THAI KỲ NGUY CƠ CAO - TIỀN SẢN GIẬT
Tiền sản giật là tình trạng thường gặp trong lúc mang thai, xuất hiện ở 2 - 8% thai kỳ, có thể đe dọa thai kỳ, thậm chí gây tử vong cho mẹ và thai.
Bệnh thường diễn tiến thầm lặng, làm sản phụ mất cảnh giác. Đến khi nhập viện, bệnh đã gây biến chứng nặng lên mẹ và thai.
Chính vì vậy, chúng tôi soạn tài liệu này để sản phụ hiểu rõ dấu hiệu, hướng điều trị, cách tự theo dõi và phòng tránh bệnh lý tiền sản giật, nhằm đồng hành cùng sản phụ đến đích cuối cùng mẹ tròn con vuông.
1. Định nghĩa
Tiền sản giật (TSG) là một hội chứng gồm tăng huyết áp mới xuất hiện kèm tiểu đạm sau 20 tuần tuổi thai và khi diễn tiến nặng sẽ gây tổn thương cơ quan khác như não, phổi, gan, thận,...
2. Triệu chứng
- Đa phần sản phụ mắc tiền sản giật chỉ có tăng huyết áp mức độ nhẹ kèm tiểu đạm.
- Ngoài tăng huyết áp, bệnh nhân còn có triệu chứng rất đa dạng như phù tăng nhanh, phù tay, mặt, đau đầu, nhìn mờ, lóa mắt, khó thở, tiểu ít, nước tiểu màu xá xị...
- Tiền sản giật cũng ảnh hưởng lên thai như giảm cung cấp máu cho thai làm thai nhẹ cân, chậm tăng trưởng, giảm nước ối, thai chết lưu.
3. Nguyên nhân
Hiện chưa rõ nguyên nhân của TSG, tuy nhiên, nhiều bằng chứng ghi nhận TSG liên quan đến sự phát triển bất thường của nhau thai ở giai đoạn sớm thai kỳ, gây tổn thương mạch máu của mẹ ở khắp cơ thể.
Sản phụ có nguy cơ mắc TSG cao hơn nếu có:
+ Béo phì
+ Con so dưới 20 tuổi hay trên 40 tuổi
+ Đa thai
+ Có bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý thận, hội chứng kháng phospholipid, lupus ban đỏ...
+ Từng mắc tiền sản giật ở thai kỳ trước.
4. Chẩn đoán
Tiền sản giật được chẩn đoán khi có tăng huyết áp kèm đạm trong nước tiểu xuất hiện sau 20 tuần tuổi thai hoặc tăng huyết áp kèm tổn thương ở các cơ quan khác.
Để chẩn đoán và phân loại mức độ nặng của TSG, sản phụ được đo huyết áp nhiều lần, xét nghiệm lượng đạm trong nước tiểu 24 giờ, xét nghiệm máu và đánh giá tăng trưởng và sức khỏe thai .
Chẩn đoán TSG có dấu hiệu nặng khi bệnh ảnh hưởng tới mắt, phổi, gan, thận... biểu hiện như:
+ Đau đầu dữ dội, kéo dài
+ Nhìn mờ, lóa mắt, thấy chấm đen trước mắt, mất thị lực.
+ Khó thở, hụt hơi
+ Đau bụng góc trên phải hay trên rốn.
+ Co giật
+ Tăng huyết áp nặng, huyết áp ≥ 160/ 110 mmHg hơn 1 lần đo.
Những dấu hiệu nặng còn thể hiện trên kết quả xét nghiệm như:
+ Suy thận
+ Suy gan
+ Giảm tiểu cầu ...
5. Điều trị
Điều trị TSG dựa vào mức độ nặng của bệnh và tuổi thai.
Các trường hợp cần nhập viện theo dõi:
+ Tiền sản giật có dấu hiệu nặng (nhìn mờ, đau đầu, đau bụng vùng trên rốn hay trên phải, khó thở, co giật, ...)
+ Có dấu hiệu chuyển dạ (đau bụng, ra nước, ra huyết âm đạo...)
+ Có dấu hiệu đe dọa thai (thai máy ít, tim thai bất thường)
Theo dõi nội trú:
+ Đối với nhóm đủ tháng (≥ 37 tuần), sản phụ được lên kế hoạch chấm dứt thai kỳ, kiểm soát huyết áp trong quá trình chuyển dạ và sau sanh.
+ Đối với nhóm chưa đủ tháng (<37 tuần)
Sản phụ tiền sản giật chưa có dấu hiệu nặng được dưỡng thai thêm, trì hoãn sanh đến khi thai đủ 37 tuần. Trong thời gian này, sản phụ dùng thuốc để ổn định huyết áp, theo dõi tại nhà nếu bệnh ổn, khám thai mỗi tuần đánh giá dấu hiệu nặng của bệnh và sức khỏe thai nhi.
Sản phụ có dấu hiệu nặng cần theo dõi sát và lên kế hoạch chấm dứt thai kỳ. Thuốc hạ áp và ngừa co giật thường dùng để kiểm soát huyết áp và ngừa biến chứng co giật (còn gọi là sản giật). Tùy tuổi thai, Corticoid có thể dùng để kích thích phổi phát triển sớm.
Ngoài những can thiệp của bác sĩ, sản phụ cần nghỉ ngơi nhiều, nằm kê chân cao 8 tiếng/ ngày, không mang vác nặng, theo dõi các dấu hiệu chuyển dạ và dấu hiệu nặng của TSG và báo cho nhân viên y tế.
6. Biến chứng
Tiền sản giật gây biến chứng trên cả mẹ và thai.
Đối với mẹ:
+ Suy đa cơ quan.
+ Rối loạn đông máu
+ Co giật
Đối với thai:
+ Thai chậm tăng trưởng
+ Thai lưu
+ Sanh non
7. Phòng ngừa
- Dự phòng bằng Aspirin đối với nhóm nguy cơ cao mắc TSG như tiền căn TSG có biến chứng ở thai kỳ trước, tăng huyết áp mạn, đái tháo đường týp 1 hoặc 2, bệnh lý thận, miễn dịch (lupus, hội chứng kháng phospholipid)...
- Đối với nhóm không có những tiền căn trên, cần tầm soát TSG ở tuổi thai 11 - 13 tuần 6 ngày bằng đo huyết áp, xét nghiệm máu, và siêu âm động mạch tử cung để xác định nguy cơ.
- Dự phòng TSG bằng Aspirin được thực hiện từ 12 - 36 tuần.
8. Liên hệ thực tế tại bệnh viện Hùng Vương
Tất cả sản phụ đến khám thai tại bệnh viện Hùng Vương đều được khai thác tiền căn sản khoa và bệnh lý, với mục tiêu dự phòng sớm các trường hợp TSG có yếu tố nguy cơ cao. Ở nhóm còn lại, sản phụ sẽ được xét nghiệm máu và siêu âm để tính nguy cơ TSG. Nếu nguy cơ TSG cao, sản phụ sẽ được dự phòng bằng Aspirin.
Đối với các trường hợp TSG chưa có chỉ định nhập viện sẽ được theo dõi tại phòng khám thai bệnh lý. Bệnh nhân sẽ được tư vấn nguy cơ, lên kế hoạch điều trị, thảo luận về thời điểm chấm dứt thai kỳ.
Phan Thị Thương Thương - Khoa Sản bệnh
Cập nhật: 23/6/2023
Bài viết khác
- Gói tiêm ngừa nhi (VACCINATION PACKAGES FOR CHILDREN) (07-11-2022)
- Danh mục kỹ thuật (13-02-2023)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)
- Tầm quan trọng của kiểm tra, xác minh thông tin thân chủ khi tiến hành hỗ trợ công tác xã hội cho người bệnh tại bệnh viện (04-10-2024)