THIỂU ỐI
1. Thiểu ối là gì?
Thiểu ối có nghĩa là, so với tuổi thai (có nghĩa là khoảng thời gian mang thai), nước ối bao quanh thai nhi ở mức thấp. Nước ối là dịch bao quanh bào thai trong tử cung. Lúc đầu, nó chứa chủ yếu là nước có chất điện giải. Tuy nhiên, với sự phát triển của thai kỳ, sẽ có nhiều phân tử hơn (bao gồm protein, carbohydrate, lipid và urê).
2. Tầm quan trọng của nước ối là gì?
Nước ối có nhiều chức năng với mục đích bảo vệ và phát triển thai nhi.
- Nó cho phép em bé tự do di chuyển, do đó tạo điều kiện cho sự phát triển cơ xương.
- Nó ngăn chặn bất kỳ sự chèn ép nào lên dây rốn: quá nhiều áp lực có thể làm gián đoạn việc cung cấp dinh dưỡng và oxy từ người mẹ.
- Nó giữ ấm cho bé và duy trì nhiệt độ ổn định.
- Nước ối duy trì độ ẩm
- Khi thai nhi nuốt nước ối, điều này giúp phát triển hệ tiêu hóa.
- Thai nhi hít vào và thở ra ối, kích thích sự phát triển của phổi.
- Ối như một hàng rào chống nhiễm trùng, đồng thời nó cũng bảo vệ chống lại bất kỳ chấn thương nào, chẳng hạn như nếu người mẹ bị ngã.
- Cuối cùng, vì nước ối có chứa các tế bào của thai nhi nên việc phân tích nước ối có thể cung cấp thông tin về các bất thường di truyền. Việc lấy mẫu này được thực hiện thông qua quy trình y khoa gọi là chọc ối (hoặc xét nghiệm nước ối).
3. Nước ối được sản xuất như thế nào?
Trong ba tháng đầu của thai kỳ, thành phần chính của nước ối là dịch do mẹ cung cấp qua nhau thai (huyết tương mẹ, chất dinh dưỡng và các yếu tố tăng trưởng). Trong nửa sau của thai kỳ, em bé là nhà sản xuất nước ối chính, nước tiểu của thai nhi và dịch bài tiết từ phổi cũng góp phần tạo ra ối. Khi em bé phát triển, bé tạo ra nhiều nước tiểu hơn, lượng nước ối đạt đến đỉnh điểm vào khoảng 32-34 tuần tuổi thai. Sau 36 tuần thai, tức là gần đủ tháng, khối lượng ối giảm một cách tự nhiên.
4. Siêu âm giúp chẩn đoán thiểu ối như thế nào?
Thông qua siêu âm, các bác sĩ có thể ước tính thể tích nước ối bằng cách tính chỉ số nước ối (AFI), thường sử dụng kỹ thuật bốn góc phần tư. Điều này có nghĩa là tử cung được chia thành bốn phần tưởng tượng, đo trục dọc của mỗi xoang ối và tổng hợp thành một số. Con số này biểu thị chỉ số ối. Nói chung, AFI dưới 5-6 cm được coi là dưới mức bình thường.
Có một phương pháp khác dễ thực hiện và đáng tin cậy để đánh giá nước ối: đo độ sâu xoang ối lớn nhất (DVP) mà người ta có thể tìm thấy ở bất kỳ góc phần tư nào trong bốn góc phần tư, không tính các bộ phận của thai nhi hoặc dây rốn, được đo bằng centimet. Phạm vi bình thường đối với DVP là 2cm-8 cm (tương tự đối với đa thai), giá trị dưới 2 cm cho thấy có thể xảy ra tình trạng thiểu ối.
5. Khi nào tôi cần được siêu âm?
Nước ối không cần phải được đo thường xuyên trong bất kỳ lần siêu âm nào vì DVP < 2cm hoặc AFI < 5-6 cm có thể dễ dàng nhận ra. Vì vậy, chỉ đo nước ối khi lượng nước ối ít đi một cách chủ quan hoặc khi có chỉ định sản khoa. Thời điểm tốt nhất để thực hiện đo nước ối là trong tam cá nguyệt thứ hai, từ tuần 18 đến 22 (siêu âm hình thái học thai nhi), và sau đó là trong tam cá nguyệt thứ ba (siêu âm đánh giá sự tăng trưởng của thai nhi).
6. Có điều gì khác mà siêu âm có thể cho tôi biết về thiểu ối không?
Thiểu ối có thể liên quan đến dị tật thai nhi (chủ yếu từ đường tiết niệu) hoặc giới hạn tăng trưởng của thai nhi. Vì vậy, một khi phát hiện thiểu ối, các bất thường nên được loại bỏ bằng siêu âm chi tiết và đánh giá sự tăng trưởng của thai nhi. Siêu âm đo kích thước của thai nhi và ước lượng cân thai của thai nhi được thực hiện trong siêu âm Doppler (đánh giá tuần hoàn của thai nhi) có thể gợi ý sự hiện diện của thiểu ối xảy ra như một biểu hiện của thai chậm tăng trưởng. Nước ối bao gồm trong sinh lý thai, đây là một công cụ tổng hợp các thông số như chuyển động của thai nhi để đánh giá sức khỏe của thai nhi.
7. Nguyên nhân gì gây ra tình trạng này?
Nguyên nhân phổ biến nhất của thiểu ối là vỡ màng ối, nhưng rối loạn chức năng thận hoặc tắc nghẽn đường tiết niệu cũng có thể dẫn đến thiểu ối bất cứ lúc nào. Ngoài ra, thiểu ối còn là một dấu hiệu sớm của rối loạn chức năng nhau thai, có nghĩa là nhau thai không phát triển bình thường hoặc bị tổn thương (giảm tưới máu). Rất hiếm (dưới 1% trường hợp), nguyên nhân có thể vô căn (không rõ nguyên nhân).
8. Biến chứng và tiên lượng của thiểu ối
Bởi vì nước ối là hệ thống hỗ trợ sự sống của em bé, thiểu ối là một dấu hiệu nghiêm trọng vì tất cả các chức năng quan trọng và hoạt động bảo vệ của nước ối đều bị suy giảm. Có một số biến chứng do thiểu ối: tùy theo nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng và thời điểm xuất hiện. Tình trạng thiểu ối xảy ra càng sớm trong thai kỳ thì tiên lượng càng xấu, do nguyên nhân gây ra tình trạng thiểu ối. Thiểu ối, khi được chẩn đoán trong tam cá nguyệt thứ ba, thường có tiên lượng tốt. Một số rủi ro liên quan đến thiểu ối là các biến chứng nhiễm trùng (vỡ ối), sinh non (vỡ ối, thai chậm tăng trưởng), ngôi thai bất thường do hạn chế cử động).
9. Điều trị thiểu ối bằng cách gì?
Hiện tại không có phương pháp điều trị hiệu quả nào đối với tình trạng thiểu ối. Nếu nó liên quan đến một trường hợp thiểu ối nhẹ trong một thai kỳ khỏe mạnh gần đủ tháng, thì không cần can thiệp. Đặc biệt trong trường hợp màng ối bị vỡ, việc quản lý sẽ bao gồm việc theo dõi bà mẹ về các dấu hiệu nhiễm trùng, cuối cùng là dùng kháng sinh, theo dõi trẻ bằng siêu âm và trong một số trường hợp phải nhập viện hoặc dùng steroid. Trong trường hợp tắc nghẽn đường tiết niệu dưới, phẫu thuật bào thai nên được xem xét.
10. Tôi có yêu cầu bất kỳ xét nghiệm nào khác không?
Thiểu ối có thể là một dấu hiệu cho thấy thai nhi bị giới hạn tăng trưởng. Nên cần kiểm tra sự tăng trưởng của thai nhi, hình thái học thai nhi (đặc biệt là thận và đường tiết niệu) và tuần hoàn thai nhi (siêu âm Doppler).
11. Tôi nên hỏi những câu hỏi nào khác?
- Lượng nước ối bao nhiêu là đủ?
- Tôi sẽ siêu âm bao lâu một lần?
- Đây có đang là tình trạng thiểu ối nghiêm trọng không? Khi nào nó xuất hiện?
- Có bất thường khác không?
- Có nguyên nhân nào khác có thể giải thích tình trạng thiểu ối không?
- Xét nghiệm xâm lấn có được khuyến khích không?
- Tôi nên sinh ở đâu?
- Em bé sẽ được chăm sóc tốt nhất sau khi chào đời ở đâu?
- Tôi có thể gặp trước đội ngũ bác sĩ sẽ chăm sóc con tôi khi nó chào đời không?
Người dịch: BS. Trần Thị Kim Ngân - Khoa Chẩn đoán hình ảnh
Cập nhật: 26/6/2023
Bài viết khác
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Hành trình kỳ diệu: Từ giấc mơ đến hồi sinh trẻ sinh non 26 tuần tại Bệnh viện Hùng Vương (10-01-2025)
- Điều trị ngoại trú thai bám vết mổ cũ (10-01-2025)
- Tật đầu nhỏ (10-01-2025)