1. Số lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong dịp Tết tại Bệnh viện Hùng Vương thế nào?
Số lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong dịp Tết tại Bệnh viện Hùng Vương như thế nào, thưa BS? Con số này có gì khác biệt so với những ngày thường ạ?
BS.CK2 Phạm Thị Hải Châu - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Số ca nhập viện ngày Tết giống với ngày thường, còn số ca sanh thấp hơn khoảng 10%.
2. Người bệnh thường nhập viện vào dịp Tết trong những tình huống nào?
Tại Hùng Vương - bệnh viện chuyên ngành sản phụ khoa, người bệnh thường phải nhập viện vào dịp Tết trong những tình huống nào hay do bệnh lý nào là chủ yếu, thưa BS?
BS.CK2 Phạm Thị Hải Châu trả lời: Đối với bệnh viện Sản phụ khoa sẽ có 2 phần. Một là cấp cứu về Sản khoa:
- Mặt bệnh thường xuyên nhất là chuyển dạ sanh.
- Chưa đến ngày nhưng chuyển dạ sanh non hoặc dọa sanh non hoặc đau bụng phải nhập viện.
- Mang thai nhưng ra huyết bất thường, đặc biệt trong 3 tháng cuối có thể do nhau tiền đạo ra máu hoặc nhau bong non.
- Bên cạnh đó, còn kèm theo các bệnh lý như nhập viện vì tiền sản giật hoặc các bệnh lý thường gia tăng vào dịp Tết như nhiễm trùng thai kỳ, nhiễm trùng đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa.
Hai là cấp cứu Phụ khoa:
- Thai ngoài tử cung, bệnh nhân trễ kinh, đau bụng.
- U buồng trứng xoắn hoặc vỡ.
Bên cạnh đó, Tết cũng làm gia tăng các trường hợp nhập viện như:
- Bà bầu đi về quê, đi chơi Tết đôi khi mệt mỏi hoặc hoạt động quá nhiều dẫn đến đau bụng hoặc ngất xỉu phải vào bệnh viện.
- Trước đó chủ quan không khám thai vì cận Tết hoặc trong Tết, đến khi bắt đầu có những diễn tiến không thuận lợi mới vào bệnh viện thì có thể làm chậm trễ quá trình can thiệp, dẫn đến kết cục không tốt cho mẹ và bé.
BS.CK2 Phạm Thị Hải Châu - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hùng Vương
3. Việc không đến bệnh viện vào đầu năm và chọn giờ đẹp để sanh con dẫn đến các vấn đề gì?
Nhiều người chần chừ vì quan niệm đầu năm kiêng đi bệnh viện. Theo BS, nói riêng về lĩnh vực Sản Phụ khoa, việc kiêng kị này có thể đưa đến những hậu quả gì?
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Thai nhi trong bụng mẹ được nuôi dưỡng bằng tuần hoàn - máu từ mẹ sang con đi qua trung gian là bánh nhau và đến nuôi dưỡng em bé.
Bánh nhau làm việc không đồng đều, trong 100 người phụ nữ thì có 7 - 10% các trường hợp cung cấp dinh dưỡng từ mẹ sang con qua bánh nhau bị ảnh hưởng dẫn đến tình trạng thai giới hạn tăng trưởng hoặc thai chậm tăng trưởng trong tử cung, dân gian gọi là thai còi hay thai kém phát triển.
Nhóm này có thể được phát hiện trong quá trình khám thai đầy đủ. Tuy nhiên có 2 trường hợp: Một là có thể theo dõi tại nhà, chưa cần đánh giá tình trạng em bé mỗi ngày. Hai là không thể theo dõi tại nhà, bắt buộc phải vào bệnh viện có chuyên khoa Sản bệnh.
Tại Bệnh viện Hùng Vương, khoa Sản bệnh có hơn 100 giường, vào các ngày thường đều sử dụng hết. Trong đó, hơn 1/3 là các tình huống có kết hợp với thai chậm tăng trưởng.
Tuy nhiên, vào ngày Tết có một hiện tượng đáng buồn là bệnh nhân không hiểu vấn đề nghiêm trọng của thai chậm tăng trưởng và muốn xin về nhà. Khi thai chậm tăng trưởng người mẹ có thể không có biểu hiện, thậm chí khỏe hơn người khác vì ăn không vào em bé, bánh nhau kém phát triển, em bé nhỏ, bụng nhỏ nên mẹ không cảm nhận được nhưng em bé rất nguy cấp.
Nếu có cơn có tử cung, máu từ mẹ sang con sẽ giảm và tùy vào mức độ chậm tăng trưởng của em bé mà trong vòng 1 giờ đến 2 ngày em bé có thể mất. Nhiều trường hợp kiêng kỵ ngày Tết, cho rằng mẹ còn chịu được, đến lúc vào thì tim thai đã ngừng đập (thai lưu).
Trước ngày giao thừa, khoa Sản bệnh có rất nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân xin về bất chấp nguy hiểm, thậm chí bác sĩ đã giải thích nhưng vẫn muốn ký giấy cam kết, tự chịu trách nhiệm,… với mong muốn đi về nhưng không biết nguy hiểm đang đe dọa.
Thực tế, mỗi năm sau Tết, bệnh viện lại gia tăng tình trạng tiếp nhận thai chết lưu rất đau lòng, nhưng sự việc này năm nào cũng xảy ra.
Do yếu tố xã hội, văn hóa hàng chục năm nay, quen không khí Tết, ở nhà đón Tết và kiêng kỵ, tránh xui rủi nên không đến bệnh viện dịp Tết. Tuy nhiên, nếu sau Tết có kết cục không tốt thì còn không may hơn, các bác sĩ rất chạnh lòng trước những tình huống này.
Qua đó, các tình huống cần thiết phải ăn Tết trong bệnh viện, thì thai phụ và gia đình nên cân nhắc để con có cơ hội, mặc dù không phải 100% sẽ có kết quả tốt nhưng nên hạn chế thấp nhất các rủi ro xảy ra.
Với các tình huống khác, dù bệnh nhân Phụ khoa hay Sản khoa thì ngày Tết “tinh thần chịu đựng lên cao”. Nếu đến sớm, có thể chỉ đau bụng, dọa vỡ chứ chưa vỡ.
Nhưng vào những ngày lễ Tết bệnh nhân cố chịu đựng, trì hoãn, khi đến bệnh viện thì tình trạng đã nặng, như u buồng trứng vỡ chảy máu nhiều hơn, thai ngoài tử cung vỡ sẽ xuất huyết nội nhiều hơn, thậm chí nặng nề hơn, ảnh hưởng đến huyết động, khả năng sinh tồn. Vì vậy, những dịp lễ Tết dài ngày, áp lực của ngành y tế sẽ tăng lên.
- Trong công việc hàng ngày của mình, hẳn bác sĩ đã từng gặp những câu chuyện bi hài của các gia đình sản phụ muốn chọn giờ sinh đẹp cho con nhân dịp năm mới? Việc chờ đợi này có khả năng đưa sản phụ vào các tình huống nào, thưa BS?
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trả lời: Đây là chủ đề lớn của khu vực và châu lục, đặc biệt là châu Á, quan niệm phải sanh theo giờ phù hợp làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhóm không có chỉ định mổ, có cơ hội để sanh nhưng không muốn sanh vì muốn đợi đúng ngày, đúng giờ nên có những chỉ định vượt mức. Đây là vấn đề của toàn thế giới, tỷ lệ mổ sanh gia tăng lên rất nhiều. Tại Việt Nam, Bộ y tế, vụ sức khỏe sinh sản và các bệnh viện lớn bắt đầu quan tâm vấn đề này từ nhiều năm nay để kiểm soát số ca mổ. Nhưng nhìn chung chưa kiểm soát an toàn, nhất là các cơ sở, các đơn vị không thuộc công lập vẫn còn tỷ lệ mổ sanh rất cao.
Theo các chứng cứ, nếu mổ sanh không có lý do chuyên môn chắc chắn sẽ không tốt cho mẹ và em bé. Vì mẹ có nhiều yếu tố nguy cơ, do thuốc, vô cảm, nhiễm trùng… Khi sinh mổ tỷ lệ biến cố xảy ra cao gấp 4 - 5 lần so với sanh thường. Em bé có một số nguy hiểm như ứ đọng dịch trong phổi, suy hô hấp.
Nhóm có chỉ định để mổ, vết mổ cũ 2, 3 lần. Khi thai đủ trưởng thành, có chỉ định để can thiệp phẫu thuật, 39 tuần vẫn không chịu sanh vì đợi ngày tốt dẫn đến tử cung bị vỡ, sẹo mổ trước đó không chịu được áp lực, gây nguy hiêm hay nhau bám thấp nhưng đến thời điểm trưởng thành và đủ để giảm tỷ lệ ra huyết bất thường thì không đi sanh.
Với Sản khoa hiện đại, việc mong ước điều tốt cho con là một yếu tố các bác sĩ nên xem xét. Hiện nay, bệnh viện đã lồng ghép các yếu tố chuyên môn và xã hội để có thể chọn lựa thời điểm thích hợp nhất, tuy nhiên phải nghiêng về yếu tố chuyên môn nhiều hơn.
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương
4. Những thói quen nào khác có thể gây tác động xấu đến sức khỏe thai phụ?
Ngoài việc kiêng kị đi bệnh viện đầu năm, chọn sinh con giờ đẹp, trong công tác, BS thường thấy những sai lầm/ thói quen nào khác có thể gây tác động xấu đến sức khỏe cần cảnh giác cho cộng đồng ạ?
BS.CK2 Phạm Thị Hải Châu trả lời: Tết là dịp sản phụ vui xuân, đôi khi có những thói quen chưa tốt ảnh hưởng đến thai nhi.
- Không đi khám định kỳ theo hướng dẫn của thầy thuốc, không sanh đúng ngày, không nhập viện khi ra máu.
- Có triệu chứng bất thường nhưng chủ quan vẫn muốn ở nhà và sự trì hoãn đó dẫn đến kết cục không tốt.
- Ngày Tết ăn uống quá đà: Đặc biệt là những thai phụ có bệnh lý đi kèm với thai như đái tháo đường hay cao huyết áp sẽ không kiểm soát được.
- Thoái quen sinh hoạt: Ngày Tết chơi nhiều, ngủ ít, khi thiếu thời gian ngủ sẽ ảnh hưởng đến em bé.
- Uống rượu, cà phê,…
- Tín ngưỡng: Sanh xong sẽ không tắm cả tháng, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cho người mẹ vì sau sanh sẽ tăng tiết mồ hồi, sản dịch,… Có thể làm ảnh hưởng đến em bé khi chăm sóc vì bé chưa có sức đề kháng.
- Chủ quan, không có kế hoạch sanh dự phòng: Đặc biệt thai lớn, gần ngày sanh hoặc có triệu chứng bất thường phải tìm hiểu cơ sở, quy trình sanh,… để tránh bối rối, hoảng sợ.
5. Trường hợp nào chị em phụ nữ cần đến bệnh viện cấp cứu ngay?
Như vậy, với các chị em phụ nữ, nhất là mẹ bầu khi có những dấu hiệu nào thì cần đi cấp cứu/ vào viện ngay dù là ngày đầu năm mới ạ?
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trả lời: Thời điểm bắt đầu có thể nuôi sống được thai ở các bệnh viện lớn, đa phần là trên 24 - 25 tuần (chưa đến 6 tháng) nhưng tỷ lệ vẫn rất thấp so với 9 tháng 10 ngày. Tuy nhiên dưới khoảng này thì khả năng nuôi sống bé gần như không có vì thai cực non, em bé chưa phát triển hệ thống sinh tồn quan trọng như phế nang ở phổi,…
Các dấu hiệu nguy hiểm khi thai phụ mang thai:
- Đau bụng: Thai lớn đau bụng có thể liên quan đến dọa sanh non, va chạm, nhau bong non, chuyển dạ sanh non,… Tuy nhiên bất kỳ thời điểm nào đau bụng dù do thai hay do những cơ quan bên trong như hệ tiêu hóa, viêm ruột thừa, viêm sỏi niệu quản, viêm tụy cấp,… thì phải đến cơ sở y tế để chẩn đoán phân biệt, nguyên nhân chỉ đơn thuần liên quan đến thai hay không phải do thai hoặc cả hai.
- Ra máu âm đạo: Thai kỳ bình thường không bị ra máu, chỉ đến khi chuyển dạ mới ra một ít máu và lúc sanh ra máu nhiều. Các thời điểm còn lại, dù ra máu ở cấp độ nào cũng phải đến bệnh viện. Nếu vừa đau bụng vừa ra máu sẽ trầm trọng hơn.
- Hiện tượng rỉ ối non, ối vỡ non (rách màng ối làm chảy nước ở nhiều cấp độ): Có thể liên quan đến nhiễm trùng âm đạo, dọa sanh non hoặc là rỉ nước tiểu,… tuy nhiên phải đến cơ sở y tế để đánh giá phân biệt vì có người vừa rỉ ối, vừa rỉ nước tiểu.
- Thai máy (từ 4,5 tháng trở lên, con rạ có thể cảm nhận sớm hơn và con so trễ hơn): Khi cảm nhận được thai trong bụng thì khi khám thai sẽ được hướng dẫn cử động thai. Sau khi mẹ ăn uống khoảng 30 phút đến 1 giờ, em bé bắt đầu được cung cấp dinh dưỡng nên sẽ cử động nhiều. Nếu một ngày, trong 1 lần đếm trên 10 cử động là thai khỏe. Nếu một ngày, 3 lần sau 3 bữa ăn cộng lại không được 10 cử động là thai máy yếu. Khi đó phải nhanh chóng đến bệnh viện để xác định tình trạng của bé.
- Cao huyết áp thai kỳ (liên quan đến tiền sản giật, có thể gây tử vong): Thai phụ cảm thấy mệt, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, phù tay, phù chân…
- Đái tháo đường: Trước khi xảy ra biến cố nặng (đường huyết tăng quá cao, toan chuyển hóa) thì các biến cố nhẹ đôi khi không cảm nhận được và em bé có thể bị rối loạn nhịp tim, thậm chí chết lưu. Đái tháo thường là tình trạng đáng báo động tại Việt Nam, chiếm 20% (cứ 5 thai phụ là có 1 người mắc). Dịp lễ Tết ăn uống thất thường (ăn nhiều, không ăn đúng giờ, đúng bữa), nhưng yêu cầu trong điều trị là giữ đường huyết ở mức ổn định, chia thành nhiều bữa trong ngày,…
Bài viết khác
- Bí quyết chăm sóc mẹ bầu trong dịp Tết (04-02-2025)
- Y bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương xuyên Tết chăm sóc sức khỏe mẹ và bé (04-02-2025)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số đặc biệt: Bầu bì sinh nở dịp Tết - Bệnh viện Hùng Vương lo hết (04-02-2025)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)