1. Cấy que tránh thai có phải nguyên nhân gây chậm kỳ kinh?
Nhờ BS lưu ý thêm cho các chị em phụ nữ, thời điểm cấy que tránh thai là khi nào? Cần cách chu kỳ kinh nguyệt bao lâu? Cấy que tránh thai có phải nguyên nhân khiến một số chị em bị chậm kỳ kinh?
BS.CK1 Nguyễn Thị Sa Giang - Phó Trưởng khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Que cấy tránh thai có thể cấy vào bất kỳ thời điểm nào của chu kỳ kinh, tuy nhiên chị em phải xác định chắc chắn bản thân không có thai. Cụ thể, nếu chị em có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai có để đến Khoa Kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Hùng Vương. Tại đây, các chị em sẽ được bác sĩ thăm khám, sàng lọc để kiểm tra, nếu đủ điều kiện sẽ được bác sĩ cấy que tránh thai ngay ngày đến khám, nếu không đủ điều kiện bác sĩ sẽ hẹn ngày khác đến kiểm tra lại và thực hiện thủ thuật sau.
Que cấy tránh thai là biện pháp tránh thai nội tiết, gây tác động đến chu kỳ kinh, dẫn đến tình trạng lượng máu kinh ít lại hoặc không đều, một số trường hợp không có kinh (vô kinh), điều này rất có lợi cho chị em, giúp hạn chế lượng máu kinh mất đi mỗi tháng, đặc biệt đối với những người đang bị thiếu máu.
Vì vậy, kinh ít, kinh thưa hoặc không có kinh là do cơ chế của thuốc, không phải vấn đề ứ máu kinh trong lòng tử cung gây ảnh hưởng sức khỏe như các thông tin truyền tai nhau.
- Vậy những trường hợp nào không có kinh nguyệt khi cấy que tránh thai, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Thị Sa Giang trả lời: Các tình trạng kinh ít, kinh thưa hoặc không có kinh tùy thuộc vào đáp ứng nội tiết của mỗi người, nhiều trường hợp vẫn có kinh đều mỗi tháng hoặc kinh thưa hơn và chỉ thấm giọt, điều này không gây ảnh hưởng đến chị em. Do đó, một người cấy que tránh thai sẽ được bác sĩ tư vấn cụ thể và đầy đủ các tình huống, tác dụng phụ cũng như vấn đề có thể xảy ra để giảm lo lắng cho chị em khi gặp phải.
Bên cạnh đó, que cấy tránh thai có hiệu quả ngừa thai rất cao lên đến 99%, vì vậy việc không có kinh cho thấy que cấy đang hoạt động tốt, không phải do chị em đã mang thai.
2. Ưu tiên chọn cấy 1 que tránh thai
Hiện nay có những loại que tránh thai nào? Có quan điểm cho rằng loại que mắc tiền có khả năng không chế tốt hơn hay một số chị em cảm thấy phiền khi có kinh hàng tháng, muốn mua que cấy đắt tiền vì cho rằng nó sẽ làm vô kinh, ý kiến của BS về quan điểm này ra sao?
BS.CK2 Lý Thanh Xuân - Phó Trưởng khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Hiện nay trên thị trường có nhiều loại que cấy tránh thai, trước đây có loại cấy 6 que, 2 que hoặc 1 que, nhưng theo khuynh hướng hiện nay, khách hàng và các nhà sản xuất luôn lựa chọn cấy 1 que tránh thai, lý do là giúp chị em dễ kiểm soát, nhân viên y tế thực hiện thủ thuật đơn giản hơn, không để lại quá nhiều sẹo. Vì vậy, nên hạn chế đến mức thấp nhất việc cấy nhiều vật lạ vào cơ thể. Trên thị trường hiện nay người dùng ưu tiên chọn que cấy 1 que, có tác dụng trong 3 năm.
Đối với vấn đề lựa chọn que cấy mắc tiền, không phải loại có chi phí cao sẽ mang lại hiệu quả ngừa thai tốt nhất. Ví dụ, chị em đến một cơ sở y tế và mua phải loại que cấy tránh thai chất lượng thấp, không bằng chi phí bỏ ra, kết quả là tác dụng ngừa thai không đảm bảo, chị em có thai ngoài ý muốn.
Do đó, việc tìm đến cơ sở y tế uy tín có nhân viên y tế được đào tạo về kỹ thuật cấy que tránh thai, chị em sẽ được đảm bảo an toàn khi thực hiện phương pháp này.
Còn việc cấy que tránh thai để mong muốn vô kinh, thoải mái trong mọi việc, đây là quan điểm không đúng, việc có kinh hoặc vô kinh khi cấy que tránh thai sẽ tùy thuộc vào mỗi cá nhân.
- Thưa BS, 1 que có thời hạn trong 3 năm vậy nếu cấy nhiều hơn thì thời gian hạn sử dụng có tăng lên?
BS.CK2 Lý Thanh Xuân trả lời: Không có trường hợp cấy nhiều que thì thời gian sẽ kéo dài hơn vì nhà sản xuất đã quy định hàm lượng nội tiết của que cấy, nếu cấy nhiều que hàm lượng nội tiết sẽ được chia đều, ngược lại nếu chỉ cấy 1 que tránh thai, tất cả nồng độ nội tiết chỉ chứa trong 1 que. Bất kỳ số lượng bao nhiêu, mỗi ngày nồng độ nội tiết đều phóng thích ra một lượng bằng nhau, không có sự khác biệt giữa cấy nhiều hay cấy ít que tránh thai. Bác sĩ khuyến cáo càng cấy ít que càng tốt.
- Thưa BS, liệu có cần căn thời gian trước hết hạn của que cấy tránh thai để đến gặp bác sĩ loại bỏ que và cấy que mới, hay sau 3 năm có thể đến gặp bác sĩ bất cứ lúc nào ạ?
BS.CK2 Lý Thanh Xuân trả lời: Sau khi cấy que tránh thai, nhân viên y tế sẽ phát thẻ thông tin về hãng que tránh thai và thời hạn ngừa thai của que cấy. Hiện nay, đa số các que cấy trên thị trường Việt Nam có thời hạn 3 năm, do đó trên thẻ sẽ có thông tin ngày bệnh nhân cần quay lại cơ sở y tế để thay que cấy tránh thai mới.
Thông thường, nhân viên y tế sẽ tư vấn thời gian an toàn để thay que cấy, thông thường là trước một tháng so với thời gian hết hạn hoặc đến ngày hết hạn của que cấy, bệnh nhân có thể đến cơ sở y tế để được tháo que cấy cũ và cấy que mới nếu tiếp tục chọn biện pháp ngừa thai này. Ngoài ra, chị em có thể chọn một phương pháp ngừa thai khác sau khi loại bỏ que cấy tránh thai.
- Thưa BS, nhiều chị em lo lắng vấn đề cấy nhiều lần que tránh thai sẽ để lại nhiều sẹo, vậy khi cấy que tránh thai mới liệu có được cấy lại vị trí cũ và trong vòng đời của người phụ nữ, có thể cấy que tránh thai bao nhiêu lần?
BS.CK2 Lý Thanh Xuân trả lời: Khi đến tháo que cấy cũ, nhân viên y tế chỉ rạch một đường da nhỏ từ 1-2mm trên vị trí cấy ban đầu để lấy que cũ và cấy lại que mới đúng vị trí đó, vì vậy sẽ không tạo ra nhiều vết sẹo trên cánh tay do cấy que cho chị em.
3. Que cấy tránh thai có tác dụng trong 24 tiếng sau khi cấy
Sau khi cấy que tránh thai bao lâu sẽ có tác dụng? Cần quan hệ an toàn bao lâu? Trong thời gian này liệu có cần sử dụng thêm biện pháp “bảo hộ” nào khác?
BS.CK1 Nguyễn Thị Sa Giang trả lời: Que cấy tránh thai có tác dụng ngay trong 24 tiếng sau khi cấy nếu chị em đến cấy trong vòng 7 ngày đầu của kỳ kinh và không cần sử dụng thêm biện pháp tránh thai khác.
Nếu bạn đến cấy trễ sau 7 ngày đầu của chu kỳ kinh (từ ngày 8 của chu kỳ kinh trở đi), các bác sĩ đã sàng lọc các chống chỉ định và điều kiện, đặc biệt phải loại trừ việc đang có thai, khi đó chị em sẽ được cấy que tránh thai nhưng phải ngừa thai trong vòng 7 ngày tiếp theo sau khi cấy bằng các biện pháp tránh thai dự phòng khác như bao cao su, màng ngăn âm đạo…
- Một người phụ nữ đến cấy que tránh thai liệu có được bác sĩ tư vấn kỹ về các vấn đề trên?
BS.CK1 Nguyễn Thị Sa Giang trả lời: Khi đến sử dụng một biện pháp tránh thai bất kỳ, chị em sẽ được tư vấn trước đó về các biện pháp tránh thai và chọn lựa biện pháp phù hợp với từng cá nhân cụ thể.
4. Tác dụng phụ do cấy que tránh thai thuyên giảm và mất sau 3-6 tháng
Các tác dụng phụ có thể gặp sau khi cấy que tránh thai là gì? Đối phó như thế nào khi gặp các tác dụng phụ này, thưa BS?
BS.CK2 Lý Thanh Xuân trả lời: Khi chọn phương pháp cấy que tránh thai, chị em có thể gặp một số tác dụng phụ do nội tiết như: xuất huyết tử cung bất thường (rong kinh), vô kinh, căng ngực, đau đầu, buồn nôn, xạm da hoặc mụn trứng cá, tăng cân, giảm ham muốn tình dục…
Ngoài ra, còn một số tỷ lệ thấp tác dụng phụ do kỹ thuật cấy như đau, tụ máu, bầm tím hay viêm tại vị trí cấy. Nếu tác dụng phụ không ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc sinh hoạt hàng ngày, chị em không cần can thiệp hay quá lo lắng vì các tác dụng phụ thường sẽ giảm hoặc mất sau khi cấy que 3-6 tháng.
Ngoài ra, một số tác dụng phụ do kỹ thuật cấy như đau tại vị trí cấy thường do băng ép quá chặt, khi đó chỉ cần tháo băng ép để nới lỏng hoặc thay băng ép khác sẽ giảm cảm giác đau. Trường hợp tụ máu tại vị trí cấy có thể băng, ép trong vài ngày tụ máu sẽ giảm và hết dần. Nếu vị trí cấy bị viêm, chỉ cần vệ sinh vị trí cấy hoặc sử dụng kháng sinh nếu cần.
Điều cần lưu ý là trong tất cả các tình huống trên là chị em không cần tháo que cấy, chỉ cần xử trí các tác dụng phụ.
5. Que tránh thai làm tăng tỷ lệ mắc ung thư vú 20-30% tùy độ tuổi
Nhiều người lo ngại, sử dụng que tránh thai lâu dài có thể gây các u nang trong buồng trứng, tử cung, thậm chí là ung thư do sự thay đổi hormone. Nỗi lo này liệu có cơ sở?
BS.CK2 Lý Thanh Xuân trả lời: Việc sử dụng que cấy lâu ngày có thể dẫn đến u nang buồng trứng, tử cung là vấn đề khiến nhiều chị em lo lắng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bằng chứng chứng minh điều này. Các nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng que tránh thai có thể bảo vệ đáng kể và lâu dài cho người sử dụng đối với ung thư buồng trứng và ung thư nội mạc tử cung.
Trong một số nghiên cứu, việc sử dụng que tránh thai có thể tăng tỷ lệ mắc ung thư vú 20-30%, tuy nhiên còn tùy thuộc vào độ tuổi của người sử dụng, do đó nếu chị em đang bị ung thư vú hoặc có tiền sử ung thư vú, khuyến cáo không nên sử dụng phương pháp que cấy tránh thai để ngừa thai.
Vấn đề sử dụng que tránh thai lâu ngày khiến cơ thể quen với loại hormon này, nếu tháo que cơ thể sẽ chịu các tác dụng phụ khác cũng là vấn đề được chị em quan tâm. Tuy nhiên, chị em không nên lo lắng vì mỗi ngày que cấy phóng thích ra một lượng thuốc giúp ngừa thai, sau khi hết thời hạn của que cấy đồng nghĩa việc hết thuốc nội tiết, vì vậy có thể mang thai lại bình thường sau khi loại bỏ que cấy.
6. TOP 3 lưu ý sau cấy que tránh thai
Những dấu hiệu nào cho thấy bản thân không hợp que tránh thai? Cần làm gì trong tình huống này, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Thị Sa Giang trả lời: Vấn đề không hợp que tránh thai sẽ dựa vào từng cá nhân cụ thể, ví dụ như một số trường hợp tăng cân quá nhiều, từ một người có BMI chuẩn sau khi cấy que tăng 5-10kg, từ đó nhu cầu tháo que sẽ tùy thuộc vào lựa chọn của cá nhân và lựa chọn biện pháp tránh thai khác.
Một số trường hợp tăng nám da sau cấy que tránh thai, vấn đề này không quá phổ biến, tuy nhiên một số người bị nám nhiều và ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chị em có quyền tháo que. Hay các trường hợp bị tác dụng phụ như rong kinh, sau một thời gian 3-6 tháng đã được điều trị nhưng không thích nghi được…
Do đó, ngoài chỉ định hết hạn que cấy tránh thai, chị em có thể đến gặp bác sĩ để tháo que bất cứ lúc nào nếu cảm thấy không phù hợp với nội tiết que tránh thai.
- Các chị em cần lưu ý những gì sau khi cấy que tránh thai ạ?
BS.CK2 Lý Thanh Xuân trả lời: Sau khi cấy que tránh thai, một số vấn đề chị em cần lưu ý như sau:
Không cử động mạnh tay cấy que trong những ngày đầu sau khi cấy, thỉnh thoảng sờ vào cánh tay để cảm nhận sự hiện diện của que cấy.
Một số trường hợp sẽ xuất hiện các tác dụng phụ, chị em không nên lo lắng vấn đề này, hãy đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và tư vấn.
Bên cạnh đó, phải nhớ ngày hết hạn của que cấy để đến cơ sở y tế tháo và cấy que mới nếu vẫn chọn biện pháp cấy que tránh thai hoặc đổi biện pháp tránh thai khác.
7. Quy trình và chi phí cấy que cấy tránh thai tại Bệnh viện Hùng Vương
Nhờ BS chia sẻ thêm, quy trình cấy que tránh thai và tháo que tránh thai tại Bệnh viện Hùng Vương như thế nào? Chi phí bao nhiêu và có được BHYT thanh toán?
BS.CK1 Nguyễn Thị Sa Giang trả lời: Hiện tại Khoa Kế hoạch hoá gia đình đang thực hiện dịch vụ tháo và cấy que cấy tránh thai đầy đủ, thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Đầu tiên, khi chị em đến và có nhu cầu thực hiện biện pháp tránh thai, bác sĩ sẽ tư vấn biện pháp phù hợp. Sau khi chọn được phương pháp tránh thai, ví dụ như que cấy tránh thai, chị em sẽ được thăm khám và sàng lọc các chống chỉ định.
Khi đủ điều kiện, chị em xuống nhà thuốc của bệnh viện mua một que cấy tránh thai lên phòng thủ thuật để thực hiện cấy que.
Hiện nay, BHYT chưa chi trả các dịch vụ liên quan đến tránh thai, do đó bệnh nhân phải tự túc hoàn toàn. Chi phí cho mỗi lần cấy khoảng 2,5-3 triệu (trong đó chi phí mua que cấy khoảng 2 triệu).
Ngoài ra, thủ tục về việc tháo que khá đơn giản, chị em có thể tháo que cấy tránh thai bất kỳ thời điểm nào mong muốn, việc tháo que được tiến hành tại phòng thủ thuật trong khoảng 5 phút. Chi phí tháo que thấp hơn chi phí cấy que rất nhiều vì không có chi phí mua que cấy.
Chương trình Radar Sản Phụ Khoa do Bệnh viện Hùng Vương phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào 19h thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng. Chương trình đã thực hiện 10 chủ đề:
- Bệnh viện Hùng Vương đồng hành trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe chị em phụ nữ
- Trữ trứng - giải pháp mới cho phụ nữ hiện đại
- Viêm âm đạo và những điều cần biết
- Bệnh lý sàn chậu sau sinh - Dự phòng và điều trị
- Viêm gan siêu vi B và thai kỳ: những điều nên làm để sinh con khỏe mạnh
- Đừng u sầu vì rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh
- Hiểu đúng về u xơ tử cung để điều trị khoa học
- Đàn ông vô tinh: vẫn có giải pháp làm cha!
- Chẩn đoán tiền sản - giải pháp phát hiện mọi bất thường thai nhi?
- Vượt qua nỗi sợ lạc nội mạc tử cung - Chọn đối mặt, chọn lạc quan!
Bài viết khác
- Radar Sản Phụ khoa kỳ 13: U nang buồng trứng - Khi nào cần điều trị? (04-09-2024)
- Thời hạn sử dụng, hiệu quả ngừa thai và những trường hợp chống chỉ định của dụng cụ tử cung (04-09-2024)
- Đặt vòng tránh thai có ảnh hưởng đến cân nặng, khả năng tiết sữa? (04-09-2024)
- Dụng cụ tử cung: Khi vòng tránh thai không chỉ có tác dụng ngừa thai (13-08-2024)
- RADAR SẢN PHỤ KHOA – KỲ 12: “Dụng cụ tử cung và những tiến bộ mới” (06-08-2024)