Chọc ối:
Là phương pháp lấy mẫu nước ối từ người mẹ để làm các xét nghiệm chẩn đoán tiền sản. Từ đó giúp bác sĩ thu thập thông tin sức khỏe cần thiết của thai nhi, xác định thai nhi có mắc phải những bệnh lý rối loạn di truyền như: các bất thường nhiễm sắc thể(cấu trúc và số lượng), bệnh thiếu máu di truyền, bệnh lý nhiễm trùng, các bệnh lý đơn gen…
Quy trình thực hiện thủ thuật chọc ối được mô tả tóm tắt qua các bước như sau:
- Đầu tiên, sản phụ được hướng dẫn nằm trên giường thủ thuật và được thực hiện siêu âm để xác định tình trạng thai, vị trí bánh nhau cũng như xoang ối chỉ định thực hiện thủ thuật. Thông qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ sẽ xác định được vị trí chọc ối an toàn nhất cho thai nhi.
- Sau đó, bác sĩ sẽ sát trùng phần bụng của người mẹ với chất khử khuẩn, trải các săng vô khuẩn nhằm mục đích an toàn cho thủ thuật với mẹ và thai nhi.
- Tiếp theo, bác sĩ sẽ sử dụng một kim dài và mỏng để đâm vào vị trí đã xác định và khử khuẩn trước đó (dưới hướng dẫn của siêu âm), rút một lượng nước ối vừa đủ để làm xét nghiệm (thường từ 15 – 30 ml, không ảnh hưởng đến lượng nước ối kể cả trường hợp sản phụ có ối ít).
- Sau khi lấy đủ lượng nước ối cần thiết, bác sĩ sẽ siêu âm kiểm tra lại tình trạng sức khỏe thai nhi sau thủ thuật.
- Kết thúc thủ thuật, sản phụ sẽ nằm theo dõi tại giường khoảng 30 phút. Nếu không có dấu hiệu gì bất thường, bác sĩ sẽ hướng dẫn sản phụ các thông tin cần nắm sau chọc ối, làm thủ tục rồi về.
Các câu hỏi thường gặp:
1. Kết quả chọc ối có đáng tin cậy không?
- Vì tế bào trong nước ối phần lớn từ thai nhi, việc xét nghiệm nước ối có thể phát hiện các hội chứng di truyền bẩm sinh thường gặp như : Hội chứng Down (Trisomy 21), Edwardss (Trisomy 18), Patau (Trisomy 13) và nhiều hội chứng di truyền khác liên quan đến tình trạng khờ, chậm phát triển trí tuệ, tan máu bẩm sinh – Thalassemia, bất thường hệ thần kinh, tim bẩm sinh … với độ chính xác lên đến 99.9%
2. Khi nào nên tiến hành thủ thuật chọc ối?
- Chọc ối nên được tiến hành từ tuổi thai 16 tuần trở lên, nhằm đảm bảo an toàn cho thai cũng như có đủ lượng tế bào thai cần thiết để làm xét nghiệm.
3. Chọc ối có nguy hiểm gì không?
- Chọc ối cho kết quả có độ chính xác cao, tuy nhiên thủ thuật này có thể khiến mẹ bầu gặp những rủi ro không mong muốn như là:
- Sẩy thai (Theo thống kê, cứ 1000 trường hợp chọc ối có 1 trường hợp có thể dẫn đến sẩy thai tự nhiên, bất kể thai có bất thường gì hay không)
- Ngoài ra, có thể gặp các biến chứng khác như rỉ ối, nhiễm trùng ối, bệnh lây truyền từ mẹ sang thai (Viêm gan siêu vi B, HIV …) nhưng tỷ lệ không cao.
4. Chọc ối có đau không?
- Do đầu kim lấy ối nhỏ và mỏng nên sản phụ chỉ cảm thấy nhói nhẹ khi kim đâm qua thành bụng, tử cung. Mức độ khó chịu khi chọc ối của mỗi mẹ bầu khác nhau tùy cơ địa riêng của mỗi người.
5. Sau khi tiến hành chọc ối, sản phụ nên lưu ý điều gì?
- Để hạn chế những rủi ro sau khi chọc ối, mẹ bầu thường được bác sĩ hướng dẫn sử dụng thuốc dự phòng tránh sẩy thai. Mẹ bầu không được tự ý mua và sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.
- Mẹ bầu không nên quá lo lắng trong khi tiến hành thủ thuật chọc ối. Căng thẳng quá mức sẽ khiến cho quá trình tiến hành thủ thuật trở nên khó khăn hơn, ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.
- Sau thủ thuật, mẹ bầu nên nghỉ ngơi, hoạt động nhẹ nhàng và tránh các tác động đến vùng bụng dưới (bưng vác đồ nặng, leo cầu thang nhiều tầng…) và không nên xoa bụng để tránh kích thích dọa sẩy thai.
- Mẹ bầu nên để ý các biểu hiện lạ. Nếu có dấu hiệu bất thường như ra huyết âm đạo, rỉ ối, đau tức bụng dưới, sốt … mẹ bầu cần thông báo với bác sĩ, hoặc đến trung tâm y tế có cấp cứu sản khoa gần nhất để xác định tình trạng sức khỏe và chăm sóc, điều trị kịp thời.
Bài viết khác
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Hành trình kỳ diệu: Từ giấc mơ đến hồi sinh trẻ sinh non 26 tuần tại Bệnh viện Hùng Vương (10-01-2025)
- Điều trị ngoại trú thai bám vết mổ cũ (10-01-2025)
- Tật đầu nhỏ (10-01-2025)