THEO DÕI CHUYỂN DẠ
1. Định nghĩa:
Chuyển dạ là một quá trình, trong đó có sự xuất hiện các cơn co tử cung chuyển dạ, gây nên hiện tượng xóa mở cổ tử cung nhằm tống xuất thai nhi ra ngoài qua ngã âm đạo.
2. Triệu chứng:
- Đau bụng từng cơn
- Ra nhớt hồng âm đạo
- Ra nước âm đạo
- Ra máu âm đạo
- Cơn co chuyển dạ
- Xóa mở cổ tử cung
- Thành lập đầu ối
3. Nguyên nhân:
Hiện tượng chín muồi của cổ tử cung, khiến cổ tử cung trở nên mềm và co giãn được để các sản phẩm thụ thai có thể đi qua ở thời điểm thích hợp.
4. Chẩn đoán:
Cơn co tử cung của chuyển dạ gây xóa mở cổ tử cung
5. Điều trị:
- Những trường hợp thai phụ đã có chỉ định mổ lấy thai từ trước như con to, ngôi mông, khung chậu hẹp: mổ lấy thai khi vào chuyển dạ
- Những trường hợp chưa có chỉ định mổ lấy thai:
- Theo dõi sinh hiệu thai phụ
- Theo dõi tim thai, cơn co tử cung, xóa cổ tử cung, mở cổ tử cung, tình trạng ối, sự tiến triển của ngôi thai theo quy trình
- Giảm đau sản khoa theo yêu cầu khi đủ điều kiện
- Hướng dẫn sản phụ rặn sanh khi cổ tử cung mở trọn, ngôi thai lọt thấp
- Sanh hút, sanh kềm khi có chỉ định
- Mổ lấy thai khi phát sinh biến chứng trong quá trình chuyển dạ
6. Biến chứng: chèn ép rốn, suy thai, sa dây rốn, vỡ tử cung, kẹt vai, rách tầng sinh môn độ III hoặc IV, băng huyết sau sanh, tụ máu vùng tầng sinh môn, thuyên tắc ối…
7. Phòng ngừa:
- Phân loại nhóm thai phụ nguy cơ cao
- Khám và theo dõi sát chuyển dạ đối với thai kỳ nguy cơ cao
- Nhân viên y tế được cập nhật kiến thức liên tục
- Nhân viên y tế tuân thủ quy trình, phác đồ của khoa và bệnh viện
8. Liên hệ thực tế tại bệnh viện Hùng Vương:
Hiện tại, khoa Sanh vẫn cho phép và theo dõi sanh ngã âm đạo ở những trường hợp thai phụ đã từng mổ sanh một lần. Thai phụ đã từng mổ sanh một lần khi nhập vào khoa Sanh sẽ được bác sĩ khám, đánh giá toàn diện, tìm nguyên nhân mổ lần trước. Nếu thai phụ không có chỉ định mổ sanh lại sẽ được bác sĩ tư vấn nguy cơ cuộc sanh lần này và ký đồng thuận theo dõi sanh ngã âm đạo. Những trường hợp này thuộc diện thai kỳ nguy cơ cao và được theo dõi sát hơn bằng bác sĩ, hộ sinh nhiều kinh nghiệm. Hiện tại, tỷ lệ thai phụ có vết mổ cũ mổ sanh sanh ngã âm đạo tại khoa dao động từ 10-15%.
Băng huyết sau sanh là một trong năm tai biến của sản khoa, tỷ lệ băng huyết sau sanh của khoa Sanh là <3%. Cụ thể tỷ lệ băng huyết sau sanh tại khoa vào tháng 5/2023 là 2,1%, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ chung của toàn quốc. Hiện nay, khoa chúng tôi có đầy đủ các loại thuốc cần thiết để xử trí một trường hợp băng huyết sau sanh. Ngoài ra, trong các trường hợp băng huyết sau sanh nặng, chúng tôi có nhiều phương tiện để chọn lựa điều trị cho người bệnh hơn như bóng đôi, STUT, Ellavi tự do, Ellavi cố định, bóng đơn do đang phối hợp với WHO triển khai nghiên cứu Red Trial.
BS Phạm Thị Ý Yên – Khoa Sanh
Cập nhật 23/6/2023
Bài viết khác
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)
- Các hình thức thanh toán (22-06-2023)
- Hướng dẫn tra cứu hóa đơn điện tử (20-12-2024)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số 21: Ngừa thai khẩn cấp và tránh thai hằng ngày - Như thế nào là đúng? (17-12-2024)