PHƯƠNG PHÁP HỖ TRỢ SINH SẢN BẰNG IUI
1. Định nghĩa:
- Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (Intrauterine insemination – viết tắt IUI) - là một trong các phương pháp thụ tinh nhân tạo để điều trị vô sinh, hiếm muộn. Đây là kỹ thuật bơm tinh trùng của người chồng đã được lọc sạch và cô đặc vào trực tiếp buồng tử cung của người vợ trong khoảng thời gian rụng trứng.
- Phương pháp điều trị này phổ biến với các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn hiện nay vì có ưu điểm: tinh trùng sau lọc rửa có độ di động tốt, khả năng thụ tinh cao. Kết quả mong đợi của phương pháp IUI là tinh trùng bơi vào ống dẫn trứng và thụ tinh với trứng đang chờ, từ đó giúp người vợ có thai.
- Tùy theo nguyên nhân hiếm muộn mà có thể phối hợp IUI với chu kỳ bình thường hoặc kết hợp với thuốc hỗ trợ sinh sản.
2. Chỉ định điều trị bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI):
- Vô sinh chưa rõ nguyên nhân: IUI thường được thực hiện như một phương pháp điều trị đầu tiên cho vô sinh chưa rõ nguyên nhân.
- Vô sinh nam:
+ Có rối loạn xuất tinh: Lỗ tiểu đóng thấp, xuất tinh ngược dòng, rối loạn cương.
+ Mật độ tinh trùng dưới mức trung bình, di động yếu, hoặc bất thường về kích thước và hình dạng (hình thái) của tinh trùng. IUI có thể khắc phục một số vấn đề này vì việc chuẩn bị tinh trùng cho thủ thuật giúp tách tinh trùng bình thường, có khả năng vận động cao khỏi những tinh trùng có chất lượng thấp hơn.
- Vô sinh nữ:
+ Lạc nội mạc tử cung mức độ nhẹ và trung bình: Đối với vô sinh liên quan đến lạc nội mạc tử cung, sử dụng thuốc để có được trứng chất lượng tốt cùng với thực hiện IUI thường là phương pháp điều trị đầu tiên.
+ Rụng trứng không đều: IUI cũng có thể được thực hiện cho những phụ nữ bị vô sinh do các vấn đề về rụng trứng, bao gồm cả việc không rụng trứng hoặc giảm số lượng trứng.
+ Vô sinh do yếu tố cổ tử cung: Sẹo tại cổ tử cung cũng có thể ngăn cản tinh trùng gặp trứng. Ví dụ, sẹo do sinh thiết hoặc các thủ thuật khác gây ra, có thể khiến cổ tử cung bị chít hẹp. Thủ thuật IUI sử dụng dụng cụ vượt qua chổ chít hẹp, đưa tinh trùng trực tiếp vào buồng tử cung và làm tăng số lượng tinh trùng có sẵn để gặp trứng đang chờ đợi.
+ Dị ứng tinh dịch: đây là trường hợp hiếm gặp, người vợ dị ứng với protein trong tinh dịch có thể gây vô sinh. Tinh dịch của người chồng gây mẩn đỏ, nóng rát và sưng tấy khi tiếp xúc âm đạo hoặc với da của người vợ. Nếu độ nhạy cảm của người vợ nghiêm trọng, IUI có thể có hiệu quả, vì nhiều protein trong tinh dịch được loại bỏ trước khi tinh trùng được đưa vào.
3. Quy trình thực hiện bơm tinh trùng tại Bệnh viện Hùng Vương:
► Kích thích buồng trứng và rụng trứng:
Sử dụng thuốc kích thích buồng trứng kết hợp siêu âm ngã âm đạo, theo dõi sự phát triển nang trứng từ 12-14 ngày.
►Thực hiện thủ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung:
Sau khi tiêm mũi thuốc rụng trứng (hCG) 32 - 38 giờ, quy trình IUI chỉ mất một hoặc hai phút và không cần dùng thuốc giảm đau. Bác sĩ thực hiện IUI đã được đào tạo đặc biệt để thực hiện thủ thuật này.
- Tinh trùng của người chồng lấy bằng cách thủ dâm, sau đó được lọc rửa và cô đặc. Quá trình lọc rửa giúp chọn lọc những tinh trùng di động tốt để tăng khả năng thụ tinh với trứng. Đồng thời, loại được một phần chất kích thích co thắt tử cung trong tinh dịch, loại được tế bào chết, vi sinh vật có hại cho tinh trùng. Thể tích tinh trùng sau khi lọc rửa và cô đặc là 0.2 - 0.3 ml, nếu nhiều hơn, tinh trùng sẽ có khả năng chảy ngược ra ngoài sau khi bơm vào buồng tử cung và cũng kích thích gây co thắt tử cung.
- Tinh trùng sau lọc rửa được bơm nhẹ nhàng vào buồng tử cung:
+ Người vợ sẽ nằm tư thế sản khoa, bác sỹ đặt dụng cụ mỏ vịt nhẹ nhàng vào âm đạo để quan sát rõ cổ tử cung (tương tự lúc khám phụ khoa).
+ Sau đó, tinh trùng được hút vào bơm tiêm với một đầu gắn vào ống bơm mềm, mỏng, dẻo, đầu tù. Bác sỹ nhẹ nhàng đưa ống bơm mềm qua lổ cổ tử cung, vào buồng tử cung và bơm toàn bộ tinh trùng vào buồng tử cung. Tháo ống bơm mềm và mỏ vịt ra khỏi âm đạo.
+ Người vợ nằm nghỉ tại chổ sau thủ thuật IUI khoảng 15 đến 20 phút với phần mông kê cao để tinh trùng ổn định trong lòng tử cung.
+ Khi thủ thuật kết thúc, người vợ có thể tiếp tục các hoạt động hàng ngày thông thường của mình. Đơn thuốc hỗ trợ hoàng thể được cung cấp để người vợ sử dụng hằng ngày trong 2 tuần sau thủ thuật IUI.
Lưu ý: Người chồng nên ngưng xuất tinh 1 - 2 ngày trước khi lấy tinh trùng thực hiện thủ thuật. Đây là thời điểm tinh trùng được chuẩn bị tốt nhất để có khả năng thụ tinh cao nhất. Người vợ có thể ra ít máu thấm giọt trong một hoặc hai ngày sau khi làm thủ thuật.
► Kết quả:
Người vợ tự thử que thử thai thai tại nhà hoặc xét nghiệm máu tại bệnh viện sau 2 tuần thực hiện IUI (không nên thử thai quá sớm để tránh các trường hợp dương tính giả hoặc âm tính giả). Nếu có thai, người vợ trở lại bệnh viện để được cung cấp thuốc nội tiết dưỡng thai trong thời gian tiếp theo. Nếu không có thai, người vợ có thể thử IUI lần nữa trước khi chuyển sang các phương pháp điều trị sinh sản khác. Thông thường, liệu pháp tương tự được sử dụng trong ba đến sáu tháng để tối đa hóa cơ hội mang thai.
4. Một số biến chứng sau điều trị IUI
Bơm tinh trùng vào buồng tử cung là một thủ thuật tương đối đơn giản và an toàn, nguy cơ biến chứng nghiêm trọng thấp. Các rủi ro có thể bao gồm:
- Nhiễm trùng: rất hiếm, nhưng có thể xuất hiện nhiễm trùng do thủ thuật.
- Ra máu thấm giọt: Đôi khi quá trình đặt ống bơm mềm vào tử cung gây chảy máu âm đạo lượng nhỏ. Điều này thường không ảnh hưởng đến cơ hội mang thai.
- Đa thai (sinh đôi, sinh ba hoặc nhiều hơn): Bản thân IUI không liên quan đến việc tăng nguy cơ đa thai. Tuy nhiên, khi phối hợp với thuốc gây rụng trứng, nguy cơ đa thai tăng lên đáng kể. Đa thai có rủi ro cao hơn so với đơn thai, bao gồm chuyển dạ sớm và sinh con nhẹ cân.
5. Tỉ lệ thành công:
Tỉ lệ có thai thông thường là 10-15%. Tùy theo nguyên nhân cụ thể mà tỉ lệ này có thể thay đổi. Ví dụ trong trường hợp lạc nội mạc tử cung thì tỉ lệ này có thể thấp hơn.
Theo quan điểm hiện đại, việc thực hiện IUI chỉ thực hiện trong 1-2 chu kỳ đầu tiên. Nếu sau 1-2 chu kỳ IUI thất bại, bệnh nhân nên chuyển sang phương pháp thụ tinh ống nghiệm để xác suất thành công cao hơn.
Đặc biệt ở những bệnh nhân nữ > 38 tuổi, khuynh hướng hiện tại là thực hiện thụ tinh ống nghiệm ngay từ chu kỳ đầu tiên. Vì nếu IUI kéo dài sẽ làm mất thời gian của bệnh nhân, và đến khi bệnh nhân lớn tuổi hơn thì tỉ lệ thành công ngày càng khó khăn hơn.
BS. Nguyễn Thị Vy Phương - Khoa Hiếm muộn
Cập nhật 10/3/2023
Bài viết khác
- Lớp tiền sản (23-05-2017)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)
- Phụ nữ hiện đại - Chủ động tránh thai (15-11-2024)
- X - QUANG và những điều cần biết (14-11-2024)