1. Xác định mức độ tiền sản giật để có mục tiêu quản lý phù hợp
Mục tiêu quan trọng nhất trong quản lý thai kỳ có tiền sản giật là gì, thưa BS?
BS.CK2 Lê Kim Bá Liêm - Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Với các thai phụ mắc tiền sản giật, mục tiêu phải xác định rõ mức độ hiện tại. Nếu chỉ ở mức độ nhẹ, huyết áp tăng nhẹ, đạm niệu ít, không có biến chứng tại các cơ quan khác, thai phụ có thể được chăm sóc tại nhà, tuân thủ tư vấn về chế độ dinh dưỡng của bác sĩ. Khi chăm sóc thai phụ tại nhà, các cơ sở y tế phải gần nơi sống.
Bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn thai phụ và người thân nhận biết các dấu hiệu tiền sản giật trở nặng: đau đầu, hoa mắt, nhìn mờ, đau thượng vị, đau hạ sườn phải, tiểu ít, xuất huyết dưới da, khó thở... Khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nghi ngờ tiền sản giật diễn tiến nặng, phải lập tức đến cơ sở y tế có đủ điều kiện điều trị. Lúc này, bắt buộc thai phụ phải điều trị nội trú.
Thai phụ đang dự phòng tiền sản giật bằng Aspirin vẫn tiếp tục uống thuốc theo liều lượng, giờ giấc được chỉ định. Bên cạnh đó, cần theo dõi các tác dụng ngoài ý muốn của Aspirin để tiếp cận y tế kịp thời, tránh tiền sản giật diễn tiến nặng thành sản giật, xảy ra các biến cố rất trầm trọng.
Các trường hợp tiền sản giật mức độ nhẹ nhưng không đủ điều kiện để chăm sóc tại nhà nên điều trị nội trú để đảm bảo an toàn.
2. Xử trí thế nào khi tiền sản giật trở nặng?
Điều trị tiền sản giật như thế nào, thưa BS? Với tiền sản giật nhẹ sẽ được các bác sĩ theo dõi ra sao và với tiền sản giật nặng sẽ được điều trị như thế nào ạ?
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng khoa Sanh Bệnh viện Hùng Vương - Chủ nhiệm bộ môn Sản phụ khoa, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trả lời: Khi có dấu hiệu tiền sản giật trở nặng, bệnh nhân cần nhập viện điều trị. Tiền sản giật có thể được giải quyết triệt để khi người mẹ sinh em bé. Dù tiền sản giật trở nặng, đe dọa biến chứng hay đã xảy ra biến chứng, sau khi bánh nhau bong khỏi tử cung, cơ chế bệnh sinh sẽ dừng lại. Tuy nhiên, chúng tôi luôn cố gắng hết sức để kéo dài cho đến lúc thai nhi có thể nuôi được.
Chính vì thế, người mẹ phải hy sinh thêm một thời gian để chuẩn bị cho độ trưởng thành của phổi thai, để em bé có cơ hội sống.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã có thể nuôi sống những em bé chào đời khoảng 23 tuần, nhưng tại Việt Nam chưa thể thực hiện được. Nếu thai nhi quá non tháng mà người mẹ xảy ra biến chứng, sinh mạng của người mẹ là quan trọng.
Em bé 28 - 29 tuần, nặng khoảng 1kg có cơ hội sống khoảng 70 - 75%, trong điều kiện có thuốc trưởng thành phổi thai đầy đủ. Đó là nỗ lực đáng ghi nhận của chuyên ngành sơ sinh.
Em bé chào đời từ 23 - 28 tuần là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn, tùy thuộc vào khả năng xử lý của mỗi bệnh viện. Phải theo dõi vấn đề trở nặng của người mẹ qua từng giờ để vừa đảm bảo tính mạng cho người mẹ, vừa kéo dài thai kỳ. Ở các bệnh viện có đủ điều kiện theo dõi và phát hiện diễn tiến nặng liên tục; đồng thời có khả năng nuôi dưỡng trẻ sinh non tháng, cơ hội giữ được cả mẹ và con sẽ tăng lên.
3. Không chủ quan dù đã dùng thuốc dự phòng tiền sản giật
Với trường hợp được chỉ định dự phòng bằng thuốc, mẹ bầu cần tuân thủ những nguyên tắc nào để đạt hiệu quả điều trị cũng như an toàn cho mẹ và bé?
BS.CK2 Lê Kim Bá Liêm trả lời: Những thai phụ đang dùng thuốc dự phòng tiền sản giật không nên chủ quan, phải theo dõi các dấu hiệu nghi ngờ, dấu hiệu trở nặng hằng ngày. Dùng thuốc đúng liều lượng, đúng giờ theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, chị em phải khám thai đúng lịch, khám thai tại các cơ sở y tế đáng tin cậy để theo dõi, dự phòng tiền sản giật.
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang và BS.CK2 Lê Kim Bá Liêm trong chương trình
Radar Sản phụ khoa Kỳ 20: "Tiền sản giật - Tầm soát sớm, dự phòng kịp thời giúp ngăn chặn biến cố"
4. Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi cho thai phụ bị tiền sản giật
Bên cạnh dự phòng bằng thuốc, mẹ bầu cần chú ý những vấn đề gì trong sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng khi bị tiền sản giật ạ?
BS.CK2 Lê Kim Bá Liêm trả lời: Với các mẹ bầu có vấn đề tiền sản giật, chế độ dinh dưỡng phù hợp là rất quan trọng. Bệnh nhân phải giảm gia vị mặn, bổ sung thêm canxi. Ngoài ra, thai phụ cần nghỉ ngơi tốt, hạn chế lo âu và các công việc nặng nhọc.
5. Thuốc dự phòng tiền sản giật không được tự ý sử dụng
Các mẹ bầu có thể chủ động sử dụng Aspirin để dự phòng tiền sản giật hay chỉ được dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ?
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trả lời: Rất nhiều mẹ bầu sau khi nghe về tác dụng dự phòng các biến chứng tiền sản giật của Aspirin nên tự ý mua về dùng.
Về cơ chế hoạt động, Aspirin có chứa men cyclooxygenase giúp ức chế sự kết tụ tiểu cầu, giảm tổn hại ở các mạch máu nhỏ. Tuy nhiên, thuốc làm ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Dùng Aspirin sẽ khiến bệnh nhân bị chảy máu kéo dài khi gặp phải tổn thương. Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay là băng huyết sau sinh, tiền sản giật đến hàng thứ hai. Nếu dùng thuốc không đúng chỉ định, sản phụ có thể gặp nguy cơ chảy máu không kiểm soát. Thuốc phải dùng để chữa đúng bệnh. Sử dụng Aspirin để dự phòng tiền sản giật phải thông qua sàng lọc của nhân viên y tế. Tự ý dùng thuốc bừa bãi sẽ dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm. Nhân viên y tế cũng phải có sự chuẩn bị ở giai đoạn cuối thai kỳ, có khả năng phải đối diện với nguy cơ chảy máu.
Chân thành cảm ơn Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em từ Công ty Ajinomoto Việt Nam đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Bài viết khác
- Lạc nội mạc tử cung tiếp cận trên phương diện cấp cứu (02-01-2025)
- Gãy xương đòn ở trẻ sơ sinh (02-01-2025)
- Viêm tuyến vú ở phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ (02-01-2025)
- Chuyển dạ sanh non những điều cần biết (02-01-2025)
- Bệnh lý ung thư cổ tử cung (02-01-2025)