U xơ – Cơ tử cung - Bệnh viện Hùng Vương

U xơ – Cơ tử cung - Bệnh viện Hùng Vương

U xơ – Cơ tử cung - Bệnh viện Hùng Vương

U xơ – Cơ tử cung - Bệnh viện Hùng Vương

U xơ – Cơ tử cung - Bệnh viện Hùng Vương
U xơ – Cơ tử cung - Bệnh viện Hùng Vương

U xơ – Cơ tử cung

U XƠ - CƠ TỬ CUNG

1. Định nghĩa:

- U xơ – cơ tử cung (TC) là khối u sinh dục thường gặp nhất.

- U xơ cơ TC là các khối u đơn dòng, phát triển từ các sợi cơ tử cung. U là một tân sinh lành tính, gồm các “nguyên bào cơ sợi” (myofibroblasts) sắp xếp vô trật tự.

- Đa phần U xơ cơ TC không có triệu chứng, số ít gây ra xuất huyết tử cung bất thường, đau và chèn ép vùng chậu, cũng có thể ảnh hưởng khả năng sinh sản

- Có thể thấy Uxơ cơ TC ở 3 nhóm vị trí chính:

+ Dưới niêm

+ Trong cơ

+ Dưới thanh mạc

2. Triệu chứng:

Lâm sàng:

- Xuất huyết tử cung bất thường: là triệu chứng thường gặp nhất.

- Đau.

- Chèn ép vùng chậu (niệu quản, bàng quang, trực tràng…).

- Ảnh hưởng sinh sản: giảm khả năng thụ thai, sẩy thai, ảnh hưởng kết cục xấu của thai kỳ: nhau bong non, thai chậm tăng trưởng, sinh non.

- Xoắn và thoái hóa Uxơ cơ TC.

- Khám thấy tử cung to chắc, trường hợp nhân xơ dưới niêm sa ra âm đạo khám có thể nhìn thấy nhân xơ qua đặt mỏ vịt.

Cận lâm sàng:

- Siêu âm là xét nghiệm đầu tay có giá trị chẩn đoán U xơ cơ TC cao, độ nhạy 95-100%.

- Siêu âm Doppler.

- Siêu âm bơm nước lòng tử cung giúp chẩn đoán u xơ dưới niêm hoặc sang thương trong lòng tử cung.

- MRI là phương thức tốt để chẩn đoán phân biệt U xơ cơ TC với các bệnh lý khác (adenomyosis, sarcoma, khối u vùng chậu), cho phép chẩn đoán chính xác vị trí và kích thước.

3. Nguyên nhân:

Nguyên nhân gây ra u xơ – cơ tử cung vẫn chưa được biết rõ. Giả thiết được chấp nhận rộng rãi nhất hiện nay là các tế bào cơ trơn của khối u xơ – cơ tử cung có nguồn gốc từ các tế bào gốc (progenitor cell), và có thể có một mối liên quan với đột biến hay tái cấu trúc gene.

U xơ cơ TC sở hữu những đặc tính sinh học quan trọng. Các thụ thể của estrogen (ER) và của progesterone (PR) được tìm thấy trên các tế bào của U xơ cơ TC. Vì thế, các tế bào của U xơ cơ TC là các tế bào chịu ảnh hưởng của các steroids sinh dục. dưới ảnh hưởng của steroid sinh dục, chúng phát triển với một tốc độ chậm. Khi bị cắt nguồn cung cấp steroid, hầu hết các U xơ cơ TC sẽ có chiều hướng thoái triển.

4. Chẩn đoán

Hầu hết trường hợp U xơ cơ TC đều không biểu hiện triệu chứng và được chẩn đoán tình cờ khi khám phụ khoa và siêu âm vùng chậu. Tuy nhiên cũng có những trường hợp gây triệu chứng rầm rộ trên lâm sàng như xuất huyết tử cung bất thường, đau vùng chậu, thiếu máu...

Chẩn đoán U xơ cơ TC trên khám lâm sàng dựa trên các dấu hiệu thường gặp bao gồm: (1) tử cung to, phát triển chậm (2) xuất huyết tử cung bất thường (rối loạn kinh nguyệt, ra kinh nhiều hoặc kéo dài), (3) đau, căng tức vùng chậu do thoái hóa hay do chèn ép các cơ quan xung quanh gây đi tiểu khó, bí tiểu, táo bón, thận ứ nước, (4) sẩy thai liên tiếp.

Chẩn đoán xác định bằng SA vùng chậu, một số trường hợp khó thì cần chụp MRI chậu

Cần chẩn đoán phân biệt với bệnh tuyến-cơ tử cung (adenomyosis) và sarcoma cơ trơn tử cung (leiomyosarcoma), xuất huyết tử cung bất thường và khối u vùng chậu như u buồng trứng.

5. Điều trị

Không phải tất cả các trường hợp u xơ cơ tử cung đều phải được điều trị. Đối với các u nhỏ không biến chứng chỉ cần theo dõi định kỳ mỗi 3 tháng một lần. Đa số các trường hợp này, u xơ cơ tử cung sẽ teo nhỏ dần sau tuổi mãn kinh.

Có nhiều lựa chọn điều trị cho u xơ cơ tử cung. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào các yếu tố như mong muốn của bản thân, kích thước và vị trí của u xơ.

5.1 Điều trị ngoại khoa:  

Phẫu thuật có chỉ định trong các trường hợp u xơ cơ TC có biến chứng như:

Chèn ép niệu quản gây thận ứ nước, chèn ép bàng quang gây rối loạn tiểu hoặc chèn ép trực tràng

Triệu chứng rong kinh, rong huyết hoặc cường kinh kéo dài điều trị nội tiết không hiệu quả hoặc khi chẩn đoán U xơ cơ TC dưới niêm mạc

Khi khối u được chẩn đoán nằm trong dây chằng rộng

U xơ cơ tử cung phát triển nhanh

Hiếm muộn

Thống kinh nhiều làm gián đoạn các hoạt động bình thường của BN

Khi nghi ngờ bị ung thư hóa

5. 2 Điều trị nội khoa:

Thuốc nội tiết, được dùng đối với các trường hợp u xơ cơ tử cung có biến chứng rối loạn kinh nguyệt mà chưa thể phẫu thuật ngay (bệnh nhân còn quá trẻ tuổi, chưa có con; hoặc đang có một bệnh lý nội ngoại khoa làm tăng nguy cơ khi phẫu thuật chưa được điều trị ổn định…). Điều trị này chỉ có tính chất điều trị triệu chứng, làm giảm rong kinh rong huyết, cường kinh, giảm thống kinh. Thuốc có thể không ngăn chặn được sự phát triển của u xơ, không làm teo khối u xơ cơ tử cung.

Điều trị bằng thuốc bao gồm các lựa chọn sau:

Thuốc tránh thai và các thuốc nội tiết tố khác: thường được sử dụng để kiểm soát chảy máu âm đạo nhiều và đau bụng kinh. Một nhược điểm là phương pháp điều trị này có thể làm cho u xơ tăng kích thước một chút. Đối với một số phụ nữ, lợi ích của việc kiểm soát chảy máu nhiều và đau bằng biện pháp tránh thai nội tiết tố có thể lớn hơn nguy cơ u xơ phát triển.

Đồng vận GnRH: Những loại thuốc này làm ngừng chu kỳ kinh nguyệt và có thể thu nhỏ u xơ. Đôi khi chúng được sử dụng trước khi phẫu thuật để giảm nguy cơ chảy máu. Đồng vận GnRH có nhiều tác dụng phụ, bao gồm mất xương, loãng xương, khô âm đạo và đổ mồ hôi ban đêm. Dùng estrogen hoặc progestin liều thấp giúp giảm các tác dụng phụ này. Điều này được gọi là "liệu pháp bổ sung nội tiết tố. "Đồng vận GnRH thường được sử dụng trong vòng 6 tháng nếu không có liệu pháp bổ sung hoặc 12 tháng với liệu pháp bổ sung. Sau khi ngừng thuốc, u xơ thường trở lại kích thước trước đó.

Đối vận GnRH với liệu pháp bổ sung nội tiết tố: những loại thuốc này có thể được sử dụng để điều trị chảy máu nhiều trong tối đa 2 năm. Chúng không làm u xơ co lại. Thuốc nội tiết tố (liệu pháp bổ sung) giúp giảm tác dụng phụ, bao gồm bốc hỏa và loãng xương.

Dụng cụ tử cung giải phóng progestin (DCTC): phương pháp này dành cho phụ nữ bị u xơ tử cung không làm biến dạng lòng tử cung. Nó làm giảm chảy máu âm đạo nhiều và thống kinh nhưng không làm nhỏ kích thước u xơ cơ tử cung.

Axit tranexamic: Thuốc này được sử dụng để điều trị chảy máu âm đạo nhiều. Nó làm giảm lượng máu kinh nhưng không làm mất chu kỳ kinh.

Nhiều loại thuốc khác đang được nghiên cứu để điều trị u xơ tử cung: Thuốc điều hòa thụ thể progesterone có chọn lọc (SPRMs)

5.3 Điều trị khác:

Thuyên tắc động mạch tử cung là phương pháp xâm lấn tối thiểu, nhằm tạo ra tình trạng thiếu máu nuôi đến khối u xơ-cơ tử cung, với kết cục là gây hoại tử khối này.

Tiêu hủy U xơ cơ TC bằng nhiệt: (RFA) thủ thuật này sử dụng năng lượng nhiệt để thu nhỏ kích thước của u xơ. Dùng đầu dò siêu âm để giúp tìm ra u xơ. Sau đó, 1 kim mỏng được đưa  vào khối u xơ để làm nóng và phá hủy mô u xơ. RFA cũng có thể được thực hiện qua âm đạo hoặc nội soi ổ bụng

Tiêu hủy U xơ cơ TC bằng sóng cao tần: sóng siêu âm được sử dụng để tiêu diệt u xơ. Các sóng được tập trung vào các u xơ dưới sự trợ giúp của hình ảnh cộng hưởng từ.

6. Biến chứng

Hầu hết phụ nữ có U xơ cơ TC nhỏ không có triệu chứng. U xơ cơ TC to, gây chèn ép, gây xuất huyết tử cung bất thường làm cho phụ nữ lo lắng và đến khám phụ khoa.

Xuất huyết tử cung bất thường: là cường kinh, rong kinh và xuất huyết giữa chu kỳ kinh. Mức độ xuất huyết phụ thuộc vào vị trí hơn là kích thước khối u. U xơ cơ TC dưới niêm mạc (L0, L1, L2) dù nhỏ nhưng vẫn có thể gây cường kinh.

Chèn ép: U xơ cơ TC có thể to lên và chèn ép các cơ quan lân cận trong vùng chậu. Chèn ép niệu quản gây thận ứ nước, chèn ép bàng quang gây rối loạn đi tiểu hoặc chèn ép trực tràng gây nên táo bón.

Đau: ít gặp và thường liên quan đến thoái hóa

Thoái hóa là biến chứng cũng thường gặp của U xơ cơ TC. Thoái hóa được phân chia thành nhiều dạng khác nhau như thoái hóa kính, thoái hóa nang, hoại sinh vô khuẩn hoặc hóa vôi.

Hiếm muộn

Các biến chứng liên quan thai kỳ

7. Phòng ngừa:

Có rất ít bằng chứng khoa học về phòng ngừa u xơ cơ tử cung. Ngăn ngừa u xơ tử cung có thể không thực hiện được, nhưng chỉ một tỷ lệ nhỏ các khối u này cần được điều trị.

Tuy nhiên, bằng cách lựa chọn lối sống lành mạnh, chẳng hạn như duy trì cân nặng hợp lý và ăn nhiều trái cây và rau quả, bạn có thể giảm nguy cơ mắc u xơ cơ tử cung.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy rằng sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố có thể làm giảm nguy cơ u xơ tử cung.

8. Liên hệ thực tế tại bệnh viện Hùng Vương

8.1 Điều trị theo dõi: U xơ cơ TC không có triệu chứng

8.2 Điều trị nội tiết:

- Thuốc ngừa thai phối hợp

- Các loại Progestins

- Chất đồng vận GnRH

- Đối vận GnRH

8.3 Điều trị ngoại khoa:

Bóc nhân xơ tử cung là lựa chọn cho các trường hợp u xơ cơ tử cung có chỉ định can thiệp ngoại khoa nhưng bệnh nhân chưa đủ con còn muốn sanh thêm hay bệnh nhân trẻ còn muốn giữ lại tử cung.  Có thể được thực hiện thông qua:

- Phẫu thuật mở bụng hở

- Nội soi ổ bụng

- Nội soi buồng tử cung

Phương pháp được sử dụng phụ thuộc vào vị trí và kích thước của u xơ.

Trong phẫu thuật mở bụng hở, các khối u xơ được loại bỏ thông qua vết mổ hở trên thành bụng.

Trong nội soi ổ bụng, một ống nội soi được đưa vào ổ bụng qua một lỗ rạch nhỏ để xem bên trong ổ bụng . Các dụng cụ khác được đưa vào sau đó để loại bỏ u xơ.

Nội soi buồng tử cung được sử dụng để loại bỏ u xơ nhô vào lòng tử cung. Buồng tử cung được bơm căng bằng một môi trường không điện ly. Dùng dụng cụ cắt đốt đơn cực để cắt từng phần của nhân xơ tử cung cho đến khi cắt trọn khối u.

Phẫu thuật cắt bỏ tử cung: Cắt bỏ tử cung được thực hiện khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả hoặc không thể thực hiện được hoặc u xơ rất lớn. Có thể cắt bỏ buồng trứng hoặc không. Tử cung có thể được cắt bỏ qua mở bụng hở, nội soi ổ bụng hoặc qua ngả âm đạo. Phương pháp được lựa chọn phụ thuộc vào kích thước của u xơ tử cung.

8.4 Điều trị khác: Tiêu hủy U xơ cơ TC bằng nhiệt (RFA)

BS Phạm Thị Yến

(Khoa Phụ ngoại – Ung bướu cung cấp)

Cập nhật 10/5/2023

Vui lòng đánh giá mức độ hài lòng

Bài viết khác