1. Các loại siêu âm tầm soát dị tật thai nhi
Thưa BS, có bao nhiêu loại siêu âm được ứng dụng trong quản lý thai kỳ ạ? Mẹ bầu thường nghe đến: nào là siêu âm qua ngả âm đạo, siêu âm qua thành bụng, siêu âm 2D/3D/4D, siêu âm doppler, siêu âm tim thai rồi đến khái niệm siêu âm khảo sát hình thái học.
- Sự khác nhau giữa các loại siêu âm này là gì và mỗi loại sẽ chỉ định trong những tình huống/trường hợp/thời điểm nào ạ?
BS.CK2 Nguyễn Đình Vũ - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Có rất nhiều loại siêu âm với các thuật ngữ như siêu âm 2D, siêu âm ngả âm đạo, siêu âm 3D, siêu âm hình thái học… Trong đó có thể chia ra làm 2 loại.
Thứ nhất về đường sử dụng đầu dò siêu âm. Siêu âm ngả bụng sẽ sử dụng đầu dò cầm trên tay và siêu âm trên bụng, đây là loại siêu âm phổ biến thường sử dụng nhiều nhất trong xuyên suốt thai kỳ, chủ yếu đề siêu âm thai, đánh giá cấu trúc nhau, những cấu trúc tử cung và phần phụ.
Còn siêu âm ngả âm đạo là sử dụng đầu dò đặc biệt để đưa vào âm đạo sản phụ, tiếp cận gần tử cung để đánh giá được thai từ rất sớm, khoảng 5-9 tuần, xác định được có thai hay không, túi thai, tim thai, xác định được tuổi thai.
Ngoài ra, các trường hợp về sau trong thai kỳ, siêu âm đầu dò có thể sử dụng đo chiều dài cổ tử cung để tiên lượng sinh non; đánh giá cấu trúc thai nhi cần độ phân giải cao như đánh giá cấu trúc não, đánh giá cấu trúc thai nhi khi còn quá nhỏ, ví dụ như đánh giá hình thái học quý 1, có thể sử dụng siêu âm đầu dò, mang lại độ phân giải cao, dễ nhìn.
Thứ hai, các kỹ thuật siêu âm như siêu âm 2D, đây là loại siêu âm nền tảng để chẩn đoán thai nhi. Siêu âm 2D sẽ cho thấy hình ảnh của em bé trên 1 mặt cắt duy nhất, nhưng có thể thấy rõ cấu trúc vì độ phân giải của siêu âm 2D càng lúc càng cao. Siêu âm 2D gần như đầy đủ để khảo sát hết các cấu trúc cơ thể em bé.
Siêu âm 3D, 4D là công cụ hỗ trợ cho siêu âm 2D, tái tạo hình ảnh trên cơ thể em bé, trên bề mặt hoặc bên trong cơ thể em bé một cách dễ dàng hơn. Bởi vì không phải tất cả các bác sĩ hoặc bệnh nhân đều có thể nhận diện hình ảnh trên 2D, do đó khi sử dụng 3D sẽ giúp hiển thị hình ảnh rõ ràng, giúp người không nằm trong giới chuyên môn cũng thấy được hình ảnh đó rất trực quan. Siêu âm 3D tạo được hình ảnh khuôn mặt, bàn tay, cấu trúc xương… của em bé, giúp cho việc hiển thị hình ảnh rõ ràng hơn, và khi có tổn thương nào đó, sẽ định vị được đúng vị trí trên hình ảnh 3 chiều, kỹ thuật này được ứng dụng trên siêu âm hình thái học, giúp khảo sát thuận tiện và rõ ràng hơn.
Siêu âm doppler dùng để tìm mạch máu em bé, trong tầm soát dị tật phổ biến nhất là tim, siêu âm doppler giúp hiển thị dòng máu trong tim em bé, nhìn thấy biến đổi các huyết động học của tim, nhất là các trường hợp em bé bất thường, các dòng máu, chuyển động của tim chẩn đoán được bệnh. Đồng thời, tìm được dòng máu của dây rốn, mạch máu của bánh nhau, từ đó đo những kháng trở và chỉ số của mạch máu để tiên lượng em bé này tưới máu có tốt hay không, sự đáp ứng của em bé có tốt với độ tưới máu hay không.
Còn với siêu âm hình thái học là loại siêu âm được ghép cùng với siêu âm 3D, 4D nhưng siêu âm hình thái học là loại để tầm soát dị tật thai nhi, nó có thể thực hiện ở 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Siêu âm hình thái học có thể tầm soát ở cả 3 quý, loại trừ được khoảng 80-90% các bất thường ở thai nhi, đó là các dạng siêu âm tầm soát dị tật.
2. Các loại hình siêu âm doppler
Bên cạnh đó, trong siêu âm doppler lại còn có siêu âm doppler động mạch rốn, doppler động mạch não giữa. Nhờ BS cung cấp thông tin để mẹ bầu hiểu thêm về loại hình siêu âm này ạ!
BS.CK2 Nguyễn Đình Vũ trả lời: Nguyên lý của siêu âm doppler là tìm ra được các dòng chảy trong phần mình khải sát. Đối với thai nhi có 2 phần cần đánh giá: mạch máu đến nuôi tử cung, mạch máu đến nuôi em bé có đủ hay không; và với tình trạng máu nuôi đó, phản ứng của thai nhi với mạch máu đến nuôi sẽ như thế nào.
Siêu âm động mạch rốn giúp thấy được dòng máu đến nuôi bánh nhau, nuôi em bé có đủ hay không dựa trên chỉ số kháng trở đo được, cũng như vận tốc, dạng hình của mạch máu đến, từ đó suy ra em bé có đang được nuôi bằng mạch máu tốt hay không.
Về đánh giá doppler động mạch não giữa sẽ phản ánh cho mình thấy sự phản hồi của em bé đối với tình trạng thiếu dinh dưỡng, thiếu máu đến em bé, nếu có, cơ thể em bé sẽ tự phản hồi. Doppler động mạch não giữa sẽ phản hồi rõ ràng nhất hình ảnh của sự tăng tưới máu của em bé hoặc thiếu tưới máu lên não em bé, từ đó sẽ nhận ra được và đưa ra quyết định cần theo dõi sát hoặc chấm dứt thai kỳ.
Siêu âm doppler là siêu âm giúp đánh giá mạch máu nuôi và khi nào cần chấm dứt thai kỳ, can thiệp vào quá trình phát triển của em bé.
BS.CK2 Nguyễn Đình Vũ - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hùng Vương
3. Những loại siêu âm cần thực hiện ở mỗi cột mốc thai kỳ
Các cột mốc siêu âm thai nào mà mẹ bầu cần ghi nhớ và nhất định không được bỏ qua, thưa BS? Vì sao siêu âm cần được thực hiện đúng vào những thời điểm quan trọng này ạ?
- Cụ thể, siêu âm thời điểm 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày/ siêu âm hình thái thai nhi 19 tuần đến 22 tuần/ siêu âm thai 30 tuần đến 32 tuần gồm những gì?
BS.CK2 Hoàng Thị Thanh Thảo - Phó Trưởng khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Ở tam cá nguyệt một, thời điểm đầu tiên là khoảng 5-6 tuần là phải siêu âm. Việc siêu âm giai đoạn này để xác định vị trí thai, tim thai, số lượng thai, dự sinh… ở những lần sau.
Giai đoạn thứ hai là từ 11-13 tuần 6 ngày, siêu âm để sàng lọc đo bề dày da gáy, phối hợp xét nghiệm máu để sàng lọc bất thường số lượng nhiễm sắc thể. Trong giai đoạn này các siêu âm 2D cũng thấy được các bất thường như mũi ngắn, xoang tĩnh mạch, các bất thường hở hàm ếch… những bác sĩ chuyên khoa đã thấy rất rõ và nghi ngờ. Tại bệnh viện Hùng Vương, giai đoạn 16 tuần có siêu âm đầu dò, phát hiện các đoạn ngắn của tử cung để tiên lượng thai có cần khâu eo dự phòng điều trị vấn đề sinh non hay không.
Giai đoạn kế tiếp là khoảng 19-22 tuần là siêu âm chi tiết để phát hiện các bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể, bác sĩ siêu âm sẽ khảo sát hết tất cả các cơ quan của thai nhi để xem bé có bất thường cần lưu ý hoặc xác định. Nếu có các siêu âm bất thường sẽ chỉ định thêm xét nghiệm NIPT, chọc ối để xác định lại, cân nhắc tiếp tục dưỡng thai hoặc dùng lại.
Siêu âm 3 tháng cuối thai kỳ đặc biệt chú trọng đến dinh dưỡng và sức khỏe của bé, thường giai đoạn này không còn chú ý nhiều về tầm soát dị tật. Bé có tiếp tục dưỡng đến 39-40 tuần hay phải dừng thai sẽ dựa vào các siêu âm doppler, đánh giá vấn đề động mạch rốn, động mạch não giữa để tiên lượng bé có đủ sức khỏe tiếp tục trong bào thai hay phải nhập viện để quản lý thai trong viện. Đôi lúc phải tư vấn cho gia đình và thai phụ là thai phải dừng lại, nếu không sẽ xảy ra trường hợp thai lưu trong bụng mẹ. Siêu âm phải đồng hành cùng bác sĩ để tiên lượng những bất thường thai nhi, ngôi thai, nước ối, vị trí nhau.
Ví dụ siêu âm nghi ngờ 36-37 tuần nhưng vẫn ở ngôi ngang, khi đó bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện ở thai kỳ khoảng 38 tuần nếu không có cơn gò, còn nếu có cơn gò phải nhập viện sớm. Hoặc các trường hợp siêu âm phát hiện nhau tiền đạo cũng cần nhập viện ở khoảng 37-38 tuần, chuẩn bị cuộc phẫu thuật, hay có dấu hiệu chảy máu cũng phải nhập viện… bác sĩ phải có kế hoạch, chiến lược để tư vấn cho thai phụ có thai kỳ an toàn.
BS.CK2 Hoàng Thị Thanh Thảo - Phó Trưởng khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương
4. Sự khác biệt giữa siêu âm thai tự nhiên và thai IVF, IUI
Tần suất siêu âm giữa thai phụ đơn thai và đa thai, giữa thai phụ khỏe mạnh và có bệnh lý (tăng huyết áp, tiểu đường thai kỳ, nhau bám thấp, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược…)?
- Siêu âm giữa thai tự nhiên và thai IUI, IVF có khác nhau, thưa BS?
BS.CK2 Hoàng Thị Thanh Thảo trả lời: Đối với đơn thai, tối thiểu một thai kỳ siêu âm 6 lần: Lần 1, 5-6 tuần thai; lần 2, 11-13 tuần 6 ngày; lần 3, 19-22 tuần (siêu âm 4D); siêu âm double thực hiện ở 28-30-32 tuần; tam cá nguyệt thứ 3 từ 36-38-40 tuần. Mỗi 2 tuần bác sĩ sẽ siêu âm đánh giá ngôi thai, lượng nước ối, sức khỏe thai nhi để xem lượng nước ối đủ hay không, ngôi thai có thuận lợi, nhau có thoái hóa sớm hay không… ước chừng ít nhất siêu âm 6-7 lần đối với thai bình thường.
Với những thai nguy cơ (song thai, tam thai, đa thai…) cần dựa vào số lượng thai bất lường kèm theo các bệnh lý đi kèm. Ví dụ như có nguy cơ tiền sản giật, bác sĩ sẽ siêu âm double nhiều lần; trường hợp đái tháo đường thai kỳ có thể làm em bé chậm tăng trưởng, mất khả năng trong quá trình mang thai, bác sĩ phải khảo sát trong quá trình tăng trưởng của bé như: đo động mạch rốn, động mạch não giữa, máu tưới bé tốt hay không, bé đáp ứng tưới máu thế nào để cân nhắc dừng thai sớm, tránh trường hợp thai lưu.
Đối với các trường hợp IVF, đó là con quý, thường sau 3-4 tuần tính từ thời điểm chuyển phôi cần siêu âm, nghĩa là siêu âm sớm hơn 1-2 tuần so với thai bình thường để xác định vị trí thai, tim thai, dự sinh.
Ngoài ra cần tư vấn, sàng lọc như một thai kỳ bình thường, và đặc biệt những thai quý, cần hỗ trợ sinh sản, bản thân thai phụ và người nhà rất lo lắng nên phải sàng lọc kỹ tùy cá nhân để chỉ định.
5. Các chỉ số siêu âm mẹ bầu cần lưu ý
Những thông tin/chỉ số nào thai phụ cần chú ý khi nhận kết quả siêu âm, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Đình Vũ trả lời: Siêu âm có rất nhiều loại, tất cả đều có điểm chung mà thai phụ cần lưu ý:
Thứ nhất là sinh trắc thai, các cấu trúc thai được đo đạc trên siêu âm sẽ có 4 chỉ số: đường kính lượng định, chu vi vòng bụng, chu vi vòng đầu và chiều dài xương đùi. Ngoài ra có thể cung cấp thêm cân nặng được ước tính bởi các chỉ số sinh trắc.
Thứ hai, vị trí bánh nhau (nhau bám thấp, nhau tiền đạo), lượng nước ối (bình thường/ ít/ nhiều), đó là các thành phần có thể liên quan đến thai nhi. Ngoài ra cuối thai kỳ sẽ thấy chỉ số ngôi thai để biết em bé có quay đầu hay chưa (ngôi đầu: quay thuận; ngôi ngang, ngôi mông là các ngôi bất thường), trong các trường hợp chuyển dạ đối với ngôi bất tường cần đến bệnh viện gấp.
Ngoài ra, khi chú ý đến các chỉ số này cần cẩn thận với các con số đo đạc, vì đo đạc trên siêu âm sẽ thay đổi dựa trên sự phát triển của em bé, bé càng phát triẻn chỉ số càng cao. Tuy nhiên chỉ số có thể thay đổi qua các công cụ đo, có máy đo dài hơn, có máy đo thấp hơn, nếu đo đạc quá gần nhau có thể cho ra các chỉ số không phù hợp. Ví dụ mới đo cách đó 2 ngày, chỉ số nhỏ đi sẽ làm cho các mẹ bầu lo lắng. Nếu trong số liệu, chỉ số được trả cho mẹ bầu có vấn đề thắc mắc hãy hỏi bác sĩ siêu âm hoặc bác sĩ phòng khám. Trong siêu âm nếu có dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ ghi ở phần bất thường thai nhi hoặc bà mẹ hoặc ghi ở phần kết luận, vì vậy hãy để ý các mục đó.
Bài viết khác
- Giờ làm việc các khoa khám ngoại trú (22-08-2023)
- QĐ.1841_Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện Hùng Vương (04-04-2025)
- Thông báo về việc thực hiện giá dịch vụ y tế theo yêu cầu (18-04-2025)
- Hỏi đáp về siêu âm trong thai kỳ (18-04-2025)
- Vai trò của siêu âm trong tầm soát, sàng lọc, chẩn đoán vấn đề thai kỳ (18-04-2025)