VAI TRÒ CỦA DINH DƯỠNG TRONG THAI KỲ
Dinh dưỡng trong thai kỳ là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo sức khoẻ của bà mẹ, sự lớn lên và phát triển của thai nhi. Nhu cầu dinh dưỡng trong giai đoạn này cần cao hơn so với trước mang thai và gắn liền với sự phát triển của trẻ.
Mọi ảnh hưởng của người mẹ, mọi sự thiếu hụt dinh dưỡng cũng như bệnh tật của người mẹ đều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Khi người mẹ mắc bệnh hoặc có vấn đề bất thường trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú, ngoài việc điều trị bằng thuốc thì vai trò của dinh dưỡng cũng rất quan trọng vì nó không những ảnh hưởng tức thời đến trẻ mà còn ảnh hưởng tới vấn đề sức khỏe của trẻ lâu dài.
1. Đối với sự phát triển của thai nhi:
- Liên quan đến cân nặng khi sinh của trẻ:
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối trong thời kỳ mang thai sẽ đảm bảo cho thai nhi tăng cân tốt, kể cả con của các bà mẹ bị suy dinh dưỡng trước khi mang thai. Ngược lại, nếu thai phụ có chế độ ăn thiếu dinh dưỡng sẽ tăng nguy cơ sinh con non tháng, nhẹ cân.
- Liên quan đến một số dị tật bẩm sinh của trẻ:
Khi mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu nếu thai phụ không được cung cấp đủ dinh dưỡng sẽ bị giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm từ đó có thể để lại các khuyết tật cho trẻ như tim bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch,...Thiếu axit folic là nguyên nhân chính gây dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh. Việc cung cấp đủ acid folic cho mẹ trước và trong thời gian mang thai sẽ làm giảm được khoảng 50% khuyết tật này ở trẻ.
- Liên quan đến sự phát triển trí não của trẻ:
Quá trình phát triển bộ não cần rất nhiều dưỡng chất như axit folic, vitamin B6, B12, mangan, đồng, iod, vitamin D, cholin, sắt và kẽm… Đặc biệt ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, não bộ tăng trưởng và phát triển nhanh nhất. Vì vậy, cần cung cấp đủ nhu cầu năng lượng và các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho thai phụ.
- Liên quan đến một số bệnh mạn tính không lây:
Thiếu dinh dưỡng trong từng giai đoạn thai kỳ liên quan đến một số bệnh mạn tính khác nhau. Mẹ thiếu dinh dưỡng vào đầu thai kỳ, trẻ sinh ra có nguy cơ béo phì và bệnh tim mạch cao khi trưởng thành. Ngược lại, mẹ thiếu dinh dưỡng vào cuối thai kỳ, trẻ sinh ra sẽ tăng nguy cơ rối loạn khả năng dung nạp đường.
2. Đối với sức khỏe của người mẹ:
- Tăng cân hợp lý trong thai kỳ: mức tăng cân sẽ phụ thuộc vào từng giai đoạn và tình trạng dinh dưỡng của người mẹ trước khi mang thai. Nếu người mẹ tăng cân ít trong thai kỳ dễ có nguy cơ sinh con nhẹ cân, thiếu vi chất (thiếu sắt, thiếu máu, canxi...). Nếu mẹ tăng cân quá mức trong thai kỳ sẽ tăng nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ.
- Góp phần hạn chế một số tai biến sản khoa cho mẹ như: nguy cơ sẩy thai, thai lưu, khó sinh, sinh non/ nhẹ cân và một số tai biến khác.
- Tăng khả năng tạo sữa sau sinh của người mẹ: Dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ giúp mẹ tăng cân hợp lý và dự trữ đủ các chất dinh dưỡng cho việc tạo sữa sau sinh. Thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ thai phụ sẽ không đảm bảo số lượng sữa và chất lượng sữa cho sự phát triển toàn diện của bé.
- Giảm nguy cơ mắc một số bệnh cho mẹ: thiếu máu do thiếu folate hay thiếu sắt, thiếu kẽm và một số bệnh lý khác liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp…
- Dinh dưỡng hợp lý có thể làm giảm một số vấn đề thường gặp khi mang thai: buồn nôn, nôn (do thiếu vitamin B6); rối loạn tiêu hoá (do thực phẩm khó tiêu hoặc không an toàn); táo bón (liên quan đến ăn thiếu chất xơ, uống không đủ nước), chuột rút (do thiếu canxi)…
3. Tại bệnh viện Hùng Vương:
Thai phụ đến thăm khám tại bệnh viện Hùng Vương có các vấn đề dinh dưỡng như suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì trước khi mang thai hoặc được chẩn đoán bệnh lý kèm theo liên quan đến dinh dưỡng (đái tháo đường, tăng huyết áp, nghén nặng, thiếu máu dinh dưỡng, bệnh lý đường tiêu hóa, ...) sẽ được chỉ định đến khám tại Phòng khám – tư vấn dinh dưỡng.
Tại Phòng khám – tư vấn dinh dưỡng, thai phụ sẽ được:
- Khảo sát khẩu phần ăn 24 giờ: do Dinh dưỡng viên thực hiện, thai phụ được khảo sát về số lượng, khối lượng thực phẩm đã sử dụng trong ngày, từ đó Dinh dưỡng viên sẽ đánh giá được mức năng lượng đã tiêu thụ hàng ngày của thai phụ.
- Khám – tư vấn chế độ dinh dưỡng: do Bác sĩ dinh dưỡng thực hiện, thai phụ sẽ được khám và đánh giá tình trạng dinh dưỡng, từ đó Bác sĩ dinh dưỡng sẽ lập kế hoạch theo dõi tình trạng dinh dưỡng phù hợp với thể trạng cũng như tình trạng bệnh lý (nếu có) của thai phụ trong suốt thời gian mang thai.
Phạm Ngọc Khánh - Dinh dưỡng Tiết chế
Cập nhật: 03/3/2023
Bài viết khác
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Hành trình kỳ diệu: Từ giấc mơ đến hồi sinh trẻ sinh non 26 tuần tại Bệnh viện Hùng Vương (10-01-2025)
- Điều trị ngoại trú thai bám vết mổ cũ (10-01-2025)
- Tật đầu nhỏ (10-01-2025)