Nhịp tim thai chậm - Bệnh viện Hùng Vương

Nhịp tim thai chậm - Bệnh viện Hùng Vương

Nhịp tim thai chậm - Bệnh viện Hùng Vương

Nhịp tim thai chậm - Bệnh viện Hùng Vương

Nhịp tim thai chậm - Bệnh viện Hùng Vương
Nhịp tim thai chậm - Bệnh viện Hùng Vương

Nhịp tim thai chậm

     Nhịp tim thai chậm có nghĩa là nhịp tim của thai nhi chậm bất thường, thấp hơn mức bình thường là 110-160 nhịp mỗi phút.

     1. Nhịp tim thai nhi chậm diễn ra như thế nào?

     Lý do nhịp tim thai chậm thì vẫn chưa rõ ràng. Nhịp tim thai chậm có thể là một vấn đề thoáng qua hoặc kéo dài trong thai kì. Để làm rõ điều này, cần kiểm tra tim thai cẩn thận (qua siêu âm chi tiết về tim thai). Đôi khi, cần xét nghiệm máu để xác định thêm một số nguyên nhân từ phía mẹ.

 

Siêu âm kiểm tra chi tiết tim thai

(Nguồn: Alfred Abuhamad Rabih Chaoui. A Practical Guide to Fetal Echocardiography. 2022)

     2. Nhiễm sắc thể có liên quan như thế nào đến nhịp tim thai chậm?

     Khi tim thai nhi không có bất thường về cấu trúc thì bộ gen thường không liên quan đến nhịp tim thai chậm. Trong trường hợp cấu trúc tim thai nhi bất thường, có thể cần làm thêm phân tích nhiễm sắc thể đồ của thai nhi.

     3. Tôi có nên làm thêm xét nghiệm nữa không?

     Sau khi siêu âm tim thai và phân tích hình thái nhịp chậm của tim thai nhi, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu bổ sung.

     4. Những điều cần theo dõi trong suốt quá trình mang thai là gì?

     Trẻ mắc nhịp tim thai chậm có nguy cơ gặp một số vấn đề trong thai kỳ. Đó là lý do tại sao hầu hết các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên siêu âm tim thai và đo tim thai ít nhất 1 đến 3 tuần một lần. Việc kiểm tra tim thai sẽ giúp xác định xem em bé có bị suy tim do nhịp tim bất thường hay không.

     Đôi khi, một số bà mẹ có tình trạng đa ối, có thể làm căng tử cung quá nhiều và gây chuyển dạ sinh non. Để dự phòng sinh non, việc kiểm tra thai nhi thường xuyên được thực hiện để phát hiện sớm những bất thường và can thiệp kịp thời. Điều quan trọng là sinh con ở một trung tâm có thể chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng ngay sau khi sinh.

     5. Nhịp tim thai chậm có ảnh hưởng với trẻ như thế nào sau khi được sinh ra?

     Nhịp tim chậm ở thai nhi có thể là tình trạng tạm thời trong thời kỳ bào thai và tự khỏi sau khi sinh. Trong trường hợp nhịp tim thai chậm kéo dài, có thể cần phải nằm viện kéo dài tại Khoa Sơ sinh hoặc Đơn vị Chăm sóc Đặc biệt. Bé sẽ được theo dõi tim liên tục 24 giờ, đo điện tâm đồ, siêu âm tim sơ sinh và được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa tim nhi. Em bé có thể cần điều trị bằng thuốc nhưng trong một số trường hợp cũng có thể cần cấy máy điều hòa nhịp tim để giữ nhịp tim ở mức bình thường. Trẻ có nhịp tim chậm liên quan bất thường cấu trúc tim có thể đang ở tình trạng đe dọa, cần có sự can thiệp và chăm sóc của đa chuyên khoa phối hợp, bao gồm bác sĩ tim mạch nhi, bác sĩ phẫu thuật tim nhi và bác sĩ gây mê. Trong một số trường hợp nặng vượt quá khả năng của y khoa, cần phải thảo luận với người nhà về tình trạng em bé để có hướng xử trí phù hợp.

     6. Liệu nó có xảy ra lần nữa không?

     Nếu không tìm thấy nguyên nhân di truyền giải thích sự hiện diện của dị tật tim và nhịp tim thai nhi chậm thì nguy cơ xảy ra lần nữa là dưới 1/1000. Nếu có lý do di truyền, sẽ có nguy cơ tái phát và cần tham khảo ý kiến của một chuyên gia di truyền để giúp giải quyết vấn đề này. Nói chung, ở những gia đình mà nhịp tim chậm của thai nhi là do nguyên nhân từ phía mẹ gây ra, nguy cơ xảy ra tình trạng này ở những lần mang thai sau là cao.

Người dịch: BS. Nguyễn Thị Mỹ Xuân

Khoa: Chẩn đoán hình ảnh Tài liệu tham khảo và lược dịch từ nguồn:

* https://www.isuog.org/clinical-resources/patient-information-series/patient-information-pregnancy-conditions/heart/fetal-heart-bradycardia.html

* Alfred Abuhamad Rabih Chaoui. A Practical Guide to Fetal Echocardiography. 2022: Chapter 46, Fetal Arhythmias 

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác