Mổ lấy thai và nguy cơ cho thai kỳ sau - Bệnh viện Hùng Vương

Mổ lấy thai và nguy cơ cho thai kỳ sau - Bệnh viện Hùng Vương

Mổ lấy thai và nguy cơ cho thai kỳ sau - Bệnh viện Hùng Vương

Mổ lấy thai và nguy cơ cho thai kỳ sau - Bệnh viện Hùng Vương

Mổ lấy thai và nguy cơ cho thai kỳ sau - Bệnh viện Hùng Vương
Mổ lấy thai và nguy cơ cho thai kỳ sau - Bệnh viện Hùng Vương

Mổ lấy thai và nguy cơ cho thai kỳ sau

MỔ LẤY THAI VÀ NGUY CƠ CHO THAI KỲ SAU

        Mổ lấy thai (Sanh mổ) là một phẫu thuật nhằm mục đích đưa thai nhi ra ngoài qua vết rạch trên tử cung và thành bụng. Phương pháp này đã góp phần làm giảm đáng kể tỉ lệ tai biến và tử vong cho mẹ và trẻ sơ sinh ở những trường hợp khó sanh ngả âm đạo. Tuy vậy, nghiên cứu cũng cho thấy mổ lấy thai làm tăng nguy cơ biến chứng cho thai kỳ tiếp theo khi so sánh với sanh thường (sanh ngả âm đạo). Do đó, sanh thường vẫn là phương pháp đầu tiên được lựa chọn trong trường hợp mẹ bầu không có yếu tố nào gây bất lợi cho quá trình sanh ngả âm đạo.

    Mỗi lần mổ lấy thai là thêm một lần tăng nguy cơ biến chứng cho thai kỳ kế tiếp. Xác suất gặp phải các biến chứng ở thai kỳ tương lai sẽ càng tăng khi số lần mổ lấy thai càng nhiều. Những nguy cơ bạn có thể gặp phải ở thai kỳ tương lai khi có sẹo mỗ cũ bao gồm:

1. Vỡ tử cung

Vỡ tử cung là biến chứng nặng nề, thường được lưu ý ở thai kỳ có vết mổ cũ, đặc biệt ở những tháng cuối của thai kỳ và thời điểm chuyển dạ. Nguy cơ vỡ tử cung khi có thai trên vết mổ cũ 2 lần cao gấp đôi so với vết mỗ cũ 1 lần.

Thông thường, sau khi mổ lấy thai, bạn nên ngừa thai tối thiểu 6-12 tháng. Các chuyên gia khuyến cáo tốt nhất bạn nên để có thai lại sau ít nhất 12-15 tháng nếu có kế hoạch. Có thai lại càng sớm trong vòng 12 tháng sau mổ lấy thai, nguy cơ vỡ tử cung sẽ càng cao và có thể gặp phải biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và thai.

2. Hiếm muộn (khó có thai)

Các tổn thương trong quá trình mổ lấy thai và lành vết thương sau mổ lấy thai có thể khiến bạn khó có thai trong tương lai. Bao gồm tình trạng nhiễm trùng vết mổ lấy thai, tụ dịch, khuyết sẹo mổ cũ, tổn thương và tắc hai ống dẫn trứng, tổn thương buồng trứng …

Bên cạnh đó, vết mổ cũ cũng làm tăng nguy cơ thai lưu và sảy thai sớm cho thai kỳ trong tương lai.

3. Thai bám sẹo mổ lấy thai

Đây là một dạng của thai ngoài tử cung, khi túi thai làm tổ ngay tại vị trí sẹo mổ lấy thai cũ. Túi thai bám ở sẹo mổ cũ có thể dẫn đến một số biến chứng rất nghiêm trọng như chảy máu ồ ạt, vỡ tử cung, bánh nhau xuyên qua sẹo mổ, xâm lấn và gây tổn thương bàng quang. Đối với thai bám ở sẹo mổ cũ, cần điều trị để chấm dứt thai kỳ do nguy cơ vỡ tử cung tăng cao khi túi thai lớn dần. Thai càng lớn điều trị càng khó khăn và nhiều tai biến, do đó nếu nghi ngờ có thai lại sau mổ lấy thai, bạn nên đi khám sớm nhằm phát hiện và điều trị sớm nếu có tình trạng thai bám sẹo mổ cũ.

4. Nhau tiền đạo

Là một tình trạng bất thường khi bánh nhau bám vào đoạn dưới tử cung, ngang qua hoặc gần cổ tử cung. Tình trạng này khiến sản phụ có nguy cơ ra huyết âm đạo trong thai kỳ, phải mổ lấy thai lại và nguy cơ băng huyết sau sinh. Tần xuất nhau tiền đạo ở thai kỳ sau cao hơn gấp 1,5 đến 6 lần khi sản phụ có mổ lấy thai so với sinh thường.

5. Nhau cài răng lược

Nhau cài răng lược xảy ra khi bánh nhau bám lên vị trí sẹo mổ cũ và xâm nhập sâu vào lớp cơ tử cung. Bánh nhau có thể xuyên qua lớp cơ tử cung, xâm lấn vào các cơ quan lân cận như bàng quang, ruột và gây tổn thương các cơ quan này. Nhau cài răng lược có thể gây chảy máu rất nặng, ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ. Ngay cả khi mổ lấy thai, bạn cũng có nguy cơ bị cắt tử cung do khó kiểm soát chảy máu.

Ngoài ra, những mẹ bầu có sẹo mổ cũ trên tử cung còn có nguy cơ sinh non, mổ lấy thai và băng huyết sau sinh cao hơn so với bình thường.

BS. Đặng Đình Khoa Huân – Khoa PTGMHS

Cập nhật 31/5/2023

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác