Một số bệnh lý tuyến vú thời kỳ cho con bú - Bệnh viện Hùng Vương

Một số bệnh lý tuyến vú thời kỳ cho con bú - Bệnh viện Hùng Vương

Một số bệnh lý tuyến vú thời kỳ cho con bú - Bệnh viện Hùng Vương

Một số bệnh lý tuyến vú thời kỳ cho con bú - Bệnh viện Hùng Vương

Một số bệnh lý tuyến vú thời kỳ cho con bú - Bệnh viện Hùng Vương
Một số bệnh lý tuyến vú thời kỳ cho con bú - Bệnh viện Hùng Vương

Một số bệnh lý tuyến vú thời kỳ cho con bú

     1. Sản xuất sữa và cơ chế tiết sữa

     Khi mang thai, vú của người mẹ đã sẵn sàng để sản xuất sữa. Vào quý 2 của thai kỳ, tuyến vú bắt đầu tạo sữa non. Sữa này có màu vàng, đặc dính, rất giàu chất dinh dưỡng và các kháng thể. Sau khi bé chào đời và rau thai đã bong, cơ thể mẹ bắt đầu sản xuất nhiều sữa hơn. Trong vài ngày tiếp theo, lượng sữa tiếp tục tăng và sữa chuyển thành màu trắng, loãng hơn. Sự bài tiết và bài xuất sữa có sự tham gia của rất nhiều hormone, trong đó phải kể đến vai trò của 4 hormone  chính là: Estrogen, Progesteron, Prolactin và Oxytocin.

     - Estrogen và Progesteron: giúp bầu vú phát triển, sẵn sàng cho việc sản xuất sữa. Estrogen và Progesteron hàm lượng cao sẽ ức chế sản xuất sữa khi thai nhi còn nằm trong bụng mẹ. Khi em bé chào đời và rau thai đã bong, hàm lượng các hormone này tự động giảm xuống, báo cho cơ thể biết đã đến lúc tạo sữa. Mẹ cho con bú không nên dùng thuốc tránh thai chứa Estrogen vì bổ sung hormone này có thể làm giảm nguồn sữa mẹ.

     - Prolactin: Sau khi bé chào đời, hàm lượng Prolactin tăng cao. Sữa mẹ được tạo ra là do sinh lý tiết sữa (phản xạ Prolactin): khi một em bé mút, xung động hướng tâm từ núm vú kích thích bài tiết Prolactin. Prolactin hoạt động trên các tế bào biểu mô của nang tạo sữa để kích thích tiết sữa. Lúc này sữa sẽ được sản xuất và tích trữ trong các nang sữa. Nếu hàm lượng Prolactin quá thấp, nguồn sữa mẹ sẽ giảm. Do đó, mẹ cần cho bé bú hay hút sữa ngay sau khi sinh và vào các khoảng thời gian đều đặn sau đó. Prolactin càng hoạt động và sữa càng được sản sinh ra nhiều khi vú mẹ được bú kiệt sau mỗi lần bé bú, khi bé bú sớm,bú thường xuyên, khi mẹ vắt sữa hoặc cho bé bú đêm. Quá trình sản sinh ra Prolactin sẽ bị hạn chế khi bé ăn các nguồn dinh dưỡng khác trước khi được bú sữa mẹ, khi bé được đặt bú sai vị trí, khi vú bị đau, khi mẹ bị mệt mỏi và căng thẳng.

     - Oxytocin: được giải phóng khi em bé (hoặc máy hút sữa) bắt đầu hút và kéo núm vú vào miệng. Nó làm co bóp các cơ quanh nang, đẩy sữa ra khỏi nang, đi vào các ống dẫn sữa và di chuyển tới núm vú rồi vào miệng bé. Ngoài ra, Oxytocin có vai trò làm co cơ tử cung trong và sau khi sinh, giúp tử cung thu nhỏ lại về kích thước ban đầu, hạn chế chảy máu sau sinh.

     Sự xuống sữa xuất hiện sau sinh từ 3-4 ngày ở con so, 2-3 ngày ở con rạ. Hiện tượng xuống sữa là do nồng độ Prolactin trong máu tăng đột ngột, kéo theo tổng hợp nhiều sữa và sự giải phóng sữa ra khỏi bầu ngực nhờ Oxytocin. Phản xạ này bắt đầu vài giây tới vài phút sau khi mẹ bắt đầu cho bé bú. Mẹ cảm thấy râm ran hay hơi khó chịu ở ngực, nhưng cũng có thể không có cảm nhận gì. Phản xạ này cũng có thể xảy ra tại các thời điểm khác, như khi người mẹ nghe thấy tiếng con khóc hoặc khi mẹ vừa nghĩ về bé.

     2. Một số bệnh lý tuyến vú thường gặp

     - Tụt núm vú: Tụt núm vú là hiện tượng một phần hay toàn bộ núm vú bị tụt vào trong làm ảnh hưởng tới chức năng và hình thái thẩm mỹ của quầng vú. Điều cần lưu ý cho các bà mẹ là việc cho con bú sẽ giúp cho núm vú nhô lên, đặc biệt là 1, 2 tuần sau khi cho bú, khi núm vú đã trở nên mềm hơn. Bên cạnh đó còn các phương pháp khác hỗ trợ cho tình trạng này như dùng dụng cụ hút, thay đổi tư thế cho bú hoặc đỡ bầu vú.

       - Nứt núm vú: Nứt núm vú là một tình trạng rất phổ biến, đặc biệt xảy ra trong vòng 30 ngày đầu sau sinh. Nứt núm vú dẫn đến tình trạng khó khăn khi cho trẻ bú và làm bà mẹ cho trẻ bỏ bú sớm. Những yếu tố liên quan đến tình trạng này bao gồm: Cho bú sai kỹ thuật, sai tư thế, trẻ ngậm bắt vú không đúng, sử dụng máy hút sữa, đẻ con so, cương sữa, núm vú dị hình. Phòng ngừa tình trạng này, cần tránh rửa bằng xà phòng hoặc chà xát mạnh lên núm vú gây nứt núm vú. Có thể xoa một ít sữa lên núm vú sau khi cho bú để bảo vệ, không để núm vú ẩm ướt lâu gây dễ nhiễm trùng. Và điều quan trọng là cần tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ vì điều này giúp làm lành vết nứt tốt hơn.

     - Sốt cương sữa: Sốt cương sữa xảy ra do sự giãn nở và tăng áp suất trong tuyến vú do bất thường trong sản xuất, dự trữ và bài tiết sữa. Sản phụ có thể cảm thấy cứng, căng và đau ở vú. Người mẹ có thể bị sốt cương sữa vào những thời điểm khác nhau tùy thuộc vào từng lí do. Ví dụ, nếu không cho trẻ bú, mẹ sẽ cảm thấy nặng, căng tức và khi không giải quyết tình trạng này sớm thì có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng khác như: tắc ống dẫn sữa, viêm vú.... Thông thường toàn bộ cả hai vú đều bị ảnh hưởng và có cảm giác đau đớn. Mẹ có thể có sốt và thường hạ xuống trong 24 giờ. Núm vú có thể bị căng ra và bề mặt trở nên nhẵn, làm cho trẻ khó khăn trong ngậm bắt núm vú và bú sữa. Giảm chất lượng sữa tiết ra. Nguyên nhân là do sự thất bại trong việc tiết sữa mẹ, cụ thể là do không cho trẻ bú đủ và thường xuyên, khoảng cách giữa các lần vắt bỏ sữa quá dài, giờ giấc ngủ của trẻ thay đổi, nguồn sữa mẹ quá nhiều, trẻ từ chối bú mẹ hoặc bất cứ tác nhân nào chặn dòng chảy sữa mẹ. Mẹ cần phải loại bỏ sữa ra. Nếu trẻ có thể ngậm bắt núm vú và bú tốt, nên cho trẻ bú thường xuyên khi trẻ muốn. Ngược lại, nếu trẻ không thể ngậm bắt và bú hiệu quả, nên vắt sữa bằng tay hoặc bằng bơm vài lần cho đến khi vú mềm hơn, để trẻ có thể ngậm bắt núm vú tốt hơn và sau đó cho trẻ bú thường xuyên. Chườm ấm vú hoặc tắm bằng nước ấm trước khi vắt sữa nhằm giúp sữa tiết ra tốt hơn. Ngoài ra, nên chườm lạnh sau khi cho trẻ bú hoặc vắt sữa, giúp làm giảm sự phù nề của vú. Massage vú để lượng sữa tiết ra nhiều hơn. Cho bú sữa mẹ từ một bên để giúp làm trống toàn bộ vú. Sau đó, bắt đầu cho bú tiếp ở bên còn lại.

     - Tắc ống dẫn sữa: Tình trạng này có thể gặp do các nguyên nhân về phía mẹ như không cho bú thường xuyên, kĩ thuật cho trẻ bú sai, đau núm vú, cương sữa, không vắt hết sữa ra ngoài sau khi cho trẻ bú, tắc nghẽn cơ học do dòng sữa quá đặc, tăng lưu lượng sữa, quần áo bó sát chật chội,  chấn thương ở vú, yếu tố tâm lý (căng thẳng, thiếu ngủ) hoặc về phía trẻ: trẻ mút bú kém hoặc gặp các vấn đề về ăn uống. Đột ngột cai sữa cho trẻ trong thời kì bú mẹ cũng là một nguyên nhân hay gặp của tắc ống dẫn sữa. Sản phụ thường cảm thấy đau cục bộ 1 bên, có khối cứng tại một vị trí. Nếu ống dẫn sữa ở nông, có thể sờ thấy khối u nhỏ ở một vùng vú. Tăng nhẹ nhiệt độ tại vị trí bị ảnh hưởng. Vắt sữa thường xuyên là điều cần thiết ở những người bị tắc ống dẫn để giảm áp lực mô tuyến. Nếu cần thiết, có thể vắt sữa bằng tay hoặc bằng máy. Nên cho trẻ bú ở vú bị tắc. Nếu cơn đau quá mạnh, đầu tiên nên cho trẻ bú ở vú bình thường và sau đó chuyển qua vú bị tắc khi phản xạ xuống sữa đã xuất hiện. Người mẹ nên cho bé bú ở vú bị tắc thường xuyên và nhẹ nhàng xoa bóp bầu vú trong khi bé đang bú. Chườm ấm trước khi bắt đầu cho con bú/trước khi hút sữa bằng tay hoặc máy. Chườm mát vú sau khi cho con bú/sau khi hút sữa.          Xoa bóp vùng vú ảnh hưởng cũng là một phương pháp điều trị tắc ống dẫn sữa cũng như viêm vú. Dòng sữa có thể được kích thích thông qua xoa bóp nhẹ vùng ống dẫn sữa bị tắc hướng về núm vú trong thời gian cho con bú. Nhờ vậy dòng sữa được lưu thông tốt hơn và giảm tình trạng tắc nghẽn.

     - Viêm vú: Viêm vú hậu sản là hậu quả của sữa ứ đọng kéo dài. Sữa bình thường chứa các vi khuẩn thuộc hệ khuẩn thường trú, xâm nhập ngược dòng vào ống dẫn sữa. Tuy nhiên, chúng bị ức chế bởi các yếu tố kiềm khuẩn trong sữa. Khi sữa bị ứ đọng, khả năng ức chế giảm làm cho vi khuẩn có khả năng gây bệnh. Do đó các nguyên nhân gây ứ đọng sữa là các yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm vú. Ban đầu, có thể thấy khu trú tại một vùng của tuyến vú, kèm theo các dấu hiệu sưng, nóng, đỏ, đau ở vú bệnh. Nếu các triệu chứng tồn tại quá 12-24 giờ, có thể xảy ra tình trạng bội nhiễm và các biểu hiện trở nên rõ hơn: sốt > 38 độ,  giảm tiết sữa, các triệu chứng toàn thân như (mệt mỏi, đau cơ, ớn lạnh...). Sản phụ cần làm trống bầu vú bằng cách tiếp tục cho con bú, vắt sữa. Khi viêm vú kéo dài cần phải đến cơ sở y tế để có phương pháp điều trị thích hợp.

     - Áp xe vú: Áp xe vú là tình trạng viêm hoại tử hóa mủ tạo thành ổ áp xe của phần nhu mô tuyến vú hay mô ngoài tuyến vú. Hầu hết các trường hợp áp xe vú xảy ra sau tình trạng viêm vú không được điều trị đầy đủ. Trong giai đoạn đầu, áp xe có xu hướng giới hạn ở một phần của vú. Các mô vú lỏng lẻo kết hợp với sự ứ đọng sữa tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và phân tán nhanh chóng vào các mô thông qua ống dẫn sữa.

     Áp xe vú thường xảy ra trong hai giai đoạn:

  • Tháng thứ nhất sau sinh lần đầu tiên, vì kinh nghiệm cho con bú và vệ sinh vú chưa đầy đủ có thể dẫn đến nguy cơ tổn thương núm vú.
  • Giai đoạn cai sữa, dẫn đến tình trạngứ đọng sữa. Ngoài ra, sau 6 tháng, trẻ phát triển răng cũng có thể làm tổn thương núm vú.

     Sản phụ có thể sờ thấy một khối di động rõ ở vú bệnh. Tuy nhiên một số trường hợp khối áp xe nằm sâu trong mô vú không sờ thấy được. Nóng, đỏ, đau ở vùng áp xe. Sốt, mệt mỏi và có thể có hạch nách cùng bên.

     Với tình trạng này, sản phụ cần đến các cơ sở y tế để có các phương pháp điều trị thích hợp.

Khoa Hậu phẫu - Quý 1/2024

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • “Thay đổi giải phẫu và sinh lí người mẹ trong lúc mang thai”, Giáo trình sản khoa (2016), NXB Y học Hà Nội, tr 68.
  • WHO CDD programme UNICEF, “Breastfeeding counselling a training course, participants' manual”, part 1, Sessions 1-9
  • NHS (2016), “Your pregnancy and baby guide, Breast pain and breastfeeding”.
  • Obstet Gynecol (2007), “Breastfeeding: maternal and infant aspects” Committee on Health Care for Underserved Women, American College of Obstetricians and Gynecologists, Committee Opinion No. 361; 109:479.
Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác