảy ra bên trong cơ thể khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh. Vậy những biểu hiện bên ngoài thì sẽ như thế nào?

     PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Như đã đề cập, buồng trứng có chức năng tiết ra nội tiết tố sinh dục nữ. Chính nội tiết tố sinh dục nữ là cho người phụ nữ có những khác biệt so với nam giới và nội tiết tố sinh dục nữ thay đổi theo sự phát triển của người phụ nữ.

     Như vậy, khi người phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, buồng trứng bắt đầu giảm chức năng tiết nội tiết tố sinh dục nữ. Lúc đó, cơ thể thiếu nội tiết. Bên cạnh những triệu chứng đã kể trên, còn có các triệu chứng trên da, tóc, móng:

- Da ở thời điểm này sẽ không còn căng mọng như lúc 18, 20 tuổi. Da có nhiều nếp nhăn, dễ tổn thương hơn vì đã bị lão hóa.

- Nhiều chị em phụ nữ than với bác sĩ rằng chỉ cần vuốt nhẹ là rụng cả nắm tóc. Có chị em thậm chí sợ phải chải đầu bởi vì tóc rụng nhiều.

- Móng trở nên mềm và dễ gãy. Trước đây, mỗi lần cắt móng rất khó khăn nhưng bây giờ chỉ cần đụng nhẹ là móng đã gãy.

     Đó cũng là những biểu hiện của rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh do thiếu hụt nội tiết sinh dục nữ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có những dấu hiệu rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh.

     Cũng giống như giai đoạn dậy thì, có những bé gái đi qua rất nhẹ nhàng, êm đẹp nhưng cũng có những bé nổi loạn. Tương tự, có những người đi qua giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh này một cách rất nhẹ nhàng. Nhưng có những người đi qua giai đoạn này lại vô cùng khủng khiếp.

     Vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải chuẩn bị tinh thần, tâm lý để chúng ta đón chờ một giai đoạn bắt buộc mà ai cũng phải đi qua. Người phụ nữ nào cũng phải đến tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh.

     Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần đối diện với những rối loạn và giải quyết những rối loạn đó, không để điều đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mình.

 

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương

     Đối diện với cơn bốc hỏa tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh

     Bốc hỏa ở giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và đến mối quan hệ với những người xung quanh. Làm thế nào để mọi người thấu hiểu rằng đó là do cơ thể người phụ nữ lúc này thật sự có nhiều vấn đề, thưa BS?

     BS.CK2 Võ Thị Mỹ Hạnh trả lời: Bốc hỏa là một triệu chứng rối loạn vận mạch. Khoảng 80% phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh có triệu chứng bốc hỏa và chỉ 20% không có triệu chứng này.

     Bốc hỏa là triệu chứng người phụ nữ bị thay đổi nhiệt độ. Cơn bốc hỏa bắt nguồn từ bên trong cơ thể, bắt đầu từ phần ngực trở lên. Cơn nóng này lan từ ngực lên mặt và lan khắp toàn thân. Cơn bốc hỏa này diễn ra trong thời gian từ 1 - 2 phút. Sau đó, người phụ nữ bị đổ mồ hôi toàn thân, cảm giác lạnh và khó chịu.

     Nguyên nhân của cơn bốc hỏa là do sự rối loạn của trung tâm kiểm soát nhiệt độ ở não. Suy giảm nội tiết tố estrogen làm ảnh hưởng làm ảnh hưởng đến trung tâm điều hòa nhiệt độ này, làm sai lệch lệnh phát nhiệt của cơ thể.

     Cơn bốc hỏa có thể xảy ra cả ban ngày và ban đêm. Cơn bốc hỏa xảy ra ban đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người phụ nữ, mất ngủ hoặc khó vào giấc ngủ lại. Điều này ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, khiến người phụ nữ trở nên khó chịu vào ngày hôm sau, tinh thần không tập trung, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

     Có thể điều trị theo nội tiết tố hỗ trợ hoặc có những hướng dẫn cụ thể tùy theo mức độ của cơn bốc hỏa để giúp người phụ nữ cải thiện tình trạng này.

 

BS.CK2 Võ Thị Mỹ Hạnh - Trưởng khoa Khám bệnh A - Bệnh viện Hùng Vương

     Quá trình mãn kinh ảnh hưởng đến tim mạch, xương và hệ thần kinh

     Khi tiền mãn kinh chuyển sang giai đoạn mãn kinh cơ thể sẽ chuyển biến ra sao, thưa BS? Người phụ nữ có thể tự nhận biết các dấu hiệu này đang xuất hiện hay không?

     BS.CK2 Võ Thị Mỹ Hạnh trả lời: Ở giai đoạn tiền mãn kinh, người phụ nữ có rất nhiều triệu chứng. Qua 12 tháng mà người phụ nữ không thấy kinh nguyệt nữa, họ bước hẳn vào giai đoạn mãn kinh.

     Trước khi bước sang giai đoạn mãn kinh, người phụ nữ trải nghiệm qua nhiều triệu chứng. Có những người trải qua giai đoạn này êm đẹp nhưng cũng có những người lại rất khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

     Một người phụ nữ nếu 12 tháng hoàn toàn không thấy kinh nguyệt, đi kèm với một số biểu hiện, triệu chứng đã nêu thì có thể xem như mãn kinh.

     Với những phụ nữ dưới 40 tuổi đã phẫu thuật cắt buồng trứng hoặc có điều trị về buồng trứng, không thấy kinh nguyệt, được bác sĩ cho làm xét nghiệm nồng độ FSH 2 lần với kết quả ghi nhận trên 40 đơn vị/lít thì được xem là mãn kinh sớm.

     Những phụ nữ này bắt buộc phải đến bác sĩ chuyên sản phụ khoa để được tư vấn và có liệu trình điều trị tiếp theo vì quá trình mãn kinh sẽ tác động đến cuộc sống sau này rất nhiều, ảnh hưởng đến tim mạch, xương, hệ thần kinh.

 

Những thay đổi của tiền mãn kinh, mãn kinh làm người phụ nữ rơi vào trạng thái mệt mỏi, dễ cáu gắt... Ảnh minh họa

     Vô kinh không đồng nghĩa với mãn kinh

     Phụ nữ dưới 40 tuổi nhưng không có kinh nguyệt liên tục trong 12 tháng có phải đang bị mãn kinh sớm không, thưa BS?

     PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Khi người phụ nữ không có kinh nguyệt, chúng ta phải đi tìm nguyên nhân. Không phải cứ không có kinh nguyệt thì xem như mãn kinh.

     Dưới 40 tuổi là độ tuổi hoạt động sinh dục nên khi không có kinh nguyệt thì phải đi khám phụ khoa để tìm nguyên nhân. Nếu đã loại trừ tất cả nguyên nhân mà vẫn không tìm ra lý do không có kinh nguyệt, lúc này bác sĩ mới cho bệnh nhân làm xét nghiệm FSH để xem có phải mãn kinh sớm hay không.

     Không phải trường hợp nào không có kinh trong 12 tháng cũng có thể kết luận vội là mãn kinh. Dưới 45 tuổi vẫn là tuổi hoạt động sinh dục, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vô kinh. Nếu thấy không có kinh trong 1 - 2 tháng, nên đi khám ngay chứ không đợi đến 12 tháng hoặc tự kết luận mãn kinh.

    Nguy cơ tiềm ẩn khi mãn kinh sớm

     Mãn kinh sớm sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe người phụ nữ, thưa BS?

     PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Theo tiêu chuẩn quốc tế, mãn kinh ở phụ nữ dưới 45 tuổi được xem là mãn kinh sớm. Một số trường hợp mãn kinh sớm xảy ra dưới 40 tuổi, khi có những can thiệp trên buồng trứng như phẫu thuật cắt buồng trứng, bóc u nang buồng trứng ảnh hưởng đến buồng trứng, suy buồng trứng sau đó. Những can thiệp trên buồng trứng có thể khiến người phụ nữ mãn kinh sớm.

     Một số bất thường về di truyền có thể dẫn đến suy buồng trứng sớm, xảy ra trước 40 tuổi chứ không phải dưới 45 tuổi.

     Nếu không trải qua can thiệp, không có những bất thường rối loạn di truyền nào mà mãn kinh ở tuổi 41 hoặc 42 thì vẫn xem là mãn kinh sớm chứ không riêng dưới 40 tuổi.

     Mãn kinh sớm cũng có những dấu hiệu giống với những người mãn kinh ở độ tuổi bình thường (49 - 51 tuổi). Họ cũng có những rối loạn về vận mạch; có những thay đổi về tính tình như dễ kích xúc, dễ khóc, dễ giận; thay đổi về da, tóc, móng, cơ xương khớp; thay đổi về chuyển hóa: bệnh tiểu đường, tích lũy mỡ...

     Tất cả dấu hiệu rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh đều có thể xảy ra ở người suy buồng trứng sớm hoặc mãn kinh sớm.

     Thời gian thiếu hụt nội tiết của người mãn kinh sớm kéo dài hơn so với những người mãn kinh trung bình. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ Việt Nam là 73. Một người mãn kinh ở tuổi 53 sẽ có khoảng thời gian khoảng 20 năm sống với sự thiếu hụt nội tiết sinh dục nữ. Nếu mãn kinh sớm ở tuổi 40, họ có đến hơn 30 năm sống trong tình trạng thiếu hụt nội tiết sinh dục nữ. Vì vậy, hậu quả của sự thiếu hụt nội tiết sinh dục nữ lên các cơ quan, bộ phận trong cơ thể sẽ trở nên trầm trọng hơn.

     Ví dụ, một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người lớn tuổi nói chung là bệnh lý tim mạch. Đối với phụ nữ khi bước vào độ tuổi mãn kinh, nguy cơ bệnh lý tim mạch tăng cao hơn so với nam giới vì thiếu hụt nội tiết sinh dục nữ gây nên những tác động đến hệ tim mạch.

     Ở người phụ nữ mãn kinh, nguy cơ loãng xương gia tăng vì thiếu estrogen - nội tiết tố giúp canxi gắn vào trong xương. Hiện tượng hủy xương tăng lên dẫn đến tình trạng loãng xương, chỉ cần ngã nhẹ cũng có thể gãy xương.

     Khi gãy xương ở vị trí cổ xương đùi, cột sống cổ, cột sống lưng, bệnh nhân phải nằm tại chỗ, không vận động dẫn đến tử vong vì các biến chứng thuyên tắc, viêm loét,...

     Nói tóm lại, ở người phụ nữ mãn kinh sớm, nguy cơ của tình trạng thiếu hụt nội tiết sinh dục nữ sẽ trầm trọng hơn vì khoảng thời gian thiếu hụt kéo dài hơn so với những người phụ nữ bình thường

     Nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ mãn kinh muộn

     Mãn kinh ở độ tuổi bao nhiêu được xem là trễ và người mãn kinh trễ sẽ gặp phải vấn đề sức khỏe nào, thưa BS?

     PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Theo khuyến cáo của các hiệp hội sản phụ khoa lớn trên thế giới, phụ nữ từ 55 - 65 tuổi mà vẫn còn có kinh thì được xem là nhóm mãn kinh muộn.

     Đối với nhóm này, cần lưu ý xem xét ngoài nguồn estrogen từ buồng trứng, họ còn tiếp cận với nguồn nào khác không. Estrogen trong cơ thể con người được tiết ra đa phần ở buồng trứng, nhưng cũng có ở các cơ quan khác như tuyến thượng thận. Estrogen cũng có thể đưa từ bên ngoài vào.

     Người phụ nữ có tình trạng mãn kinh muộn phải xem xét nguồn estrogen ngoài buồng trứng. Estrogen được uống từ bên ngoài vào khiến tình trạng kinh tiếp tục được duy trì. U tuyến thượng thận cũng có thể làm cho thời gian mãn kinh bị kéo dài.

     Những người mãn kinh muộn đừng vội mừng. Dù vẫn có kinh nhưng đôi khi sự thiếu hụt nội tiết tố trong cơ thể vẫn xảy ra. Vì vậy, những hậu quả của việc thiếu hụt nội tiết tố sinh dục nữ vẫn tồn tại và cần phải được đánh giá.

     Những người phụ nữ từ 55 - 65 tuổi vẫn còn kinh nguyệt nên đi khám để được đánh giá tình trạng thiếu hụt nội tiết, từ đó có những can thiệp phù hợp.

     Đặc biệt, cần xem nếu buồng trứng không tiết ra estrogen nữa, thì trong cơ thể còn nguồn estrogen nào nữa hay không. Đây là điều quan trọng bởi có thể cơ thể đang tiềm ẩn một bệnh nào đó mà chúng ta không biết.

     Nguy cơ ung thư vú tăng đột biết ở phụ nữ từ 40 - 70 tuổi. Vì vậy, trong giai đoạn này, người phụ nữ bắt buộc phải đi tầm soát ung thư vú - một trong những bệnh lý ung thư hàng đầu ở phụ nữ trên thế giới và tại Việt Nam.

     Ung thư vú là loại ung thư lệ thuộc vào estrogen. Nếu chúng ta tiếp cận với estrogen nhiều quá trong độ tuổi này, có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Những người mãn kinh muộn phải hết sức quan tâm đến tình trạng ung thư vú và phải đi tầm soát ung thư vú định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời.

     Suy giảm estrogen dẫn đến nguy cơ loãng xương

     Xin hỏi BS, tình trạng loãng xương và tim mạch có xảy ra ở những phụ nữ mãn kinh trung bình không?

     BS.CK2 Võ Thị Mỹ Hạnh trả lời: Với những người mãn kinh bình thường, tình trạng loãng xương cũng như tim mạch vẫn có. Loãng xương là hiện tượng mất tế bào xương, mật độ xương giảm đi do quá trình tạo xương và hủy xương mất cân bằng.

     Phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, nồng độ estrogen giảm làm giảm quá trình tạo xương, trong khi quá trình hủy xương lại tăng lên, dẫn đến tình trạng loãng xương.

     Thay đổi về chuyển hóa làm người phụ nữ dễ mắc các bệnh về tim mạch.

     Các chị em nên đi khám để bác sĩ đánh giá và điều trị kịp thời. Loãng xương có thể phát hiện qua đo mật độ xương cũng như chỉ số T-Score.

     Vượt qua cơn sóng ngầm mang tên tiền mãn kinh, mãn kinh

     Nhờ BS tư vấn, làm thế nào để chị em phụ nữ có thể vượt qua những rối loạn cho tiền mãn kinh, mãn kinh gây ra?

     PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Người phụ nữ bước vào tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh là một quy luật tự nhiên. Điều đầu tiên và quan trọng nhất là chúng ta sẵn sàng đón nhận giai đoạn này.

     Đón nhận giai đoạn này trong tâm thế “Tôi đang sẵn sàng” sẽ nhẹ nhàng hơn so với tâm thế bị động, ép buộc. Tâm lý sẵn sàng đón nhận là rất quan trọng.

     Thứ hai, trong giai đoạn này, người phụ nữ phải có một cuộc sống lành mạnh, bao gồm chế độ dinh dưỡng, chế độ thể dục, công việc không quá căng thẳng, hạn chế chất kích thích. Những điều này góp phần giúp người phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh nhẹ nhàng, thoải mái.

     Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp áp dụng cách này đều có được giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh nhẹ nhàng. Đôi khi vẫn có những triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, người phụ nữ nên tìm đến bác sĩ sản phụ khoa để có sự điều chỉnh phù hợp, vượt qua giai đoạn này thoải mái, nhẹ nhàng hơn.

 Chương trình Radar Sản Phụ Khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào 19h thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng. Chương trình đã thực hiện 5 chủ đề:

- Bệnh viện Hùng Vương đồng hành trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe chị em phụ nữ

- Trữ trứng - giải pháp mới cho phụ nữ hiện đại

- Viêm âm đạo và những điều cần biết

- Bệnh lý sàn chậu sau sinh - Dự phòng và điều trị

- Viêm gan siêu vi B và thai kỳ: những điều nên làm để sinh con khỏe mạnh

 

 

 

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác