Bệnh sốt xuất huyết là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, bao gồm cả Việt Nam. Với sự gia tăng số ca mắc trong những năm gần đây, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh này là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa dịch bệnh.
1. Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, được lây truyền qua muỗi Aedes, đặc biệt là muỗi Aedes aegypti. Bệnh thường bùng phát mạnh vào mùa mưa, khi điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản. Sốt xuất huyết không chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu mà còn có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
(Loài muỗi Aedes aegypti là mầm bệnh chứa virus Dengue gây nên bệnh sốt xuất huyết cho người)
2. Triệu chứng nhận biết bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết thường có những triệu chứng sau:
- Sốt cao đột ngột: Nhiệt độ cơ thể có thể tăng lên đến 39-40°C, kéo dài từ 2 đến 7 ngày.
- Đau đầu dữ dội: Thường kèm theo đau sau hốc mắt.
- Đau cơ, khớp và xương: Cảm giác đau nhức khắp cơ thể, đặc biệt là ở các khớp.
- Buồn nôn và nôn: Bệnh nhân có thể cảm thấy buồn nôn, nôn nhiều lần.
- Phát ban: Xuất hiện các nốt đỏ trên da, có thể kèm theo ngứa.
3. Dấu hiệu nguy hiểm cần đưa ngay đến cơ sở y tế
Khi phát hiện những dấu hiệu sau, cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời:
- Đau bụng dữ dội
- Chảy máu bất thường: Bao gồm chảy máu cam, chân răng, mũi, ói ra máu, đi cầu phân đen, có kinh bất thường ở nữ.
- Khó thở hoặc thở nhanh
- Mệt mỏi, lừ đừ: Khi bệnh nhân cảm thấy kiệt sức, khó tỉnh táo.
- Nôn ói liên tục: Kèm theo buồn nôn, không thể ăn uống.
- Trẻ em có biểu hiện: bỏ ăn, bỏ bú, mệt mỏi dù hết sốt.
4. Cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết
Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát muỗi và loại bỏ nơi sinh sản của chúng. Một trong những biện pháp quan trọng nhất là loại bỏ các điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng.
* 07 nguyên tắc để không có lăng quăng:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước: Sử dụng nắp đậy kín hoặc lật úp các dụng cụ không cần thiết.
- Thả cá vào các bể chứa nước lớn: Cá có thể ăn lăng quăng, giúp ngăn ngừa muỗi sinh sản.
- Sử dụng hóa chất để diệt lăng quăng: Sử dụng hóa chất diệt lăng quăng theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Không để các vật có thể chứa nước bị đọng nước: Lật úp vật chứa, đục lỗ, khơi thông dòng chảy, làm bằng phẳng các nơi bị đọng nước, che chắn để tránh nước mưa.
- Thường xuyên vệ sinh dụng cụ chứa nước: Chùi rửa và thay nước ít nhất một lần một tuần để loại bỏ trứng muỗi.
- Thu gom và tiêu hủy các vật liệu phế thải: Như vỏ dừa, lốp xe cũ, mảnh chai... những nơi có thể chứa nước mưa.
- Thay đổi hình thức trữ nước: Thay đổi tập quán trữ nước, không sử dụng các vật chứa nước có nguy cơ đọng nước làm phát sinh lăng quăng mà thay bằng sử dụng trực tiếp từ vòi nước.
Vì vậy, phòng chống sốt xuất huyết không chỉ là trách nhiệm của cơ quan y tế mà cần có sự chung tay của toàn bộ chúng ta. Mỗi cá nhân, gia đình cần nâng cao ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi.
Ngoài ra, theo dõi các thông tin mới nhất từ cơ quan y tế là một phần quan trọng trong việc phòng ngừa sốt xuất huyết. Những khuyến cáo về dịch tễ, thời gian cao điểm của dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa cần được cập nhật liên tục để mọi người có thể chủ động phòng tránh.
Sốt xuất huyết là một bệnh nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu chúng ta cùng chung tay thực hiện các biện pháp phòng chống. Việc loại bỏ nơi muỗi sinh sản, bảo vệ bản thân khỏi muỗi đốt và theo dõi tình hình dịch bệnh là những bước cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Nguồn tham khảo: https://www.hcdc.vn/
Bài viết khác
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)
- Các hình thức thanh toán (22-06-2023)
- Hướng dẫn tra cứu hóa đơn điện tử (20-12-2024)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số 21: Ngừa thai khẩn cấp và tránh thai hằng ngày - Như thế nào là đúng? (17-12-2024)