Nhiễm trùng sơ sinh là nhiễm trùng xảy ra ở trẻ sơ sinh từ 0 tới 28 ngày tuổi. Nhiễm trùng khởi phát sớm xuất hiện trước 3 ngày tuổi, nhiễm trùng khởi phát muộn xảy ra sau 3 ngày tuổi. Nhiễm trùng sơ sinh (NTSS) có thể gây tổn thương nhiều cơ quan như tim, phổi, não, gan, thận... thậm chí tử vong nên cần phải được khảo sát và điều trị.
NGUYÊN NHÂN CỦA NHIỄM TRÙNG SƠ SINH LÀ GÌ?
Do nhiễm vi trùng hoặc siêu vi ở giai đoạn trước sinh, trong khi sinh hoặc sau sinh. Nhiễm trùng sơ sinh sớm thường liên quan đến lây truyền từ mẹ sang con trước và trong khi sinh. Nhiễm trùng sơ sinh muộn lại thường liên quan tới lây nhiễm từ gia đình, nhân viên y tế, môi trường, dụng cụ nhiễm khuẩn.
CÁC BIỂU HIỆN CỦA TRẺ NHIỄM TRÙNG SƠ SINH?
Trẻ có thể có một hay nhiều biểu hiện sau:
-
Sốt hoặc hạ thân nhiệt
-
Thở mệt, thở nhanh > 60 lần/ phút
-
Chướng bụng
-
Bú kém, ói, tiêu chảy hoặc khó tiêu
-
Ít cử động
-
Co giật
-
Nhịp tim nhanh hoặc chậm
-
Vàng da, nốt mủ, xuất huyết
-
Da bông, tím, tái.
TRẺ CẦN LÀM NHỮNG XÉT NGHIỆM GÌ?
Trẻ có thể cần làm nhiều loại xét nghiệm để chẩn đoán, theo dõi, điều trị bệnh. Ví dụ xét nghiệm máu, phân, nước tiểu, Xquang, một vài trường hợp cần phải xét nghiệm dịch não tủy.
TRẺ SẼ ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ RA SAO?
- Đa số trẻ cần phải nhập viện
- Trẻ thường cần khởi đầu kháng sinh truyền tĩnh mạch ngay.
- Thời gian điều trị có thể thường 5 ngày tới 3 tuần hoặc lâu hơn nữa tùy tình trạng và diễn tiến của trẻ.
TIÊN LƯỢNG CỦA TRẺ SẼ NHƯ THẾ NÀO?
Đa số trẻ nhiễm trùng sơ sinh sẽ phục hồi hoàn toàn và không có biến chứng gì. Tuy nhiên, nhiễm trùng nặng có thể gây nhiều biến chứng hoặc tử vong nên cần đưa trẻ tới bệnh viện càng sớm càng tốt.
LÀM GÌ ĐỂ PHÒNG NGỪA NHIỄM TRÙNG SƠ SINH?
Phòng ngừa trước khi sinh:
-
Tiêm vaccine phòng bệnh Rubella, viêm gan, uốn ván, cúm ở thời điểm thích hợp.
-
Thai phụ nên khám thai định kỳ và sàng lọc các bệnh nhiễm trùng thường gặp như viêm gan B, giang mai, HIV…
-
Điều trị tận gốc bằng kháng sinh nếu mẹ mắc các bệnh lý nhiễm trùng trong thai kỳ như nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng niệu dục.
-
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng an toàn, nguồn thực phẩm sạch, chế biến chín khi mang thai để không bị lây nguồn vi khuẩn cũng như tăng sức đề kháng cho cả mẹ và bé.
-
Vệ sinh thân thể tốt, tránh viêm nhiễm, trầy xước trong thai kỳ.
Phòng ngừa trong lúc sinh
-
Lựa chọn địa điểm sinh uy tín, dụng cụ y tế sạch, đảm bảo vô trùng.
-
Sàng lọc trước sinh và chuẩn bị phản ứng tốt nếu xảy ra biến chứng sản khoa như: tổn thương khi sinh, sinh ngạt,…
Phòng ngừa sau khi sinh
-
Vệ sinh phòng ốc, chăn màn, đồ dùng cho trẻ sạch sẽ
-
Vệ sinh da, mắt, tai, rốn cho trẻ sơ sinh.
-
Giữ phòng ngủ cho bé thông thoáng, đầy đủ ánh sáng.
-
Cha mẹ và người chăm sóc cần vệ sinh tay sạch sẽ, sát khuẩn trước và sau khi chăm sóc trẻ.
-
Cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Bài viết khác
- Lớp tiền sản (23-05-2017)
- Danh mục vật tư tiêu hao 2024 (05-05-2025)
- Danh mục thuốc năm 2024 (05-05-2025)
- Thông tin giá thuốc, vật tư y tế... (22-05-2023)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)