Nên lựa chọn ngừa thai khẩn cấp hay tránh thai hằng ngày? - Bệnh viện Hùng Vương

Nên lựa chọn ngừa thai khẩn cấp hay tránh thai hằng ngày? - Bệnh viện Hùng Vương

Nên lựa chọn ngừa thai khẩn cấp hay tránh thai hằng ngày? - Bệnh viện Hùng Vương

Nên lựa chọn ngừa thai khẩn cấp hay tránh thai hằng ngày? - Bệnh viện Hùng Vương

Nên lựa chọn ngừa thai khẩn cấp hay tránh thai hằng ngày? - Bệnh viện Hùng Vương
Nên lựa chọn ngừa thai khẩn cấp hay tránh thai hằng ngày? - Bệnh viện Hùng Vương

Nên lựa chọn ngừa thai khẩn cấp hay tránh thai hằng ngày?

     1. Thế nào là ngừa thai khẩn cấp và khác gì với thuốc ngừa thai hằng ngày?

     Trước tiên xin nhờ BS giải thích cho khán thính giả hiểu rõ hơn: thế nào là ngừa thai khẩn cấp ạ?

     PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Ngừa thai khẩn cấp là khi áp dụng biện pháp ngừa thai thường quy nhưng không an toàn, lúc đó sẽ sử dụng biện pháp ngừa thai khẩn cấp nhằm mục đích giảm nguy cơ mang thai ngoài ý muốn.

     Những trường hợp ngừa thai thường quy nhưng không an toàn là:

     - Dùng bao cao su để ngừa thai nhưng khi quan hệ tình dục xong kiểm tra lại thấy bao cao su bị thủng.

     - Sử dụng thuốc ngừa thai hằng ngày nhưng hôm đó quên uống thuốc hoặc quên thuốc 2, 3 ngày mà có quan hệ tình dục.

     - Dụng cụ tử cung bị tụt mà có quan hệ tình dục.

     Như vậy, ngừa thai khẩn cấp khác với ngừa thai thường quy. Đây là biện pháp bổ trợ cho biện pháp thường quy khi không đạt hiệu quả cao do cách sử dụng hoặc xảy ra sự cố.

     - Thưa BS, sự khác biệt của thuốc ngừa thai khẩn cấp và thuốc ngừa thai dùng hàng ngày là gì ạ?

     PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Thuốc ngừa thai thường quy dùng hằng ngày là phải sử dụng mỗi ngày dù không quan hệ tình dục thì mới đạt được hiệu quả tránh thai.

     Còn ngừa thai khẩn cấp là bổ trợ cho một biện pháp ngừa thai thường quy mà biện pháp đó bị giảm hiệu quả như bao cao su bị bể, vòng tránh thai bị tụt, quên uống thuốc ngừa thai thường quy hằng ngày…

     Các phương pháp ngừa thai khẩn cấp thường sử dụng trong thực tế:

     - Thường gặp nhất là viên thuốc sau giao hợp hay gọi là uống sau khi giao hợp không có biện pháp bảo vệ. Viên thuốc ngừa thai khẩn cấp sử dụng progestin với nồng độ cao giúp tránh thai.

     - Biện pháp thứ hai được Tổ chức Y tế giới cho phép sử dụng để ngừa thai là dùng Ulipristal Acetate - chất kháng progesterone. Trong quá trình mang thai, nội tiết Progesterone rất quan trọng để duy trì thai nếu sử dụng chất đối kháng với progesterone (progesterone không tác dụng được) thì thai không phát triển được.

     - Sử dụng dụng cụ tử cung để ngừa thai khẩn cấp.

     - Biện pháp ít sử dụng hơn, thường áp dụng cho những vùng sâu vùng xa không có các phương tiện khác thì sẽ sử dụng viên thuốc ngừa thai kết hợp nhưng dùng theo cách ngừa thai khẩn cấp.

 

 

     2. Lợi ích và tác hại của các phương pháp ngừa thai khẩn cấp là gì?

     Thực tế, các chuyên gia cũng như phương tiện thông tin báo chí đã nhiều lần đề cập đến vấn đề lạm dụng các phương pháp ngừa thai khẩn cấp, điển hình nhất là thuốc uống. Nhân chương trình hôm nay, nhờ BS chia sẻ thêm:

     - Mặt lợi và mặt hại của các phương pháp ngừa thai khẩn cấp ạ? Cụ thể như, nếu sử dụng đúng, giải pháp này sẽ mang lại những giá trị nào cho người phụ nữ? Ngược lại, khi lạm dụng sẽ đưa đến những hệ lụy ra sao về trước mắt và lâu dài ạ?

     PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Lợi ích của sử dụng phương pháp ngừa thai khẩn cấp là giúp ngừa thai hiệu quả hơn khi biện pháp ngừa thai thường quy bị giảm tác dụng.

     Tuy nhiên tất cả các biện pháp ngừa thai khẩn cấp hiện nay có nhược điểm là nếu sử dụng lặp đi lặp lại trong một chu kỳ sẽ dẫn đến hiệu quả càng ngày càng giảm.

     Ví dụ, thuốc ngừa thai chứa progestin nồng độ cao thì tỷ lệ thành công khi tránh thai khẩn cấp có thể lên đên 80%. Nhưng nếu sử dụng lần thứ hai trong một chu kỳ (tuần trước đã uống và tuần này lại uống thêm) thì giảm xuống còn 60 - 70%, nếu uống đến lần thứ ba thì giảm xuống còn dưới 50%, khi đó sẽ không còn hiệu quả tránh thai tốt.

     Chính vì vậy, khuyến cáo nên sử dụng thuốc ngừa thai kết hợp hằng ngày hơn việc sử dụng nhiều viên thuốc tránh thai khẩn cấp trong cùng một chu kỳ.

     Ngoài ra, tác dụng phụ của thuốc ngừa thai khẩn cấp có thể dẫn đến rong kinh, rong huyết. Tình trạng này điều trị khá khó khăn, không phải bác sĩ Phụ khoa nào cũng có thể điều chỉnh được.

     Vì vậy, chị em phụ nữ nếu chưa muốn có thai, tốt nhất nên lựa chọn biện pháp ngừa thai thường quy. Cụ thể, nếu muốn uống thuốc ngừa thai thì có thể chọn thuốc ngừa thai hằng ngày để hiệu quả cao (lên đến 90%), giảm tác dụng phụ liên quan đến thuốc ngừa thai khẩn cấp và về lâu dài sẽ giảm bớt nguy cơ liên quan đến sức khỏe.

 

 

     3. Đâu là những quan niệm chưa đúng về ngừa thai khẩn cấp?

     Trong quá trình thăm khám, BS nhận thấy đâu là những quan niệm chưa đúng hay các chị em hiểu chưa cặn kẽ về ngừa thai khẩn cấp ạ?

     - Như vậy, để chủ động trong kế hoạch sinh con, các phương pháp ngừa thai chủ động hàng ngày vẫn nên được ưu tiên hơn so với lạm dụng các phương pháp ngừa thai khẩn cấp, chỉ nên dùng cho các tình huống thật sự “khẩn cấp”, có đúng không thưa BS?

     BS.CK1 Nguyễn Thị Sa Giang - Phó Trưởng khoa Kế hoạch hóa gia đình - Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Trên thực tế có rất nhiều chị em phụ nữ hiểu sai hoặc hiểu chưa đúng và chưa đủ về các biện pháp ngừa thai khẩn cấp.

     - Cho rằng biện pháp ngừa thai khẩn cấp có hiệu quả gần như 100%. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp hỗ trợ thêm trong các tình huống khẩn cấp như quan hệ không an toàn hoặc biện pháp ngừa thai hằng ngày không hiệu quả.

     - Cho rằng có thể dùng như một biện pháp tránh thai thường xuyên. Tuy nhiên cần phải hạn chế sử dụng vì ở nhóm ngừa thai khẩn cấp nội tiết sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và khi sử dụng càng nhiều lần càng giảm hiệu quả ngừa thai.

     - Mọi người hay nghĩ uống càng nhiều viên sẽ càng tốt nhưng càng uống nhiều thì càng tăng tác dụng phụ và giảm hiệu quả.

     - Cho rằng thuốc ngừa thai khẩn cấp là thuốc phá thai. Tuy nhiên đây chỉ là thuốc ngừa thai không có tác dụng phá thai.

 

 

     4. Có những phương pháp tránh thai khẩn cấp nào và cần lưu ý gì?

     Hiện nay, tại Việt Nam có những phương pháp tránh thai khẩn cấp nào, thưa BS? Những điểm khác biệt đáng chú ý giữa các phương pháp này là gì ạ?

     PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Có 4 nhóm ngừa thai khẩn cấp: Đầu tiên là sử dụng progestin nồng độ cao (cụ thể là Levonorgestrel) với mục đích làm cho nội mạc tử cung không thuận lợi để trứng thụ tinh (không làm tổ được). Loại thuốc này khá quen thuộc trên thị trường và xuất hiện ở Việt Nam khoảng 30 - 40 năm nay, thường gọi là thuốc ngừa thai sau giao hợp.

     Trước đây, thuốc ngừa thai khẩn cấp này có 2 viên sẽ uống trong vòng 72 giờ sau giao hợp (càng sớm càng tốt) và uống viên thứ hai sau 12 tiếng uống viên thứ nhất.

     Nhưng hiện nay nhà sản xuất phát triển loại thuốc chỉ uống 1 viên duy nhất để không bị quên. Uống trong vòng 72 giờ sau giao hợp (càng sớm càng tốt) và không nên lặp lại liều thứ hai, liều thứ ba trong cùng một chu kỳ kinh vì càng lặp lại thì khả năng tránh thai càng giảm.

     Thuốc thứ hai (hiện nay Tổ chức Y tế giới công nhận có tác dụng để làm thuốc ngừa thai khẩn cấp) là viên thuốc chứa Ulipristal Acetate (chất kháng progesterone).

     Thai muốn phát triển phải có progesterone nhưng khi uống vào sẽ làm progesterone không còn tác dụng và thai không phát triển được nếu có đậu thai. Thuốc progesterone 30mg, uống 1 viên trong vòng 120 giờ (5 ngày) sau khi quan hệ và càng sớm càng tốt.

     Biện pháp thứ ba là đặt dụng cụ tử cung, bắt buộc phải đến cơ sở y tế để được bác sĩ hỗ trợ. Phương pháp này cũng kéo dài 120 giờ (5 ngày) sau khi giao hợp và nên đặt càng sớm càng tốt.

     Ngoài ra, trước đây có biện pháp sử dụng viên thuốc ngừa thai kết hợp để ngừa thai khẩn cấp, được áp dụng cho những vùng sâu vùng xa khi không có các biện pháp khác. Uống một lúc 4 viên thuốc ngừa thai kết hợp, sau đó 12 tiếng sẽ uống thêm 4 viên nữa để niêm mạc tử cung không thuận lợi cho trứng, nếu có thụ tinh sẽ không làm tổ được.

     Phương pháp này được áp dụng khá lâu, thuận tiện cho những nơi thiếu thuốc, thiếu phương tiện và chỉ có viên ngừa thai kết hợp. Khi sử dụng có thể dẫn đến tác dụng phụ cao, vì thuốc ngừa thai kết hợp mỗi ngày chỉ uống 1 viên. Bên cạnh đó, hiệu quả cũng không cao bằng các phương pháp khác nên hiện nay ít được áp dụng.

     Tuy nhiên nếu không có phương pháp nào khác thì đây cũng là cứu cánh cho những tình huống khẩn cấp như rách, thủng bao cao su, vòng tụt, quên uống thuốc ngừa thai kết hợp mà có quan hệ không an toàn.

     Đặc biệt, những phụ nữ chưa có gia đình nếu mang thai ngoài ý muốn sẽ tổn thương về thể chất và tinh thần rất lớn. Vì vậy, bên cạnh khám xem có tổn thương về cơ quan sinh dục không, động viên về mặt tinh thần, khám sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục thì bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp để tránh mang thai ngoài ý muốn.

     5. Thuốc ngừa thai hằng ngày có mấy loại, khác nhau ra sao?

     - Thưa BS, còn đối với phương pháp chủ động ngừa thai hàng ngày, thông thường chị em phụ nữ sẽ có những lựa chọn nào? Và điểm khác biệt chính giữa các loại này là như thế nào ạ?

     PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Có rất nhiều biện pháp ngừa thai tạm thời cho phụ nữ như:

     - Biện pháp ngừa thai không chứa nội tiết: Dụng cụ tử cung, bao cao su, thuốc diệt tinh trùng,…

     - Biện pháp ngừa thai có chứa nội tiết: Thuốc ngừa thai kết hợp dạng uống, que tránh thai, dụng cụ tử cung chứa nội tiết, đặt âm đạo, bôi qua da,…

     Phương pháp phổ biến nhất tại Việt Nam, cũng như trên thế giới là thuốc ngừa thai kết hợp 2 nội tiết sinh dục nữ estrogen và progestin.

     Với sự phát triển của khoa học hiện nay đã có nhiều tiến bộ, viên thuốc ngừa thai kết hợp đã xuất hiện từ những tập niên 30, 40, lúc đó hàm lượng estrogen rất cao. Estrogen là nội tiết sinh dục nữ, nếu sử dụng nồng độ cao để ức chế rụng trứng sẽ gây tác dụng phụ rất lớn, trong đó có thể dẫn đến thuyên tắc mạch gây đột tử. Nên phải giảm nồng độ estrogen xuống mức thấp nhất có thể để đảm bảo tính an toàn nhưng vẫn đạt hiệu quả là ức chế rụng trứng.

     Với thành phần progestin, nhờ sự tiến bộ của khoa học, hiện nay có đến 4 thế hệ và ngày càng giống với progesterone tự nhiên hơn, làm giảm các tác dụng phụ liên quan đến progestin. Ví dụ, thuốc ngừa thai kết hợp có chứa drospirenone (progestin thế hệ 4) không chỉ ngừa thai hiệu quả mà còn giảm các tác dụng phụ khác:

      - Khi uống thuốc ngừa thai kết hợp thường dẫn đến tình trạng giữ muối, nước trong cơ thể gây tăng cân dẫn đến mặc đồ không còn đẹp, không tự tin trước đám đông,… nên thuốc ngừa thai thế hệ mới sẽ giúp phụ nữ không tăng cân.

     - Có thêm các tác dụng tốt khác như kháng androgen làm giảm nguy cơ bị mụn trứng cá đối với những phụ nữ da tiết nhờn nhiều.

     - Ngoài ra những phụ nữ đã lập gia đình nhưng kinh nguyệt không đều, thì thuốc ngừa thai kết hợp sẽ giúp kinh nguyệt đều đặn theo chu kỳ. Từ đó có thể chủ động hơn trong công việc, trong cuộc sống gia đình.

     6. Liệu trình của thuốc ngừa thai hằng ngày

     Như vậy, có thể thấy trong các phương pháp ngừa thai chủ động, thuốc uống tránh thai hàng ngày là một lựa chọn rất phổ biến. Với thuốc uống lại có nhiều loại và liệu trình, vậy sự khác biệt đáng chú ý giữa các thuốc uống hàng ngày là gì, thưa BS?

     PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết trả lời: Đối với thuốc ngừa thai kết hợp có rất nhiều liệu trình khác nhau tùy thuộc vào: Nồng độ estrogen trong viên thuốc đó; Thế hệ progestin;

     Việc phân bổ các viên thuốc trong vỉ thuốc ngừa thai như vỉ 21 viên hoặc 28 viên (21 viên nội tiết, 7 viên placebo).

     Hiện nay có thêm liệu trình mới là 24/4, giúp tăng hiệu quả tránh thai và đặc biệt nếu quên uống thuốc ngừa thai thì khoảng thời gian an toàn để lặp lại viên thuốc đó dài hơn so với trước đây.

     Chân thành cảm ơn Bayer Vietnam đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác