1. Trường hợp nào mẹ bầu bị nhau tiền đạo, nhau cài răng lược phải đến bệnh viện?
Các dấu hiệu nào mẹ bầu cần lưu ý khi bị nhau tiền đạo, nhau cài răng lược để thông báo cho bác sĩ hoặc quay lại bệnh viện, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương - Trưởng khoa Sản Bệnh, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Thông thường nếu không có triệu chứng mà tuổi thai còn nhỏ, các mẹ bầu vẫn tiếp tục ở nhà và khám thai định kỳ. Tuy nhiên, mẹ bầu sẽ được dặn các dấu hiệu nhận biết cần nhanh chóng đi vào bệnh viện như: trằn bụng, có cơn gò hoặc em bé cử động ít hoặc ra máu dù ít.
Gần đến tuổi thai dự định sẽ có phương án mổ sanh. Khi đó các mẹ bầu vào nhập viện, bác sĩ gây mê sẽ khám tiền mê, ngân hàng máu sẽ chuẩn bị những đơn vị máu cùng nhóm máu với thai phụ, thậm chí chuẩn bị số lượng máu cần thiết cho một cuộc mổ nếu mất máu nhiều.
Lúc này, các bác sĩ Sản khoa sẽ lên phương án và giải thích, bàn bạc cho các mẹ bầu hiểu về các xử trí trong cuộc mổ, các thuốc được dùng để giúp co hồi tử cung, thuốc cầm máu, những biện pháp cầm máu khi mổ sanh… Các bác sĩ sẽ cố gắng vừa cầm máu vừa bảo tồn tử cung, tuy nhiên một số trường hợp hiếm phải cắt tử cung.
Khoảng 20 năm trước, nếu nhau tiền đạo và nhau cài răng lược số lượng máu mất rất nhiều và thông thường sau khi mổ sanh xong sẽ chủ động cắt tử cung. Tuy nhiên hiện nay, các phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm hơn và có những phương pháp, kỹ thuật mới, cùng với đội ngũ bác sĩ gây mê có khả năng ứng phó với trường hợp mất máu nhiều và truyền máu số lượng lớn thì tỷ lệ bảo tồn được tử cung hiện nay khá cao.
Nhờ vậy mẹ bầu vừa được cầm máu, được cứu sống mà vẫn giữ được tử cung. Đây là tín hiệu đáng mừng cho những sản phụ đang mang thai mà có nhau tiền đạo, nhau cài răng lược. Thai phụ không nên quá lo lắng về vấn đề này.
BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương - Trưởng khoa Sản Bệnh, Bệnh viện Hùng Vương
- Bác sĩ sẽ có những giải pháp nào để bảo tồn tử cung với những trường hợp nhau cài răng lược trước nhu cầu có em bé lần sau của thai phụ?
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Đối với nhau tiền đạo, hiện nay đội ngũ kỹ thuật viên của bệnh viện có khả năng bảo tồn tử cung gần như 99%. Nhưng đối với nhau cài răng lược vẫn là vấn đề lớn trên thế giới, tại Việt Nam, không phải cơ sở nào cũng có thể bảo tồn tử cung.
Phương án lựa chọn an toàn cho mẹ và em bé là sau khi mổ lấy em bé, sẽ tiến hành cắt tử cung để giảm chảy máu do máu chảy như vòi nước không khống chế được. Trong vòng 5 - 10 phút không xử lý tốt sẽ có thể ngưng tim trên bàn mổ và nguy hiểm đến tính mạng.
Tuy nhiên, trong khoảng hơn 10 năm gần đây, các bệnh viện lớn như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ, một số bệnh viện tuyến trung ương ở miền Trung hoặc miền Bắc,… đều tìm phương thức mổ xong không cắt tử cung. Tại Bệnh viện Hùng Vương đã tiến hành phương thức bảo tồn tử cung một thùy hơn 10 năm nay và hiệu quả đến hơn 95%.
Đây là đề tài tập thể Bệnh viện Hùng Vương thực hiện với những nét chính như: Phát hiện sớm; Chuẩn bị về độ trưởng thành phổi của em bé để tỷ lệ sống tăng cao; Chuẩn bị máu cho bệnh nhân trước đó để không rơi vào tình huống thiếu máu khi chảy máu;
Đội ngũ gây mê chọn lựa được phương pháp vô cảm có dùng huyết áp động mạch xâm lấn để có thể giúp ổn định mạch và huyết áp liên tục trong cuộc mổ, thậm chí mất máu khối lượng lớn; Đội ngũ kỹ thuật viên phải xử lý vùng nhau bám nhanh, khống chế các mạch máu cung cấp xung quanh tử cung một cách liên hoàn và chặt chẽ.
Đề tài này đã được đăng ký cấp thành phố năm 2023 và đạt giải 3 trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật liên quan đến y học. Đây được coi là sự nỗ lực của tập thể y bác sĩ cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống người phụ nữ và các thai phụ.
Vì mất tử cung sớm ở người trẻ sẽ làm mất tự tin, về mặt sinh học làm giảm khả năng nuôi dưỡng ở 2 buồng trứng. Những người này thường có tình trạng mãn kinh sớm và tuổi thọ, chất lượng cuộc sống kém hơn người không mất tử cung.
TTND.PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương
Chủ nhiệm bộ môn Sản - Phụ khoa, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
2. Mẹ bầu bị nhau tiền đạo, nhau cài răng nên sinh thường hay sinh mổ?
Nguy cơ của nhau tiền đạo, nhau cài răng lược xảy ra khi vào chuyển dạ? Mẹ cần nhập viện trước sinh bao lâu? Sinh thường hay sinh mổ sẽ an toàn hơn cho mẹ và bé, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Thai phụ có nhau tiền đạo, nhau cài răng lược sẽ không thể sanh thường, vì nhau tiền đạo đã che bít cổ tử cung. Cổ tử cung mở ra em bé mới có thể đi ra ngoài qua đường âm đạo, bây giờ cửa đã bị đóng lại em bé không thể đi ra bằng đường tự nhiên được.
Trong lúc mổ sanh bác sĩ sẽ chủ động mấy bánh nhau và cầm máu ở vị trí chảy máu trong trường hợp nhau tiền đạo, nhau cài răng lược. Lúc này nhau bám rất chặt, thời gian cầm máu của bác sĩ phải cực kỳ nhanh, cần có sự hỗ trợ của bác sĩ gây mê và ngân hàng máu.
Có 2 hình thức:
Đầu tiên là mổ sanh chủ động sẽ bàn bạc đến thời điểm thai đủ tháng, qua khỏi giai đoạn non tháng, khoảng 36 - 37 tuần sẽ lên kế hoạch mổ sanh chủ động có sự chuẩn bị, phối hợp của đa chuyên khoa (bác sĩ Sản khoa, bác sĩ Gây mê hồi sức, bác sĩ Huyết học, bác sĩ Nhi khoa) là phương án tốt nhất.
Tình huống thứ hai là mổ sanh cấp cứu, khi mẹ bầu có tình trạng chảy máu. Nếu chảy máu ít bác sĩ sẽ cho thuốc truyền để cố gắng giảm cơn gò và dưỡng thai thêm, đồng thời cho thuốc hỗ trợ em bé và bảo vệ não thai nhi. Nhưng nếu chảy máu ồ ạt với lượng nhiều, nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai thì lúc đó phải mổ sanh cấp cứu. Trong tình huống này em bé có thể non tháng và bác sĩ Nhi sẽ hỗ trợ cho bé ngay tại phòng mổ, tại khoa Nhi Sơ sinh của bệnh viện.
Do đó, đã có các phương án để cuộc mổ sanh an toàn hơn, tối ưu hơn, giảm sự mất mát về máu và nguy hiểm cho em bé. Nhau tiền đạo có các mức độ khác nhau vì vậy phương án sẽ khác nhau:
Nhau tiền đạo trung tâm, che bít hoàn toàn cổ tử cung sẽ mổ sanh.
Nhau tiền đạo bán trung tâm, che bít một phần cổ tử cung sẽ mổ sanh.
Nhau bám thấp, vị trí lỗ cong trong cổ tử cung cách mép dưới bánh nhau khoảng dưới 20mm, trong tình huống này có thể theo dõi sanh đường âm đạo. Tuy nhiên phải cẩn trọng và dự trù trước những tình huống khi đi vào chuyển dạ bị chảy máu sẽ có khả năng mổ cấp cứu. Nếu không chảy máu, tim thai tốt trong quá trình chuyển dạ thì có thể theo dõi sanh đường âm đạo.
Bài viết khác
- Các hình thức thanh toán (22-06-2023)
- Hướng dẫn tra cứu hóa đơn điện tử (20-12-2024)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số 21: Ngừa thai khẩn cấp và tránh thai hằng ngày - Như thế nào là đúng? (17-12-2024)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)