Rong kinh - Bệnh viện Hùng Vương

Rong kinh - Bệnh viện Hùng Vương

Rong kinh - Bệnh viện Hùng Vương

Rong kinh - Bệnh viện Hùng Vương

Rong kinh - Bệnh viện Hùng Vương
Rong kinh - Bệnh viện Hùng Vương

Rong kinh

RONG KINH

1. Rong kinh là gì

            Là hiện tượng lượng máu kinh nguyệt ra kéo dài hơn so với chu kì bình thường. Thông thường, một chu kì kinh nguyệt việc hành kinh kéo dài trung bình khoảng 3-5 ngày. Khi kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày được xem là rong kinh.

2. Nguyên nhân gây rong kinh

         Rong kinh có thể do nhiều nguyên nhân, từ các vấn đề liên quan đến hormone, các bệnh lý khác hoặc đôi khi là do căng thẳng, một số nguyên nhân thường gặp:

2.1 Mất cân bằng hormone

- Sự cân bằng giữa hormone Estrogen và Progesterone ở phụ nữ sẽ giúp điều chỉnh sự tích tụ ở niêm mạc tử cung bong ra trong chu kỳ kinh nguyệt. Nếu có một loại hormone nào thiếu hụt gây mất cân bằng, niêm mạc tử cung sẽ phát triển quá mức, dẫn đến lượng máu kinh ra nhiều.

- Những nguyên nhân có thể làm mấy cân bằng hormone ở phụ nữ gồm hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), bệnh lý tuyến giáp, tình trạng béo phì, kháng insulin…

2.2 Rối loạn chức năng buồng trứng

Nếu trứng không rụng vào chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể phụ nữ không thể sản xuất ra hormone Progesterone như một chu kỳ kinh nguyệt bình thường làm mất cân bằng hormone, hệ quả là rong kinh.

2.3 U xơ tử cung

U xơ tử cung là bệnh lý lành tính nhưng cũng có thể làm cho chu kì kinh kéo dài hơn bình thường.

2.4 Lạc nội mạc tử cung

Tình trạng lạc nội mạc trong cơ tử cung có thể gây đau bụng, chảy máu, khiến người bệnh thấy lượng máu kinh nhiều hơn, hành kinh kéo dài.

2.5 Polyp tử cung

Polyp lành tính, kích thước nhỏ nằm trên niêm mạc tử cung có thể gây chảy máu kéo dài

2.6 Đặt vòng tránh thai

Rong kinh cũng là một trong những tác dụng phụ thường gặp của PP đặt vòng tránh thai

2.7 Liên quan đến mang thai

Sảy thai hoặc thai ngoài tử cung có thể gây chảy máu bất thường

2.8 Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc như thuốc kháng viêm, thuốc chống đông, thuốc nội tiết có thể gây hành kinh kéo dài

2.9 Các bệnh lý khác
Rối loạn đông máu di truyền (như bệnh VonWillebrand), ung thư CTC, Ung thư nội mạc tử cung , hay rối loạn tiền mãn kinh cũng có thể dẫn đến rong kinh

3. Rong kinh có hậu quả gì?

3.1 Thiếu máu:

Bệnh có thể gây thiếu máu do mất máu quá nhiều vào mỗi chu kỳ kinh. Khi bị thiếu máu, chị em sẽ thấy khó thở, cơ thể mệt mỏi, da xanh xao, thiếu sức sống…

3.2 Nguy cơ vô sinh, hiếm muộn:

        Khi bị rong kinh, máu sẽ có màu đen do bị ứ đọng lâu trong tử cung, việc này tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây hại xâm nhập gây bệnh. Vi khuẩn có thể đi theo hướng từ âm đạo lên vòi trứng, buồng tử cung… gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

Ngoài ra, hiện tượng chảy máu nhiều còn là triệu chứng của nhiều bệnh lý phụ khoa khác như viêm nội mạc tử cung, polyp tử cung, u xơ tử cung, buồng trứng đa nang… Nếu lơ là, không thăm khám và điều trị từ sớm, bệnh có thể gây vô sinh – hiếm muộn, cướp đi “thiên chức” làm mẹ của chị em phụ nữ

4. Xử trí thế nào khi bạn bị rong kinh

4.1 Điều chỉnh lối sống khoa học:

- Chế độ sinh hoạt là một trong những cách cải thiện tình trạng rong kinh hữu hiệu. Chị em cần:

- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh những hoạt động và vận động mạnh;

- Giữ tinh thần vui vẻ, tránh căng thẳng, stress;

- Ngủ nghỉ đúng giờ và đủ giấc;

- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, thay bằng vệ sinh mới đều đặn.

4.2 Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý

        Một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi, bổ sung chất cho cơ thể tránh tình trạng thiếu máu, cũng như nạp thêm năng lượng giúp cơ thể khỏe khoắn hơn. Chị em cần lưu ý:

- Bổ sung thêm trái cây và rau củ xanh vào thực đơn hàng ngày để ổn định đường huyết trong máu, cân bằng nội tiết tố, hạn chế nhiễm trùng;

- Ăn thêm cá biển hoặc cá giàu chất béo để giúp giảm đau, giảm viêm;

- Tăng cường thực phẩm giàu sắt và vitamin B6 để cải thiện tình trạng thiếu máu;

- Nên ăn thêm ngũ cốc bởi chúng chứa ít glycemic sẽ giúp cân bằng nội tiết tố;

- Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê;

- Không ăn những món cay, nóng như nhiều ớt, tiêu.

4.3 Thăm khám phụ khoa

      Đi khám phụ khoa là việc làm cần thiết và quan trọng nhất khi phát hiện bị rong kinh. Thông qua thăm khám, tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh, bác sĩ sẽ có tư vấn và hướng dẫn cách xử trí hiệu quả nhất, giải quyết triệt để tình trạng này, tránh những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản.

 

BS Nguyễn Khánh Phương Linh

Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Chống độc

Cập nhật 21/8/2023

 

 

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác