Viêm não tự miễn là một dạng viêm não xảy ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động bất thường dẫn đến nhầm lẫn và tự tấn công các tế bào não bình thường của cơ thể liên quan đến các tự kháng thể chống lại bề mặt tế bào thần kinh hoặc khớp nối thần kinh, từ đó gây nên các triệu chứng thần kinh và tâm thần.
Viêm não tự miễn có nhiều loại khác nhau liên quan đến các kháng thể tự miễn khác nhau, trong đó thường gặp nhất là viêm não tự miễn kháng thụ thể NMDA (NMDA- N methyl D aspartate).. Đây là một bệnh lý hiếm gặp, khó nhận biết để chẩn đoán vì vậy dễ chẩn đoán nhầm đặc biệt với các bệnh lý tâm thần hoặc sa sút trí tuệ, dẫn đến việc điều trị sai cách. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao
1. Kháng thể là gì?
Kháng thể là một thành phần quan trọng của hệ thống phòng thủ của cơ thể. Kháng thể có vai trò miễn dịch trong cơ thể con người. Tất cả những người khỏe mạnh đều tạo ra kháng thể để chống lại virus, vi khuẩn và khối u. Bình thường, cơ thể không sản xuất ra kháng thể chống lại tế bào của cơ thể. Ở một số ít trường hợp, cơ thể sản xuất kháng thể tấn công các tế bào của chính mình dẫn đến bệnh lý được gọi là "tự miễn”.
2. Thế nào là viêm não tự miễn?
Viêm não do kháng thể kháng thụ thể NMDA có thể liên quan đến một khối u, thường là u quái của buồng trứng (khối u này có thể chứa nhiều loại mô cơ thể khác nhau bao gồm cả mô não). Có khoảng 80% bệnh nhân bị viêm não kháng thụ thể NMDA là phụ nữ. Các khối u được phát hiện ở khoảng 50% bệnh nhân nữ bị viêm não kháng thụ thể NMDA, trong đó 96% là u quái buồng trứng, ngoài ra còn có thể gặp các khối u khác. Ở nam giới có thể gặp U tinh hoàn. Các loại khối u khác có liên quan đến viêm não kháng thể thụ thể NMDA bao gồm ung thư phổi, khối u của tuyến giáp, ung thư vú, ung thư ruột kết và u nguyên bào thần kinh.
Vai trò của khối u trong sự phát triển của bệnh viêm não kháng thể kháng thụ thể NMDA vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Tuy nhiên, tất cả các khối u liên quan đến viêm não kháng thụ thể NMDA đều chứa mô thần kinh (mô chứa các tế bào giống hệt với các tế bào được tìm thấy trong não) và các thụ thể NMDA. Người ta cho rằng ban đầu các kháng thể được hình thành để chống lại các thụ thể NMDA có trong khối u và sau đó chúng tấn công các thụ thể trông tương tự trong não, tạo ra các triệu chứng và dấu hiệu liên quan đến viêm não kháng thể kháng thụ thể NMDA.
3. Các triệu chứng chính của viêm não tự miễn là gì?
Các triệu chứng giống như cúm; Khó ngủ; Suy giảm khả năng nói - bệnh nhân không còn khả năng tạo ra ngôn ngữ mạch lạc hoặc có thể hoàn toàn không thể giao tiếp; Các cơn động kinh; Rối loạn nhận thức hoặc hành vi - suy nghĩ nhầm lẫn, ảo giác, suy nghĩ ảo tưởng; Suy giảm trí nhớ, bao gồm mất trí nhớ ngắn hạn; Rối loạn ý thức; Thị lực và/hoặc thính giác cũng có thể bị ảnh hưởng. Rối loạn vận động - thường là ở tay và chân, miệng và lưỡi, nhưng có thể bao gồm co thắt toàn thân.
Đại đa số bệnh nhân gặp phải sự kết hợp của các triệu chứng và dấu hiệu trên. Các triệu chứng này có thể dao động trong quá trình của bệnh. Trong một số trường hợp hiếm (> 5%), các triệu chứng duy nhất của viêm não kháng thể kháng thụ thể NMDA là các triệu chứng tâm thần (ảo giác, rối loạn tâm trạng, mê sảng).
4. Chẩn đoán viêm não tự miễn
Với tất cả các bệnh nhân nghi ngờ với các biểu hiện rối loạn tâm thần, suy giảm trí nhớ, rối loạn nhận thức, co giật,… tiến triển trong vài tuần đến vài tháng cần thực hiện phương pháp chẩn đoán hình ảnh (cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ) ngực, bụng và xương chậu kiểm tra sự hiện diện của khối u.... Ở phụ nữ cũng nên siêu âm buồng trứng, và nam giới nên siêu âm tinh hoàn, chụp MRI sọ não, điện não đồ, chọc dò dịch não tủy, xét nghiệm kháng thể NMDA trong máu hoặc dịch não tủy của bệnh nhân để chẩn đoán. Các chuyên gia cũng khuyến cáo với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ tuổi từ 25 - 35 nên đi khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm u quái buồng trứng
5. Điều trị viêm não tự miễn
Với viêm não tự miễn việc điều trị rất khó khăn phức tạp, chi phí rất cao từ hàng trăm triệu cho đến hàng tỷ đồng nếu bệnh nhân đã rơi vào tình trạng nặng. Bệnh có thể dẫn đến tử vong vì ngừng tim hoặc nhiễm trùng do nằm lâu hoặc tác dụng phụ của thuốc. Phục hồi thường chậm và có thể mất vài tháng hoặc thậm chí vài năm. Tái phát có thể xảy ra ở 14 đến 25% bệnh nhân.
Điều trị viêm não tự miễn, ngoài việc sử dụng các liệu pháp miễn dịch như corticoid liều cao, truyền imunoglobulin, thay huyết tương hay các thuốc ức chế miễn dịch thì việc loại bỏ nguyên nhân gây nên viêm não tự miễn trong trường hợp này là loại bỏ khối u là rất cần thiết, giúp điều trị nhanh khỏi bệnh hơn và ít tái phát hơn
*** Khi có những dấu hiệu của viêm não tự miễn, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín khám và điều trị sớm, tránh để lâu khó điều trị và gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bài viết khác
- Các hình thức thanh toán (22-06-2023)
- Hướng dẫn tra cứu hóa đơn điện tử (20-12-2024)
- Đón xem Radar Sản phụ khoa số 21: Ngừa thai khẩn cấp và tránh thai hằng ngày - Như thế nào là đúng? (17-12-2024)
- Đăng ký trực tiếp theo số thứ tự tại bệnh viện (07-11-2022)
- Khám đặt hẹn - Khám chuyên gia (07-11-2022)