1. Giới thiệu về nội soi ổ bụng
- Phẫu thuật nội soi bụng là loại phẫu thuật cho phép bác sĩ tiếp cận bên trong ổ bụng mà không cần phải rạch da lớn. Phẫu thuật này được xếp loại phẫu thuật ít xâm lấn.
- Các vết rạch lớn có thể được tránh trong phẫu thuật nội soi vì bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ gọi là máy nội soi.
- Phần lớn các khối u buồng trứng lành tính sẽ được điều trị bằng phẫu thuật nội soi ổ bụng.
- Phẫu thuật nội soi bóc u buồng trứng có nhiều ưu điểm vượt trội:
+ Thời gian nằm viện ngắn hơn và thời gian phục hồi nhanh hơn
+ Ít đau và ít chảy máu sau mổ hơn
+ Vết mổ nhỏ, thẩm mỹ cao
2. Cách thực hiện phẫu thuật nội soi
- Phẫu thuật nội soi được thực hiện dưới gây mê toàn thân, vì vậy bạn sẽ không cảm thấy đau trong quá trình phẫu thuật.
- Bác sĩ sẽ rạch một hoặc nhiều vết rạch da nhỏ trên bụng của bạn(khoảng 0,5 đến 1 cm). Những vết rạch này cho phép bác sĩ đưa kính soi, các dụng cụ phẫu thuật nhỏ và một ống được sử dụng để bơm khí vào ổ bụng của bạn.
- Khi bụng của bạn đã được bơm căng, bác sĩ sẽ đưa kính soi qua một trong những vết rạch. Kính soi sẽ truyền hình ảnh bên trong bụng của bạn đến màn hình tivi, giúp bác sĩ nhìn rõ toàn bộ ổ bụng. Sau đó , bác sĩ sẽ đưa các dụng cụ phẫu thuật qua các vết rạch khác để thực hiện phẫu thuật bóc u buồng trứng.
- Sau khi hoàn tất phẫu thuật, bác sĩ sẽ rút các dụng cụ phẫu thuật và kính soi ra. Các vết rạch sẽ được khâu lại.
- Thời gian để phẫu thuật nội soi ổ bụng bóc u buồng trứng thường tốn khoảng 30-60 phút. Sẽ mất nhiều thời gian hơn nếu khối u của bạn hoặc ổ bụng của bạn bị dính do các lần mổ trước.
3. Độ an toàn
- Phẫu thuật nội soi được thực hiện phổ biến và các biến chứng nghiêm trọng rất hiếm gặp.
- Các biến chứng nhẹ được ước tính xảy ra ở 1 hoặc 2 trong số 100 trường hợp sau phẫu thuật nội soi, bao gồm:
+ Nhiễm trùng,
+ Chảy máu và bầm tím nhẹ xung quanh vết mổ,
+ Cảm thấy buồn nôn và ói mửa
- Các biến chứng nghiêm trọng sau phẫu thuật nội soi được ước tính xảy ra ở 1 trong số 1.000 trường hợp, bao gồm:
+ Tổn thương các cơ quan trong ổ bụng như ruột hoặc bàng quang, mạch máu lớn
+ Thuyên tắc khí, thuyên tắc mạch
+ Dị ứng nghiêm trọng với thuốc mê toàn thân
4. Phục hồi
- Sau phẫu thuật nội soi, bạn có thể cảm thấy choáng váng do tác dụng của thuốc gây mê. Một số người cảm thấy buồn nôn hoặc ói mửa. Đây là những tác dụng phụ phổ biến của thuốc gây mê và sẽ nhanh chóng qua đi.
- Bạn sẽ được điều dưỡng theo dõi trong vài giờ cho đến khi hoàn toàn tỉnh táo. Bạn có thể cảm thấy bụng căng, chướng hơi và đau vai gáy do còn một lượng khí CO2 tồn đọng trong ổ bụng.Triệu chứng này nhanh chóng biến mất sau 1-2 ngày sau khi khí CO2 được hấp thu hết.
- Bạn sẽ được sử dụng thuốc giảm đau theo đơn của bác sĩ để giảm cảm giác đau sau phẫu thuật.
- Chế độ ăn uống từ lỏng đến đặc, lưu ý bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả để tránh táo bón.
5. Thời gian phục hồi
- Thời gian hồi phục sau phẫu thuật nội soi bóc u buồng trứng là khá nhanh. Sau 1-2 ngày bạn có thể vận động sinh hoạt bình thường và xuất viện
6. Khi nào cần trở lại tái khám
- Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây trong quá trình phục hồi, bạn nên liên hệ với bệnh viện nơi thực hiện thủ thuật để được tư vấn
+ Sốt cao 38 độ C trở lên
+ Ớn lạnh
+ Nôn dữ dội hoặc liên tục
+ Đau bụng ngày càng tăng
+ Đỏ, đau, sưng, chảy máu hoặc tiết dịch xung quanh vết thương
+ Đau và sưng ở một hoặc hai chân
+ Cảm giác nóng rát hoặc châm chích khi đi tiểu
Bệnh viện Hùng Vương là một trong những địa chỉ uy tín hàng đầu về điều trị các bệnh lý phụ khoa tại TP.HCM. Tại đây, phẫu thuật nội soi bóc u buồng trứng đã được phát triển từ lâu, là loại phẫu thuật an toàn, hiệu quả trong điều trị khối u buồng trứng. BN sẽ được phẫu thuật bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm và xuất viện sớm trong vòng 24 - 48 giờ sau mổ khi sức khoẻ ổn định. Trước khi xuất viện, bạn sẽ được bác sĩ tư vấn kỹ lưỡng, hướng dẫn cách chăm sóc vết thương, cung cấp các dấu hiệu cần theo dõi và được dặn dò tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ
BSCKII. Hoàng Thị Thu Huyền - Khoa Phụ ngoại ung bướu
(Tháng 11/2023)
Bài viết khác
- Radar Sản Phụ khoa kỳ 13: U nang buồng trứng - Khi nào cần điều trị? (04-09-2024)
- Thời hạn sử dụng, hiệu quả ngừa thai và những trường hợp chống chỉ định của dụng cụ tử cung (04-09-2024)
- Đặt vòng tránh thai có ảnh hưởng đến cân nặng, khả năng tiết sữa? (04-09-2024)
- Dụng cụ tử cung: Khi vòng tránh thai không chỉ có tác dụng ngừa thai (13-08-2024)
- RADAR SẢN PHỤ KHOA – KỲ 12: “Dụng cụ tử cung và những tiến bộ mới” (06-08-2024)