Bạn đang chuẩn bị mang thai hoặc đang có thai, bạn có thắc mắc liệu mình có nên tiêm ngừa vaccin cúm hay không? Nếu tiêm bạn được lợi ích gì? Nếu không tiêm, liệu có những nguy cơ gì có thể xảy ra cho bản thân và con của bạn? Bài viết này sẽ chia sẻ cho bạn một vài thông tin để bạn có thể đưa ra lựa chọn một cách thông minh, giúp bạn có một thai kỳ dễ chịu hơn và tăng khả năng sinh ra một em bé khỏe mạnh.
Bệnh cúm là gì, có nguy hiểm không?
Cúm là một bệnh truyền nhiễm tương đối phổ biến, do virus cúm Influenza gây ra. Theo tổ chức Y tế Thế giới WHO, có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em nhiễm cúm hằng năm. Trong đó, 0,5 triệu ca tử vong. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1 – 1,8 triệu người mắc cúm mùa.
Các dấu hiệu phổ biến của nhiễm cúm bao gồm: ho, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt xì, đau họng, sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể. Ở người có hệ miễn dịch khỏe mạnh, bệnh cúm thường tự khỏi trong 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, trên người có hệ miễn dịch suy yếu như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, thiếu máu, bệnh chuyển hóa… Virus cúm có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, thậm chí tử vong.
Nhiễm cúm khi mang thai có những nguy cơ gì?
Khi mang thai, bạn dễ nhiễm virus cúm hơn so với bình thường. Nếu bạn có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý phổi, thận…, bạn là đối tượng có nguy cơ cao phải nhập viện, dễ mắc các biến chứng nặng như viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp, nhiễm trùng huyết, sinh non, tử vong mẹ - con…, nhất là trong những tháng cuối của thai kỳ. Vì lý do đó, tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo tiêm phòng vắc xin khi mang thai là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm tránh rủi ro cho mẹ và bé sơ sinh sau sinh, do đó tất cả phụ nữ mang thai trong mùa cúm nên tiêm phòng cúm.
Tiêm vắc-xin phòng cúm có an toàn cho thai không?
Hiện nay, vắc-xin cúm bất hoạt dạng tiêm được dùng phổ biến và đã được chứng minh an toàn khi sử dụng cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Nếu bạn được chủng ngừa cúm, một số kháng thể có thể sẽ được truyền sang em bé của bạn giúp bảo vệ bé khỏi bệnh cúm lên đến 6 tháng sau khi sinh.
Tiêm phòng cúm trong thai kỳ không liên quan đến các biến cố bất lợi như sẩy thai tự nhiên, viêm màng đệm, tiền sản giật, tăng huyết áp hay đái tháo đường thai kỳ. Các nghiên cứu cũng không quan sát thấy mối liên hệ nào giữa việc tiêm ngừa cúm trước sinh và các dị tật bẩm sinh trên thai, suy hô hấp sau sinh, nguy cơ nằm hồi sức sơ sinh và chứng tự kỷ ở trẻ. Vắc-xin cúm được khuyến cáo tiêm cho thai phụ bởi nhiều tổ chức Y khoa uy tín trên thế giới như Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC)…
Đối tượng nào không nên tiêm ngừa vắc-xin cúm?
Đối với các thai phụ có tình trạng sau không nên tiêm ngừa cúm: đang bị cúm hay đã từng dị ứng với vắc xin cúm hay đang có sốt >38oC hay từng bị liệt Guillian-Barre trong 6 tuần sau chích vắc xin cúm hay ở thai phụ bị suy giảm miễn dịch ( HIV, bệnh tự miễn…)
Thời điểm nào là tốt nhất để tiêm vắc-xin phòng cúm?
Ở Việt Nam, kết quả giám sát cúm cho thấy dịch cúm thường xuất hiện quanh năm, đạt đỉnh vào tháng 3- 4 và tháng 9 - 10 hàng năm. Do đó, tốt nhất bạn nên tiêm vắc-xin vào trước mùa cúm. Bạn cũng có thể lựa chọn tiêm ngừa cúm trước khi mang thai 1 tháng.
Nếu bạn đã tiêm ngừa cúm trước đó >12 tháng thì nên gặp bác sĩ để được tư vấn tiêm ngừa cúm nhắc lại.
Tóm lại, nhiễm cúm làm tăng nguy cơ nhập viện và biến cố bất lợi chu sinh ở phụ nữ mang thai và thai nhi - là các đối tượng rất nhạy cảm với các bệnh truyền nhiễm. Tiêm vắc-xin cúm cho phụ nữ trước và trong khi mang thai vào bất kỳ thời điểm nào s của thai kỳ là biện pháp an toàn và hiệu quả nhằm giảm nguy cơ nhiễm cúm cho mẹ và trẻ sơ sinh (cho đến 6 tháng tuổi), và giảm các biến cố bất lợi (thai chết lưu, sinh non, trẻ nhẹ cân thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung...). Bạn có thể tiêm vắc-xin cúm cùng với vắc-xin khác ở hai vị trí tiêm khác nhau. Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu thêm về cách thức bảo vệ bản thân và em bé trước căn bệnh tưởng chừng như ít nguy hiểm này. Luôn nhớ hãy đến các cơ sở y tế và trung tâm chủng ngừa uy tín để được khám sàng lọc trước khi tiêm ngừa bất kỳ loại vắc-xin nào bạn nhé! Chúc bạn có một thai kỳ vui khoẻ, bình an!
Tài liệu tham khảo:
- Nguy cơ của cúm và lợi ích của vắc-xin ngừa cúm trong thai kỳ - Thầy thuốc Nhân dân, PGS. TS. Bs Huỳnh Nguyễn Khánh Trang
- https://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/ /asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/nhung-ieu-can-biet-khi-tiem-vac-xin-cum
- https://www.cdc.gov/vaccines/pregnancy/hcp-toolkit/flu-vaccine-pregnancy.html
- Influenza in Pregnancy: Prevention and Treatment, Committee Statement, Number 7, ACOG Clinical, February 2024
Bài viết khác
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Hành trình kỳ diệu: Từ giấc mơ đến hồi sinh trẻ sinh non 26 tuần tại Bệnh viện Hùng Vương (10-01-2025)
- Điều trị ngoại trú thai bám vết mổ cũ (10-01-2025)
- Tật đầu nhỏ (10-01-2025)