1. Thống kinh, đau khi quan hệ, hiếm muộn, có thể do lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung, làm sao để nhận diện từ sớm, các dấu hiệu nào cảnh báo căn bệnh này, thưa BS?
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Thứ nhất, một trong những yếu tố rất quan trọng dễ bỏ qua là tình trạng thống kinh (đau trong quá trình hành kinh), đây là triệu chứng khá phổ biến. Tuy nhiên, cần lưu ý không phải bị thống kinh sẽ kết luận là lạc nội mạc tử cung. Trong nhóm thống kinh, lạc nội mạc tử cung chiếm tỷ lệ lớn, do đó nếu bệnh nhân bị đau bụng kinh cần đi khám để kiểm tra vấn đề lạc nội mạc.
Đôi khi do tính kiên cường của người phụ nữ Việt Nam, chịu đựng cơn đau đến khi không thể chống lại mới bắt đầu đến gặp bác sĩ, đây là sai lầm. Do đó, từ trẻ vị thành niên đến phụ nữ trong tuổi sinh đẻ nếu đau bụng khi hành kinh hãy đến gặp bác sĩ.
Thứ hai, triệu chứng đau khi giao hợp. Khi lập gia đình, người phụ nữ quan hệ bình thường, chỉ lần đầu tiên quan hệ, màng trinh bị phá vỡ hoặc thiếu chất bôi trơn thì có thể gây đau. Nhưng nếu quan hệ tình dục bình thường, có triệu chứng đau dẫn tới tâm lý ngại quan hệ tình dục, người phụ nữ nên đi khám để kiểm tra bản thân có bị lạc nội mạc tử cung hay không.
Đó là hai nhóm triệu chứng bác sĩ lưu ý đến tất cả các chị em phụ nữ, nếu có hãy đi khám phụ khoa để được kiểm tra, xác định đó là đau do sinh lý bình thường hay do bệnh lý, đặc biệt là lạc nội mạc tử cung.
Ngoài ra, người phụ nữ khi lập gia đình, không can thiệp biện pháp tránh thai, quan hệ tình dục bình thường trong một năm vẫn không mang thai, nên đi khám hiếm muộn để bác sĩ tìm nguyên nhân tại sao hai vợ chồng khó có thai. Bởi vì, trong nhóm phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ, nguyên nhân gây hiếm muộn do lạc nội mạc tử cung chiếm tới 25-50%. Do đó, nên đi khám, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả.
2. Cảnh giác cơn đau hành kinh từ nhẹ đến nặng
Những cơn đau của lạc nội mạc tử cung trở thành nỗi ám ảnh của nhiều chị em phụ nữ. Song, cơn đau này khác nhau trên mỗi người. Nhờ BS chia sẻ cụ thể hơn: Cơn đau của lạc nội mạc tử cung được mô tả ra sao và thường gặp trên những vị trí nào, tình huống nào?
- Một số chị em bị đau bụng dữ dội trong 1-2 ngày đầu của kỳ kinh nguyệt, đây có phải triệu chứng gợi ý của lạc nội mạc tử cung, hay đau bụng kinh nguyệt bình thường?
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Đau trong lạc nội mạc tử cung không có yếu tố điển hình, chủ yếu là dấu hiệu từ thống kinh. Mặc dù thống kinh do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng vì lạc nội mạc tử cung chiếm tỷ lệ lớn trong các nguyên nhân gây ra thống kinh, do đó khi gặp tình trạng này, chị em nên đi khám để được xác định bản thân có mắc lạc nội mạc tử khung hay không.
Thứ nhất, nhận thấy đau trong lạc nội mạc tử cung có liên quan đến hành kinh, mức độ đau tùy thuộc theo mức độ lạc nội mạc tử cung và sự chịu đựng của người phụ nữ. Có những người chỉ đau như đứt tay, nhưng một số chị em có cơn đau như đứt ruột, do đó mức độ đau không phản ánh được đặc tính của đau lạc nội mạc tử cung.
Bác sĩ khuyến cáo, nếu chị em bị đau bụng kinh nên đi khám ít nhất một lần để xác định thống kinh đó là sinh lý bình thường hay bệnh lý để can thiệp kịp thời.
Thứ hai, đau thống kinh thường sẽ đau liên quan đến tử cung, vị trí thấp (đau hạ vị), người phụ nữ sẽ có cơn đau co thắt do tử cung co thắt trong quá trình hành kinh. Tình trạng đau sẽ âm ỉ và có những đợt đau nhiều hơn, thậm chí một số chị em trong những ngày hành kinh không thể làm được gì, chỉ nằm trên giường, chườm nóng và uống thuốc giảm đau, do đó đau lạc nội mạc tử cung không thể chủ quan.
Ngoài ra, có những người chỉ đau thoáng qua 1-2 ngày, trong những ngày hành kinh chỉ đau vài cơn sau đó hết, nhưng lại bị lạc nội mạc tử cung, ngược lại, có những người đau “lên bờ xuống ruộng” trong những ngày này, thậm chí nghĩ đến việc giá như không hành kinh để không bị đau như vậy. Tóm lại, phải thật sự cảnh giác với cơn đau hành kinh.
3. Phải đi khám ngay khi có những cơn đau bất thường
Các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung có thể nhầm lẫn với những bệnh lý nào khác và làm sao để phân biệt giữa các tình trạng này?
BS.CK2 Hoàng Thị Thanh Thảo trả lời: Rất nhiều bệnh lý có triệu chứng đau bụng và chỉ có bác sĩ mới có thể loại trừ. Bệnh nhân có bất kỳ vấn đề gì đều phải đi khám chứ đừng nên ra tự mua thuốc giảm đau.
Vấn đề đau có thể chia thành hai nhóm: cấp tính và mãn tính. Đối với đau hành kinh, có những đợt rất đau, đau đến mức không thể ngồi dậy. Một số bệnh nhân đau đến nỗi muốn cắt bỏ tử cung để không còn hành kinh nữa.
Tuy nhiên, chúng ta phải loại trừ những cơn đau cấp tính của bệnh lý khác như cơn đau quặn thận, cơn đau ruột thừa, đau lòng ruột...
Những trường hợp mãn tính cần phải loại trừ như đau do áp xe buồng trứng, đau do viêm vùng chậu, đau do tình trạng bất thường ở những cơ quan khác âm ỉ kéo dài dẫn đến vấn đề đau.
Bệnh nhân nên đi khám ngay để loại trừ những bệnh lý khác, đặc biệt là những bệnh lý cấp tính cần giải quyết ngay.
4. Khám phụ khoa khi có triệu chứng thống kinh
Như vậy, một người xuất hiện những triệu chứng của lạc nội mạc tử cung sẽ được thăm khám ra sao? Các cận lâm sàng nào sẽ được chỉ định để chẩn đoán căn bệnh này, thưa BS?
PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết: Bệnh nhân có triệu chứng thống kinh (đau bụng khi hành kinh) sẽ được khám phụ khoa. Giống như những trường hợp khám phụ khoa khác, nghĩa là phải khám âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, siêu âm đánh giá tử cung và hai buồng trứng.
Thông qua việc khám như vậy, chúng tôi có thể phát hiện các lạc nội mạc tử cung ở tử cung, ở buồng trứng hoặc ở vùng chậu.
Khi tồn tại sang thương lạc nội mạc tử cung, ví dụ như một nang có hình dạng rất giống với nang lạc nội mạc tử cung hoặc những tổn thương ở cơ tử cung nghi ngờ lạc nội mạc tử cung, bác sĩ sẽ có chỉ định xét nghiệm để xác định lạc nội mạc tử cung, đồng thời loại trừ những bệnh lý khác liên quan đến triệu chứng thống kinh.
5. Khó khăn trong chẩn đoán lạc nội mạc sâu
Theo BS, đâu là những khó khăn - thử thách trong việc chẩn đoán lạc nội mạc tử cung?
BS.CK2 Hoàng Thị Thanh Thảo trả lời: Thử thách nhất hiện nay là lạc nội mạc sâu. Lạc nội mạc sâu không thể nhìn thấy trên lâm sàng. Lạc nội mạc nhỏ ở vách chậu nằm trên cao không thấy qua siêu âm, đôi khi MRI cũng không thể thấy được.
Ở nước ngoài có cận lâm sàng nội soi ổ bụng để chẩn đoán nhưng ở Việt Nam tình hình kinh tế đôi lúc còn khó khăn, bác sĩ cũng phải cân nhắc. Chọn lựa những phương pháp đắt tiền cho ứng dụng chẩn đoán có hơi phí phạm.
Do đó, hiện nay Bệnh viện Hùng Vương vẫn lồng ghép chẩn đoán và điều trị một thì bằng phương pháp nội soi. Đa phần chúng tôi không làm nội soi cho những trường hợp tìm lạc nội mạc sâu mà chỉ nội soi những trường hợp vô sinh, hiếm muộn, nghi ngờ HSG có tắc vấn đề gì đó, có chỉ định cắt hai ống dẫn trứng để chuẩn bị buồng tử cung làm tổ.
Chương trình Radar Sản Phụ Khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào 19h thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng. Chương trình đã thực hiện 9 chủ đề:
- Bệnh viện Hùng Vương đồng hành trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe chị em phụ nữ
- Trữ trứng - giải pháp mới cho phụ nữ hiện đại
- Viêm âm đạo và những điều cần biết
- Bệnh lý sàn chậu sau sinh - Dự phòng và điều trị
- Viêm gan siêu vi B và thai kỳ: những điều nên làm để sinh con khỏe mạnh
- Đừng u sầu vì rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh
- Hiểu đúng về u xơ tử cung để điều trị khoa học
- Đàn ông vô tinh: vẫn có giải pháp làm cha!
- Chẩn đoán tiền sản - giải pháp phát hiện mọi bất thường thai nhi?
Bài viết khác
- Các hình thức thanh toán (22-06-2023)
- Hướng dẫn tra cứu hóa đơn điện tử (20-12-2024)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số 21: Ngừa thai khẩn cấp và tránh thai hằng ngày - Như thế nào là đúng? (17-12-2024)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)