Vào một buổi sáng, khi các Bác sĩ khoa Cấp Cứu BV Hùng Vương vừa nhận bàn giao từ tua trực đêm, thì một chị bệnh nhân khoảng 40 tuổi vẻ mặt tái xanh, ôm bụng nhăn nhó được người nhà đẩy xe vào. Nhân viên y tế nhanh chóng đưa chị vào bàn khám, đánh giá mạch, huyết áp và tình trạng hô hấp, tất cả đều ổn định khá ổn định. Khi hỏi bệnh, bệnh nhân cho biết: chị năm nay 41 tuổi, có 2 con, 10 tuổi và 6 tuổi, phát hiện lạc nội mạc tử cung mấy năm nay, thường chị đau bụng khi có kinh khoảng 2 ngày, lượng kinh khá nhiều, bác sĩ khuyên chị sử dụng thuốc giảm đau và thuốc ngừa thai hàng ngày, nhưng chị không dùng mà cố gắng chịu đựng vì e ngại tác dụng phụ của thuốc. Từ đó đến nay chị chưa tái khám vì bận lo con cái và nghĩ rằng bệnh không điều trị được. Hôm nay chị có kinh ngày thứ 4, đau bụng ngày càng tăng mặc dù chị mua thuốc giảm đau uống 2 ngày nay. Lượng kinh thì rất nhiều, đêm qua chị phải mặc tã quần thay cho băng vệ sinh như bình thường. Sáng nay vì chóng mặt, đau bụng nhiều chị phải xin nghỉ làm việc và nhờ người thân đưa đến bệnh viện. Chị mong muốn được cắt tử cung để không còn đau đớn nữa vì chị đã có 2 con và không còn nhu cầu sinh đẻ. Khi khám bệnh các bác sĩ thấy da bệnh nhân rất xanh, niêm mạc mắt nhạt, lòng bàn chân tay trắng bệch. Khám bụng thì thấy bụng mềm hoàn toàn, tử cung to bằng người phụ nữ có thai khoảng 3 tháng. Huyết am đạo ra nhiều, kèm huyết cục. Sau khi thăm khám và loại trừ các nguyên nhân gây đau bụng cần can thiệp ngoại khoa cấp cứu, bác sĩ đã cho chị sử dụng thuốc giúp chị giảm cơn đau và làm các xét nghiệm cần thiết.
Lạc nội mạc tử cung là gì?
Nội mạc tử cung là lớp biểu mô lót ở trong lòng tử cung, đến cuối mỗi chu kỳ lớp nội mạc này sẽ bị bong ra, chảy máu tạo thành kinh nguyệt hàng tháng. Lạc nội mạc tử cung tình trạng mô nội mạc tử cung “lạc” ở bên ngoài buồng tử cung. Các vị trí mà nội mạc tử cung có thể đi lạc đến trú đóng là (1) buồng trứng (Endometrioma),(2) phúc mạc chậu (Endometriosis), (3) tạng chậu và vách âm đạo - trực tràng (Deep Infiltrating Endometriosis) và (4) cơ tử cung (Adenomyosis). Bất kì người phụ nữ có kinh nguyệt nào cũng có nguy cơ lạc nội mạc tử cung, tuổi hay gặp nhất là khi 30 – 40 tuổi. Triệu chứng lạc nội mạc tử cung ở mỗi người không giống nhau. Một số phụ nữ biểu hiện bằng những triệu chứng nhẹ, nhưng những người khác có thể xuất hiện các dấu hiệu bệnh từ trung bình đến nặng.
Những triệu chứng thường gặp của bệnh?
Đau là triệu chứng phổ biến nhất, phụ nữ bị mắc bệnh phải đối mặt với nhiều loại cơn đau khác nhau, gồm: đau bụng kinh, đau mạn tính vùng lưng dưới và xương chậu, đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục, đau ruột, đau khi đi đại tiện hoặc tiểu tiện trong thời kỳ kinh nguyệt, một số trường hợp đau chân khiến bạn có thể đi khập khiễng.
Xuất huyết tử cung bất thường: kinh lượng nhiều, máu cục, kinh kéo dài nhiều ngày hoặc ra huyết giữa chu kỳ kinh.
Hiếm muộn: 40 % phụ nữ bị hiếm muộn có lạc nội mạc tử cung.
Vài triệu chứng liên quan rối loạn tiêu hoá như táo bón hoặc tiêu chảy khi có kinh.
Điều trị lạc nội mạc tử cung như thế nào?
Lạc nội mạc tử cung tuy không phải bệnh gây chết người nhưng những biến chứng của nó có thể gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Việc điều trị tuỳ thuộc vào các triệu chứng, nếu bệnh nhân không có triệu chứng thì thường không cần điều trị, vì các tổn thương sẽ thoái lui sau khi họ mãn kinh. Việc điều trị sẽ ưu tiên bằng thuốc và các biện pháp hỗ trợ làm giảm cơn đau như chườm nóng, xông hoặc xoa bóp bấm huyệt, dùng các thực phẩm có tính ấm. Điều trị bằng thuốc gồm thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc nội tiết như thuốc ngừa thai, các progestin, GnRh, thuốc sắt, nếu thiếu máu nhiều thậm chí truyền máu. Chỉ điều trị cắt tử cung khi bệnh nhân đau nhiều hoặc xuất huyết tử cung gây thiếu máu nặng thường xuyên mà điều trị thuốc không hiệu quả.
Trở lại với chị bệnh nhân của chúng ta, khi có kết quả các chỉ định cận lâm sàng. Siêu âm cho hình ảnh tử cung to, có các dấu hiệu của lạc nội mạc tử cung trong cơ. Xét nghiệm máu: Hemoglobin 5,1 g/l, Hematocrit 19,6 %, bệnh nhân thiếu máu nặng. Sau khi hội chẩn với Ban chủ nhiệm khoa các bác sỹ đã tư vấn và truyền cho chị 2 đơn vị hồng cầu đậm đặc cùng nhóm. Đồng thời dùng thuốc giảm đau, cầm máu và bổ sung sắt. Sau 1 ngày nằm viện bệnh nhân đã được xuất viện với thể trạng hồng hào, không còn đau bụng và huyết âm đạo còn ít. Chị đã được bác sĩ tư vấn và đồng ý tiếp tục điều trị bằng thuốc nội tiết và tái khám lại sau 1 tuần tại phòng khám phụ khoa để đươc theo dõi.
Trường hợp của chị bệnh nhân trên không phải là hiếm gặp, gần đây tại khoa cấp cứu BV Hùng Vương chúng tôi thường xuyên tiếp nhận những phụ nữ có triệu chứng đau bụng kinh, cường kinh, thiếu máu nặng vì nguyên nhân lạc nội mạc trong cơ tử cung. Việc ra máu kinh nhiều hàng tháng kèm đau bụng khiến chị em ít chú ý, qua thời gian dài trở nên thiếu máu mãn tính và nặng. Vì vậy các bác sĩ khuyến cáo chị em nên thăm khám phụ khoa định kì nghe theo lời khuyên của bác sĩ, khi có các dấu hiệu bất thường cần tái khám để được bác sĩ tư vấn điều trị kịp thời tránh các biến chứng nặng.
Bài viết khác
- Gãy xương đòn ở trẻ sơ sinh (02-01-2025)
- Viêm tuyến vú ở phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ (02-01-2025)
- Chuyển dạ sanh non những điều cần biết (02-01-2025)
- Bệnh lý ung thư cổ tử cung (02-01-2025)
- Mẹ bầu chủ động phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ (02-01-2025)