1. Que cấy tránh thai có tác dụng kéo dài trong nhiều năm
Xin hỏi BS, sự khác nhau giữa que tránh thai và những biện pháp tránh thai nội tiết khác là gì? Cơ chế hoạt động của que ngừa thai như thế nào?
BS.CK2 Lý Thanh Xuân - Phó Trưởng khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Có nhiều biện pháp tránh thai khác nhau nhưng nhìn chung sẽ được chia thành 2 nhóm: tránh thai nội tiết và tránh thai không nội tiết.
Biện pháp tránh thai nội tiết sử dụng nội tiết để hiệu chỉnh và ngăn ngừa rụng trứng, từ đó các tác dụng ngừa thai. Tránh thai nội tiết có nhiều biện pháp đa dạng như uống, đặt vòng, miếng dán, tiêm thuốc hoặc sử dụng que cấy.
Que cấy tránh thai là một biện pháp tránh thai hiện đại khá phổ biến hiện nay. Khác với những biện pháp tránh thai nội tiết khác, que cấy tránh thai có tác dụng ngừa thai kéo dài nhiều năm. Các loại que trên thị trường Việt Nam hiện nay có hiệu quả trong vòng 3 năm.
Đồng thời, hiệu quả của que cấy tránh thai không bị ảnh hưởng bởi việc tuân thủ của người sử dụng. Sau khi cấy 24h, que sẽ bắt đầu có tác dụng và có thể mang thai trở lại sau 3 - 4 tuần rút que.
Giống như các biện pháp tránh thai nội tiết có chứa progesterone khác, que cấy tránh thai hoạt động dựa trên 2 cơ chế. Cơ chế thứ nhất là làm đặc chất nhầy cổ tử cung, ngăn không để tinh trùng di chuyển vào buồng tử cung. Cơ chế thứ hai là ngăn ngừa sự rụng trứng.
2. Những trường hợp chống chỉ định của que cấy tránh thai
Que tránh thai phù hợp với những ai, độ tuổi từ bao nhiêu? Chống chỉ định của que tránh thai là gì, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Thị Sa Giang - Phó trưởng khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Que cấy tránh thai là biện pháp ngừa thai có thể áp dụng cho tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có mong muốn ngừa thai và không có chống chỉ định của que cấy.
Độ tuổi sinh sản của phụ nữ bắt đầu từ chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên, khi họ có khả năng mang thai.
Có 2 nhóm chống chỉ định của que cấy tránh thai. Phụ nữ đang điều trị ung thư vú, phụ nữ có thai có chống chỉ định tuyệt đối, không được sử dụng que tránh thai.
Chống chỉ định tương đối dành cho những trường hợp phụ nữ đang có tình trạng huyết khối, đang điều trị thuyên tắc mạch, thuyên tắc phổi, hoặc mắc bệnh lupus ban đỏ, hoặc ra huyết âm đạo bất thường chưa tìm được nguyên nhân.
Bệnh nhân ung thư vú đã điều trị ổn định và không có dấu hiệu, biểu hiện tái phát trong vòng 5 năm cũng thuộc nhóm chống chỉ định tương đối.
Khi thuộc nhóm chống chỉ định tương đối, trong điều kiện hoàn cảnh người phụ nữ mong muốn ngừa thai nhưng không thể sử dụng biện pháp nào khác ngoài que cấy tránh thai, các bác sĩ sẽ cân nhắc để đưa ra quyết định cho phép sử dụng và phải theo dõi sát tình trạng bệnh lý nội khoa.
3. Ưu và nhược điểm của phương pháp cấy que tránh thai
Hiệu quả của que cấy tránh thai ra sao, thưa BS? Ưu và nhược điểm của phương pháp tránh thai này như thế nào?
BS.CK2 Lý Thanh Xuân trả lời: Điều ấn tượng là hiệu quả của các que cấy đang có trên thị trường Việt Nam hiện nay lên đến 99,95%, nghĩa là trong 10.000 người sử dụng thì có đến 9.995 người không có thai ngoài ý muốn. Đây là hiệu quả cao nhất trong tất cả các biện pháp ngừa thai hiện đại.
Ưu điểm của que cấy tránh thai là chỉ cần cấy 1 que đã đem lại tác dụng trong vòng 3 năm, đồng thời không bị ảnh hưởng bởi sự tuân thủ của người sử dụng. Que tránh thai có tác dụng chỉ sau 24h được cấy vào cơ thể. Khi không muốn tiếp tục thực hiện biện pháp ngừa thai, người phụ nữ có thể mang thai sau khoảng 3 - 4 tuần tháo que.
Một ưu điểm khác là que cấy tránh thai có thể được dùng khi đang cho con bú.
Song song đó, que cấy tránh thai vẫn có một số nhược điểm. Đầu tiên là không tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV/AIDS… Trong quá trình sử dụng que cấy tránh thai, người dùng có thể gặp một số tác dụng không mong muốn.
Khi muốn thực hiện biện pháp tránh thai này, người phụ nữ phải đến các cơ sở y tế. Chỉ các nhân viên y tế đã được huấn luyện kỹ thuật cấy que mới có thể thực hiện thao tác.
4. Có thể sờ được que tránh thai được cấy dưới da
Bên cạnh hiệu quả, mức độ an toàn khi cấy que tránh thai cũng là vấn đề được các chị em quan tâm. Nhờ BS chia sẻ thêm về vấn đề này
BS.CK1 Nguyễn Thị Sa Giang trả lời: Que cấy tránh thai là một trong những biện pháp có hiệu quả cao nhất hiện nay, hơn 99%. Song song đó, độ an toàn của phương pháp này cũng rất cao.
Que tránh thai thường được cấy vào dưới vùng da bên trong cánh tay, các bạn có thể sờ để xác định tình trạng que cấy. Đây cũng là một ưu điểm của que cấy tránh thai.
Thực tế vẫn có trường hợp que cấy tránh thai di chuyển ra khỏi vị trí ban đầu, tuy nhiên tỷ lệ rất thấp. Nếu các bạn vận động, tập thể dục phát triển cơ bắp hoặc bị tăng cân, que cấy sẽ di chuyển vào sâu hơn dưới vùng da cánh tay nhưng vẫn có thể sờ thấy được.
Chỉ khi nào không còn sờ được que cấy tránh thai, các bạn phải đi khám ngay để được bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng. Một số trường hợp que cấy di chuyển sâu vào vùng cánh tay sẽ hơi khó để tháo que.
Đối với các que cấy nằm đúng vị trí, không bị di lệch, bác sĩ chỉ cần rạch 1 đường nhỏ khoảng 1mm ở đầu que và nhẹ nhàng rút ra. Những trường hợp que cấy di chuyển vào sâu hơn, đôi khi vết rạch cũng phải dài hơn và sâu hơn thì mới lấy que ra được.
Trước khi lấy que, người nữ cần được siêu âm hoặc chụp X-quang để định vị que cấy. Trên thế giới đã có những báo cáo về một số trường hợp que cấy có thể di chuyển đến phía sau xương bả vai.
5. Que cấy tránh thai không ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng sữa mẹ
Phụ nữ cho con bú, những người mắc bệnh lý (tuyến giáp, đái tháo đường, tăng huyết áp, u xơ tử cung, u nang buồng trứng…) có nên tránh thai bằng cách cấy que tránh thai? Hiệu quả, an toàn của phương pháp tránh thai này có bị giảm vì bệnh lý?
BS.CK2 Lý Thanh Xuân trả lời: Phụ nữ đang cho con bú hoặc những người mắc các bệnh lý tuyến giáp, tăng huyết áp, đái tháo đường, u xơ tử cung, u nang buồng trứng vẫn có thể sử dụng que cấy tránh thai.
Đối với các chị em có bệnh lý tuyến giáp, u xơ tử cung, u nang buồng trứng hoặc bệnh nhân béo phì, hiệu quả và độ an toàn của que cấy tránh thai không bị thay đổi.
Nhưng những người có bệnh lý gan nặng, bệnh lý huyết khối, có tiền căn bị ung thư vú hoặc đang bị ung thư vú, người đang sử dụng thuốc chống động kinh, thuốc điều trị lao không nên sử dụng biện pháp tránh thai này. Tình trạng bệnh lý có thể nặng hơn hoặc hiệu quả ngừa thai bị giảm đi do sự tương tác của các thuốc.
Cấy que tránh thai là lựa chọn tối ưu cho phụ nữ đang cho con bú vì ưu điểm không cần tuân thủ như thuốc uống, thuốc tiêm, thuốc dán. Hơn nữa, que cấy tránh thai không ảnh hưởng đến việc bài tiết sữa mẹ, nghĩa là không thay đổi số lượng và chất lượng sữa.
Người mẹ dùng que cấy tránh thai vẫn tiết sữa như một người mẹ bình thường. Thêm vào đó, người sử dụng que cấy không cần phải nhớ giờ uống thuốc hay nhớ lịch tiêm thuốc, chúng ta hoàn toàn thoải mái mà không lo sợ có thai ngoài ý muốn.
Chương trình Radar Sản Phụ Khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào 19h thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng. Chương trình đã thực hiện 10 chủ đề:
- Bệnh viện Hùng Vương đồng hành trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe chị em phụ nữ
- Trữ trứng - giải pháp mới cho phụ nữ hiện đại
- Viêm âm đạo và những điều cần biết
- Bệnh lý sàn chậu sau sinh - Dự phòng và điều trị
- Viêm gan siêu vi B và thai kỳ: những điều nên làm để sinh con khỏe mạnh
- Đừng u sầu vì rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh
- Hiểu đúng về u xơ tử cung để điều trị khoa học
- Đàn ông vô tinh: vẫn có giải pháp làm cha!
- Chẩn đoán tiền sản - giải pháp phát hiện mọi bất thường thai nhi?
- Vượt qua nỗi sợ lạc nội mạc tử cung - Chọn đối mặt, chọn lạc quan!
Bài viết khác
- Radar Sản Phụ khoa kỳ 13: U nang buồng trứng - Khi nào cần điều trị? (04-09-2024)
- Thời hạn sử dụng, hiệu quả ngừa thai và những trường hợp chống chỉ định của dụng cụ tử cung (04-09-2024)
- Đặt vòng tránh thai có ảnh hưởng đến cân nặng, khả năng tiết sữa? (04-09-2024)
- Dụng cụ tử cung: Khi vòng tránh thai không chỉ có tác dụng ngừa thai (13-08-2024)
- RADAR SẢN PHỤ KHOA – KỲ 12: “Dụng cụ tử cung và những tiến bộ mới” (06-08-2024)