Theo dõi sau điều trị ung thư vú - Bệnh viện Hùng Vương

Theo dõi sau điều trị ung thư vú - Bệnh viện Hùng Vương

Theo dõi sau điều trị ung thư vú - Bệnh viện Hùng Vương

Theo dõi sau điều trị ung thư vú - Bệnh viện Hùng Vương

Theo dõi sau điều trị ung thư vú - Bệnh viện Hùng Vương
Theo dõi sau điều trị ung thư vú - Bệnh viện Hùng Vương

Theo dõi sau điều trị ung thư vú

     Sau khi hoàn tất việc điều trị ung thư vú, nhiều bệnh nhân cảm thấy bối rối về các bước tiếp theo mình cần thực hiện. Dưới đây là một vài hướng dẫn  nhằm giúp bạn hiểu rõ quá trình theo dõi sức khỏe sau điều trị, giúp bạn yên tâm hơn và tự tin trong cuộc sống hàng ngày.

     I. Theo dõi sau điều trị nhằm mục đích gì?

     1. Phát hiện sớm tái phát: Theo dõi thường xuyên giúp phát hiện sớm ung thư quay lại tại vú và nách, đồng thời phát hiện sớm di căn

     2. Quản lý các tác dụng phụ: các tác dụng phụ kéo dài từ các phương pháp điều trị như mệt mỏi, đau nhức,phù và các vấn đề về tim mạch. Quản lý và điều trị các vấn đề này giúp cải thiện chất lượng sống.

     3. Đánh giá và duy trì sức khỏe: Thực hiện các đánh giá tổng quát và khuyến nghị về lối sống lành mạnh giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ tái phát ung thư.

     II. Theo dõi như thế nào?

     1. Khám lâm sàng định kỳ:

     - Bạn cần duy trì các cuộc hẹn khám bác sĩ định kỳ, thường là mỗi 3-6 tháng trong những năm đầu tiên sau khi điều trị, và sau đó ít nhất mỗi năm một lần.

     - Những lần kiểm tra này có thể bao gồm đánh giá tình trạng thể chất, các triệu chứng mới và hiệu quả của bất kỳ điều trị nào vẫn đang tiếp diễn.

     2. Xét nghiệm hình ảnh:

     2.1. Chụp Xquang tuyến vú:

     Sau khi điều trị, bạn sẽ được chụp nhũ ảnh thường xuyên mỗi năm một lần

     Nếu bạn đã phẫu thuật bảo tồn vú, bạn sẽ được chụp nhũ ảnh ở cả hai bên vú.

     Nếu bạn đã cắt bỏ vú (có hoặc không có tái tạo), bạn sẽ được chụp nhũ ảnh ở bên vú còn lại.

     Nếu bạn đã cắt bỏ cả hai bên vú, bạn sẽ không cần chụp nhũ ảnh, bạn sẽ được theo dõi bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác

     2.2. Siêu âm tuyến vú: bạn sẽ được bác sĩ siêu âm mỗi lần tái khám, bác sĩ sẽ đánh giá vú lành và bên bệnh của bạn.

     2.3. MRI: Có thể được yêu cầu nếu có nguy cơ tái phát cao hoặc khi phát hiện điều gì đó bất thường trong các xét nghiệm khác.

     2.4. Các kỹ thuật hình ảnh khác:Siêu âm bụng, X quang phổi, Xạ hình xương, CT hoặc PET scans có thể được chỉ định tùy thuộc vào triệu chứng lâm sàng và nguy cơ cụ thể của bệnh nhân, các kỹ thuật này nhằm đánh giá ung thư có tiến xa hay không.

     3. Xét nghiệm máu và các xét nghiệm khác:

     - Kiểm tra các chỉ số sinh hóa để đánh giá tình trạng sức khỏe và phát hiện các dấu hiệu của ung thư hoặc biến chứng khác.

     - Đối với những bệnh nhân sử dụng liệu pháp nội tiết như tamoxifen hoặc các chất ức chế aromatase, xét nghiệm cần thiết có thể bao gồm đánh giá mật độ xương để ngăn ngừa loãng xương.

     - Khám phụ khoa định kì để đánh giá tác dụng phụ thuốc nội tiết hoặc các ung thư phụ khoa đi kèm cũng là điều quan trọng.

     III. Quản lý tác dụng phụ như thế nào?

     - Thảo luận với bác sĩ về bất kỳ triệu chứng hoặc tác dụng phụ nào như mệt mỏi, loãng xương, hoặc sưng phù cánh tay (lymphedema).

     - Kế hoạch quản lý có thể bao gồm vật lý trị liệu, thay đổi lối sống hoặc điều trị bằng thuốc.

     IV. Tôi cần làm gì để duy trì sức khỏe?

     Duy trì sức khỏe không chỉ duy trì sức khỏe thể chất mà còn là sức khỏe tâm thần

     Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: Tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và giảm tiêu thụ rượu để hỗ trợ sức khỏe và phòng chống bệnh tật.

     Kiểm soát cân nặng và lối sống: Duy trì cân nặng hợp lý, ngừng hút thuốc và hạn chế rượu bia là những yếu tố quan trọng giúp giảm nguy cơ tái phát.

     Tập thể dục: Khuyến khích tập thể dục đều đặn, ít nhất 150 phút hoạt động vừa phải hoặc 75 phút hoạt động mạnh mỗi tuần, để cải thiện sức khỏe tim mạch, xương, và giúp tinh thần thoải mái.

     Tuân thủ điều trị và theo dõi định kỳ: Điều quan trọng là bệnh nhân cần trung thành với chế độ điều trị và lịch theo dõi, đồng thời thông báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào.

     Tham gia hỗ trợ tâm lý

     Tư vấn tâm lý:Tham gia các nhóm hỗ trợ hoặc gặp gỡ chuyên gia tư vấn có thể giúp bạn giảm bớt căng thẳng và lo âu khi đối mặt với việc sống chung với nguy cơ tái phát ung thư.

     Nhóm hỗ trợ: Tham gia các nhóm hỗ trợ bệnh nhân ung thư có thể đem lại sự động viên tinh thần và chia sẻ kinh nghiệm từ những người cùng cảnh ngộ.

     Việc theo dõi và chăm sóc sau điều trị ung thư vú là một hành trình dài hạn. Mỗi bước đi tích cực mà bạn thực hiện ngày hôm nay đóng góp vào việc duy trì sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống về lâu dài. Hãy luôn duy trì kết nối với đội ngũ y tế của bạn và không ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần.

Nguồn:

1/ https://www.breastcancer.org/news/navigating-follow-up-care,

2/ https://breastcancernow.org/about-breast-cancer/treatment/follow-up-after-treatment/

 3/ https://www.ucsfhealth.org/education/follow-up-care-for-breast-cancer-patients

4/ https://cancer.ca/en/cancer-information/cancer-types/breast/treatment/follow-up

5/ https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/breast-cancer/treatment/follow-up

6/ https://www.cancer.org/cancer/types/breast-cancer/living-as-a-breast-cancer-survivor/follow-up-care-after-breast-cancer-treatment.html

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác