NHAU BÁM THẤP - NHAU TIỀN ĐẠO
1. Các điểm chính
Nhau tiền đạo xảy ra khi bánh nhau của mẹ bám vào đoạn dưới tử cung (chiếm 1/3 dưới của tử cung, được hình thành từ eo tử cung và thành lập trong suốt thai kỳ); hoặc thỉnh thoảng nó bao phủ toàn bộ cổ tử cung.
Nhau tiền đạo có thể gây chảy máu trong thai kỳ hoặc ở thời điểm bạn sinh.
Nếu bạn có nhau tiền đạo, con bạn có thể phải sinh mổ.
2. Nhau tiền đạo là gì?
Nhau thai phát triển cùng với em bé trong tử cung của mẹ lúc mang thai. Nhau gắn vào thành tử cung của mẹ và là cơ quan trao đổi giữa mẹ và con. Oxy và chất dinh dưỡng đi từ máu của mẹ qua nhau thai vào máu của em bé. Ngoài ra, nhau thai còn có những hoạt động biến dưỡng và nội tiết, thực hiện cân bằng kích thích tố của sự sinh sản. Sau hết, nhau thai còn che chở thai, ngăn cản sự xâm lấn của vi khuẩn, các độc tố và điều chỉnh sự qua nhau của vài loại thuốc. Nhau thai được sổ ra sau khi em bé ra đời.
Ở một số phụ nữ, nhau thai bám thấp trong tử cung và có thể bao phủ một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung. Trong đa số trường hợp, nhau thai di chuyển lên trên khi tử cung phát triển trong thai kỳ. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ nhau thai tiếp tục nằm ở phần dưới của tử cung trong thai kỳ. Tình trạng này được gọi là nhau thai bám thấp nếu nhau thai cách lỗ trong cổ tử cung dưới 20 mm, hoặc là nhau tiền đạo nếu nhau thai bao phủ hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung.
Nhau tiền đạo hay xảy ra hơn nếu mẹ đã từng sinh mổ một lần hay nhiều lần trước đó, nếu mẹ đã từng được điều trị sinh sản để có thai hoặc nếu hút thuốc.
3. Những nguy cơ cho mẹ và em bé
Mẹ có nguy cơ bị chảy máu âm đạo, đặc biệt là vào cuối thai kỳ, vì nhau thai nằm thấp trong tử cung. Chảy máu do nhau tiền đạo có thể rất nặng, đôi khi gây nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và bé
Em bé có thể cần được sinh mổ vì nhau thai có thể ngăn cản đường sinh ngả âm đạo.
4. Nhau tiền đạo được chẩn đoán thế nào?
Nhau thai bám thấp được kiểm tra trong lần siêu âm ở khoảng 20 tuần. Hầu hết những phụ nữ có nhau thai bám thấp ở tuần thứ 20 sẽ hết nhau thai bám thấp sau đó trong thai kỳ: 9 trên 10 phụ nữ có nhau thai bám thấp khi siêu âm ở tuần thứ 20 sẽ không còn nhau thai bám thấp nữa, và chỉ có 1 trên 200 phụ nữ nói chung sẽ có nhau tiền đạo vào cuối thai kỳ. Nếu trước đây mẹ đã từng sinh mổ, nhau thai ít có khả năng di chuyển lên trên hơn.
Nhau tiền đạo được chẩn đoán bằng cách siêu âm qua ngả âm đạo (đầu dò âm đạo được đặt nhẹ nhàng vào bên trong âm đạo). Cách làm này luôn an toàn cho cả mẹ và em bé và siêu âm ngả âm đạo có thể được sử dụng vào cuối thai kỳ để kiểm tra chính xác vị trí của nhau thai.
Ngoài ra, có thể nghi ngờ có nhau tiền đạo nếu mẹ bị chảy máu trong nửa sau của thai kỳ. Chảy máu từ nhau tiền đạo thường không gây đau và có thể xảy ra sau khi quan hệ tình dục.
Cũng có thể nghi ngờ có nhau tiền đạo vào giai đoạn cuối thai kỳ nếu người ta phát hiện em bé nằm ở một tư thế bất thường, ví dụ ngôi mông hoặc ngôi ngang.
5. Theo dõi thế nào nếu mẹ có nhau thai bám thấp?
Nếu mẹ có nhau bám thấp khi siêu âm ở tuần thứ 20, mẹ sẽ được hẹn siêu âm theo dõi vào tuần thứ 32 để xem nhau còn nằm thấp hay không, bao gồm việc sử dụng siêu âm ngả âm đạo. Mẹ nên được siêu âm thêm vào tuần thứ 36 nếu nhau thai vẫn còn nằm thấp.
Chiều dài kênh cổ tử cung có thể được đo khi siêu âm ở tuần thứ 32 để dự đoán liệu mẹ có nguy cơ chuyển dạ sớm hay không và có tăng nguy cơ chảy máu hay không.
Nếu mẹ bị nhau tiền đạo, mẹ có nhiều nguy cơ sinh non (dưới 37 tuần) và mẹ có thể được chỉ định tiêm steroid trong khoảng thời gian từ 34 đến 36 tuần của thai kỳ để giúp bé trưởng thành hơn.
Nếu mẹ có dấu hiệu chuyển dạ sớm, mẹ có thể được cung cấp một loại thuốc (được gọi là thuốc giảm co) để cố gắng ngăn chặn các cơn co thắt và cho phép mẹ dùng một đợt steroid.
Các việc chăm sóc bổ sung bao gồm cả việc nhập viện hay không, sẽ dựa trên hoàn cảnh cá nhân của mẹ. Ngay cả khi không có triệu chứng nào trước đó, vẫn có một nguy cơ nhỏ là mẹ có thể bị chảy máu đột ngột và nhiều, điều đó có nghĩa là cần phải sinh mổ khẩn cấp.
Nếu biết mình bị nhau thai bám thấp, mẹ nên liên hệ ngay với bệnh viện nếu bị chảy máu âm đạo, co thắt hoặc đau. Nếu bị chảy máu, bác sĩ có thể cần khám mỏ vịt để kiểm tra lượng máu mất và nguồn gốc của nó. Đây là một cuộc kiểm tra an toàn và mẹ sẽ được yêu cầu sự đồng ý trước.
Mẹ nên cố gắng tránh bị thiếu máu khi mang thai bằng cách có chế độ ăn uống lành mạnh và bổ sung sắt nếu được bác sĩ khuyến nghị. Nồng độ huyết sắc tố trong máu của mẹ (thước đo xem có bị thiếu máu hay không) sẽ được kiểm tra định kỳ trong suốt thai kỳ của bạn.
6. Việc sinh em bé
Vào cuối thai kỳ, khi đã xác nhận có nhau tiền đạo, mẹ sẽ có cơ hội thảo luận về các lựa chọn sinh nở của mình với bác sĩ về cách an toàn nhất để mẹ sinh con dựa trên hoàn cảnh cá nhân.
Nếu mép nhau thai của mẹ cách lỗ trong cổ tử cung (khi siêu âm ở tuần thứ 36) dưới 20mm, thì sinh mổ sẽ là cách an toàn nhất. Nếu nhau thai cách lỗ trong cổ tử cung của bạn hơn 20mm, bạn có thể chọn sinh thường.
Trừ khi bị chảy máu nhiều hoặc tái phát, việc sinh mổ của mẹ thường sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ 36 đến 37 tuần. Nếu mẹ bị chảy máu âm đạo khi mang thai, có thể phải sinh mổ sớm hơn thời gian này.
Nếu sinh mổ, bác sĩ sản khoa và bác sĩ gây mê có kinh nghiệm nên được có mặt tại thời điểm sinh, và mẹ nên sinh ở bệnh viện có sẵn các phương tiện chăm sóc đầy đủ. Điều này đặc biệt quan trọng nếu mẹ đã từng sinh mổ một hoặc nhiều lần trước đó.
Trong quá trình sinh mổ, mẹ có thể bị chảy máu nặng hơn bình thường. Có nhiều cách khác nhau mà bác sĩ có thể làm để cầm máu, nhưng nếu tình trạng này vẫn tiếp tục và không thể kiểm soát bằng những cách khác, có thể cần phải cắt bỏ tử cung.
Nếu bị chảy máu nhiều trước ngày dự sinh, mẹ có thể được khuyên nên sinh con sớm hơn dự kiến.
Nếu mẹ bị nhau tiền đạo, mẹ có khả năng phải cần truyền máu, đặc biệt nếu mẹ bị chảy máu rất nhiều. Trong quá trình sinh mổ theo chương trình, máu sẽ được trù liệu cho mẹ nếu cần.
Người dịch: BS Ngô Hoàng Hải - Khoa Chẩn đoán hình ảnh
Cập nhật 01/6/2023
Bài viết khác
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Hành trình kỳ diệu: Từ giấc mơ đến hồi sinh trẻ sinh non 26 tuần tại Bệnh viện Hùng Vương (10-01-2025)
- Điều trị ngoại trú thai bám vết mổ cũ (10-01-2025)
- Tật đầu nhỏ (10-01-2025)