Khám thai định kỳ theo dõi sức khỏe cho cả mẹ và bé là việc làm không thể thiếu trong suốt quá trình mang thai. Khám thai đều đặn giúp phát hiện sớm những bất thường, những nguy cơ tiềm ẩn ở thai nhi, những nguy cơ mẹ có thể gặp phải trong quá trình mang thai để có thể can thiệp kịp thời và có một thai kỳ khỏe mạnh.
Việc khám thai không chỉ đơn thuần là siêu âm mà mẹ còn cần làm nhiều xét nghiệm khác theo chỉ định của bác sĩ như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu,…
Khám thai trong 3 tháng đầu (cụ thể từ ngày đầu của kỳ kinh cuối đến thời điểm 13 tuần 6 ngày của thai kỳ) có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe thai kỳ. Giai đoạn này, thai nhi bắt đầu hình thành, là thời điểm quan trọng để mẹ bầu kiểm tra thai nhi đã vào tử cung hay chưa, có tim thai hay chưa, thai gặp các bất thường gì hay không.
1. Xác định vị trí thai: thai trong tử cung hay thai ngoài tử cung
2. Xác định sự sống của thai: Thai có phôi thai và tim thai chưa
3. Tính tuổi thai và ngày dự sanh: thường tính tuổi thai và dự sanh khi thai 7-10 tuần, tính ngày dự sanh theo siêu âm 03 tháng đầu thai kỳ độ chính xác sẽ cao hơn 03 tháng giữa hoặc 03 tháng cuối thai kỳ.
4. Khám tổng quát mẹ và kiểm tra phụ khoa nhằm xác định tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu - sinh dục ở mẹ và điều trị kịp thời để tránh nguy cơ sanh non, viêm màng ối, ối vỡ non
5. Xét nghiệm máu và nước tiểu cho thai phụ 03 tháng đầu thai kỳ, bao gồm:
- Tổng phân tích tế bào máu
- Nhóm máu ABO, nhóm máu Rhesus
- Viêm gan B (HBsAg), giang mai (Treponema Pallidum), HIV
- Rubela IgM, Rubela IgG
- Đường huyết bất kỳ
- Tổng phân tích nước tiểu
Ý nghĩa của xét nghiệm máu 03 tháng đầu rất quan trọng
- Tổng phân tích tế bào máu giúp tầm soát thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ của thai phụ: Nếu MCV và MCH giảm cần làm tiếp xét nghiệm máu vợ điện di HB, ferritine và tổng phân tích tế bào máu của chồng. Từ đó giúp phát hiện thai phụ có thiếu máu thiếu sắt hoặc thiếu máu di truyền Thalassemie 2 vợ chồng hay không, nhằm mục đích tầm soát bệnh lý thiếu máu Thalassemie cho thai nhi
- Biết được nhóm máu cần thiết khi đi sanh. Có những thai phụ có nhóm máu hiếm Rhesus âm, khi đó cần làm thêm xét nghiệm nhóm máu chồng.
+ Nếu chồng nhóm máu Rhesus âm: không cần tiêm thuốc anti-D cho thai phụ
+ Nếu chồng nhóm máu Rhesus dương:
- Tiêm thuốc anti-D cho thai phụ trong thai kỳ lúc thai 28-32 tuần
- Tiêm thuốc anti-D cho thai phụ và 72 giờ đầu sau sanh (nếu nhóm máu con Rh dương)
- Đăng ký mua dự trù máu tại khoa Xét nghiệm khi thai 36-37 tuần để chuẩn bị cho việc đi sanh có thể cần truyền máu khi có băng huyết sau sanh.
- Viêm gan B (HBsAg), giang mai (Treponema Pallidum), HIV: nếu xét nghiệm có nhiễm một trong 03 loại virus trên thai phụ được kiểm tra thêm một số xét nghiệm máu cần thiết trước khi quyết định có điều trị thuốc cho mẹ hay không và nhằm mục đích dự phòng lây truyền bệnh từ mẹ sang con khi cần thiết.
- Rubela IgM, Rubela IgG: xác định nguy cơ nhiễm Rubella trong thai kỳ có thể gây rubella bẩm sinh cho thai nhi trong bụng mẹ.
- Đường huyết bất kỳ: nếu kết quả đường huyết cao có thể xác định thai phụ có nguy cơ đái tháo đường trong thai kỳ, kịp thời làm các test chẩn đoán đái tháo đường trong thai kỳ và tư vấn điều trị tiết chế ăn uống, vận động hay dùng thuốc, tránh các nguy cơ ảnh hưởng lên thai phụ và thai nhi.
- Tổng phân tích nước tiểu: có thể phát hiện nguy cơ nhiễm trùng tiểu, đường niệu, đạm niệu…
- Tùy nguy cơ của thai kỳ thai phụ có thể làm thêm một số xét nghiệm cần thiết khác trong thai kỳ: thai hành nặng (ion đồ), sẩy thai liên tiếp (TORCH), xét nghiệm liên quan bệnh lý nội khoa như tuyến giáp, tim mạch (FT4, TSH, ECG, siêu âm tim)…
6. Tầm soát nguy cơ dị tật thai và tầm soát nguy cơ tiền sản giật trong thai kỳ ở tuổi thai 11 tuần à 13 tuần 06 ngày
- Siêu âm hình thái học tam cá nguyệt thứ nhất (hay còn gọi là 03 tháng đầu thai kỳ): xác định sự sống thai, ngày dự sanh, đo độ mờ da gáy và phát hiện một số dị tật thai (thai vô sọ, độ mờ da gáy dày, nang thanh dịch vùng gáy…)
- Xét nghiệm máu tầm soát nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể trong thai kỳ (xn combined test hay còn gọi là Double test/ hoặc xét nghiệm NIPT)
NIPT hoặc Double test, cho biết nguy cơ mắc các bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Patau (Trisomy 13), Edwards (Trisomy 18), hội chứng Down (Trisomy 21). Trong đó, xét nghiệm NIPT có độ chính xác cao hơn (khoảng 99%) so với xét nghiệm Double test (85% – 90%).
So sánh 2 loại xét nghiệm double test và xét nghiệm NIPT
Xét nghiệm Double test |
Xét nghiệm NIPT |
Xét nghiệm 5 loại NST hay gặp bất thường |
Xét nghiệm 23 nhiễm sắc thể |
Độ chính xác 85-90% Đây là xét nghiệm tầm soát, nếu ra nguy cơ cao cần làm thêm một số xét nghiệm khác như NIPT hoặc chọc ối, siêu âm chi tiết hình thái thai nhi. |
Độ chính xác 99% Đây là xét ngiệm tầm soát, nếu ra nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể vẫn cần chọc ối chẩn đoán. |
Giá xét nghiệm tại BVHV khoảng 470.000 |
Giá xét nghiệm tại BVHV khoảng 6,6 triệu cho NIPT 23 nhiễm sắc thể. |
- Sàng lọc tầm soát nguy cơ tiền sản giật trong thai kỳ
Tiền sản giật là rối loạn thai nghén do huyết áp cao, phù và protein niệu. Bệnh bắt đầu từ tuần 20 của thai kỳ và có thể kéo dài đến 6 tuần sau sinh. Nếu không chữa trị sẽ dẫn đến co giật (hay được gọi là sản giật). Tuy nhiên, bệnh có thể dự phòng và sàng lọc ngay từ tuần 11 – 13 tuần 6 ngày của thai kỳ.
Thai phụ có thể thực hiện sàng lọc tiền sản giật gồm 3 bước: Đo huyết áp 4 lần (2 lần tay trái và 2 lần tay phải), siêu âm đo doppler động mạch tử cung 2 bên, lấy máu xét nghiệm (có chất PLGF).
Nếu kết quả tầm soát TSG nguy cơ thấp, không cần uống thuốc dự phòng trong thai kỳ, nhưng trong quá trình khám thai thai phụ vẫn được theo dõi huyết áp và xét nghiệm nước tiểu cần thiết.
Nếu kết quả tầm soát TSG nguy cơ cao: thai phụ cần được tư vấn uống thuốc aspirin dự phòng tiền sản giật, sản giật trong thai kỳ càng sớm càng tốt, cần tuân thủ cách uống thuốc theo lời dặn của bác sĩ và ngưng thuốc trước sanh đúng thời điểm
Trên đây là một số thông tin hữu ích cần thiết khi khám thai 03 tháng đầu thai kỳ tại bệnh viện Hùng Vương. Chúc các bạn có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.
Người viết: Bùi Thị Kim Tuyền
Khoa Khám bệnh B - Quý 1/2024
Bài viết khác
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Hành trình kỳ diệu: Từ giấc mơ đến hồi sinh trẻ sinh non 26 tuần tại Bệnh viện Hùng Vương (10-01-2025)
- Điều trị ngoại trú thai bám vết mổ cũ (10-01-2025)
- Tật đầu nhỏ (10-01-2025)