Thời điểm “vàng” tầm soát bệnh tiểu đường, thai phụ cần ghi nhớ - Bệnh viện Hùng Vương

Thời điểm “vàng” tầm soát bệnh tiểu đường, thai phụ cần ghi nhớ - Bệnh viện Hùng Vương

Thời điểm “vàng” tầm soát bệnh tiểu đường, thai phụ cần ghi nhớ - Bệnh viện Hùng Vương

Thời điểm “vàng” tầm soát bệnh tiểu đường, thai phụ cần ghi nhớ - Bệnh viện Hùng Vương

Thời điểm “vàng” tầm soát bệnh tiểu đường, thai phụ cần ghi nhớ - Bệnh viện Hùng Vương
Thời điểm “vàng” tầm soát bệnh tiểu đường, thai phụ cần ghi nhớ - Bệnh viện Hùng Vương

Thời điểm “vàng” tầm soát bệnh tiểu đường, thai phụ cần ghi nhớ

     1. Phụ nữ mắc tiểu đường có biến chứng nhanh hơn so với nam giới? Nhiều chị em phụ nữ cho rằng mắc tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp 4 lần so với nam giới. Liệu phụ nữ mắc tiểu đường sẽ đưa đến các biến chứng nhanh hơn và trầm trọng hơn không ạ?  

     PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Tốc độ và mức độ nặng của biến chứng đái tháo đường không phụ thuộc vào giới tính, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thời gian mắc bệnh, mức độ kiểm soát đường huyết, sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ đi kèm. Nếu người bệnh đái tháo đường đã có bệnh mà thêm các yếu tố nguy cơ như ăn uống thiếu kiểm soát, ít vận động thì quá trình biến chứng sẽ xảy ra nhanh và nặng nề hơn.

PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương phân tích các biến chứng của đái tháo đường

 

     2. Phụ nữ nên tầm soát bệnh đái tháo đường trong những trường hợp nào? Vậy chị em phụ nữ nên tầm soát căn bệnh đái tháo đường trong những trường hợp nào ạ

     BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương Trưởng khoa Sản Bệnh, Bệnh viện Hùng Vương trả lời: Với phụ nữ, có một số thời điểm “vàng” để tầm soát đái tháo đường:

     - Trước khi kết hôn: Đây là giai đoạn nhiều người phụ nữ thường bỏ qua. Cách tốt nhất là cả nam giới và nữ giới nên khám sức khỏe tổng quát, bao gồm xét nghiệm đường huyết đói hoặc HbA1c để đánh giá nguy cơ đái tháo đường.

     - Khi bắt đầu mang thai: Nếu có các yếu tố nguy cơ như thừa cân, béo phì, tuổi trên 35 và tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường hoặc có tiền sử thai kỳ bất thường, cao huyết áp, buồng trứng đa nang... thì nên tầm soát sớm ngay từ lần khám thai đầu tiên.

     - Trong tam cá nguyệt thứ hai: Từ tuần 24 đến tuần 28, tất cả thai phụ sẽ được chỉ định làm nghiệm pháp dung nạp glucose (uống 75g đường) để tầm soát đái tháo đường thai kỳ.

     - Sau khi sinh: Những thai phụ từng mắc đái tháo đường thai kỳ sẽ được kiểm tra lại đường huyết sau sinh trong vòng 4 đến 12 tuần. Nếu còn rối loạn đường huyết, đó có thể là tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường type 2 và cần tiếp tục theo dõi.

     3. Tầm soát tiểu đường thường được thực hiện ở tuần thai nàoVới phụ nữ mang thai, việc tầm soát tiểu đường thường được thực hiện ở tuần thai nào? Nếu bỏ qua giai đoạn này, mẹ bầu có thể kiểm tra lại vào thời điểm nào và việc thực hiện ngoài thời gian vàng liệu có ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, thưa BS? 

     BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Thời điểm tối ưu để tầm soát đái tháo đường thai kỳ là từ tuần 24 đến 28 của thai kỳ, bằng nghiệm pháp dung nạp glucose 75g. Đây là khung thời gian “vàng” vì sẽ phát hiện sớm nguy cơ, giúp can thiệp kịp thời để bảo vệ cả mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, nếu thai phụ đến khám trễ và đã qua thời điểm này, bác sĩ vẫn có thể theo dõi bằng các xét nghiệm đường huyết đói và đường huyết sau ăn. Mặc dù vậy, tầm soát muộn có thể làm bỏ sót một số bất thường trong giai đoạn đầu thai kỳ, đặc biệt là các dị tật tim - một biến chứng có thể xảy ra khi đường huyết quá cao trong 3 tháng đầu mà không được kiểm soát. Ngoài ra, nếu phát hiện muộn, thai có thể đã quá to, nước ối tăng nhiều, gây khó khăn khi sinh hoặc làm tăng nguy cơ mất tim thai đột ngột. Do đó, các thai phụ hãy đi khám thai đầy đủ và đúng hẹn để được tầm soát sớm và đúng cách.

     4. Các xét nghiệm nào phát hiện chính xác bệnh tiểu đường? Các xét nghiệm nào phát hiện chính xác bệnh tiểu đường, thưa BS? Cụ thể, việc tầm soát tiểu đường (cho 2 trường hợp mang thai và không mang thai) sẽ được thực hiện qua những bước nào ạ?  

     PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trả lời: Việc tầm soát tiểu đường thường bắt đầu bằng xét nghiệm đường huyết - đo lượng đường trong máu của người bệnh. Có hai xét nghiệm chính:

     - Xét nghiệm đường huyết lúc đói: Người bệnh cần nhịn ăn từ 8 tiếng trở lên trước khi xét nghiệm. Đây là xét nghiệm cơ bản, có giá trị cao trong việc phát hiện rối loạn đường huyết. Nếu kết quả nằm ở ngưỡng từ 100 mg/dL đến dưới 126 mg/dL là dấu hiệu cảnh báo sớm. Trên 126 mg/dL có thể chẩn đoán đái tháo đường.

     - Xét nghiệm đường huyết bất kỳ: Áp dụng khi người bệnh không thể nhịn đói, hoặc đến khám trong tình trạng đã ăn uống. Nếu kết quả trên 200 mg/dL kèm theo triệu chứng, có thể chẩn đoán đái tháo đường.

     Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm:

     - Xét nghiệm HbA1c: Đánh giá mức đường huyết trung bình trong 2 - 3 tháng gần đây. Đây là công cụ hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi hiệu quả điều trị.

     - Test dung nạp glucose: Người bệnh sẽ uống một lượng đường tiêu chuẩn (thường là 75g hoặc 100g) sau nhịn đói và lấy máu 3 lần: trước khi uống, sau 1 giờ và sau 2 giờ. Nếu một trong ba kết quả vượt ngưỡng, có thể chẩn đoán đái tháo đường.

     Ở phụ nữ mang thai, test dung nạp glucose 75g được thực hiện vào tuần thai thứ 24 - 28. Nếu chỉ số lúc đói đã cao, người bệnh vẫn cần hoàn thành cả 3 lần xét nghiệm để giúp bác sĩ đánh giá mức độ nặng và tiên lượng thai kỳ.

 

BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương - Trưởng khoa Sản Bệnh, Bệnh viện Hùng Vương giải đáp các thời điểm người phụ nữ cần tầm soát đái tháo đường

 

     5. Nhịn ăn tối thiểu 8 tiếng đồng hồ trước khi xét nghiệm tiểu đường. Nhờ BS chỉ ra, những điều cần lưu ý trước và trong khi xét nghiệm tiểu đường để tránh làm sai lệch kết quả ạ? 

     BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Những lưu ý quan trọng trước và trong khi làm xét nghiệm tiểu đường để đảm bảo kết quả chính xác Người được xét nghiệm cần nhịn ăn tối thiểu 8 giờ. Trong thời gian này, chỉ được uống nước lọc, không dùng sữa, nước ngọt hay nước trái cây. Điều này áp dụng cho cả người bình thường lẫn thai phụ. Đối với thai phụ thực hiện test dung nạp glucose, bác sĩ sẽ đưa chế độ ăn từ tối hôm trước. Khi đến cơ sở y tế, thai phụ sẽ được lấy máu lúc đói, sau đó uống dung dịch glucoseMột số người có thể buồn nôn do vị ngọt, thai phụ có thể vắt thêm chanh để dễ uống. Việc uống đủ lượng đường là điều kiện bắt buộc, nếu nôn ói hoặc uống không đủ, xét nghiệm có thể bị sai lệch.

     6. Dựa trên các chỉ số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh tiểu đường. Các chỉ số xét nghiệm như thế nào cho biết đã mắc bệnh tiểu đường, thưa BS?

     PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trả lời: Các chỉ số xét nghiệm đường huyết có ngưỡng xác định đã mắc bệnh tiểu đường như sau:

- Đường huyết lúc đói ≥ 126 mg/dL

- Đường huyết bất kỳ ≥ 200 mg/dL

- HbA1c ≥ 6.5%

- Đối với phụ nữ mang thai: nếu trong test dung nạp glucose 75g, chỉ cần 1 trong 3 chỉ số (lúc đói, sau 1 giờ, sau 2 giờ) cao hơn mức bình thường thì có thể chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.

     Nếu kết quả chỉ nằm trong vùng cảnh báo chưa đủ để chẩn đoán thì người bệnh sẽ được hướng dẫn thay đổi lối sống và được hẹn tái khám, kiểm tra lại sau 1 - 3 tháng. Điều này giúp theo dõi xu hướng diễn tiến và can thiệp sớm nếu cần. Người bệnh nên lưu trữ kết quả xét nghiệm chính xác, tránh ghi chép sai lệch. Đặc biệt, phụ nữ mang thai cần ghi nhớ 2 mốc xét nghiệm quan trọng: tam cá nguyệt đầu tiên (3 tháng đầu thai kỳ) và tuần thai thứ 24 - 28Nếu bỏ lỡ mốc thời gian này, vẫn có thể làm xét nghiệm thay thế nhưng độ chính xác không cao bằng xét nghiệm đúng thời điểm khuyến cáo.

     7. Cập nhật những tiến bộ của phương pháp điều trị bệnh tiểu đường. Nhờ BS đề cập thêm về các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường hiện nay? Đặc biệt là trên phụ nữ mang thai đã có những tiến bộ ra sao trong điều trị cho nhóm này ạ?  

     PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang trả lời: Hiện nay, việc điều trị đái tháo đường thai kỳ đã được chuẩn hóa và áp dụng rộng rãi tại nhiều cơ sở y tế. Tại Bệnh viện Hùng Vương, đơn vị Quản lý đái tháo đường thai kỳ được thành lập từ năm 2016, ghi nhận nhiều hiệu quả tích cực sau gần 10 năm hoạt động. Trong số đông thai phụ đến khám, hơn 80% đã được điều chỉnh được đường huyết chỉ bằng chế độ ăn và vận động hợp lý trong 2 - 4 tuần. Chế độ ăn khoa học trong một khẩu phần ăn được chia theo tỷ lệ bao gồm:

- 50% là rau xanh;

- 25% đạm (bao gồm thịt, cá, trứng);

- <25% tinh bột (gạo, bánh mì, bún, miến...).

     Ngoài ra, có thể vận động đơn giản như đi bộ 20 - 30 phút mỗi ngày. Trường hợp đường huyết chưa đạt mục tiêu sau 2 - 4 tuần, thai phụ được nhập viện để thiết kế chế độ ăn cá nhân hóa trong 5 - 7 ngày. Chỉ những trường hợp không điều trị ở giai đoạn này mới được chỉ định dùng insulin. Trong quá trình nằm viện, thai phụ và người thân được tư vấn kỹ lưỡng, ghi nhật ký ăn uống để duy trì khi về nhà. Sau sinh, từ 6 - 12 tuần, thai phụ được hẹn làm lại test đường huyết để đánh giá nguy cơ chuyển sang đái tháo đường type 2 hoặc rối loạn chuyển hóa.

     8. Thai phụ điều trị đái tháo đường có ảnh hưởng đến thai nhi

     Trong quá trình mang thai nhiều chị em lo lắng việc điều trị đái tháo đường có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của thai nhi và việc ăn uống sẽ có cách nào giúp cho chị em phụ nữ dễ dàng điều chỉnh hay không ạ?

     BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Thai phụ mắc đái tháo đường không cần lo lắng quá mức. Việc điều trị thường dễ dàng và hiệu quả cao nếu phối hợp tốt với bác sĩ. Thai phụ sẽ được hướng dẫn ghi nhật ký ăn uống và theo dõi đường huyết. Đồng thời, Bệnh viện Hùng Vương sẽ cung cấp mã QR code chứa thực đơn mẫu, hướng dẫn tập luyện, cách để thai phụ tự theo dõi tại nhà.

 

Chủ đề: “Tầm soát đái tháo đường: Ai và khi nào?” được chia sẻ trong chương trình Radar Sản phụ khoa do Bệnh viện Hùng Vương

phối hợp cùng AloBacsi thực hiện, phát sóng định kỳ vào 19h Thứ 4 của tuần 1 và tuần 3 mỗi tháng

 

     9. Thai phụ tiêm insulin có ảnh hưởng đến thai nhi. Nếu như phải tiến hành tiêm insulin thì thai phụ có cần lo lắng cái sự ảnh hưởng thai nhi không ạ?

     BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Trong trường hợp phải tiêm insulin, thai phụ không cần lo lắng. Insulin được dùng khi đường huyết không đạt được mục tiêu sau khi đã điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện. Thai phụ sẽ được tư vấn với bác sĩ dinh dưỡng theo chế độ 1:1 để lên thực đơn riêng phù hợp với nhu cầu năng lượng, thai kỳ. Việc thay đổi cấu trúc bữa ăn, giảm lượng trong 3 bữa chính và bổ sung thêm bữa phụ là một chiến lược đơn giản nhưng hiệu quả.

     10. Phòng ngừa căn bệnh đái tháo đường ở phụ nữ

     Bác sĩ có những lời khuyên dành cho cái việc phòng ngừa căn bệnh đái tháo đường ở phụ nữ nói chung và phụ nữ đang mang thai như thế nào ạ?

     BS.CK2 Nguyễn Thị Anh Phương trả lời: Điều quan trọng là phòng ngừa những nguy cơ có thể xảy ra cho cả mẹ và bé, không nên quá lo sợ hay hoang mang khi được chẩn đoán mắc đái tháo đường thai kỳ. Tỷ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ trên toàn thế giới có xu hướng gia tăng theo thời gian, không hẳn vì số người mắc tăng lên, mà do tiêu chuẩn chẩn đoán đã thay đổi. Từ năm 2010, sau khi thay đổi tiêu chuẩn chẩn đoán, tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ đã tăng từ 3,9% (năm 2004) lên hơn 20% (năm 2017). Vì vậy, thay vì lo lắng các mẹ bầu hãy chủ động đi khám thai, tầm soát định kỳ. Nếu phát hiện có đái tháo đường thai kỳ, bác sĩ sẽ đồng hành, hướng dẫn chế độ ăn uống và vận động phù hợp để kiểm soát tốt đường huyết, bảo vệ sức khỏe của mẹ và sự phát triển của em bé.

 

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác