Thai ngoài tử cung - Bệnh viện Hùng Vương

Thai ngoài tử cung - Bệnh viện Hùng Vương

Thai ngoài tử cung - Bệnh viện Hùng Vương

Thai ngoài tử cung - Bệnh viện Hùng Vương

Thai ngoài tử cung - Bệnh viện Hùng Vương
Thai ngoài tử cung - Bệnh viện Hùng Vương

Thai ngoài tử cung

      1. Thai ngoài tử cung là gì?

      - Thai ngoài tử cung là tình trạng thai không làm tổ trong buồng tử cung mà lại nằm ở bên ngoài. Các vị trí thai ngoài tử cung có thể làm tổ bao gồm:

+ Thai nằm ở vòi tử cung: Đây là trường hợp thai ngoài tử cung hay gặp nhất (chiếm 95%).

+ Thai nằm ở buồng trứng, cổ tử cung, ổ bụng, vòi tử cung.

     2. Thai ngoài tử cung nguy hiểm như thế nào?

     - Thai ngoài tử cung không được buồng tử cung bảo vệ. Khi thai ngoài tử cung bị vỡ, các mạch máu tại nơi làm tổ sẽ vỡ theo, gây tình trạng chảy máu ồ ạt tràn vào ổ bụng. Việc này khiến người mẹ mất nhiều máu, nếu không được cấp cứu kịp thời, người mẹ có thể bị tử vong do sốc mất máu.

     - Thai bị vỡ khiến nơi làm tổ bị tổn thương nghiêm trọng. Trong trường hợp thai làm tổ ở vòi tử cung bị vỡ bắt buộc bác sĩ phải cắt bỏ vòi tử cung để không làm ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ hoặc khâu bảo tồn vòi tử cung. Điều này sẽ làm giảm khả năng mang thai và tăng tỷ lệ thai ngoài tử cung cho mẹ bầu ở lần mang thai sau.

     3. Ai có nguy cơ bị thai ngoài tử cung?

     - Thai ngoài tử cung thường gặp ở những phụ nữ bị viêm nhiễm vòi trứng, viêm nhiễm vùng chậu hoặc dị tật ống dẫn trứng, hẹp ống dẫn trứng bẩm sinh, đã từng phẫu thuật liên quan đến vòi trứng có nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao hơn người bình thường.

     - Các yếu tố nguy cơ cho thai ngoài tử cung bao gồm:

+ Tiền căn thai ngoài tử cung

+ Tiền căn phẫu thuật ống dẫn trứng, phẫu thuật vùng bụng chậu trước đó

+ Viêm vùng chậu

+ Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI)

     - Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung của phụ nữ:

+ Hút thuốc lá

+ Tuổi trên 35 tuổi

+ Vô sinh

+ Các biện pháp hỗ trợ sinh sản

     4. Thai ngoài tử cung được chẩn đoán như thế nào?

     - Đa số trường hợp mang thai ngoài tử cung cũng có những dấu hiệu như những phụ nữ mang thai bình thường như: trễ kinh, đau bụng, buồn nôn, ngực căng tức, ra máu âm đạo bất thường, hoặc thử que thấy 2 vạch.

     - Việc chẩn đoán thai ngoài tử cung hiện nay chủ yếu dựa vào siêu âm đầu dò âm đạo. Ngoài ra các bác sĩ có thể đề nghị làm thêm các xét nghiệm beta hCG, siêu âm doppler màu, chụp MRI để hỗ trợ chẩn đoán hoặc theo dõi diễn tiến bệnh.

     5. Điều trị thai ngoài tử cung như thế nào?

     - Mục tiêu điều trị thai ngoài tử cung là lấy hoặc hủy khối thai và bảo tồn khả năng sinh sản cho người bệnh. Các phương pháp cơ bản để điều trị bao gồm: Theo dõi sự thoái triển tự nhiên của thai ngoài tử cung, tiêm hóa chất, phẫu thuật lấy khối thai.

     - Các phương pháp điều trị này được bác sĩ lựa chọn tùy thuộc vào:

+ Tuổi thai lúc chẩn đoán.

+ Tình trạng của bệnh nhân: bệnh lý nội ngoại khoa, mong muốn có thai về sau, có xuất huyết ồ ạt không…

+ Nồng độ xét nghiệm beta hCG

+ Tùy điều kiện của cơ sở y tế.

     - Không phải tất cả trường hợp mang thai ngoài tử cung đều phải phẫu thuật. Nếu được phát hiện sớm, khối thai chưa vỡ, kích thước nhỏ bác sĩ sẽ chỉ định tiêm thuốc giúp khối thai tự tiêu. Nếu thai có kích thước lớn, sẽ được phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở bụng. Có những trường hợp bác sĩ phải phối hợp nhiều phương pháp cùng lúc mới điều trị hiệu quả bệnh lí thai ngoài tử cung.

     6. Bệnh nhân cần làm gì?

+ Thường xuyên vệ sinh vùng kín, đặc biệt trong kỳ kinh nguyệt, sau quan hệ tình dục, khi đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa, sau sinh nở phòng tránh viêm nhiễm vùng kín.

+ Trường hợp phụ nữ đã từng có thai ngoài tử cung cần thông báo cho bác sĩ trước khi có ý định mang thai vì bạn có nguy cơ bị thai ngoài tử cung ở lần mang thai này cao hơn người bình thường.

+ Ngay khi biết mình có thai, phụ nữ cần đi siêu âm để kiểm tra xem thai đã vào tử cung hay chưa. Trường hợp tuần thai chưa đủ để thai vào tử cung, các bác sĩ sẽ hẹn bạn đến kiểm tra sau 1 - 2 tuần nữa. Nếu nghi ngờ thai đã làm tổ ngoài tử cung các bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm đầu dò qua đường âm đạo để xác định vị trí túi thai.

+ Khi được chẩn đoán và điều trị thai ngoài tử cung cần tuân thủ điều trị cũng như tái khám đúng hẹn để bác sĩ có thể theo dõi, can thiệp kịp thời.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phác đồ HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRỊ SẢN PHỤ KHOA BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG 2020
  2. https://www.webmd.com/baby/pregnancy-ectopic-pregnancy
  3.  https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ectopicpregnancy/symp-toms-causes/syc-20372088 

BS Viên Bạch Lan Châu - Khoa Phụ ngoại ung bướu

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác