Tầm soát sớm và dự phòng tiền sản giật để bảo vệ mẹ và bé - Bệnh viện Hùng Vương

Tầm soát sớm và dự phòng tiền sản giật để bảo vệ mẹ và bé - Bệnh viện Hùng Vương

Tầm soát sớm và dự phòng tiền sản giật để bảo vệ mẹ và bé - Bệnh viện Hùng Vương

Tầm soát sớm và dự phòng tiền sản giật để bảo vệ mẹ và bé - Bệnh viện Hùng Vương

Tầm soát sớm và dự phòng tiền sản giật để bảo vệ mẹ và bé - Bệnh viện Hùng Vương
Tầm soát sớm và dự phòng tiền sản giật để bảo vệ mẹ và bé - Bệnh viện Hùng Vương

Tầm soát sớm và dự phòng tiền sản giật để bảo vệ mẹ và bé

     1. Những dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật mẹ bầu cần lưu ý

     Căn bệnh này mang lại nhiều rủi ro tiềm tàng cho mẹ và bé, vậy đâu là các dấu hiệu gợi ý tiền sản giật hoặc nghi ngờ có tiền sản giật, thưa BS?

     BS.CK2 Lê Kim Bá Liêm - Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Tăng huyết áp là dấu hiệu chính và đặc thù của tiền sản giật. Khi đo huyết áp tại nhà, nếu kết quả bất thường, có thể đo lại sau 4h nghỉ ngơi. Tiêu chuẩn nghi ngờ tăng huyết áp: chỉ số huyết áp tâm thu từ 140 trở lên và chỉ số huyết áp tâm trương trên 90.

     Ngoài ra, còn rất nhiều dấu hiệu nghi ngờ tiền sản giật như nhức đầu tái lại nhiều lần, không đáp ứng thuốc; hoa mắt, giảm thị lực; đau vùng thượng vị hoặc đau bẹ sườn phải dữ dội, không rõ nguyên nhân; tiểu ít; mệt, khó thở; phù đột ngột...

     Một số dấu hiệu khác nghi ngờ bệnh lý tiền sản giật là rối loạn thành phần máu (tiểu cầu giảm), rối loạn đông máu,...

     Khi nhận thấy bản thân có 1 trong các dấu hiệu kể trên, mẹ bầu hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá, chẩn đoán sớm.

 

Tăng huyết áp là dấu hiệu chính và đặc thù của tiền sản giật

     2. Diễn tiến tiền sản giật nặng hơn ở phụ nữ mang thai có tiền sử cao huyết áp

     Nhắc đến tiền sản giật, nhiều mẹ bầu nghĩ ngay đến tăng huyết áp và cho rằng đây là “thủ phạm”. Xin hỏi BS, tăng huyết áp có mối liên quan như thế nào với tiền sản giật? Huyết áp tăng có phải là dấu chứng cảnh báo tiền sản giật, thưa BS?

     BS.CK2 Lê Kim Bá Liêm trả lời: Những phụ nữ có tiền sử cao huyết áp, trong quá trình mang thai có thể diễn tiến đến tiền sản giật như sản phụ bình thường. Tuy nhiên, co mạch tổn thương thận sẽ khiến bệnh nhân bị tiểu đạm. Bên cạnh đó còn có một số dấu chỉ điểm tổn thương cơ quan đích do tăng huyết áp trong khi mang thai.

     Sản phụ bị cao huyết áp trước khi mang thai, nếu có tiền sản giật, diễn tiến sẽ nặng hơn. Mẹ bầu nên đi khám định kỳ, theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm tình trạng tiền sản giật ghép trên nền cao huyết áp trước đó.

     3. Phát hiện sớm và dự phòng tiền sản giật như thế nào?

     Tiền sản giật thường xuất hiện vào tháng thứ mấy của thai kỳ, thưa BS?

      PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng khoa Sanh Bệnh viện Hùng Vương - Chủ nhiệm bộ môn Sản phụ khoa, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trả lời: Mọi phụ nữ có thai đều có nguy cơ bị tiền sản giật. Sự bất đồng giữa yếu tố gây co mạch (tạo mạch) và kháng tạo mạch bắt đầu xảy ra từ tuần thứ 6, thứ 7 của thai kỳ.

      Hiện nay, đã có thể phát hiện được nguy cơ tiền sản giật trước khi có những biến đổi liên quan đến cao huyết áp. Để phát hiện sớm, người mẹ được đo chất liên quan đến vấn đề co mạch (PLGF - Placental Growth Factor). Các bệnh viện lớn và các phòng xét nghiệm lớn tại TPHCM đều trang bị phương thức xét nghiệm này.

     Xét nghiệm phát hiện sớm tiền sản giật thực hiện ở tuần thứ 11 đến 13 tuần 6 ngày. Qua siêu âm, bác sĩ đo được chỉ số xung của động mạch tử cung, từ đó xác định việc co mạch máu của động mạch tử cung liệu có bị ảnh hưởng.

     Bên cạnh đó, mẹ bầu cần đo huyết áp động mạch trung bình (công thức: 2 lần tâm trương + tâm thu/3) và xét nghiệm chất PLGF trong máu.

     Tổng kết cả 3 cận lâm sàng, bác sĩ có thể dự báo nguy cơ tiền sản giật ở thai phụ. Nhóm nguy cơ cao sẽ được dự phòng bằng Aspirin liều thấp. Thuốc có hiệu quả khi uống từ 13 tuần đến 16 tuần 6 ngày. Uống trễ hơn sẽ không còn giá trị dự phòng vì các yếu tố đã làm tổn hại mạch máu, dẫn đến cao huyết áp nặng, đạm niệu, giảm tiểu cầu...

     Thời gian dùng thuốc dự phòng kéo dài đến khi thai có khả năng nuôi được. Ở nước ngoài thông thường rơi vào khoảng 28 tuần nhưng ở Việt Nam đến 34 tuần.

     Áp dụng đúng phương pháp dự phòng sẽ giúp giảm khả năng mắc tiền sản giật thể nặng hơn. Nghiên cứu tại một vùng Tây Úc do một giáo sư chia sẻ, ở đây chỉ có khoảng 5.000 ca sinh mỗi năm nhưng chương trình dự phòng tiền sản giật đã được thực hiện từ 15 năm trước. Ông thông tin, trong những năm qua, không có trường hợp biến chứng nặng nào xảy ra.

     Tại Việt Nam, việc dự phòng mới chỉ được thực hiện vài năm gần đây. Hiện nay đã có hướng dẫn quốc gia về quản lý tiền sản giật nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Giá thành của xét nghiệm sàng lọc chất PLGF khá cao, dao động từ 1,7 - 2 triệu đồng/lần và không được BHYT chi trả.

     Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới, tôi tin rằng các cấp quản lý sẽ xem xét và có sự hỗ trợ để mọi thai phụ đều có cơ hội để tầm soát tiền sản giật. Khi 100% thai phụ được tầm soát, sẽ ngăn chặn được tối đa biến chứng tiền sản giật nặng.

     4. Sàng lọc tiền sản giật chưa được đầu tư đồng bộ trên cả nước

     Xin hỏi BS, các mẹ bầu có thể chủ động yêu cầu xét nghiệm tầm soát tiền sản giật hay phải có chỉ định của bác sĩ?

    BS.CK2 Lê Kim Bá Liêm trả lời: Tầm soát tiền sản giật nên được thực hiện ở 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai phụ được kiểm tra tổng quát các vấn đề sức khỏe và được hẹn lịch để tầm soát tiền sản giật.

     Hiện nay, tại các cơ sở y tế lớn chuyên về sản khoa đều đã được đầu tư phần mềm, máy móc phục vụ tầm soát tiền sản giật. Tuy nhiên, đối với y tế cơ sở như trung tâm y tế, trạm y tế hay các bệnh viện ở vùng sâu vùng xa vẫn chưa triển khai được. Do đó, phụ nữ ở các khu vực này có thể chưa được tư vấn về tầm soát.

     Về lâu dài, chiến lược tầm soát tiền sản giật sẽ được thực hiện đồng bộ, mỗi vùng phải có ít nhất 1 trung tâm có thể sàng lọc tiền sản giật. Sàng lọc hiệu quả và điều trị dự phòng bằng Aspirin sẽ giúp giảm biến cố tiền sản giật cho mẹ và bé.

 

BS.CK2 Lê Kim Bá Liêm - Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Hùng Vương

      Xin nhắc lại nhóm nguy cơ cao để chị em chủ động tầm soát tiền sản giật:

- Thai phụ có tiền sử tăng huyết áp.

- Thai phụ có tiền sử tiền sản giật trong lần sinh trước.

- Phụ nữ mang thai lần đầu.

- Thai phụ lớn tuổi (trên 40 tuổi).

- Mang đa thai: song thai, tam thai...

- Thai phụ đang điều trị hoặc có tiền sử mắc các bệnh lý về thận, tiểu đường, lupus ban đỏ.

- Tăng cân quá nhiều trong thai kỳ hoặc có tình trạng béo phì.

     Khi có các dấu hiện nghi ngờ tiền sản giật, thai phụ nên nhanh chóng đi khám ở các cơ sở y tế có chuyên khoa, yêu cầu tầm soát tiền sản giật để nhận biết chính xác nguy cơ, có phác đồ dự phòng hiệu quả nhằm tránh tiền sản giật và các biến chứng nguy hiểm.

     5. Sàng lọc tiền sản giật theo bảng câu hỏi nếu không có đủ trang thiết bị

     Không phải mẹ bầu nào cũng có điều kiện, thời gian để thăm khám tại các bệnh viện lớn, thay vào đó họ thường chọn các phòng khám tư, phòng mạch cho thuận tiện. Trong trường hợp này, BS có lời khuyên nào dành cho mẹ bầu về việc tầm soát tiền sản giật thai kỳ ạ?

     PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trả lời: Tại các cơ sở y tế chưa được đầu tư trang thiết bị đầy đủ cho việc tầm soát tiền sản giật, bác sĩ có thể sàng lọc thông qua hỏi bệnh sử, xếp hạng yếu tố nguy cơ theo bảng câu hỏi.

     Từ tuần thứ 20 của thai kỳ, những dấu hiệu sớm nhất của tiền sản giật bắt đầu xuất hiện. Thai phụ có thể tự theo dõi huyết áp tại nhà để nhận biết tình trạng cao huyết áp sớm.

     Ngoài ra, theo cơ chế bệnh sinh, bệnh sẽ tổn hại các mạch máu nhỏ, tổn hại thận, gây tiểu đạm. Khi đạm trong mạch máu thoát ra, áp lực trong mạch máu giảm, gây phù. Đối với thai phụ bị tiền sản giật, các dấu hiệu phù đầu tiên xuất hiện ở ngón tay, ngón chân, mi mắt rất dễ nhận biết.

     Khi đến bệnh viện, nhân viên y tế sẽ tiếp tục đánh giá tình trạng cao huyết áp, phân loại mức độ nặng nhờ các xét nghiệm thông thường.

     Trường hợp tiền sản giật nặng, thai phụ phải nhập viện để theo dõi. Lúc này, quyết định điều trị phụ thuộc vào thời điểm sinh em bé. Sau khi sinh, bánh nhau tróc ra khỏi tử cung, vấn đề sẽ được giải  quyết.

     Thời điểm sinh em bé phụ thuộc vào khả năng sống của thai nhi. Một số trường hợp, bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân phải cùng thảo luận vấn đề giữ em bé trong cơ thể mẹ hay chấm dứt thai kỳ để cứu người mẹ. Đây là một quyết định hết sức khó khăn.

 

Chân thành cảm ơn Chương trình Dinh dưỡng Bà mẹ và Trẻ em từ Công ty Ajinomoto Việt Nam đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác