1. Xét nghiệm ThinPrep Pap là gì?
- Xét nghiệm Thinprep là quá trình lấy các chất liệu ở cổ tử cung để cho vào 1 chất lỏng định hình trong 1 lọ Thinprep. Sau đó chuyển vào phòng thí nghiệm để xử lý bằng máy Thinprep làm tiêu bản 1 cách tự động. Không phải làm theo cách thông thường là phết tế bào cổ tử cung vào 1 lam kính để làm tiêu bản như thường.
- Máy Thinprep với bộ vi xử lý tiên tiến và bộ lọc quay đều sẽ tạo ra sự phân tán đồng đều và nhẹ nhàng. Phá hủy các tế bào máu, các chất nhầy và mảnh vật chất không có tác dụng trong chẩn đoán. Sau đó trộn kỹ mẫu xét nghiệm.
- Thêm loạt xung áp suất âm, chất lỏng được hút qua bộ lọc của máy Thinprep tạo nên lớp mỏng các tế bào đủ để chẩn đoán trên màng lọc. Sau đó, bộ lọc được dựng ngược lên, các tế bào trên màng lọc được đẩy lên bề mặt của lam kính. Tạo thành bề mặt hình tròn do định vị và nhờ lực đẩy của áp suất dương.
2. Xét nghiệm Thinprep Pap được sử dụng để làm gì?
- Xét nghiệm Thinprep được dùng để đánh giá mẫu tế bào ở cổ tử cung – âm đạo. Nhằm phát hiện các thay đổi tiền ung thư, ung thư và viêm tử cung. Các bộ phận (vị trí) được đánh giá bao gồm các tế bào ở cổ tử cung, bên trong tử cung, bên ngoài tử cung, ở âm đạo và âm hộ.
- Xét nghiệm Thinprep có khả năng phát hiện sớm những bất thường trong tế bào cổ tử cung với nhiều mức độ khác nhau. Cụ thể:
* Phát hiện các bất thường tế bào gai ở cổ tử cung:
- Tổn thương trong biểu mô gai độ thấp (LSIL).
- Tổn thương trong biểu mô gai độ cao (HSIL).
- Tế bào gai không điển hình.
- Carcinoma tế bào gai sừng hóa hoặc không sừng hóa.
* Phát hiện các bất thường tế bào tuyến ở cổ tử cung:
- Tế bào tuyến không điển hình.
- Carcinoma tuyến tại chỗ.
- Carcinoma tuyến xâm nhập.
3. Nên làm xét nghiệm ThinPrep Pap sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ bao lâu một lần?
- Trước khi thấy triệu chứng rõ rệt của ung thư cổ tử cung, căn bệnh nguy hiểm này thường có thời gian ủ bệnh khá lâu. Do vậy, bạn nên thường xuyên thực hiện xét nghiệm Thinprep theo định kỳ dưới sự chỉ định của bác sĩ.
* Xét nghiệm Thinprep nên được thực hiện khi:
- 3 năm sau quan hệ tình dục lần đầu tiên hoặc từ 21 tuổi trở lên.
- Xét nghiệm Thinprep nên được thực hiện mỗi năm một lần trong độ tuổi từ 21 đến 30.
- Từ 30 tuổi trở lên: Nếu cả 3 lần xét nghiệm trước đều âm tính thì tần suất xét nghiệm Thinprep 2 - 3 năm/lần. Nếu cả xét nghiệm HPV và Thinprep âm tính thì làm xét nghiệm Thinprep 3 năm một lần.
- Phụ nữ bị suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV hoặc thường xuyên sử dụng hormone tổng hợp DES (một dạng estrogen), có nguy cơ bị ung thư tử cung nên xét nghiệm Thinprep thường xuyên.
- Những phụ nữ đã cắt bỏ tử cung hoặc phụ nữ mãn kinh mà trước đó xét nghiệm Thinprep cho kết quả âm tính thì không cần thực hiện xét nghiệm này tiếp.
- Phụ nữ từ 65 tuổi trở lên không cần thiết phải xét nghiệm ung thư cổ tử cung bằng Thinprep thường xuyên. Tuy nhiên, mỗi người có các yếu tố nguy cơ khác nhau. Do đó, phụ nữ có tiền sử ung thư cổ tử cung và phụ nữ quan hệ tình dục với nhiều bạn tình nên làm xét nghiệm định kỳ.
4. Những lưu ý đặc biệt khi thực hiện xét nghiệm ThinPrep Pap:
- Khi thực hiện xét nghiệm ThinPrep Pap bạn cần lưu ý những điều sau:
- Tránh sử dụng xét nghiệm trong thời kỳ kinh nguyệt. Thời điểm tốt nhất để thực hiện ThinPrep Pap là từ ngày thứ 10 đến ngày 14 sau khi kết thúc chu kỳ kinh nguyệt.
- Không xét nghiệm ThinPrep Pap trong vòng 1 đến 2 ngày sau khi quan hệ tình dục.
- Chất bôi trơn, máu và băng vệ sinh có thể ảnh hưởng đến việc thu thập tế bào cổ tử cung và chất lượng mẫu.
- Các mẫu bệnh phẩm không đáp ứng các yêu cầu cơ bản về số lượng tế bào, không được bảo quản tốt hoặc không có khả năng đạt yêu cầu để phân tích nên bị loại bỏ.
- Các phát hiện bất thường phải phù hợp với bệnh sử và các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng khác.
* ThinPrep Pap là xét nghiệm có giá trị trong việc phát hiện tế bào tiền ung thư và ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, kết quả âm tính giả và dương tính giả đều có thể xảy ra. Nếu có kết quả dương tính cần được xác nhận bằng các xét nghiệm bổ sung khác.
5. Ưu điểm và nhược điểm khi thực hiện xét nghiệm ThinPrep Pap:
* Ưu điểm:
- Không bỏ sót mẫu tế bào bất thường.
- Ít âm tính giả hơn và phát hiện ung thư cổ tử cung chính xác lên đến 90%.
* Nhược điểm:
- Đòi hỏi trang thiết bị, máy móc, công nghệ tiên tiến nên phương pháp này chỉ áp dụng ở các bệnh viện lớn với chi phí cao.
Bài viết khác
- Các hình thức thanh toán (22-06-2023)
- Hướng dẫn tra cứu hóa đơn điện tử (20-12-2024)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số 21: Ngừa thai khẩn cấp và tránh thai hằng ngày - Như thế nào là đúng? (17-12-2024)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)