1. Nhịp tim thai nhanh là gì?
Nhịp tim nhanh của thai nhi được nhìn thấy khi thai nhi có nhịp tim đập nhanh. Tim thai bình thường đập từ 110 đến 180 lần mỗi phút, do đó nhịp tim thai nhanh được định nghĩa là nhịp tim lớn hơn 180 nhịp mỗi phút.
Hình ảnh siêu âm nhịp tim thai nhanh tần số 200 lần/phút
(Nguồn: Alfred Abuhamad Rabih Chaoui. A Practical Guide to Fetal Echocardiography. 2022: Chapter 46, Fetal Arrhythmias)
2. Nguyên nhân gây ra nhịp tim nhanh của thai nhi?
Thông thường, nhịp tim nhanh là do bất thường chức năng của hệ thống dẫn truyền điện của tim hoặc do bất thường của cơ tim. Điều này thường được gọi là nhịp bất thường hoặc rối loạn nhịp tim. Đôi khi nhịp tim nhanh là phản ứng bình thường với một vấn đề không nằm ở tim thai nhi, bao gồm căng thẳng của mẹ hoặc thai nhi, nhiễm trùng hoặc nồng độ hormone tuyến giáp của mẹ bất thường.
3. Nhịp tim thai nhanh có ảnh hưởng đến em bé không?
Trong nhiều trường hợp, nhịp tim bất thường chỉ thoáng qua và kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn. Điều này thường được thai nhi dung nạp tốt và có thể chỉ cần theo dõi chặt chẽ. Trong trường hợp nhịp tim nhanh rất cao và/hoặc kéo dài trong thời gian dài, có thể gây suy thai, biểu hiện là giảm chức năng tim và tụ dịch trong cơ thể thai nhi (còn gọi là phù thai). Để ngăn chặn điều này xảy ra, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên dùng thuốc, thuốc này có thể đến thai nhi thông qua bánh nhau và làm chậm nhịp tim của thai nhi, với mục tiêu thay đổi nhịp tim về bình thường. Khi điều trị thành công và nhịp tim thai được phục hồi đều đặn thì kết cục thai kỳ tốt.
4. Tôi có nên làm thêm xét nghiệm nữa không?
Thai nhi có nhịp tim nhanh nên được siêu âm tim thai chi tiết, đây là loại siêu âm chuyên biệt tập trung vào việc đánh giá tim của em bé. Siêu âm tim thai có thể giúp xác định loại nhịp tim nhanh mà con bạn mắc phải và có chỉ định điều trị hay không. Siêu âm tim thai cũng hữu ích trong việc đánh giá thai có bất thường về cấu trúc của tim, xảy ra ở khoảng 10% trẻ sơ sinh có nhịp tim thai nhanh. Nếu nhịp tim nhanh là do một vấn đề khác và không phải do bất thường cấu trúc tim thai, siêu âm sản khoa hoặc các xét nghiệm máu có thể được thực hiện để đánh giá sức khỏe của mẹ và thai nhi.
5. Những điều gì cần theo dõi trong suốt thời kì mang thai?
Trẻ sơ sinh có nhịp tim nhanh liên tục có nguy cơ bị giảm chức năng tim và tụ dịch trong cơ thể (phù thai). Siêu âm sẽ được thực hiện một cách thường xuyên để đánh giá tần suất và nhịp tim của thai nhi, để khẳng định tim thai đang co bóp tốt và không có tụ dịch. Ngoài ra, cần phối hợp thực hiện đo tim thai để đánh giá.
Nếu em bé được ghi nhận là có nhịp tim cao liên tục do nhịp tim bất thường hoặc có dấu hiệu suy giảm chức năng tim hoặc tụ dịch, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên bắt đầu điều trị. Thuốc sẽ làm chậm nhịp tim của thai nhi và đưa nó trở lại nhịp bình thường. Việc điều trị này thường được bắt đầu trong bệnh viện. Đôi khi, mẹ cần dùng nhiều loại thuốc để giúp kiểm soát nhịp tim của bé. Những loại thuốc này thường được tiếp tục trong thời gian còn lại của thai kỳ.
Nếu có dấu hiệu suy thai do nhịp tim và em bé sắp chào đời, bác sĩ có thể cân nhắc việc sinh em bé sớm hơn. Tuy nhiên, nhìn chung, việc kiểm soát nhịp tim nhanh khi em bé vẫn còn trong bụng mẹ sẽ được ưu tiên hơn so với việc sinh non.
6. Nhịp tim thai nhanh có ảnh hưởng với con tôi như thế nào sau khi nó được sinh ra?
Những em bé có nhịp tim nhanh khi còn trong bào thai sẽ được đội ngũ y tế đánh giá sau khi sinh. Một số trẻ sẽ có nhịp tim bình thường sau khi sinh ra và chỉ cần theo dõi đánh giá tại bệnh viện, bao gồm điện tâm đồ (ECG)(ghi lại hoạt động điện của tim) và siêu âm tim (siêu âm đánh giá cấu trúc của tim) để đảm bảo rằng nhịp tim và cấu trúc là bình thường.
Những em bé có nhịp tim nhanh tiếp tục sau sinh có thể cần điều trị bổ sung để giúp kiểm soát nhịp bất thường. Một số trẻ sơ sinh có thể cần chuyển nhịp tim bằng điện, một thủ thuật sử dụng sốc điện nhanh, năng lượng thấp để khôi phục nhịp tim về bình thường.
Một số trường hợp khác sẽ cần dùng thuốc để kiểm soát nhịp tim. Phương pháp điều trị được sử dụng sẽ phụ thuộc vào loại nhịp tim bất thường mà bé mắc phải và khả năng chịu đựng nhịp tim nhanh của bé như thế nào. Một khi nhịp tim bình thường được phục hồi, kết quả sẽ rất tốt. Thậm chí những đứa trẻ phải dùng thuốc khi về nhà để điều trị nhịp tim, hầu hết qua một tuổi đều không dùng thuốc đó nữa.
7. Những câu hỏi khác tôi nên hỏi
- Cấu trúc tim của con tôi có bình thường không?
- Tim của con tôi có bóp bình thường không? Có dấu hiệu nào cho thấy bé không chịu được nhịp tim nhanh không?
- Tôi có cần dùng thuốc trong thời kỳ mang thai để kiểm soát nhịp tim của em bé không? Nếu vậy, tác dụng phụ của thuốc đó đối với con tôi và đối với tôi là gì?
- Cần theo dõi nhịp tim của trẻ bao lâu một lần?
- Con tôi có nguy cơ bị nhịp tim nhanh sau khi sinh cao hơn không?
- Tôi nên sinh ở đâu?
- Con tôi sẽ được chăm sóc tốt nhất ở đâu sau khi chào đời?
- Trước khi sinh, tôi có thể gặp được đội ngũ bác sĩ sẽ hỗ trợ con tôi lúc sinh bé được không?
Tài liệu tham khảo:
- https://www.isuog.org/clinical-resources/patient-information-series/patient-information-pregnancy-conditions/heart/fetal-tachycardia.html
- Alfred Abuhamad Rabih Chaoui. A Practical Guide to Fetal Echocardiography. 2022: Chapter 46, Fetal Arrhythmias
- Người dịch: BS. Nguyễn Thị Mỹ Xuân
- Khoa: Chẩn đoán hình ảnh
Bài viết khác
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Hành trình kỳ diệu: Từ giấc mơ đến hồi sinh trẻ sinh non 26 tuần tại Bệnh viện Hùng Vương (10-01-2025)
- Điều trị ngoại trú thai bám vết mổ cũ (10-01-2025)
- Tật đầu nhỏ (10-01-2025)